Làm rõ phản ánh bán đất trái thẩm quyền tại tỉnh Nam Định

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Nam Định khẩn trương kiểm tra, làm rõ nội dung phản ánh việc lãnh đạo huyện, xã cố tình bán đất trái thẩm quyền tại một số huyện tỉnh Nam Định.

Hiện nay, trên một số phương tiện thông tin đại chúng đang phản ánh việc lãnh đạo huyện, xã cố tình bán đất trái thẩm quyền tại một số huyện Ý Yên, Giao Thủy, Nam Trực... tỉnh Nam Định.

Về việc này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Nam Định khẩn trương kiểm tra, làm rõ nội dung báo phản ánh; nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật phải xử lý nghiêm theo quy định; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10/9/2016.

Lập BCĐ về giải pháp ổn định đời sống nhân dân bị ảnh hưởng sự cố môi trường

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định thành lập Ban chỉ đạo về các giải pháp để ổn định đời sống và sản xuất, kinh doanh cho nhân dân 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng sự cố môi trường gồm 19 thành viên do Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình làm Trưởng ban.

Đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Phó ban.

Các thành viên khác gồm Đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Tài nguyên và Môi trường; Lao động - Thương binh và Xã hội; Tài chính; Khoa học và Công nghệ; Y tế; Công Thương; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tư pháp; Kế hoạch và Đầu tư; Thông tin và Truyền thông; Công an; Văn phòng Chính phủ; Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Chủ tịch UBND 4 tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.

Ban Chỉ đạo là tổ chức phối hợp liên ngành, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo việc xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện các giải pháp để ổn định đời sống và sản xuất, kinh doanh cho nhân dân 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng sự cố môi trường (giải pháp ổn định đời sống).

Thành viên Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ chủ động đề xuất về các vấn đề liên quan đến việc xây dựng, thực hiện các giải pháp ổn định đời sống. Căn cứ chức năng, thẩm quyền của mình, chủ động triển khai thực hiện các giải pháp ổn định đời sống được cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Đồng thời, tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các giải pháp ổn định đời sống theo chức năng, nhiệm vụ của mình.

Ban Chỉ đạo làm việc theo chế độ kiêm nhiệm và tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định việc thành lập Tổ công tác triển khai thực hiện thống kê, bồi thường thiệt hại, hỗ trợ khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất, chuyển đổi nghề cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường. Thành phần Tổ công tác gồm đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là Tổ trưởng, đại diện một số bộ, ngành liên quan, đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.

Triển khai Hiệp định thương mại biên giới Việt - Lào

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Hiệp định Thương mại biên giới giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.

Theo Kế hoạch, các cơ quan chức năng liên quan sẽ triển khai tuyên truyền, phổ biến nội dung Hiệp định; hướng dẫn thực hiện Hiệp định và các văn bản hướng dẫn liên quan; hỗ trợ doanh nghiệp thương mại biên giới Việt Nam - Lào; xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch qua biên giới Việt Nam - Lào; phát triển hoạt động của chợ biên giới; chia sẻ thông tin và đào tạo; tổ chức Hội nghị Hợp tác phát triển thương mại biên giới Việt - Lào luân phiên tại mỗi nước...

Cụ thể, các cơ quan chức năng liên quan sẽ tăng cường tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy thương mại hàng hóa qua biên giới Việt Nam - Lào, bao gồm nghiên cứu, khảo sát thị trường, hội chợ, triển lãm thương mại, quảng cáo, tư vấn, môi giới, đại lý và các dịch vụ nâng cao khả năng tiếp cận và thâm nhập thị trường thông qua các cửa khẩu, lối mở biên giới Việt Nam - Lào; triển khai các chương trình khuyến khích thương nhân và cư dân biên giới đầu tư sản xuất, nuôi, trồng tại các tỉnh biên giới của Lào căn cứ các cơ chế, chính sách ưu đãi của Hiệp định đối với hoạt động đầu tư; thúc đẩy phát triển du lịch gắn kết với thương mại biên giới; đẩy mạnh hoạt động du lịch kết hợp với triển lãm thương mại, mua sắm qua biên giới; mở rộng các điểm, tuyến du lịch văn hóa qua biên giới, tuyến du lịch kết nối các tỉnh Việt Nam và Lào; khuyến khích xây dựng và phát triển các tuyến du lịch vào sâu trong nội địa của hai nước và kết nối với các nước trong khu vực...

