Bạc Liêu chuyển 9 đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần

Thủ tướng Chính phủ đồng ý chuyển 9 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh Bạc Liêu thành công ty cổ phần.

Cụ thể, giai đoạn 2016-2017, thực hiện cổ phần hóa, nhà nước nắm giữ 51% tổng số cổ phần tại Trung tâm Dịch vụ đô thị tỉnh Bạc Liêu. Nhà nước không nắm giữ cổ phần tại 4 đơn vị: Ban Quản lý bến xe, tàu; Trung tâm Kỹ thuật tài nguyên, môi trường; Trung tâm Thí nghiệm và Kiểm định chất lượng công trình; Trung tâm Phát hành sách.

Giai đoạn 2018-2020, thực hiện cổ phần hóa, nhà nước nắm giữ 51% tổng số cổ phần tại 2 đơn vị: Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn; Trung tâm Giống nông nghiệp, thủy sản. Nhà nước nắm giữ dưới 30% tổng số cổ phần tại Đoạn Quản lý đường bộ, đường sông. Nhà nước không nắm giữ cổ phần đối với Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và Công nghệ.

Cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại các công ty cổ phần là UBND tỉnh Bạc Liêu.

Thủ tướng Chính phủ ủy quyền Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu phê duyệt phương án cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập này và triển khai các công việc liên quan theo quy định.

UBND tỉnh Bạc Liêu căn cứ quy định hiện hành, tiếp tục thoái vốn Nhà nước nắm giữ tại các đơn vị sự nghiệp công lập sau chuyển đổi; rà soát, phân loại đơn vị sự nghiệp công lập chuyển thành công ty cổ phần, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Giám sát việc thu phí, lệ phí để kịp thời chấn chỉnh

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa có ý kiến chỉ đạo về việc xử lý thông tin báo nêu về thu các loại phí, đóng góp của người dân tại xã Minh Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa.

Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Thanh Hóa trao đổi với Báo Lao động để làm rõ về những thông tin đúng, sai mà bài báo đã phản ánh; các biện pháp giải quyết và chỉ đạo công khai kết quả xử lý trước người dân và công luận.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Thanh Hóa cần thường xuyên chỉ đạo rà soát các quy định về thu phí, lệ phí và huy động các khoản đóng góp của nhân dân để sửa đổi, điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội tại từng địa bàn, đơn vị trong Tỉnh; đảm bảo công khai, minh bạch và thực hiện các quy định của nhà nước đối với người nghèo, người thuộc diện chính sách.

Đồng thời kiểm tra, giám sát việc thu phí, lệ phí và các khoản huy động của chính quyền các huyện, xã để kịp thời chấn chỉnh việc thu phí, lệ phí không đúng quy định và huy động vượt quá khả năng đóng góp của người dân; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm.

Sửa chữa các cầu yếu trên tuyến đường sắt Hà Nội – TP. HCM

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa có ý kiến chỉ đạo về việc đầu tư sửa chữa các cầu yếu trên tuyến đường sắt Hà Nội – thành phố Hồ Chí Minh để bảo đảm an toàn giao thông.

Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải xem xét, tổng hợp nhu cầu vốn của Dự án Cải tạo, nâng cấp tải trọng các cầu yếu trên tuyến đường sắt Hà Nội – thành phố Hồ Chí Minh trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 theo quy định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án cải tạo 111 cầu yếu và gia cố, xây dựng trụ chống va xô đối với 6 cầu vượt trên tuyến đường sắt Hà Nội – thành phố Hồ Chí Minh, trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt theo đúng các quy định hiện hành.

Xây dựng mức thu phí, lệ phí tại cửa khẩu biên giới đất liền

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao Bộ Tài chính hướng dẫn UBND các tỉnh có biên giới đất liền xây dựng mức phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ và tiện ích công cộng khác trong khu kinh tế cửa khẩu phù hợp với Luật phí và lệ phí, đảm bảo không có sự khác biệt lớn về mức thu phí giữa các địa phương.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh kiểm tra việc thu lệ phí qua lại biên giới tại cửa khẩu Hoành Mô, tỉnh Quảng Ninh từ ngày Thông tư số 165/2009/TT-BTC ngày 17/8/2009 của Bộ Tài chính có hiệu lực thi hành đến tháng 4/2016 để xử lý theo quy định tại khoản 2 Điều 34 Pháp lệnh phí, lệ phí.

