Phê chuẩn Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội

Thủ tướng Chính phủ vừa phê chuẩn kết quả bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Cụ thể, tại Quyết định 1124/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với ông Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2011- 2016.

Tại Quyết định 1132/QĐ-TTg, Quyết định 1133/QĐ-TT, Quyết định 1134/QĐ-TT, Quyết định 1135/QĐ-TTg, Quyết định 1136/QĐ-TTg, Quyết định 1137/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với: Ông Nguyễn Quốc Hùng, ông Lê Hồng Sơn, ông Nguyễn Văn Sửu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2011- 2016; ông Nguyễn Thế Hùng, ông Ngô Văn Quý, ông Nguyễn Doãn Toản, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2011 - 2016.

Kiểm tra thông tin phản ánh về tình trạng phá rừng tại Kon Tum

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Kon Tum kiểm tra, làm rõ vấn đề VTV1 và báo Tin tức phản ánh tình trạng khai thác, phá rừng trái phép đang diễn ra ngang nhiên giữa ban ngày trên địa bàn huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum.

Trước đó, Đài Truyền hình Việt Nam (Bản tin thời sự 19 giờ ngày 23/6/2013) phản ánh tình trạng khai thác, phá rừng trái phép đang diễn ra ngang nhiên giữa ban ngày trên địa bàn huyện Đắk Glei. Trình trạng này cũng được phản ánh qua bài "Cào cào sắt" phá rừng Đắk Glei của phóng viên Cao Nguyên (Thông tấn xã Việt Nam) đăng trên báo Tin tức số ra ngày 21/6/2016.

Về vấn đề trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Kon Tum kiểm tra, làm rõ vấn đề Đài Truyền hình Việt Nam và báo Tin tức phản ánh. Nếu đúng, phải có biện pháp xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật và có các giải pháp không để xảy ra tình trạng tương tự, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trước ngày 20/7/2016.

Tập trung hỗ trợ đóng BHYT cho hộ cận nghèo

Từ năm 2017, bố trí ngân sách địa phương và huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ cho người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), trong đó tập trung hỗ trợ đóng BHYT cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo, đảm bảo 100% người thuộc hộ gia đình cận nghèo được tham gia BHYT.

Hỗ trợ đóng BHYT cho các hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình; học sinh, sinh viên thuộc các hộ gia đình có đông con, gặp nhiều khó khăn về kinh tế.

Đây là nội dung tại Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh thực hiện BHYT toàn dân.

BHYT là bắt buộc, đã được luật định. Để đẩy mạnh BHYT toàn dân, theo chủ trương của Đảng và Luật BHYT, thực hiện mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 90% dân số tham gia BHYT, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đưa tỷ lệ tham gia BHYT vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, 5 năm của địa phương và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về tổ chức thực hiện chỉ tiêu này tại địa phương.

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; kiểm tra tinh thần, thái độ phục vụ; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải tiến quy trình thanh toán khám, chữa bệnh BHYT.

Đề xuất nâng mức hỗ trợ đóng BHYT cho hộ cận nghèo

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính đổi mới phương thức chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực y tế theo hướng chuyển dần từ cấp cho các cơ sở khám, chữa bệnh sang hỗ trợ mua BHYT cùng với lộ trình tăng giá dịch vụ y tế.

Chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam xây dựng các gói dịch vụ y tế bổ sung phù hợp với các tầng lớp trong xã hội, đáp ứng nhu cầu sử dụng các gói dịch vụ y tế ngoài gói dịch vụ y tế cơ bản do Bộ Y tế xây dựng.

Khẩn trương đề xuất việc nâng mức hỗ trợ đóng BHYT cho hộ cận nghèo, hộ nông – lâm – ngư – diêm nghiệp có mức sống trung bình, học sinh, sinh viên và nhóm đối tượng tham gia theo hộ gia đình. Bộ Tài chính giao Tổng cục Thuế thu thuế đồng thời thu hộ tiền BHXH, BHYT của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện BHYT cho học sinh, sinh viên, đảm bảo đến năm 2017 có 100% đối tượng này tham gia BHYT; chỉ đạo các cơ sở giáo dục, đào tạo trong toàn quốc tổ chức thực hiện pháp luật về BHYT của học sinh, sinh viên; phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tăng cường thông tin, truyền thông, vận động học sinh sinh viên, nhất là sinh viên tham gia BHYT.

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an xây dựng kế hoạch phát triển đối tượng, đảm bảo đến năm 2018 đạt 100% các đối tượng thuộc diện quản lý tham gia BHYT; thống nhất với Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam để đưa một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng tham gia khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu.

Cải tiến quy trình thanh toán khám, chữa bệnh BHYT

BHXH Việt Nam và hệ thống BHXH ở các địa phương chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ và chính quyền địa phương về việc mở rộng tỷ lệ bao phủ BHYT, từ tổ chức triển khai phát triển đối tượng tham gia BHYT đến đề xuất với các cấp có thẩm quyền về cơ chế, chính sách, giải pháp liên quan đến việc mở rộng tỷ lệ bao phủ BHYT và tổ chức triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, tổ chức hệ thống mạng lưới đại lý thu theo cơ chế dịch vụ công tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân tham gia BHYT; ngay trong năm 2016, cho phép sử dụng nguồn kinh phí kết dư quỹ khám, chữa bệnh BHYT của BHXH Việt Nam, BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để thực hiện hỗ trợ theo các nhóm đối tượng tham gia BHYT.

