Để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 68/2016/NĐ-CP trong đó quy định cụ thể về điều kiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế; các trường hợp tạm dừng hoạt động, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế.

Để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế, Nghị định yêu cầu phải đáp ứng các điều kiện về vị trí đặt cửa hàng miễn thuế: a) Trong khu vực cách ly của cửa khẩu đường bộ quốc tế, ga đường sắt liên vận quốc tế, cảng biển loại 1; trong khu vực cách ly và khu vực hạn chế của cảng hàng không dân dụng quốc tế; b) Trong nội địa; c) Trên tàu bay thực hiện các chuyến bay quốc tế của hãng hàng không được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam; d) Kho chứa hàng miễn thuế đặt tại vị trí cùng với cửa hàng miễn thuế hoặc trong khu vực cách ly, khu vực hạn chế hoặc thuộc địa bàn hoạt động hải quan tại các khu vực ngoài cửa khẩu…

Nghị định quy định tạm dừng hoạt động kinh doanh hàng miễn thuế trong 2 trường hợp: 1- Theo đề nghị tạm dừng hoạt động của doanh nghiệp; 2- Các trường hợp thuộc đối tượng thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế.

Trong thời gian tạm dừng hoạt động kinh doanh hàng miễn thuế, cơ quan hải quan thực hiện giám sát lượng hàng tồn tại cửa hàng miễn thuế, kho chứa hàng miễn thuế. Doanh nghiệp kinh doanh hàng miễn thuế chịu trách nhiệm bảo đảm nguyên trạng hàng hóa tại cửa hàng miễn thuế, kho chứa hàng miễn thuế.

Thời hạn tạm dừng hoạt động kinh doanh hàng miễn thuế không quá 06 tháng kể từ ngày thông báo tạm dừng hoạt động.

Nghị định cũng quy định 5 trường hợp thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế: 1- Theo đề nghị chấm dứt hoạt động kinh doanh hàng miễn thuế của doanh nghiệp; 2- Quá thời hạn 06 tháng kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế nhưng doanh nghiệp không đưa cửa hàng miễn thuế vào hoạt động; 3- Cửa hàng miễn thuế, kho chứa hàng miễn thuế không duy trì các điều kiện theo quy định; 4- Trong vòng 12 tháng doanh nghiệp 03 lần vi phạm hành chính về hải quan liên quan đến hoạt động kinh doanh hàng miễn thuế và bị xử lý vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền với mức phạt cho mỗi lần vượt thẩm quyền xử phạt của Chi cục trưởng Chi cục Hải quan; 5- Quá thời hạn tạm dừng hoạt động.

Điều kiện chung đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm

Nghị định 67/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Y tế vừa được Chính phủ ban hành.

Nghị định này quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Y tế bao gồm: Điều kiện chung đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; điều kiện đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng và thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng; điều kiện đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm; điều kiện đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh nước khoáng thiên nhiên, nước uống đóng chai, nước đá dùng liền.

Trong đó, về điều kiện đối với cơ sở, Nghị định yêu cầu cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải có đủ diện tích để bố trí khu vực sản xuất thực phẩm, các khu vực phụ trợ và thuận tiện cho hoạt động sản xuất, bảo quản và vận chuyển thực phẩm; khu vực sản xuất, bảo quản thực phẩm không bị ngập nước, đọng nước; không bị ảnh hưởng bởi động vật, côn trùng, vi sinh vật gây hại; không bị ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm từ các khu vực ô nhiễm bụi, hoá chất độc hại và các nguồn gây ô nhiễm khác.

Về điều kiện đối với thiết bị, dụng cụ, Nghị định yêu cầu thiết bị, dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm phải được thiết kế chế tạo phù hợp với yêu cầu công nghệ sản xuất; bảo đảm an toàn, không gây ô nhiễm thực phẩm, dễ làm sạch, khử trùng, bảo dưỡng. Thiết bị, dụng cụ sản xuất di động phải bền, dễ di chuyển, tháo lắp và làm vệ sinh.

Ngoài ra, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải có thiết bị, dụng cụ giám sát chất lượng, an toàn sản phẩm và đánh giá được chỉ tiêu cơ bản về chất lượng, an toàn thực phẩm. Nếu không có thiết bị, dụng cụ giám sát chất lượng, an toàn thực phẩm thì phải có hợp đồng kinh tế với tổ chức, cá nhân được phép kiểm nghiệm khác;...

Điều kiện mở, đóng sân bay chuyên dùng

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 42/2016/NĐ-CP quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở, đóng sân bay chuyên dùng.

Theo đó, việc mở sân bay chuyên dùng phải đảm bảo điều kiện phục vụ chiến lược bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế, xã hội; phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông vận tải, hạ tầng xã hội - đô thị; có đội ngũ nhân lực đủ trình độ kỹ thuật vận hành, khai thác sân bay chuyên dùng; phù hợp với các quy định của pháp luật có liên quan về quản lý tĩnh không, quản lý đất đai, môi trường, khu vực mặt nước, mặt biển, quản lý vùng trời, khu cấm bay, khu hạn chế bay; chủ sở hữu sân bay đã được cấp Giấy chứng nhận và Giấy đăng ký khai thác sân bay chuyên dùng đối với sân bay đề nghị mở phục vụ mục đích thường xuyên hoạt động bay thương mại.

Nghị định quy định rõ đóng sân bay chuyên dùng khi xảy ra một trong các trường hợp sau: 1-Hoạt động của sân bay chuyên dùng ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, chủ quyền và lợi ích quốc gia; ảnh hưởng đến an toàn, an ninh hàng không, môi trường và có hoạt động trái pháp luật khác; 2- Sân bay chuyên dùng hết thời hạn sử dụng hoặc có nguy cơ gây mất an toàn, gây sự cố công trình ảnh hưởng đến an toàn bay; 3-Sân bay chuyên dùng không còn phù hợp với quy hoạch tổng thể đô thị, quy hoạch vùng, ngành, địa phương; ảnh hưởng đến ranh giới, định hướng phát triển không gian, phá vỡ hành lang bảo vệ công trình quốc phòng, an ninh và khu vực bảo vệ các công trình khác theo quy định của pháp luật…

Sân bay chuyên dùng được mở lại sau khi các lý do quy định trên đã chấm dứt./.