Kiện toàn BCĐTW thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” (Ban Chỉ đạo Trung ương).

Theo Quyết định, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương là Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. Các Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương gồm: Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Huỳnh Văn Tí (Phó Trưởng Ban thường trực); Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam.

13 ủy viên gồm: Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương; Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng; Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng; Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đinh Quế Hải; Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Nguyễn Văn Lý; Phó Chủ tịch Thường trực Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lều Vũ Điều; Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết; Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh Nguyễn Anh Tuấn; Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam Nguyễn Văn Đạo; Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam Phạm Tất Dong; Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề Nguyễn Hồng Minh (Tổ trưởng Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo Trung ương).

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương có nhiệm vụ bảo đảm các điều kiện hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương.

Ban Chỉ đạo Trung ương có nhiệm vụ tham mưu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về phương hướng, cơ chế, chính sách và các giải pháp thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”; tổ chức, điều phối hoạt động giữa các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức liên quan và các địa phương trong việc triển khai thực hiện chính sách, chương trình, kế hoạch và các hoạt động của Đề án. Trong trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Đồng thời, Ban Chỉ đạo Trung ương có nhiệm vụ tổng hợp kết quả thực hiện; hướng dẫn xây dựng kế hoạch; tổng hợp và đề xuất các chỉ tiêu, nhiệm vụ, nguồn vốn và phương án phân bổ kế hoạch vốn ngân sách trung ương trung hạn và hàng năm giao cho các Bộ, cơ quan trung ương và các địa phương thực hiện Đề án; lập kế hoạch vốn ngân sách trung ương (nguồn vốn sự nghiệp) hàng năm để triển khai các hoạt động phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn thực hiện Đề án, gửi cơ quan thường trực Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tổng hợp chung và báo cáo Thủ tướng Chính phủ...

7 nhiệm vụ trọng tâm đẩy lùi tội phạm

Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (Ban Chỉ đạo 138/CP) yêu cầu Ban Chỉ đạo 138 các cấp trong thời gian tới tập trung thực hiện 7 nhiệm vụ trọng tâm để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh hiệu quả tội phạm.

Cụ thể, một là, tham mưu cấp với ủy, chính quyền các cấp tổ chức quán triệt sâu rộng Kết luận số 05 của Ban Bí thư, Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm và Chương trình phòng, chống mua bán người của Chính phủ, cụ thể hóa bằng các chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch hành động thực hiện tại đơn vị, địa phương.

Thực hiện nghiêm Quy định số 181 của Bộ Chính trị về xử lý đảng viên vi phạm và kết luận số 05 của Ban Bí thư về trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong phòng, chống tội phạm; xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức để xảy ra tham nhũng, tiêu cực; nơi nào để xảy ra phức tạp về an ninh, trật tự kéo dài thì người đứng đầu, người phụ trách địa bàn phải chịu trách nhiệm.

Hai là, các bộ, ngành được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì thực hiện các đề án trong Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm, Chương trình phòng, chống mua bán người cần tập trung nghiên cứu, xây dựng, phê duyệt trong năm 2016. Bộ Công an phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành khẩn trương hoàn thành Chương trình của Chính phủ để triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược giai đoạn 2016 - 2020 trong Quý IV/2016 gắn với hoàn thiện thể chế. Tổ chức sơ kết 02 năm thực hiện công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội.

Ba là, tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền về phòng, chống tội phạm, hướng mạnh hơn về cơ sở, chú trọng các địa bàn trọng điểm, phức tạp, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, học sinh, sinh viên… Thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 1/12/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới; giải quyết các tranh chấp từ cơ sở, ngăn chặn không để nảy sinh tội phạm, diễn biến phức tạp, khiếu kiện đông người, kéo dài; xây dựng và nhân rộng các mô hình tốt trong nhân dân về phòng, chống tội phạm theo hướng tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải về an ninh, trật tự ở cơ sở.

Bốn là, nêu cao tinh thần trách nhiệm, hiệu quả hoạt động của các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm. Thường xuyên bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ, nâng cao năng lực, trình độ, ý thức trách nhiệm “vì nhân dân phục vụ” cho đội ngũ cán bộ các cơ quan thực thi pháp luật xứng đáng là chỗ dựa tin cậy, vững chắc của nhân dân. Nâng cao chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử, không để xảy ra oan sai; đồng thời, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, đẩy nhanh tiến độ điều tra, xét xử các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, nhất là các vụ án tham nhũng được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và quần chúng nhân dân quan tâm; tăng cường hiệu quả công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; công tác lập hồ sơ đưa đối tượng vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, trung tâm cai nghiện.

