Chấn chỉnh thực hiện Quy chế làm việc của Chính phủ

Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản yêu cầu chấn chỉnh thực hiện Quy chế làm việc của Chính phủ.

Để tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong việc thực hiện Quy chế làm việc của Chính phủ, nâng cao tinh thần trách nhiệm của các bộ, cơ quan trong việc tham gia, phối hợp giải quyết công việc và thực hiện Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1. Về việc tham dự các phiên họp, cuộc họp

a) Đối với phiên họp Chính phủ thường kỳ

- Các thành viên Chính phủ dành thời gian tham dự đầy đủ các nội dung theo Chương trình, tham gia quyết nghị đầy đủ đối với những vấn đề Chính phủ thảo luận.

- Để tiết kiệm thời gian và tập trung thảo luận, quyết nghị các vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, thành viên Chính phủ được phân công trình nội dung tại phiên họp phải chuẩn bị Báo cáo tóm tắt, trình bày ngắn gọn, rõ ràng các vấn đề cơ bản của báo cáo, đề án và các vấn đề cần xin ý kiến (nếu có). Các thành viên Chính phủ tham gia thảo luận ngắn gọn, cụ thể, đúng vấn đề, thể hiện rõ quan điểm đồng ý hay không đồng ý đối với nội dung thảo luận, xin ý kiến.

- Các Bộ, cơ quan chủ trì trình Báo cáo, đề án phải chuẩn bị tài liệu khẩn trương, gửi Văn phòng Chính phủ trước khi họp ít nhất 3 ngày. Các thành viên Chính phủ tiếp tục duy trì việc sử dụng tài liệu phiên họp được gửi qua hộp thư điện tử công vụ của Chính phủ.

- Văn phòng Chính phủ gửi giấy mời điện tử đồng thời với văn bản giấy các phiên họp Chính phủ thường kỳ từ tháng 6/2016, tiến tới thực hiện chỉ gửi giấy mời điện tử tất cả các cuộc họp, hội nghị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

b) Đối với cuộc họp của Thường trực Chính phủ, cuộc họp do Thủ tướng, Phó Thủ tướng chủ trì: Lãnh đạo bộ, cơ quan dự đúng thành phần được mời, không cử người không đủ thẩm quyền dự họp. Khi được yêu cầu, người dự họp phải có quan điểm tham mưu, ý kiến đề xuất về nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của bộ, cơ quan mình. Ý kiến của người dự họp là ý kiến chính thức của bộ, cơ quan và là cơ sở để người chủ trì xem xét, kết luận về nội dung họp.

Trong trường hợp cần thiết, lãnh đạo bộ, cơ quan dự họp chỉ được cử thêm một công chức của bộ, cơ quan cùng dự và phải cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân của công chức dự họp cho Văn phòng Chính phủ biết trước ít nhất 01 ngày.

c) Đối với cuộc họp Ban Chỉ đạo, Ủy ban, Hội đồng liên ngành do Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì: Thành viên Ban Chỉ đạo, Ủy ban, Hội đồng khi được mời họp phải tham dự đúng thành phần và tham gia có trách nhiệm đối với công việc chung của Ban, Ủy ban, Hội đồng.

Trường hợp đặc biệt không tham dự được phải báo cáo Thủ tướng hoặc Phó Thủ tướng chủ trì cuộc họp và ủy quyền cho người có đủ thẩm quyền dự thay nếu được Thủ tướng, Phó Thủ tướng đồng ý.

d) Văn phòng Chính phủ theo dõi, quản lý chặt chẽ thành phần dự các phiên họp, cuộc họp; bảo đảm bảo mật thông tin, tài liệu, đặc biệt là các cuộc họp Thường trực Chính phủ; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc sử dụng tài liệu, hạn chế việc sử dụng văn bản giấy tại phòng họp, nhất là phiên họp Chính phủ thường kỳ; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ các phiên họp, cuộc họp.

2. Về việc thực hiện Chương trình công tác:

a) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan tập trung chỉ đạo chuẩn bị các đề án trong Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; chủ động thực hiện các quy trình, bảo đảm chất lượng và tiến độ trình các đề án theo kế hoạch.

- Khi trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến về các đề án trước khi trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội phải trình đồng thời dự thảo chương trình hành động, kế hoạch triển khai của Chính phủ (nếu có).

