Các mục tiêu chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017

Văn bản nhấn mạnh, mục tiêu chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 là bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tạo chuyển biến rõ rệt về cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh. Bảo đảm an sinh xã hội và chăm lo đời sống nhân dân. Phát triển văn hóa, thực hiện dân chủ và công bằng xã hội. Ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tăng cường hiệu lực và hiệu quả quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Dự kiến các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2017 như sau:

- Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,8% so với năm 2016.

- Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 8-10% so với năm 2016.

- Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 5%.

- Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng khoảng 5%.

- Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm khoảng 31,8-33,8% GDP.

- Tỷ suất tiêu hao năng lượng trên một đơn vị GDP giảm 1,5% so với năm 2016.

- Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) giảm 1,3-1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%.

- Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%.

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 57%, trong đó: tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có văn bằng chứng chỉ công nhận kết quả đào tạo 22,5%.

- Số giường bệnh trên một vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 25 giường.

- Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 77%.

- Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 87%.

- Tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,3%.

- Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên dự kiến khoảng 56,1 triệu người; Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong nền kinh tế quốc dân dự kiến là 55,3 triệu người. Tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp dự kiến là 43%; công nghiệp và xây dựng là 23,5%; dịch vụ là 33,5%.

- Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%.

- Tổng thu cân đối NSNN năm 2017 dự kiến là 1.165 nghìn tỷ đồng, trong đó: thu nội địa là 932 nghìn tỷ đồng; thu dầu thô là 45 nghìn tỷ đồng; thu xuất nhập khẩu là 182 nghìn tỷ đồng; thu viện trợ không hoàn lại là 3.000 tỷ đồng.

- Tổng chi ngân sách nhà nước năm 2017 dự kiến khoảng 1.395,5 nghìn tỷ đồng.

- Bội chi ngân sách nhà nước dự kiến bằng khoảng 4,8% GDP.

- Dự kiến khả năng huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2017 khoảng 1.700-1.832 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 31,8-33,8% GDP. Dự kiến huy động các nguồn vốn như sau:

- Vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước (bao gồm: vốn TPCP, bội chi ngân sách địa phương, xổ số kiến thiết và vốn từ nguồn thu từ tiền bán bớt cổ phần sở hữu của Nhà nước tại một số doanh nghiệp) khoảng 361-371 nghìn tỷ đồng, chiếm 20,2-21,3% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

- Vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước khoảng 70-75 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,1% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

- Vốn đầu tư khu vực doanh nghiệp nhà nước khoảng 195-205 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,2-11,5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

- Vốn đầu tư của dân cư và doanh nghiệp tư nhân khoảng 760-859 nghìn tỷ đồng, chiếm 44,7-46,9% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

- Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (không bao gồm phần đóng góp trong nước) khoảng 296-309 nghìn tỷ đồng, chiếm 16,9-17,4% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

- Các khoản vốn huy động khác khoảng 23,8-28,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 1,4-1,6% tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội.

- Vốn đầu t­­ư trực tiếp nư­­ớc ngoài năm 2017 dự kiến tổng vốn đăng ký là 25 tỷ USD, dự kiến thực hiện là 15,3 tỷ USD.

- Dự kiến ký kết hiệp định vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài năm 2017 khoảng 4,6 tỷ USD, giải ngân của nguồn dự kiến khoảng 4,7 tỷ USD.

- Xuất khẩu năm 2017 dự kiến đạt khoảng 118-120 tỷ USD, tăng khoảng 8-10% so với năm 2016; nhập khẩu khoảng 123-125 tỷ USD, tăng khoảng 13-15%. Nhập siêu ước khoảng 5 tỷ USD. Tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu tiếp tục duy trì ở mức dưới 5%.

11 nhiệm vụ nhiệm vụ định hướng phát triển ngành, lĩnh vực chủ yếu trong năm 2017

Cụ thể:

1. Tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo đảm ổn định các cân đối vĩ mô và kiểm soát lạm phát

2. Đẩy mạnh việc thực hiện tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

3. Đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020. Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ, hiện đại trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường và cam kết hội nhập quốc tế sâu rộng.

Đổi mới công tác quy hoạch, kế hoạch và điều hành phát triển kinh tế theo cơ chế thị trường. Hoàn thiện dự án Luật Quy hoạch để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV.

4. Ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tăng cường hiệu lực và hiệu quả quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường

Tăng cường công tác xây dựng, ban hành và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường.

5. Bảo đảm an sinh xã hội và chăm lo đời sống nhân dân

6. Phát triển văn hóa, thực hiện dân chủ và công bằng xã hội. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa dân tộc.

7. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp

8. Thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng chống tham nhũng, lãng phí. Nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, không để các vụ việc tồn đọng, kéo dài. Việc đề xuất ban hành chính sách mới phải phù hợp với thực tiễn và gắn với nguồn lực thực hiện. Nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác thi hành án, nhất là các vụ việc thi hành án dân sự liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng.

9. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội.

10. Triển khai toàn diện, hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế

11. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền theo hướng công khai, minh bạch và hiệu quả. Cơ quan nhà nước các cấp có trách nhiệm chủ động cung cấp thông tin, nhất là tình hình kinh tế - xã hội, các cơ chế, chính sách mới cho cơ quan thông tấn, báo chí.

Tiến độ xây dựng kế hoạch 2017

Công văn nêu rõ, trước ngày 30/6/2016, các bộ, ngành trung ương và địa phương hướng dẫn cơ quan, đơn vị cấp dưới xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 theo quy định tại Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 02 tháng 6 năm 2016 và hướng dẫn tại Khung hướng dẫn này.

Các bộ, ngành trung ương và địa phương xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội

năm 2017, gửi báo cáo về Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 31/7/2016.

Trong tháng 8/2016, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức làm việc để thảo luận về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 của các bộ, ngành trung ương và địa phương và tiến hành tổng hợp Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 của cả nước.

Trước ngày 10/9/2016, các bộ, ngành trung ương và địa phương, tiếp thu ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan, hoàn chỉnh Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 gửi lại Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Trước ngày 20/9/2016, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 để Chính phủ cho ý kiến, hoàn chỉnh, trình Quốc hội theo quy định.

Trong tháng 12/2016, căn cứ các Nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 cho các Bộ, ngành trung ương và địa phương./.