Cụ thể, 8 bộ, cơ quan ngang bộ gồm: Công Thương, Tài chính, Xây dựng, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

12 địa phương gồm: UBND các thành phố: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng; UBND các tỉnh: Quảng Ninh, Bắc Giang, Thanh Hóa, Khánh Hoà, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Long An, Kiên Giang, Cà Mau.

Quyết định nêu rõ, mục đích của Kế hoạch nhằm tăng cường chất lượng, hiệu quả, bảo đảm tiến độ thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo đúng quyết nghị của Chính phủ tại Nghị quyết; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong tổ chức thực hiện Nghị quyết 19.

Nội dung kiểm tra gồm: việc triển thực hiện Nghị quyết tại bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tình hình và kết quả việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia thuộc trách nhiệm thực hiện của bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Trong đó, tập trung vào cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa, bãi bỏ các thủ tục không còn phù hợp, bảo đảm giảm ít nhất 10%/năm về chi phí tuân thủ thủ tục hành chính; việc thiết lập hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý kiến nghị và kết quả xử lý kiến nghị của người dân và doanh nghiệp; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước; đồng thời kiểm tra việc chấp hành chế độ báo cáo của bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Có thể nói, Kế hoạch kiểm tra được ban hành thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ trong nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Sau hai năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18/3/2014 và Nghị quyết số 19/NĐ-CP ngày 12/3/2015, môi trường đầu tư kinh doanh nước ta đã có bước cải thiện, năng lực cạnh tranh được nâng lên, được các tổ chức quốc tế có uy tín ghi nhận, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao và ngày càng kỳ vọng vào những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Chính phủ.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bộ, cơ quan và địa phương chưa tích cực triển khai và thực hiện nghiêm chế độ báo cáo định kỳ về kết quả thực thi. Người đứng đầu một số bộ, ngành và địa phương còn coi Nghị quyết 19 như là phong trào, chưa nắm được cụ thể mục tiêu, nhiệm vụ đề ra nên chưa quan tâm, chỉ đạo quyết liệt và đôn đốc, kiểm tra, giám sát; thủ tục hành chính vẫn còn phức tạp, phiền hà. Vì thế, môi trường đầu tư, kinh doanh của nước ta tuy có được cải thiện nhưng vẫn còn thấp cả về thứ hạng và điểm số.

Nhằm mục tiêu tiếp tục phấn đấu cải thiện về điểm số và vị trí xếp hạng về môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, ngày 28/4/2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã được nêu tên và giao những nhiệm vụ rất cụ thể trong Nghị quyết lần này. Đây là điểm khác biệt lớn nhất trong Nghị quyết 19 lần này so với hai Nghị quyết 19 của các năm 2014 và 2015.

Ngoài ra, các điểm mới của Nghị quyết 19/2016 so với các Nghị quyết 19/2014 và Nghị quyết 19/2015 có thể kể đến như: Văn phòng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư trực tiếp thực hiện theo dõi, đánh giá, giám sát tình hình thực thi Nghị quyết; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ lập các Đoàn kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết 19 tại các Bộ, cơ quan, địa phương; Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Đoàn kiểm tra, giám sát của Chính phủ; tổng hợp tình hình thực hiện Nghị quyết và báo cáo tại các phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng cuối quý; Kết quả thực hiện Nghị quyết được đưa vào đánh giá chất lượng của từng Bộ, cơ quan, địa phương tại phiên họp thường kỳ tháng 12…/.