Các nghị định cũng có hiệu lực cùng ngày ký.

Ban hành Nghị định về quản lý trang thiết bị y tế

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 36/2016/NĐ-CP quy định việc quản lý trang thiết bị y tế bao gồm phân loại trang thiết bị y tế; sản xuất, lưu hành, mua bán, cung cấp dịch vụ trang thiết bị y tế; thông tin, nhãn trang thiết bị y tế và quản lý, sử dụng trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế.

Nghị định yêu cầu việc quản lý trang thiết bị y tế phải đảm bảo chất lượng, an toàn và sử dụng hiệu quả trang thiết bị y tế; thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời về đặc tính kỹ thuật, công dụng của trang thiết bị y tế và các yếu tố nguy cơ có thể xảy ra đối với người sử dụng; bảo đảm truy xuất nguồn gốc của trang thiết bị y tế.

Quản lý trang thiết bị y tế phải dựa trên phân loại về mức độ rủi ro và tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành, thừa nhận hoặc do tổ chức, cá nhân công bố áp dụng theo quy định của pháp luật.

Nghị định nêu rõ, tổ chức, cá nhân thực hiện việc xuất khẩu, nhập khẩu trang thiết bị y tế phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về xuất khẩu, nhập khẩu và phải chịu trách nhiệm bảo đảm chất lượng của trang thiết bị y tế mà mình xuất khẩu, nhập khẩu.

Trang thiết bị y tế đã có số lưu hành tại Việt Nam được xuất khẩu, nhập khẩu theo nhu cầu, không hạn chế số lượng và không phải qua Bộ Y tế phê duyệt.

Việc cấp giấy chứng nhận lưu hành tự do chỉ áp dụng đối với trang thiết bị y tế xuất khẩu theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Việc tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập hoặc chuyển khẩu, quá cảnh trang thiết bị y tế thực hiện theo quy định của pháp luật. Việc nhập khẩu trang thiết bị y tế đã qua sử dụng thực hiện theo quy định của pháp luật.

Đối với xuất khẩu, nhập khẩu trang thiết bị y tế, Nghị định nêu rõ, khuyến khích các doanh nghiệp trong nước sản xuất để xuất khẩu.

Tổ chức, cá nhân thực hiện nhập khẩu trang thiết bị y tế đã có số lưu hành phải là chủ sở hữu số lưu hành hoặc có giấy ủy quyền của chủ sở hữu số lưu hành. Chủ sở hữu số lưu hành khi ủy quyền cho cơ sở nhập khẩu thực hiện việc nhập khẩu trang thiết bị y tế phải đồng thời gửi văn bản ủy quyền đó cho Bộ Y tế và cơ quan hải quan; có kho có phương tiện vận chuyển đáp ứng yêu cầu theo quy định hoặc có hợp đồng với cơ sở có đủ năng lực để bảo quản và vận chuyển trang thiết bị y tế.

Nghị định cũng quy định rõ, các trường hợp trang thiết bị y tế phải có giấy phép nhập khẩu: Chưa có số lưu hành nhập khẩu để nghiên cứu khoa học hoặc kiểm nghiệm hoặc hướng dẫn sử dụng, sửa chữa trang thiết bị y tế; chưa có số lưu hành nhập khẩu để phục vụ mục đích viện trợ; chưa có số lưu hành nhập khẩu để sử dụng cho mục đích chữa bệnh cá nhân.

Bộ trưởng Bộ Y tế chịu trách nhiệm cấp mới, cấp lại, thu hồi giấy chứng nhận lưu hành tự do đối với trang thiết bị y tế.

Thủ tục cấp mới, cấp lại và thu hồi giấy chứng nhận lưu hành tự do theo quy định của Thủ tướng Chính phủ về cấp giấy chứng nhận lưu hành tự do.

Điều kiện cấp Giấp phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự

Nghị định 58/2016/NĐ-CP quy định chi tiết về kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự và xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự vừa được Chính phủ ban hành.

Nghị định này quy định chi tiết về kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự và xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự; ban hành Danh mục sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự. Danh mục sản phẩm mật mã dân sự xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực mật mã dân sự.