- Khi trình Chính phủ các dự án luật, pháp lệnh phải trình đồng thời kế hoạch và dự thảo các Nghị định quy định chi tiết thi hành (nếu có).

- Khi trình Chính phủ ban hành Nghị định phải báo cáo về kế hoạch ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định (nếu có).

- Khi xin rút đề án khỏi Chương trình công tác hoặc điều chỉnh tiến độ đã đăng ký phải giải trình rõ lý do, báo cáo Thủ tướng Chính phủ; chỉ xin rút, xin điều chỉnh tiến độ trình đề án do nguyên nhân khách quan; không đăng ký lại đối với các đề án đã xin rút khỏi chương trình.

- Không trình Thủ tướng Chính phủ giải quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền xử lý của các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Văn phòng Chính phủ chuyển trả lại các Bộ, cơ quan các vấn đề không thuộc phạm vi thẩm quyền giải quyết của Thủ tướng Chính phủ theo đúng Quy chế làm việc của Chính phủ.

b) Văn phòng Chính phủ theo dõi, thống kê chi tiết kết quả thực hiện Chương trình công tác của từng bộ, cơ quan, báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ hàng tháng.

3. Về thực hiện các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

a) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan chỉ đạo, phân công, đôn đốc, kiểm tra thường xuyên việc thực hiện các nhiệm vụ, công việc do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; bảo đảm thực hiện đúng tiến độ, chất lượng các nhiệm vụ, công việc; khẩn trương khắc phục tình trạng chậm triển khai văn bản, ý kiến chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Cập nhật đầy đủ, liên tục kết quả thực hiện nhiệm vụ vào Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu theo dõi đã được kết nối liên thông giữa Văn phòng Chính phủ với các Bộ, cơ quan, địa phương.

b) Văn phòng Chính phủ tiếp tục theo dõi về tình hình thực hiện nhiệm vụ, công việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ, cơ quan, địa phương; báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ hàng tháng.

4. Về công tác phối hợp

a) Ngoài chức năng, nhiệm vụ của người đứng đầu Bộ, cơ quan, các thành viên Chính phủ phải xác định rõ và thực hiện trách nhiệm của thành viên Chính phủ, dành thời gian thỏa đáng trong việc tham gia giải quyết các nhiệm vụ của thành viên Chính phủ, các hoạt động chung của Chính phủ; tham gia đầy đủ, có trách nhiệm đối với các Ủy ban, Hội đồng, Ban soạn thảo mà mình là thành viên.

b) Các phiếu xin ý kiến thành viên Chính phủ được Văn phòng Chính phủ gửi đến, thành viên Chính phủ cần nghiên cứu, cho ý kiến nghiêm túc, gửi lại Văn phòng Chính phủ đúng thời hạn theo Quy chế (07 ngày). Trường hợp quá hạn mà không có ý kiến thì thành viên Chính phủ phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ về vấn đề được hỏi.

c) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan cần tăng cường trách nhiệm trong các hoạt động phối hợp, đặc biệt là trong giải quyết các vấn đề liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực. Bộ, cơ quan được hỏi ý kiến phải trả lời đầy đủ, đúng hạn, rõ quan điểm đối với các vấn đề do Bộ, cơ quan khác hỏi ý kiến.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thực hiện nghiêm chỉnh các chỉ đạo nói trên và triển khai nghiêm túc, thiết thực các vấn đề có liên quan trong bộ, cơ quan để bảo đảm thực hiện đồng bộ, hiệu quả.

Kiểm tra thông tin trạm thu phí Mỹ Lộc - Nam Định tăng phí

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Văn phòng Chính phủ đề nghị Bộ Giao thông vận tải kiểm tra, làm rõ thông tin đăng trên báo Lao động phản ánh trạm thu phí Mỹ Lộc - Nam Định tăng phí.

