Thủ tướng Chính phủ thống nhất với đề nghị của tỉnh Sơn La và ý kiến các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ cho các hộ tái định cư và các hộ bị ảnh hưởng thuộc Dự án di dân, tái định cư thủy điện Sơn La áp dụng một mức giá đất năm 2013 (do UBND tỉnh Sơn La ban hành) cho toàn bộ Dự án theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 883/TTg-KTN ngày 20/6/2013 và Quyết định số 2009/QĐ-TTg ngày 04/11/2013.

UBND tỉnh Sơn La rà soát, tổng hợp, có các số liệu cụ thể đối với diện tích đất còn sót, thiếu chưa đưa vào hồ sơ kê khai ban đầu cho các hộ dân theo đúng quy định thuộc Dự án di dân, tái định cư thủy điện Sơn La trên địa bàn tỉnh (nếu có), làm cơ sở cho việc bổ sung bồi thường, hỗ trợ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện thẩm định Đề án "Ổn định dân cư, phát triển kinh tế-xã hội vùng tái định cư thủy điện Sơn La", trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

Bản tái định cư dự án thủy điện dân tộc Thái, Mường Lay, Sơn La

Dự án Nhà máy thủy điện Sơn La - công trình trọng điểm quốc gia có quy mô và công suất lớn nhất Đông Nam Á (2.400 MW) được đầu tư xây dựng tại xã Ít Ong, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La với phạm vi ảnh hưởng đến 248 bản của 31 xã thuộc 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu. Dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La triển khai từ năm 2003.

Theo Quy hoạch tổng thể di dân, tái định cư Dự án thủy điện Sơn La đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tổng số dân di chuyển thuộc Dự án di dân, tái định cư thủy điện Sơn La là 20.340 hộ, 92.301 nhân khẩu. Trong đó, tỉnh Sơn La 12.584 hộ, 58.337 khẩu; tỉnh Điện Biên 4.459 hộ, 17.010 khẩu; tỉnh Lai Châu 3.297 hộ, 16.954 khẩu.

Tổng số khu, điểm tái định cư tập trung của Dự án di dân, tái định cư thủy điện Sơn La 78 khu, 285 điểm, tái định cư xen ghép vào 38 bản thuộc 17 xã và tái định cư tự nguyện; bố trí tái định cư cho 20.477 hộ (gồm số dân di chuyển thuộc Dự án di dân, tái định cư thủy điện Sơn La và Dự án đường tránh ngập đường Mường Lay-Nậm Nhùn, giai đoạn 1).

Trong 3 tỉnh có diện tích đất thuộc dự án, tỉnh Sơn La có diện tích đất bị ngập lớn nhất (15.700/23.333ha) và số lượng hộ dân phải di chuyển nhiều nhất (12.584/20.477 hộ). Tỉnh Sơn La phải di chuyển 58.337 nhân khẩu ở 169 bản của 17 xã gồm 99 bản, gần 36.000 nhân khẩu và trung tâm huyện lỵ Quỳnh Nhai thuộc 3 huyện Quỳnh Nhai, Thuận Châu và Mường La đến tái định cư tại 70 khu, 276 điểm tái định cư tập trung nông thôn, đô thị và xen ghép thuộc 8/12 huyện, thành phố trong tỉnh.

Để đáp ứng yêu cầu về ổn định đời sống tại nơi ở mới, tỉnh Sơn La đã tổ chức xây dựng khá đồng bộ kết cấu hạ tầng, kiện toàn các tổ chức trong hệ thống chính trị tại các điểm tái định cư.

Cùng với đó, tỉnh Sơn La đã giao đất sản xuất cho 10.128 hộ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở cho 11.648 hộ gia đình, đồng thời nghiêm túc thực hiện công tác hỗ trợ, bồi thường với 7.761 phương án cho 12.584 hộ tái định cư và 15.985 hộ dân tại nơi đón nhận nhân dân đến tái định cư.

Tại các nơi tái định cư, tỉnh đã chỉ đạo thực hiện tốt công tác khuyến nông, hướng dẫn nhân dân áp dụng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt đem lại năng suất cao hơn nhằm tăng thu nhập.

Đến hết năm 2015, thu nhập bình quân đầu người khu tái định cư đạt 1,28 triệu đồng/người/tháng (thời điểm trước khi chuyển dân là 0,34 triệu đồng/người/tháng); 75% nhà ở kiên cố; 99% số hộ sử dụng nước hợp vệ sinh; 100% hộ dân tái định cư được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% trẻ em đến tuổi đi học được đến trường; tỷ lệ phổ cập giáo dục tiểu học vùng tái định cư là 100%, phổ cập giáo dục THCS là 99%. Số điểm tái định cư ổn định, có điều kiện phát triển là 169/276 điểm (chiếm 61%), số điểm tái định cư ổn định, có khả năng phát triển là 88/276 (chiếm 32%), số điểm chưa ổn định là 19/276 điểm (chiếm 7%)./.