Năm là, các bộ, ngành trong phạm vi trách nhiệm của mình khẩn trương rà soát, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống các luật, bộ luật mới liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm; đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách pháp luật hình sự, dân sự, kết hợp chặt chẽ giữa cải cách tư pháp với cải cách hành chính; đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng xây dựng các dự án Luật phòng chống tội phạm có tổ chức, Luật truy nã tội phạm, Luật bảo đảm trật tự an toàn xã hội, Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, Luật xử lý vi phạm hành chính sửa đổi bổ sung, Luật bảo vệ nhân chứng, Luật phòng, chống tham nhũng.

Sáu là, Bộ Công an và các cơ quan chuyên trách tăng cường công tác nắm, dự báo tình hình để xác định rõ, chỉ đạo đột phá trong phòng, chống tội phạm, nhất là các loại tội phạm nghiêm trọng nổi lên trong thời gian qua, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội của đất nước như: Tội phạm về tham nhũng, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, tội phạm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, tội phạm mua bán người, tội phạm giết người, đặc biệt là giết người do nguyên nhân xã hội, tội phạm ma túy, tội phạm lừa đảo, tội phạm trong lĩnh vực kinh doanh đa cấp, tội phạm môi trường, tội phạm công nghệ cao, vi phạm pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm... để điều tra, truy tố và đề xuất các giải pháp cần chỉ đạo thời gian tới nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Bảy là, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về phòng, chống tội phạm với các nước và các tổ chức quốc tế, ưu tiên hợp tác với các nước có chung đường biên giới, các nước trong khối ASEAN, các nước có quan hệ truyền thống, các nước lớn và các nước phát triển, các nước có nhiều công dân Việt Nam đang sinh sống và học tập. Tổ chức thực hiện tốt các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; nghiên cứu xây dựng, đàm phán, ký kết hoặc phê chuẩn các điều ước quốc tế liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm, phòng, chống mua bán người, đặc biệt là tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. Trước mắt, nghiên cứu, đề xuất đàm phán, ký Công ước phòng, chống tội phạm giữa các nước ASEAN.

Rút kinh nghiệm từ bão số 1, số 2

Rút kinh nghiệm về công tác ứng phó với bão số 1, số 2 năm 2016, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương sẵn sàng ứng phó với các đợt thiên tai tiếp theo với tinh thần chủ động hơn, quyết liệt hơn để hạn chế thiệt hại do thiên tai.

Đó là ý kiến chỉ đạo trong Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị rút kinh nghiệm bão số 1, số 2 năm 2016.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các Bộ, ngành, các địa phương bị ảnh hưởng của thiên tai vừa qua cần tiếp tục tập trung khắc phục hậu quả thiên tai, đặc biệt là hậu quả bão số 1 và bão số 2. Tập trung tìm kiếm được những người còn đang bị mất tích, tiếp tục thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình bị nạn; huy động lực lượng vũ trang, thanh niên, đoàn thể, vận động các tổ chức, doanh nghiệp, người dân phát huy tinh thần tương thân tương ái “lá lành đùm lá rách” hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân sửa chữa, dựng lại nhà cửa bị sập đổ, trôi, hư hại do bão, lũ; triển khai rà soát, hỗ trợ người dân bị thiệt hại do bão, mưa lũ theo quy định, kiên quyết không để hộ dân nào bị thiếu đói. Tiếp tục chỉ đạo khôi phục sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ để sớm ổn định lại đời sống, khắc phục hệ thống giao thông để bảo đảm giao thông thông suốt. Sẵn sàng ứng phó với các đợt thiên tai tiếp theo với tinh thần chủ động hơn, quyết liệt hơn để hạn chế thiệt hại do thiên tai.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Trung tâm Khí tượng thuỷ văn quốc gia tổ chức theo dõi chặt chẽ, cảnh báo, dự báo kịp thời các hình thế thời tiết nguy hiểm, thiên tai thời gian tới; cải tiến nội dung bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu hơn để mọi người dân hiểu mức độ nguy hiểm của thiên tai, tránh hiểu lầm, chủ quan trong ứng phó; phối hợp với cơ quan thông tin đại chúng và cơ quan có liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức về thiên tai, nhất là bão, lũ quét, sạt lở đất để các cơ quan, chính quyền và nhân dân biết.