Trước đó, báo Lao Động số ra ngày 6/6/2016 có bài "Cãi" Phó Thủ tướng, BOT Mỹ Lộc - Nam Định tăng phí", phản ánh:...trạm thu phí Mỹ Lộc - Nam Định thuộc Công ty cổ phần Tasco đã tiến hành tăng phí từ ngày 1/6 với 3 trong 5 loại phương tiện lưu thông qua trạm...Việc trạm BOT này tăng phí vào thời điểm hiện nay khiến nhiều người dân không khỏi bức xúc bởi cách đây chưa đầy 1 tuần cả Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ lẫn Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường đều khẳng định đã bác bỏ đề xuất xin tăng phí và đảm bảo sẽ duy trì mức phí hiện tại đến hết năm.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Văn phòng Chính phủ đề nghị Bộ Giao thông vận tải kiểm tra, làm rõ thông tin bài báo trên nêu và phối hợp với đơn vị liên quan xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật hiện hành, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trước ngày 8/6/2016.

Cấp hóa chất phòng, chống dịch bệnh thủy sản cho 3 tỉnh

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuất cấp hoá chất sát trùng dự trữ quốc gia cho các tỉnh: Kiên Giang, Nghệ An, Hà Tĩnh để phòng, chống dịch bệnh thủy sản.

Cụ thể, xuất cấp cho tỉnh Kiên Giang 30 tấn hóa chất Sodium Chlorite 20% và 20 tấn hóa chất Chlorine 65% min; tỉnh Nghệ An 20 tấn hóa chất Chlorine 65% min; tỉnh Hà Tĩnh 50 tấn hóa chất Chlorine 65% min.

Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban nhân dân các tỉnh: Kiên Giang, Nghệ An, Hà Tĩnh tiếp nhận, quản lý và sử dụng số hoá chất nêu trên theo đúng quy định hiện hành.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, các đơn vị chức năng của tỉnh đã phối hợp với địa phương khuyến cáo, hướng dẫn nông dân các biện pháp kỹ thuật để khắc phục hơn 13.429 ha tôm nuôi đã bị thiệt hại do nắng hạn kéo dài, nồng độ mặn trong ao đầm quá cao và dịch bệnh phát sinh gây hại thời gian qua.

Ngoài việc tập trung chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh trên đàn tôm nuôi đang trong giai đoạn phát triển để thu hoạch thì chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện, đảm bảo an toàn cho việc thả giống đợt mới khi thời tiết thuận lợi, môi trường, nguồn nước ổn định.

Còn tại tỉnh Hà Tĩnh, từ ngày 11/4 - 20/5 xảy ra hiện tượng tôm, cua nuôi chết với phạm vi ảnh hưởng khoảng 328,16 ha, trong đó có 304,16 ha tôm nuôi, tôm nuôi xen cua có tôm chết do dịch bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp tính (chủ yếu ở huyện Kỳ Anh chiếm 39,7% và TX Kỳ Anh chiếm 58% tổng diện tích bị bệnh toàn tỉnh); có 24 ha cua nuôi bị chết đang chờ kết quả xét nghiệm.

Ngay từ trước vụ nuôi và khi dịch bệnh tôm xảy ra, UBND tỉnh, ngành chuyên môn đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, cảnh báo, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống, kịp thời trích ngân sách tỉnh mua hóa chất xử lý, khử trùng các vùng bị dịch bệnh.

Chuyển 8 đơn vị sự nghiệp công lập tỉnh Sơn La thành công ty cổ phần

Thủ tướng Chính phủ đồng ý chuyển 8 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh Sơn La thành công ty cổ phần giai đoạn 2016-2020.

8 đơn vị trên gồm Trung tâm Đăng kiểm cơ giới thủy bộ; Ban Quản lý bến xe khách tỉnh Sơn La; Trung tâm Phát hành sách và vật tư văn hóa; Trung tâm Quy hoạch và thiết kế kỹ thuật nông, lâm nghiệp; Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản; Trung tâm Kỹ thuật tài nguyên môi trường; Nhà khách UBND tỉnh Sơn La và Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ.

UBND tỉnh Sơn La là cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại các công ty cổ phần.

Thủ tướng Chính phủ ủy quyền Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La phê duyệt phương án cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập trên, quyết định tỷ lệ nhà nước nắm giữ cổ phần và triển khai các công việc liên quan theo quy định hiện hành.

Chuyển mục đích sử dụng đất tại tỉnh Thanh Hóa

Thủ tướng Chính phủ đồng ý UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định chuyển mục đích sử dụng 13,18 ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nêu trên theo đúng quy định tại Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 và số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ./.