Trong đó, Nghị định quy định cụ thể điều kiện doanh nghiệp được cấp Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự.

Cụ thể, doanh nghiệp được cấp Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự khi đáp ứng đủ các điều kiện: Có đội ngũ quản lý, điều hành, kỹ thuật đáp ứng yêu cầu chuyên môn về bảo mật, an toàn thông tin; có hệ thống trang thiết bị, cơ sở vật chất phù hợp với quy mô cung cấp sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự; có phương án kỹ thuật phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; có phương án bảo mật và an toàn thông tin mạng trong quá trình quản lý và cung cấp sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự; có phương án kinh doanh phù hợp.

Trong đó, về điều kiện đội ngũ quản lý, điều hành, kỹ thuật đáp ứng yêu cầu chuyên môn về bảo mật, an toàn thông tin, Nghị định nêu rõ, doanh nghiệp phải có ít nhất 2 cán bộ kỹ thuật có trình độ đại học trở lên thuộc một trong các ngành điện tử - viễn thông, công nghệ thông tin, toán học, an toàn thông tin; cán bộ quản lý, điều hành tốt nghiệp một trong các ngành điện tử - viễn thông, công nghệ thông tin, toán học, an toàn thông tin hoặc tốt nghiệp một ngành khác và có chứng chỉ đào tạo về an toàn thông tin.

Còn về điều kiện có phương án kinh doanh phù hợp, Nghị định quy định: Doanh nghiệp phải có hệ thống phục vụ khách hàng và đảm bảo đảm kỹ thuật phù hợp với phạm vi, đối tượng cung cấp, quy mô số lượng sản phẩm.

Việc cấp mới, sửa đổi, bổ sung, cấp lại, gia hạn Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự được thực hiện theo quy định tại Điều 32, Điều 33 Luật an toàn thông tin mạng.

Doanh nghiệp thực hiện các thủ tục cấp mới, sửa đổi, bổ sung, cấp lại, gia hạn Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự nộp hồ sơ trực tiếp, hoặc qua hệ thống bưu chính, hoặc dịch vụ công trực tuyến đến Ban Cơ yếu Chính phủ thông qua Cục Quản lý mật mã dân sự và Kiểm định sản phẩm mật mã.

6 điều kiện hoạt động thông tin tín dụng

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 57/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 7 Nghị định số 10/2010/NĐ-CP, ngày 12/2/2010 của Chính phủ về hoạt động thông tin tín dụng.

Nghị định số 57/2016/NĐ-CP mới ban hành quy định cụ thể hơn các điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động thông tin tín dụng so với Nghị định số 10/2010/NĐ-CP.

Theo Nghị định số 57/2016/NĐ-CP, để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động thông tin tín dụng, công ty thông tin tín dụng phải đáp ứng 6 điều kiện sau:

1- Có hệ thống cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu tối thiểu: i- Có tối thiểu 2 đường truyền số liệu, trong đó mỗi đường truyền được cung cấp bởi 1 nhà cung cấp dịch vụ, để đảm bảo duy trì việc truyền đưa liên tục thông tin số; ii- Có trang thiết bị công nghệ thông tin phù hợp với mặt bằng công nghệ của hệ thống tổ chức cấp tín dụng và có khả năng tích hợp, kết nối được với các tổ chức cấp tín dụng; iii- Có hệ thống máy chủ, hệ thống phần mềm tin học và các giải pháp kỹ thuật để cập nhật, xử lý, lưu trữ thông tin tín dụng, thực hiện dịch vụ thông tin tín dụng đối với tối thiểu 5.000.000 khách hàng vay; iv- Có phương án bảo mật, an toàn thông tin; v- Có phương án dự phòng thảm họa, đảm bảo không bị gián đoạn các hoạt động nghiệp vụ chính quá 4 giờ làm việc.

2- Có vốn điều lệ tối thiểu 30 tỷ đồng.

3- Có người quản lý doanh nghiệp và thành viên Ban kiểm soát đáp ứng các điều kiện theo quy định.

4- Có phương án kinh doanh khả thi và không được kinh doanh ngành nghề khác ngoài nội dung hoạt động thông tin tín dụng.

