Nghị định 89: Vẫn chưa khắc phục hết các bất cập của NĐ67

Để hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ thép, tàu lớn đánh bắt cá xa bờ, ngay từ năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản. Tuy nhiên, sau 1 năm thực hiện, Nghị định số 67 đã bộc lộ nhiều bất cập, chưa đạt được như kỳ vọng.

Nguyên nhân khiến ngư dân chưa mặn mà là do nguồn vốn lớn, các cơ sở hậu cần cho nghề cá xa bờ chưa đảm bảo. Thêm vào đó, ngư dân còn khá lúng túng với trình tự, thủ tục đăng ký, các khâu thẩm định dự án đóng tàu…

Để khắc phục bất cập của Nghị định 67, ngày 7/10/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 89/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67. Cụ thể, chủ tàu được thực hiện một hoặc nhiều nội dung: Thay máy tàu; gia cố bọc vỏ thép; bọc vỏ vật liệu mới; mua ngư lưới cụ, trang thiết bị hàng hải, trang thiết bị khai thác, máy móc trang thiết bị bảo quản sản phẩm, trang thiết bị bốc xếp hàng hóa. Đồng thời, bổ sung trường hợp đóng mới tàu vỏ vật liệu mới vào diện được hưởng chính sách tín dụng như tàu vỏ thép. Thời hạn cho vay hỗ trợ lãi suất được bổ sung thêm nội dung 16 năm đối với đóng mới tàu vỏ thép hoặc vỏ vật liệu mới.

Đặc biệt, Nghị định 89 bổ sung nội dung mới của Điểm c, Khoản 1, Điều 4 của Nghị định 67, đó là: "Đối với trường hợp gia cố bọc vỏ thép; bọc vỏ vật liệu mới; mua ngư lưới cụ, trang thiết bị hàng hải, trang thiết bị khai thác, máy móc trang thiết bị bảo quản sản phẩm, trang thiết bị bốc xếp hàng hóa: Chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 70% tổng giá trị nâng cấp với lãi suất 7%/năm, trong đó, chủ tàu trả 3%/năm, ngân sách Nhà nước cấp bù 4%/năm".

Nghị định 89 cũng quy định rõ: "Tàu cá đóng mới phải sử dụng máy thủy mới; trường hợp nâng cấp máy tàu có thể sử dụng máy thủy mới hoặc máy thủy đã qua sử dụng theo quy định". Nghị định 89 cũng cho thí điểm cơ chế hỗ trợ một lần sau đầu tư.

Có thể nói, Nghị định 89 đã mở rộng phạm vi, nội dung, đối tượng được vay vốn đóng tàu vỏ thép, tàu công suất lớn.

Tuy nhiên, những điều chỉnh đó mới chỉ giải quyết được một phần những vướng mắc mà ngư dân gặp phải như đã nói ở phần trên. Thực tế, đã có một số tàu vỏ thép được ngư dân trả lại cho nhà máy do đánh bắt không hiệu quả mà nguyên nhân chính là do thiết kế tàu không phù hợp với ngành nghề của ngư dân.

Điều đó cũng cho thấy, cần phải thiết kế nhiều mẫu tàu phù hợp với ngành nghề, ngư trường đánh bắt của ngư dân. Việc đầu tư tàu hiện đại phải gắn với trang bị công nghệ đánh bắt hiện đại và đào tạo ngư dân sử dụng thành thạo những công nghệ đó mới phát huy được hiệu quả tàu khai thác hải sản xa bờ.

Tìm cách tháo gỡ: Thế nào?

Ngày 9/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp về dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế hỗ trợ một lần sau đầu tư cho chủ tàu đóng mới tàu cá đánh bắt xa bờ, căn cứ theo các quy định tại Nghị định 89/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản.

Chỉ đạo việc xây dựng Quyết định này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các Bộ: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tập trung vào một số đối tượng cụ thể để thực hiện cơ chế hỗ trợ một lần như tàu dịch vụ hậu cần công suất lớn.

Phó Thủ tướng cho rằng dự thảo Quyết định không nên phân biệt loại tàu sắt, tàu gỗ hay tàu có vỏ là vật liệu mới, đồng thời yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát nhu cầu của ngư dân và tiêu chuẩn kỹ thuật của các loại tàu để xây dựng kế hoạch vốn thực hiện Quyết định.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các bộ, ngành đánh giá tác động và thực trạng việc thực hiện Nghị định 67 và Nghị định 89 để xây dựng Quyết định của Thủ tướng nhằm tránh việc các chính sách cản trở nhau trong khi thực hiện.

Dự thảo Quyết định này quy định đối tượng áp dụng là tổ chức, cá nhân (chủ tàu) đặt hàng đóng mới và sở hữu tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới có tổng công suất máy chính từ 400 CV trở lên, bao gồm cả mua mới máy móc, trang thiết bị hàng hải, thiết bị phục vụ khai thác, ngư lưới cụ, trang thiết bị bảo quản hải sản, bảo quản hàng hóa, bốc xếp hàng hóa phục vụ hoạt động khai thác hải sản./.