Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp năm 2014 được đánh giá là những văn bản luật có nhiều điểm mới, đột phá, tạo kỳ vọng xây dựng được một môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, để Luật có thể đi vào cuộc sống thì cần ban hành hàng loạt văn bản hướng dẫn từ cấp nghị định đến thông tư, cùng các quyết định.

Thời gian xử lý hồ sơ đăng ký doanh nghiệp giảm xuống còn 2,9 ngày đối với đăng ký thành lập mới, 2,7 ngày đối với đăng ký thay đổi

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư có hiệu lực từ ngày 01/7/2015, bước đầu mang lại kết quả tích cực. Thời gian xử lý hồ sơ đăng ký doanh nghiệp giảm xuống còn 2,9 ngày đối với đăng ký thành lập mới, 2,7 ngày đối với đăng ký thay đổi, nhờ đó giảm hơn nửa triệu ngày chờ đợi cho doanh nghiệp.

Những cải cách mạnh mẽ của 2 luật đã được các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới ghi nhận trên các chỉ tiêu Khởi sự kinh doanh và Bảo vệ nhà đầu tư. Mới đây, chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2015 cũng ghi nhận đăng ký thành lập doanh nghiệp có bước tiến lớn nhất và có điểm số cao nhất trong vòng 11 năm điều tra PCI.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy còn 3 vướng mắc chính phát sinh trong thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư.

Một là, vướng mắc do có sự khác nhau, không tương thích, không phù hợp giữa quy định của Luật Đầu tư, Nghị định 118/2015/NĐ-CP và các luật, văn bản pháp luật liên quan khác trong thực hiện các thủ tục đầu tư.

Thứ hai, vướng mắc trong tập hợp, rà soát và cải cách các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh theo yêu cầu của Luật Đầu tư. Trong đó, việc soạn thảo các nghị định có liên quan về điều kiện đầu tư kinh doanh thay thế các thông tư, quyết định của các bộ hết hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016 còn chậm; chưa ban hành các điều kiện đầu tư kinh doanh đối với 15/16 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (hiện chỉ có Nghị định về điều kiện kinh doanh sản phẩm amiăng trắng thuộc nhóm Serpentine), từ đó, có nguy cơ tạo “khoảng trống pháp lý”.

Thứ ba, vướng mắc phát sinh trong việc thực hiện thủ tục, nghiệp vụ chấp thuận chủ trương, đăng ký dự án đầu tư và đăng ký doanh nghiệp.

Theo tổng hợp của Văn phòng Chính phủ, hiện có 13 nghị định quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh ở các lĩnh vực công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn, tài nguyên môi trường, thông tin truyền thông và xây dựng cần được ban hành. Đến thời điểm tháng 05/2016, 8 dự thảo nghị định đã được Bộ Tư pháp thẩm định, đủ điều kiện trình Chính phủ.

Trước sự lo ngại của cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia về việc không thể ban hành kịp các văn bản hướng dẫn trước mốc 01/07/2016, Người phát ngôn của Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định rằng, không phải bây giờ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mới quan tâm chỉ đạo việc thi hành Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp.

Ngay sau khi hai Luật này được Quốc hội thông qua vào tháng 11/2014, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sát sao công tác thi hành luật, đặc biệt là việc xây dựng các văn bản quy định chi tiết thi hành 02 Luật này.

Do vậy, đến nay, hệ thống các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật đã cơ bản được hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc bảo đảm thi hành 02 Luật này kể từ ngày 01/07/2015.

Tuy nhiên, một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục thực hiện và hoàn thành trước ngày 1/7/2016 là phải rà soát các văn bản quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh được ban hành trước ngày 01/07/2015 không phù hợp với thẩm quyền quy định tại Luật Đầu tư để xem xét loại bỏ hoặc sửa đổi các điều kiện không cần thiết, bất hợp lý, gây cản trở hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, đồng thời đề xuất Chính phủ ban hành nghị định thay thế các văn bản này theo đúng thẩm quyền.

Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng, nhằm bảo đảm thực hiện nhất quán, đồng bộ những cải cách của 02 Luật này, tránh tạo ra khoảng trống pháp lý, gây rủi ro, đình trệ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Vì vậy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, cơ quan theo lĩnh vực được phân công quản lý, rà soát các Thông tư, Quyết định của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ có quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh để tổng hợp, xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, trình Chính phủ ban hành trước ngày 01/7/2016, bảo đảm phù hợp với Luật đầu tư. Đây là hành động quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động đầu tư, kinh doanh và sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp.

17 bộ, ngành quản lý về điều kiện kinh doanh đã chủ động đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng trong soạn thảo các văn bản, phối hợp, tổ chức lấy ý kiến tham gia, thẩm định, thẩm tra, trình dự thảo văn bản.

Hiện tại, một số Nghị định đã được ban hành, các nghị định còn lại đang được gấp rút, tập trung nguồn lực để hoàn thiện các khâu cuối cùng trước khi trình Chính phủ.

Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động theo dõi, phối hợp chặt chẽ ngay từ đầu với cơ quan chủ trì soạn thảo, nghiên cứu và xử lý kịp thời các vướng mắc, tập trung nhân lực, rút ngắn tối đa thời gian thẩm định, thẩm tra, chú trọng bảo đảm chất lượng văn bản.

Đồng thời, Văn phòng Chính phủ và Bộ Tư pháp đã chủ động, thường xuyên tổ chức các cuộc họp với các Bộ để giải quyết những khó khăn vướng mắc và các vấn đề còn ý kiến khác nhau, cùng các Bộ tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo, bảo đảm tiến độ ban hành văn bản quy phạm pháp luật nói trên.

“Với quyết tâm cao và chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của các bộ, ngành, tin tưởng rằng, các văn bản quy phạm pháp luật thi hành Luật đầu tư và Luật Doanh nghiệp sẽ được ban hành đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng”, Người phát ngôn của Chính phủ khẳng định.

Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, tất cả các Nghị định về điều kiện kinh doanh phải được ban hành trước thời điểm 1/7/2016, không để chậm trễ, không để còn nợ đọng sau ngày 1/7, không để xuất hiện “khoảng trống pháp luật”.

Đồng thời, phải bảo đảm chất lượng các văn bản này bằng các giải pháp như các bộ, ngành trực tiếp làm việc, thảo luận với nhau để gỡ vướng mắc. Bên cạnh đó, thực hiện ban hành theo thủ tục quy trình rút gọn nhưng phải bảo đảm công khai, minh bạch, lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động. Sau khi ban hành, những điểm nào không phù hợp với thực tiễn thì phải sửa đổi kịp thời.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Nghị quyết số 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, kiên quyết loại bỏ các điều kiện kinh doanh bất hợp lý, không cần thiết.

Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh phải rõ ràng, minh bạch, đơn giản hóa tiền kiểm, tăng cường hậu kiểm và giao dịch qua môi trường mạng internet để tạo thuận lợi cho phát triển, chống tiêu cực, nhũng nhiễu./.