5- Có tối thiểu 20 ngân hàng thương mại cam kết cung cấp thông tin tín dụng và các ngân hàng này không có cam kết tương tự với công ty thông tin tín dụng khác.
6- Có văn bản thỏa thuận về quy trình thu thập, xử lý, lưu giữ và cung cấp thông tin tín dụng giữa công ty thông tin tín dụng với các tổ chức cấp tín dụng đã cam kết, trong đó phải có những nội dung tối thiểu như: Nội dung, phạm vi thông tin tín dụng được cung cấp; nghĩa vụ thông báo cho khách hàng vay về việc sử dụng thông tin tín dụng của khách hàng vay; xử lý vi phạm, giải quyết tranh chấp...

Điều kiện đầu tư kinh doanh lĩnh vực tài nguyên nước

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 60/2016/NĐ-CP quy định một số điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Nghị định trên quy định một số điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên nước, khoáng sản và bảo vệ môi trường gồm: Điều kiện để được cấp giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất; điều kiện về năng lực của tổ chức thực hiện điều tra cơ bản tài nguyên nước, tư vấn lập quy hoạch tài nguyên nước; điều kiện về năng lực của tổ chức, cá nhân tư vấn lập đề án, báo cáo trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tài nguyên nước; điều kiện của tổ chức hành nghề thăm dò khoáng sản; điều kiện kinh doanh chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải; điều kiện kinh doanh vận chuyển hàng nguy hiểm là các chất độc hại, chất lây nhiễm thuộc loại 6 quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 29/2005/NĐ-CP, khoản 1 Điều 22 Nghị định số 14/2015/NĐ-CP và khoản 1 Điều 4 Nghị định số 104/2009/NĐ-CP; điều kiện cấp giấy phép xử lý chất thải nguy hại.

Nghị định nêu rõ, tổ chức, cá nhân hành nghề khoan nước dưới đất phải có đủ các điều kiện sau: 1- Có quyết định thành lập tổ chức của cấp có thẩm quyền hoặc một trong các loại giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với tổ chức hoặc giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh đối với nhóm cá nhân, hộ gia đình do cơ quan có thẩm quyền cấp; 2- Người đứng đầu tổ chức (Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc) hoặc người chịu trách nhiệm chính về kỹ thuật của tổ chức, cá nhân hành nghề phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Nghị định này; 3- Máy khoan và các thiết bị thi công khoan phải bảo đảm có tính năng kỹ thuật phù hợp đáp ứng quy định.

Quy mô hành nghề khoan nước dưới đất gồm: Quy mô nhỏ, quy mô vừa và quy mô lớn.

Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất ở quy mô nào thì được phép hành nghề ở quy mô đó và các quy mô nhỏ hơn; được hành nghề khoan, lắp đặt các lỗ khoan, giếng khoan thăm dò, khai thác, điều tra, khảo sát để phục vụ mục đích khai thác, nghiên cứu, đánh giá, quan trắc nước dưới đất, có đường kính tương đương với quy mô hành nghề.

Về năng lực đối với tổ chức hành nghề trong lĩnh vực tài nguyên nước, Nghị định quy định tổ chức hành nghề trong lĩnh vực tài nguyên nước phải có một trong các loại giấy tờ sau: 1- Quyết định thành lập tổ chức của cơ quan có thẩm quyền, trong đó có chức năng, nhiệm vụ liên quan đến hoạt động điều tra cơ bản, lập quy hoạch tài nguyên nước và các hoạt động khác về tài nguyên nước; 2- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do cơ quan có thẩm quyền cấp.

Ngoài ra, tổ chức đó phải có đội ngũ cán bộ chuyên môn tham gia thực hiện đề án, dự án, báo cáo đáp ứng điều kiện quy định; có máy móc, thiết bị chuyên dùng đáp ứng quy định.

Điều kiện hoạt động giám định tư pháp xây dựng

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 62/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện hoạt động giám định tư pháp xây dựng và thí nghiệm chuyên ngành xây dựng áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động xây dựng trên lãnh thổ Việt Nam.

