Dây chuyền sản xuất nước hoa Miss Sài Gòn

Theo đó, Nghị định quy định cụ thể điều kiện hoạt động của cơ sở sản xuất mỹ phẩm gồm: Được thành lập hợp pháp; có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm theo mẫu quy định.

Để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm, cơ sở sản xuất mỹ phẩm phải đáp ứng 3 điều kiện:

1- Về nhân sự, người phụ trách sản xuất của cơ sở phải có kiến thức chuyên môn về một trong các chuyên ngành: Hóa học, sinh học, dược học hoặc các chuyên ngành khác có liên quan đáp ứng yêu cầu của công việc.

2- Điều kiện về cơ sở vật chất:

- Có địa điểm, diện tích, nhà xưởng, trang thiết bị đáp ứng với yêu cầu về dây chuyền sản xuất, loại sản phẩm mỹ phẩm mà cơ sở đó dự kiến sản xuất như đã nêu trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm.

- Kho bảo quản nguyên liệu, vật liệu đóng gói và thành phẩm phải bảo đảm có sự tách biệt giữa nguyên liệu, vật liệu đóng gói và thành phẩm; có khu vực riêng để bảo quản các chất dễ cháy nổ, các chất độc tính cao, nguyên, vật liệu và sản phẩm bị loại, bị thu hồi và bị trả lại.

3- Có hệ thống quản lý chất lượng đáp ứng các yêu cầu: Nguyên liệu, phụ liệu dùng trong sản xuất mỹ phẩm phải đạt tiêu chuẩn chất lượng của nhà sản xuất; nước dùng trong sản xuất mỹ phẩm tối thiểu phải đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước uống do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành; các loại bán thành phẩm đưa vào sản xuất phải có tiêu chuẩn chất lượng và đạt tiêu chuẩn chất lượng của nhà sản xuất; có quy trình sản xuất cho từng sản phẩm; có bộ phận kiểm tra chất lượng để kiểm tra chất lượng của nguyên liệu, bán thành phẩm, sản phẩm chờ đóng gói và thành phẩm; có hệ thống lưu giữ hồ sơ tài liệu.

Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược, Thanh tra Bộ Y tế và Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) là cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thực hiện việc kiểm tra, thanh tra hậu mại về điều kiện sản xuất mỹ phẩm.

Việc kiểm tra, thanh tra được thực hiện theo các hình thức sau: 1- Kiểm tra, thanh tra định kỳ: Kiểm tra, thanh tra định kỳ sẽ đ­ược cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thông báo trư­ớc cho đơn vị đ­ược kiểm tra để đơn vị chuẩn bị về việc kiểm tra, thanh tra tr­ước khi tiến hành hoạt động kiểm tra, thanh tra. 2- Kiểm tra, thanh tra đột xuất: Kiểm tra, thanh tra đột xuất khi phát hiện cơ sở có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng, không tuân thủ quy định về điều kiện sản xuất mỹ phẩm hoặc do các khiếu nại của khách hàng. Trong tr­ường hợp Kiểm tra, thanh tra đột xuất, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền có quyền kiểm tra, thanh tra không cần báo tr­ước.

Đối với các cơ sở sản xuất mỹ phẩm không đạt tiêu chuẩn. Trong đó, khi không đáp ứng yêu cầu cơ sở sản xuất phải ngừng sản xuất mỹ phẩm. Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phát hành văn bản thông báo cơ sở không được tiếp tục sản xuất mỹ phẩm hoặc thu hồi Giấy chứng nhận đối với cơ sở được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đáp ứng các nguyên tắc CGMP-ASEAN.

Đặc biệt, cơ sở vi phạm không được tiếp tục sản xuất mỹ phẩm cho tới khi có báo cáo khắc phục tồn tại, nộp hồ sơ đăng ký kiểm tra và được cơ quan có thẩm quyền xác nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm.

Đối với các sản phẩm mỹ phẩm được sản xuất tại cơ sở không đáp ứng điều kiện sản xuất mỹ phẩm, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành quyết định thu hồi số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đã cấp cho cơ sở sản xuất không đáp ứng điều kiện sản xuất mỹ phẩm.

Tùy mức độ vi phạm, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phát hành thông báo thu hồi trên toàn quốc đối với sản phẩm mỹ phẩm được sản xuất tại cơ sở vi phạm điều kiện sản xuất./