Phó Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo cơ quan, đơn vị thu phí, lệ phí trên địa bàn nghiêm túc thực hiện niêm yết hoặc thông báo công khai về tên, mức thu, thủ tục hành chính về thu, nộp phí, lệ phí theo đúng quy định của pháp luật; xử lý nghiêm các trường hợp thu phí, lệ phí và huy động các khoản đóng góp của nhân dân không đúng quy định của pháp luật.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chỉ đạo Cục thú y, Cục bảo vệ thực vật quản lý, giám sát hoạt động kiểm dịch và thu phí kiểm dịch động, thực vật tại các cửa khẩu biên giới theo quy định của pháp luật, đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng giao Bộ Quốc phòng chỉ đạo Ủy ban hợp tác Quản lý cửa khẩu phía Việt Nam trao đổi với phía Trung Quốc thống nhất về việc công khai, niêm yết thu phí, lệ phí tại cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc; báo cáo Bộ Quốc phòng kết quả thực hiện việc niêm yết, công khai về thu phí, lệ phí tại các cửa khẩu này theo quy định.

Nhân rộng mô hình CLB liên thế hệ tự giúp nhau

Nhân rộng các câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau trên toàn quốc, thông qua cách tiếp cận liên thế hệ, tự giúp nhau dựa vào cộng đồng để góp phần thực hiện chỉ tiêu trong Chương trình hành động quốc gia về Người cao tuổi Việt Nam, góp phần chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi, chú trọng giúp đỡ người cao tuổi nghèo, cận nghèo và khó khăn tại cộng đồng.

Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn 2016 - 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đề án đặt chỉ tiêu giai đoạn 2016 - 2017, xây dựng và duy trì hoạt động khoảng 1.200 câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau ở ít nhất 20 tỉnh/thành phố (có ít nhất 60.000 thành viên, trong đó có 40.000 người cao tuổi tham gia); giai đoạn 2018 - 2020, xây dựng và duy trì hoạt động khoảng 2.000 câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau ở ít nhất 45 tỉnh/thành phố (có ít nhất 100.000 thành viên, trong đó có 65.000 người cao tuổi tham gia).

Các câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau bảo đảm chất lượng, chỉ tiêu theo quy định như: 70% là người cao tuổi (từ 55 tuổi trở lên), 60 - 70% là phụ nữ, 60% - 70% là người nghèo, cận nghèo hoặc có hoàn cảnh khó khăn; có ít nhất 50% thành viên được vay vốn bằng tiền hoặc hiện vật và cải thiện thu nhập; 80% câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau được tập huấn và giám sát theo quy chế.

Một trong các hoạt động của Đề án là lập kế hoạch, xây dựng tài liệu hướng dẫn và tuyên truyền về đề án. Cụ thể, lập Ban Điều hành đề án, xây dựng kế hoạch. Phối hợp với các bộ, ngành liên quan, địa phương lập kế hoạch cụ thể về tiến độ xây dựng câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau, ngân sách, hoạt động (theo 2 giai đoạn); hướng dẫn, phối hợp với các tỉnh xây dựng đề án nhân rộng mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau tại địa phương.

Bên cạnh đó, xây dựng quy định về mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau bao gồm tiêu chí, quy định về cơ cấu tổ chức, điều lệ, nội dung hoạt động, cơ chế huy động nguồn lực, quản lý tài chính, quy trình thành lập câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau.

Đồng thời, xây dựng bộ tài liệu về mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau gồm: Sổ tay hướng dẫn thành lập, quản lý mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau và các tài liệu (hướng dẫn hoạt động tăng thu nhập, chăm sóc sức khỏe, tình nguyện viên chăm sóc tại nhà, hỏi đáp về quyền và lợi ích của người cao tuổi); tuyên truyền về đề án và mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau (biên soạn tài liệu, phối hợp với truyền thông, tổ chức hội thảo).

Hoạt động tiếp theo của Đề án là tập huấn kỹ thuật để nhân rộng câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau tại địa phương.

Theo đó, tập huấn cho cán bộ triển khai đề án, cán bộ Hội Người cao tuổi, thành viên Ban Chủ nhiệm câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau (dự kiến) và cán bộ liên quan của các tỉnh/thành, huyện/quận, xã (theo hình thức tập huấn cho giảng viên, tập huấn mẫu, tập huấn điểm tại tỉnh) về phương pháp thành lập, quản lý, các hoạt động của câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau, tham quan mô hình.

Hướng dẫn triển khai các hoạt động tại các câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau (lập kế hoạch, vay vốn, tăng thu nhập, văn nghệ thể thao, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ cộng đồng, tình nguyện viên chăm sóc tại nhà, vận động nguồn lực, bảo vệ quyền, truyền thông v.v…).

Các hoạt động trên được tiến hành ở một số tỉnh, thành phố theo kế hoạch nhằm bảo đảm thành lập các câu lạc bộ có chất lượng, sau đó nhân rộng ra tỉnh, thành phố khác.

Ngoài ra, giám sát, hỗ trợ, nâng cao năng lực cho các câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau đang hoạt động để làm nòng cốt nhân rộng các câu lạc bộ mới.

Chuyển mục đích sử dụng đất tại tỉnh Bắc Ninh

Thủ tướng Chính phủ đồng ý UBND tỉnh Bắc Ninh quyết định chuyển mục đích sử dụng 23 ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nêu trên theo đúng quy định tại Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 và số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ./.