Nghị định quy định giám định viên tư pháp xây dựng phải đáp ứng quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 7 Luật giám định tư pháp; người giám định tư pháp xây dựng theo vụ việc phải đáp ứng quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 18 Luật giám định tư pháp. Ngoài các điều kiện trên, giám định viên tư pháp xây dựng, người giám định tư pháp xây dựng theo vụ việc còn phải đáp ứng một số điều kiện.

Cụ thể, đối với giám định tư pháp về sự tuân thủ các quy định của pháp luật trong hoạt động đầu tư xây dựng thì phải có kinh nghiệm thực hiện một trong các công việc quản lý dự án đầu tư xây dựng, giám sát thi công xây dựng, kiểm định xây dựng hoặc quản lý nhà nước về xây dựng.

Đối với giám định tư pháp về chất lượng hoặc nguyên nhân hư hỏng, thời hạn sử dụng và các thông số kỹ thuật khác của vật liệu, cấu kiện, sản phẩm xây dựng, bộ phận công trình hoặc công trình xây dựng thì phải có kinh nghiệm thực hiện một trong các công việc: Thiết kế xây dựng, thẩm tra thiết kế, giám sát thi công xây dựng, thi công xây dựng, thí nghiệm chuyên ngành xây dựng, kiểm định xây dựng phù hợp với nội dung giám định tư pháp xây dựng; có chứng chỉ hành nghề chủ trì khảo sát xây dựng hoặc chủ trì thiết kế xây dựng theo quy định đối với trường hợp giám định chất lượng khảo sát xây dựng hoặc thiết kế xây dựng công trình; có chứng chỉ hành nghề kiểm định xây dựng hoặc thiết kế xây dựng hoặc giám sát thi công xây dựng theo quy định đối với trường hợp giám định chất lượng vật liệu, sản phẩm xây dựng, thiết bị công trình; có chứng chỉ hành nghề kiểm định xây dựng hoặc thiết kế xây dựng hoặc giám sát thi công xây dựng theo quy định đối với trường hợp giám định chất lượng bộ phận công trình xây dựng, công trình xây dựng và giám định sự cố công trình xây dựng.

Còn đối với giám định tư pháp về chi phí đầu tư xây dựng công trình, giá trị công trình phải có kinh nghiệm thực hiện một trong các công việc quản lý dự án đầu tư xây dựng, thiết kế xây dựng, kiểm định xây dựng hoặc quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình phù hợp với nội dung giám định tư pháp xây dựng; có chứng chỉ hành nghề định giá xây dựng theo quy định.

Chứng chỉ hành nghề của các cá nhân được quy định tại Mục 1 Chương IV Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

Về điều kiện tổ chức giám định tư pháp xây dựng theo vụ việc, Nghị định quy định tổ chức giám định tư pháp xây dựng theo vụ việc là tổ chức tư vấn xây dựng đáp ứng các quy định tại Điều 19 Luật giám định tư pháp và đáp ứng các điều kiện theo quy định. Cụ thể, đối với giám định tư pháp về sự tuân thủ các quy định của pháp luật trong hoạt động đầu tư xây dựng thì phải có đủ điều kiện năng lực theo quy định để thực hiện một trong các công việc quản lý dự án đầu tư xây dựng, kiểm định xây dựng, giám sát thi công xây dựng phù hợp với nội dung giám định tư pháp xây dựng.

Cá nhân chủ trì giám định phải đáp ứng điều kiện như đối với giám định viên tư pháp xây dựng, người giám định tư pháp xây dựng theo vụ việc thực hiện giám định về sự tuân thủ các quy định của pháp luật trong hoạt động đầu tư xây dựng quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định này.

Điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới

Chính phủ ban hành Nghị định số 63/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới.

Theo đó, tổ chức kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới không được kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, bảo dưỡng, sửa chữa xe cơ giới hoặc có liên quan trực tiếp với tổ chức kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, bảo dưỡng, sửa chữa xe cơ giới.

Nếu tổ chức kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới là công ty cổ phần thì tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, bảo dưỡng, sửa chữa xe cơ giới chỉ được nắm giữ không quá 10% cổ phần của tổ chức kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới.

Nghị định nêu rõ: Chỉ những tổ chức được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới mới được phép kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới.

