Xây dựng Cơ sở 2 Trường Đại học Luật Hà Nội

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng Cơ sở 2 Đại học Luật Hà Nội (Dự án).

Dự án được đầu tư xây dựng mới trên diện tích khoảng 27 ha tại phường Đồng Nguyên, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh với tổng mức đầu tư 1.798.626 triệu đồng.

Mục tiêu xây dựng mới Cơ sở 2 của Đại học Luật Hà Nội nhằm đáp ứng nhu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, tạo tiền đề thuận lợi cho mô hình quản trị đại học tiên tiến góp phần phát triển thành trường đại học trọng điểm, phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học về lĩnh vực pháp luật, cung cấp nguồn nhân lực pháp luật có chất lượng cao cho xã hội; có quy mô phù hợp với các mục tiêu và giải pháp của Đề án tổng thể xây dựng Đại học Luật Hà Nội thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 549/QĐ-TTg ngày 4/4/2013.

Dự án xây dựng công trình có hệ thống hạ tầng dịch vụ hoàn chỉnh, hiện đại và chất lượng cao theo hướng ưu tiên phục vụ các công tác giảng dạy, học tập, thực hành và quản trị với công nghệ kỹ thuật cao, tạo tiền đề cho việc phát triển công tác nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ, kỹ thuật tiên tiến phục vụ công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học cho sinh viên và giáo viên trong Trường.

Kiểm tra thông tin thu hồi đất của dân nhưng chậm bồi thường

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo kiểm tra nội dung Báo Lao động phản ánh liên quan đến việc thu hồi đất của các hộ dân giao cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Liên hiệp công-nông nghiệp phát triển bền vững Sao Đỏ thuê nhưng chậm thanh toán tiền bồi thường.

Trước đó, Báo Lao động số 106/2006 ra ngày 10/5/2016 có bài“06 năm chưa trả tiền đền bù” phản ánh việc năm 2009 UBND tỉnh Đắk Lắk có quyết định giao cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Liên hiệp công-nông nghiệp phát triển bền vững Sao Đỏ thuê đất tại huyện M’Đắk để thực hiện Dự án nuôi bò thịt, sau đó UBND huyện M’Đắk có quyết định thu hồi đất và có phương án đền bù nhưng đến nay các hộ chỉ nhận được một phần tiền bồi thường, cuộc sống gặp nhiều khó khăn.

Về việc này, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo kiểm tra nội dung Báo Lao động phản ánh liên quan đến việc thu hồi đất của các hộ dân giao cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Liên hiệp công-nông nghiệp phát triển bền vững Sao Đỏ thuê nhưng chậm thanh toán tiền bồi thường và đất bỏ hoang nhiều, có biện pháp xử lý theo quy định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/7/2016.

Phát triển đối tượng tham gia BHXH, bảo hiểm thất nghiệp

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại buổi làm việc với Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam về tình hình thực hiện nhiệm vụ của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, BHXH Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nghiên cứu, đề xuất Chính phủ xem xét, giao các địa phương bổ sung chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH và bảo hiểm thất nghiệp vào chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội hằng năm và 5 năm của địa phương.

Đồng thời chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình nợ đọng, trốn đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động để cung cấp cho tổ chức công đoàn khởi kiện hoặc đề nghị cơ quan chức năng khởi tố theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó rà soát, xây dựng kế hoạch thực hiện các chỉ tiêu, nội dung công việc của ngành BHXH ban hành kèm theo Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020 theo hướng cụ thể, định lượng hóa và phù hợp với tình hình thực tiễn, bảo đảm triển khai hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu BHXH Việt Nam hoàn thiện tổ chức bộ máy, đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động nghiệp vụ của ngành, cơ cấu lại và tăng cường công tác đào tạo, đào tạo lại cán bộ… từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, giảm áp lực tăng biên chế; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam để tổ chức tốt công tác chi trả chế độ BHXH hàng tháng cho người hưởng chế độ BHXH.

BHXH Việt Nam phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền về chính sách bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi, bảo đảm nguyên tắc quyền của trẻ em được hưởng chính sách ưu đãi của nhà nước về bảo hiểm y tế, hiệu quả và phù hợp với thực tế.

Phó Thủ tướng giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội khẩn trương trình Chính phủ dự thảo Nghị định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trong đó bao gồm cả nội dung quy định về chi phí liên quan đến việc cấp chữ ký số chuyên dùng.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu về mức đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động và người lao động để đề xuất với cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh cho phù hợp với khả năng của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Thuế phối hợp với BHXH Việt Nam xây dựng, trình cấp có thẩm quyền quyết định việc giao cơ quan thuế thu hộ BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế của doanh nghiệp.

Xem xét tiến độ thực hiện các nhà máy nhiệt điện tại Long An

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại buổi làm việc với Lãnh đạo UBND tỉnh Long An về thực hiện các dự án nhà máy nhiệt điện tại tỉnh Long An.

Thông báo kết luận nêu rõ, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển điện luôn phải đi trước một bước để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng của đất nước, trong những năm qua, ngành điện Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực, cố gắng và đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ. Cho đến nay, hệ thống điện quốc gia đã bảo đảm cung ứng đủ điện và đã có dự phòng mặc dù vẫn còn chưa đồng đều giữa các vùng; đã thu hút được các nguồn lực vào đầu tư phát triển ngành Điện, đặc biệt là khâu sản xuất điện, trong đó có đầu tư theo hình thức Hợp đồng Xây dựng-Kinh doanh-Chuyển giao (BOT) của các nhà đầu tư nước ngoài.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh). Theo đó, để đáp ứng nhu cầu điện tiếp tục tăng cao trong những năm tới, trong giai đoạn đến năm 2030, sẽ phải đầu tư đưa vào vận hành khoảng 90.000 MW công suất nguồn điện mới, trong đó dự kiến có 16 dự án nguồn điện đầu tư theo hình thức Hợp đồng BOT với tổng công suất khoảng trên 22.000 MW. Như vậy, các nguồn điện BOT ngày càng chiếm tỉ trọng lớn trong hệ thống điện quốc gia và góp phần quan trọng trong cung ứng điện của hệ thống điện quốc gia.

Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng hoan nghênh và đánh giá cao UBND tỉnh Long An đã chủ động, tích cực kêu gọi đầu tư tại địa phương trong đó có đầu tư vào ngành điện với các dự án nguồn điện có quy mô đầu tư lớn đóng góp phát triển kinh tế-xã hội. Phó Thủ tướng hoan nghênh Tổ hợp nhà đầu tư VINAKOBALT và KEPCO đã có quan tâm đến Dự án nhà máy nhiệt điện Long An II, trong đó có sự quan tâm tham gia thực hiện của Tập đoàn DOOSAN (Hàn Quốc) với đề xuất sử dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường.

Phó Thủ tướng lưu ý, tiến độ thực hiện các dự án nhà máy nhiệt điện tại tỉnh Long An đã được quy định tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016). Việc xem xét, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án sẽ được xem xét cụ thể trên cơ sở rà soát tiến độ các dự án nguồn điện nói chung và tính toán cân đối cung-cầu điện do Bộ Công Thương thực hiện và đề xuất.

Về Quy hoạch địa điểm Trung tâm điện lực Long An, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương khẩn trương thẩm định và phê duyệt theo quy định. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đề xuất hình thức đầu tư đối với các dự án nhà máy nhiệt điện Long An I và Long An II, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định./.