Bộ Y tế chỉ đạo các bệnh viện, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh, trân trọng, không phân biệt đối với người bệnh có thẻ BHYT; tăng cường chất lượng khám, chữa bệnh BHYT.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải tiến quy trình thanh toán khám, chữa bệnh BHYT, tạo thuận lợi cho người tham gia BHYT khám, chữa bệnh và giảm chi phí của người bệnh; phải bình đẳng giữa các cơ sở y tế của nhà nước và tư nhân trong khám bệnh, chữa bệnh bằng BHYT.

Trong năm 2017 hoàn thành việc xây dựng gói dịch vụ y tế cơ bản; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện khám, chữa bệnh cho người có thẻ BHYT của các bệnh viện; tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan báo chí, truyền thông giám sát.

Thực hiện nghiêm chỉ đạo về tin học hóa khám, chữa bệnh BHYT

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tin học hóa khám, chữa bệnh BHYT, chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện việc kết nối, liên thông dữ liệu phục vụ việc giám định, thanh toán BHYT trên phạm vi toàn quốc vào hệ thống giám định, thanh toán BHYT của BHXH Việt Nam.

Các cơ sở khám, chữa bệnh đã có hệ thống công nghệ thông tin phục vụ việc quản lý phải có giải pháp đảm bảo chiết xuất dữ liệu để kết nối theo yêu cầu của BHXH Việt Nam.

Nếu không kết nối, liên thông dữ liệu giữa các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT với hệ thống thông tin giám định BHYT thì cơ quan BHXH không thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT.

Các cơ quan thông tin, báo chí làm tốt hơn nữa công tác thông tin, truyền thông về BHYT. Để xã hội nhận thức đúng về quyền lợi, trách nhiệm tham gia BHYT phải từ chính đội ngũ làm công tác truyền thông với phương châm một xã hội văn minh, một đất nước tiên tiến, phát triển cần phải có hệ thống BHYT tốt.

Hỗ trợ gạo cho tỉnh Quảng Trị

Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ Tài chính xuất cấp (không thu tiền) 180,81 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh Quảng Trị để hỗ trợ cứu đói cho hộ nghèo, hộ thuộc đối tượng bảo trợ xã hội ở các xã vùng biển đang gặp khó khăn.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Quảng Trị tiếp nhận và sử dụng số gạo được cấp trên để hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng theo quy định. Sau khi thực hiện nếu vẫn còn khó khăn, Tỉnh báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét tiếp tục hỗ trợ.

Gia Lai chú trọng sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước

Gia Lai chú trọng quy hoạch khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên, đặc biệt là nguồn tài nguyên nước, trên cơ sở đó lập kế hoạch cho đầu tư phát triển trong trung hạn và dài hạn.

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại buổi kiểm tra công trình thủy điện An Khê - Ka Nak và làm việc về một số dự án hạ tầng tại Gia Lai.

Để hoàn thành tốt các mục tiêu đã đề ra của năm 2016, Phó Thủ tướng yêu cầu Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Gia Lai tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, các Nghị quyết của Chính phủ và Nghị quyết của Đại hội đảng bộ Tỉnh đã đề ra; tiếp tục rà soát chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực để kịp thời điều chỉnh, gắn với thực hiện tái cấu trúc các lĩnh vực: công nghiệp, dịch vụ, hạ tầng, đô thị, nông nghiệp - nông thôn.

Bên cạnh đó, chú trọng quy hoạch khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên, đặc biệt là nguồn tài nguyên nước, trên cơ sở đó lập kế hoạch cho đầu tư phát triển trong trung hạn và dài hạn. Tiếp tục tạo môi trường thuận lợi cho tất cả doanh nghiệp và người dân được tiếp cận bình đẳng các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế và nâng cao đời sống nhân dân.

Về công trình thủy điện An Khê - Ka Nak, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ và cơ quan liên quan thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 3455/VPCP-KTN ngày 16/5/2016; Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo Công ty điện lực An Khê - Ka Nak thực hiện đúng quy trình vận hành liên hồ chứa các hồ trên lưu vực sông Ba nhưng phải chủ động phối hợp với địa phương để điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu nước cho hạ lưu, coi đây là nhiệm vụ số 1 để phục vụ sản xuất, đời sống và đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường sinh thái.

Đồng thời, các đơn vị liên quan cùng với chính quyền địa phương cần kịp thời gặp gỡ đối thoại với người dân, các tổ chức chính trị - xã hội và các nhà khoa học để có sự đồng thuận về nhận thức chung, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương chỉ đạo EVN và Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai tính toán kỹ nhu cầu sử dụng nước ở hạ lưu để rà soát, điều chỉnh Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Ba cho phù hợp với điều kiện thực tế; chỉ đạo, giám sát các nhà máy công nghiệp có xả thải ra sông Ba, bảo đảm tuân thủ nghiêm quy chuẩn về môi trường.

Về hỗ trợ cho Tỉnh đầu tư các khu tái định cư để di dời 340 hộ dân vùng sạt lở khu vực Sông Ba đoạn chảy qua địa bàn huyện Krông Pa, giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính tổng hợp, đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai chủ động bố trí kinh phí để di dời đối với các trường hợp cấp bách, bảo đảm an toàn cho người dân./.