Đơn vị kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới phải đáp ứng các điều kiện chung sau: 1- Việc thành lập đơn vị đăng kiểm phải phù hợp Quy hoạch tổng thể mạng lưới các đơn vị đăng kiểm và dây chuyền kiểm định; 2- Tổ chức đáp ứng điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị, nhân lực theo quy định, được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới.

Nghị định quy định, đơn vị đăng kiểm bị đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới từ 01 tháng đến 03 tháng, trong các trường hợp sau: 1- Không đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực, thiết bị kiểm tra, dụng cụ kiểm tra, thiết bị thông tin, lưu trữ, truyền số liệu theo quy định của Nghị định này; 2- Thực hiện kiểm định khi tình trạng thiết bị kiểm tra, dụng cụ kiểm tra đã bị hỏng, không bảo đảm tính chính xác, chưa được kiểm định, đánh giá, hiệu chuẩn theo quy định; 3- Thực hiện kiểm định và cấp giấy chứng nhận kiểm định cho xe cơ giới không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định, thẩm quyền; 4- Có từ 03 lượt đăng kiểm viên trở lên bị đình chỉ hoặc từ 02 đăng kiểm viên trở lên bị thu hồi giấy chứng nhận đăng kiểm viên trong thời gian 12 tháng; 5- Sử dụng, phân công đăng kiểm viên kiểm định không phù hợp nội dung giấy chứng nhận đăng kiểm viên.

Đơn vị đăng kiểm bị thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới trong trường hợp sau: 1- Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới được cấp do gian lận, làm giả các hồ sơ, giấy tờ, tài liệu; 2- Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới bị cố ý tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung; 3- Không triển khai hoạt động kiểm định sau 06 tháng, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định; 4- Ngừng hoạt động kiểm định xe cơ giới quá 06 tháng liên tục; 5- Bị đình chỉ toàn bộ hoạt động kiểm định xe cơ giới quá 02 lần trong thời gian 12 tháng; 6- Có từ 05 lượt đăng kiểm viên trở lên bị đình chỉ hoặc từ 03 đăng kiểm viên trở lên bị thu hồi giấy chứng nhận đăng kiểm viên trong thời gian 12 tháng; 7- Đơn vị đăng kiểm bị giải thể hoặc có đề nghị thu hồi.

Quy định mới về điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm tra an toàn giao thông

Chính phủ ban hành Nghị định số 64/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/2/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Cụ thể, Nghị định số 64/2016/NĐ-CP đã sửa đổi Điều 12 Nghị định 11/2010/NĐ-CP quy định về "điều kiện của tổ chức, cá nhân thẩm tra an toàn giao thông" thành "điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm tra an toàn giao thông".

Trong đó, Nghị định số 64/2016/NĐ-CP nêu rõ cá nhân tham gia thẩm tra an toàn giao thông (thẩm tra viên) phải có chứng chỉ thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ còn giá trị sử dụng do Tổng cục Đường bộ Việt Nam cấp.

Cá nhân đảm nhận chức danh Chủ nhiệm thẩm tra an toàn giao thông, ngoài đáp ứng các điều kiện quy định trên, còn phải đáp ứng một trong các điều kiện sau: 1- Đảm nhận chức danh Chủ nhiệm đồ án thiết kế ít nhất 03 công trình đường bộ; 2- Có trình độ từ đại học trở lên về chuyên ngành công trình đường bộ, có thời gian làm việc về thiết kế công trình đường bộ ít nhất 07 năm; 3- Có trình độ từ đại học trở lên, chuyên ngành giao thông đường bộ về công trình đường bộ, vận tải đường bộ và có thời gian ít nhất 10 năm tham gia hoạt động trong các lĩnh vực: Quản lý giao thông, vận tải đường bộ, xây dựng đường bộ, bảo trì đường bộ; trong đó, đã tham gia xử lý an toàn giao thông từ 03 công trình đường bộ trở lên.

Nhà thầu tư vấn thực hiện thẩm tra an toàn giao thông phải đáp ứng điều kiện: 1- Đối với dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A và nhóm B, phải có ít nhất 10 thẩm tra viên; trong đó, tối thiểu có 04 kỹ sư công trình đường bộ, 01 kỹ sư vận tải đường bộ và tối thiểu có 01 người đủ điều kiện làm Chủ nhiệm thẩm tra an toàn giao thông; 2- Đối với dự án nhóm C và công trình đường bộ đang khai thác, phải có ít nhất 05 thẩm tra viên; trong đó, tối thiểu có 01 kỹ sư công trình đường bộ, 01 kỹ sư vận tải đường bộ và tối thiểu có 01 người đủ điều kiện làm Chủ nhiệm thẩm tra an toàn giao thông.

Ngoài ra, Nghị định số 64/2016/NĐ-CP cũng bổ sung một số điều quy định về: Điều kiện của cơ sở kinh doanh đào tạo thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ; trình tự, thủ tục chấp thuận cơ sở đào tạo thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ; giảng viên và học viên tham gia đào tạo thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ; cấp, cấp đổi, cấp lại chứng chỉ thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ; thu hồi Giấy chấp thuận cơ sở đào tạo, thu hồi chứng chỉ thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ...

Trong đó, về điều kiện của cơ sở kinh doanh đào tạo thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ, Nghị định 64/2016/NĐ-CP nêu rõ: Cơ sở này phải là tổ chức được thành lập theo quy định của pháp luật; đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, về đội ngũ giảng viên, về tài liệu giảng dạy, về quản lý công tác đào tạo và phải được Tổng cục Đường bộ Việt Nam cấp Giấy chấp thuận cơ sở đào tạo thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ.

Nghị định 64/2016/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016.

Điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô

Chính phủ ban hành Nghị định số 65/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và sát hạch lái xe.

Theo đó, cơ sở đào tạo lái xe ô tô phải là cơ sở giáo dục nghề nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật; phù hợp với quy hoạch mạng lưới cơ sở đào tạo lái xe ô tô.

Về cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở phải đáp ứng các điều kiện về hệ thống phòng học chuyên môn, xe tập lái, sân tập lái xe, có chương trình, giáo trình và giáo án theo quy định.

Cụ thể, hệ thống phòng học chuyên môn phải bao gồm các phòng học lý thuyết và phòng học thực hành, bảo đảm số lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật, nghiệp vụ chuyên môn phù hợp với quy mô đào tạo theo quy định của Bộ Giao thông vận tải; phòng học Pháp luật giao thông đường bộ; phòng học Cấu tạo và sửa chữa thông thường; phòng học Kỹ thuật lái xe; phòng học Nghiệp vụ vận tải; phòng học Thực tập bảo dưỡng sửa chữa; phòng điều hành giảng dạy phải đáp ứng quy định.

Về xe tập lái, cơ sở phải có đủ xe tập lái các hạng tương ứng với lưu lượng đào tạo ghi trong giấy phép đào tạo lái xe; có giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ còn hiệu lực; có hệ thống phanh phụ bố trí bên ghế ngồi của giáo viên dạy thực hành lái xe...

Ngoài các điều kiện về cơ sở vật chất, cơ sở đào tạo lái xe ô tô cũng cần đáp ứng các điều kiện về giáo viên dạy lái xe ô tô. Cụ thể, phải có đội ngũ giáo viên đáp ứng tiêu chuẩn đối với nhà giáo dạy trình độ sơ cấp quy định tại khoản 4 Điều 53 Luật giáo dục nghề nghiệp; đáp ứng tiêu chuẩn nghiệp vụ sư phạm theo quy định và số lượng giáo viên cơ hữu phải đảm bảo 50% trên tổng số giáo viên của cơ sở đào tạo.

Bên cạnh đó, giáo viên dạy lý thuyết phải có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên một trong các chuyên ngành luật, công nghệ ô tô, công nghệ kỹ thuật ô tô, lắp ráp ô tô hoặc các ngành nghề khác có nội dung đào tạo chuyên ngành ô tô chiếm 30% trở lên; trình độ A về tin học trở lên; giáo viên dạy môn Kỹ thuật lái xe phải có giấy phép lái xe tương ứng hạng xe đào tạo trở lên.

Giáo viên dạy thực hành phải có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên hoặc có chứng chỉ kỹ năng nghề để dạy trình độ sơ cấp; giáo viên dạy lái xe ô tô phải có giấy phép lái xe hạng tương ứng hoặc cao hơn hạng xe đào tạo, nhưng không thấp hơn hạng B2; giáo viên dạy các hạng B1, B2 phải có giấy phép lái xe đủ thời gian từ 03 năm trở lên, kể từ ngày được cấp; giáo viên dạy các hạng C, D, E và F phải có giấy phép lái xe đủ thời gian từ 05 năm trở lên, kể từ ngày được cấp; đã qua tập huấn về nghiệp vụ dạy thực hành lái xe theo chương trình do cơ quan có thẩm quyền ban hành và được cấp giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe.

Nghị định quy định giáo viên dạy thực hành lái xe đã được cấp giấy chứng nhận trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành (1/7/2016) mà chưa đáp ứng điều kiện quy định phải hoàn thiện đáp ứng quy định trước ngày 1/7/2019.

Điều kiện đầu tư kinh doanh 6 lĩnh vực ngành Nông nghiệp

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 66/2016/NĐ-CP quy định điều kiện đầu tư kinh doanh về bảo vệ và kiểm dịch thực vật; giống cây trồng; nuôi động vật rừng thông thường; chăn nuôi; thủy sản; thực phẩm.

Nghị định trên quy định điều kiện kinh doanh, gồm:

1. Điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, trừ thuốc bảo vệ thực vật sinh học có hoạt chất là các vi sinh vật có ích; buôn bán thuốc bảo vệ thực vật; tổ chức hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật; tổ chức thực hiện khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật để đăng ký vào Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam;

2. Điều kiện kinh doanh dịch vụ khảo nghiệm giống cây trồng;

3. Điều kiện nuôi động vật rừng thông thường;

4. Điều kiện kinh doanh con giống vật nuôi, tinh, phôi, trứng giống, chăn nuôi tập trung đối với trâu, bò, dê, cừu, ngựa, thỏ, lợn, gà, vịt, ngan, đà điểu, chim cút, chim yến; sản xuất, gia công thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản (bao gồm cả chế phẩm sinh học, vi sinh vật, khoáng chất, hóa chất, trừ hóa chất khử trùng, tiêu độc, sát trùng, dùng trong nuôi trồng thủy sản); buôn bán thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản; kinh doanh dịch vụ khảo nghiệm thức ăn chăn nuôi, thức ăn thuỷ sản;

5. Điều kiện sản xuất giống thủy sản (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra, cá rô phi, nghêu Bến Tre), nuôi trồng thủy sản (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra, cá rô phi); kinh doanh dịch vụ khảo nghiệm giống thủy sản; khai thác thủy sản;

6. Điều kiện kinh doanh thực phẩm (lương thực; thịt và các sản phẩm từ thịt; thủy sản và sản phẩm thủy sản; rau, củ, quả và sản phẩm rau, củ, quả; trứng và các sản phẩm từ trứng; sữa tươi nguyên liệu; mật ong và các sản phẩm từ mật ong; muối; gia vị; đường; chè; cà phê; ca cao; hạt tiêu; điều và các nông sản thực phẩm khác): cơ sở sản xuất thực phẩm (trồng trọt, thu hái, chăn nuôi, nuôi trồng, đánh bắt, khai thác thủy sản); cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm; chợ đầu mối nông sản; cơ sở buôn bán thực phẩm.

Về điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, Nghị định quy định tổ chức sản xuất thuốc bảo vệ thực vật phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 61 của Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật và các điều kiện chi tiết quy định tại Nghị định này về nhân lực, nhà xưởng, kho bảo quản thuốc bảo vệ thực vật, thiết bị, hệ thống quản lý chất lượng.

Tổ chức, cá nhân buôn bán thuốc bảo vệ thực vật phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 63 của Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật và các điều kiện về nhân lực, địa điểm, kho thuốc bảo vệ thực vật.

Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định, tổ chức hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 37 của Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật và các điều kiện chi tiết về nhân lực; điều kiện đối với cá nhân được cấp Thẻ hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật; về cơ sở vật chất kỹ thuật./.