Tăng cường hợp tác quốc tế trong dự báo khí tượng thủy văn

Về lâu dài, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo và tạo điều kiện để nâng cao năng lực (cả về trang thiết bị, công nghệ và con người) của Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn trung ương và các cơ quan dự báo. Phối hợp với các cơ quan có liên quan và các địa phương tiếp tục đầu tư bổ sung các trạm, phương tiện phục vụ quan trắc, giám sát khí hậu (bao gồm cả trên biển, trên đất liền), đẩy mạnh phát triển hệ thống trạm đo mưa cộng đồng, tăng cường hợp tác quốc tế trong dự báo khí tượng thủy văn nhằm nâng cao chất lượng công tác dự báo thời tiết, thiên tai, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của xã hội.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn của các địa phương, đặc biệt là công tác chuẩn bị ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ” tại các địa phương; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương xây dựng các kịch bản, các phương án ứng phó cụ thể với các loại hình thiên tai có thể xảy ra trên địa bàn theo từng cấp độ thiên tai sát tình hình, phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa phương để chủ động triển khai ứng phó nhanh khi thiên tai xảy ra, không để bất ngờ trong mọi tình huống.

Các Bộ, ngành, địa phương phải chủ động công tác hậu cần cho phòng, chống thiên tai, trong đó các Bộ: Xây dựng, Giao thông vận tải, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông phối hợp với các địa phương tổ chức kiểm tra, rà soát sửa chữa, nâng cấp các công trình hạ tầng kỹ thuật, các công trình xây dựng để bảo đảm an toàn khi có thiên tai.

Sớm có quy hoạch di dời dân cư ra khỏi các vùng nguy hiểm

Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng chỉ đạo, tổ chức kiểm tra công tác bảo đảm an toàn hồ đập theo chức năng quản lý nhà nước và nhiệm vụ được giao, đồng thời kiểm tra vận hành an toàn hồ đập trong mùa mưa lũ.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và các địa phương khẩn trương rà soát lại quy hoạch dân cư ở các vùng dễ xảy ra thiên tai, nhất là các khu vực xung yếu có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, sớm có quy hoạch và kế hoạch tổ chức di dời dân cư ra khỏi các vùng nguy hiểm; đối với các hộ chưa thực hiện di dời được phải có phương án sơ tán cụ thể khi có cảnh báo, dự báo thiên tai của cơ quan khí tượng thủy văn. Yêu cầu các địa phương chỉ đạo kiểm tra, kiên quyết di dời ngay các hộ dân lấn chiếm lòng sông, suối làm co hẹp dòng chảy, tăng nguy cơ xảy ra lũ quét để tránh thiệt hại về người, tài sản.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các cơ quan có liên quan khẩn trương sơ kết đánh giá và đẩy mạnh thực hiện Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; hoàn thiện Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai trong giai đoạn tới, trong đó xác định nhiệm vụ phòng, chống thiên tai không chỉ là trách nhiệm của cơ quan nhà nước, của các cấp chính quyền địa phương mà là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của cộng đồng, xã hội, đặc biệt là vai trò của người dân và doanh nghiệp trong phòng, chống thiên tai, góp phần hạn chế thiệt hại khi thiên tai xảy ra.

Tập trung làm đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Quảng đúng tiến độ

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại buổi làm việc với tỉnh Quảng Ngãi về những định hướng quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, phát triển công nghiệp của Tỉnh và kiểm tra tiến độ các dự án đường bộ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Quảng Ngãi nhanh chóng rà soát lại các quy hoạch, cơ cấu các ngành hàng, trên cơ sở đó cập nhật, điều chỉnh quy hoạch hoặc lập quy hoạch mới các ngành, lĩnh vực, sản phẩm, gắn với tái cơ cấu để nâng cao hiệu quả, năng suất, tính cạnh tranh với yêu cầu gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; gắn phát triển công nghiệp với đô thị, xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân tại các cơ sở công nghiệp.

Đồng thời ưu tiên thu hút đầu tư phát triển công nghiệp lọc hóa dầu, công nghiệp chế tạo, công nghiệp có quy mô lớn gắn với cảng nước sâu Dung Quất; phát triển công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ sạch. Tập trung huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng.

Về dự án đường bộ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam và các nhà thầu phải tập trung làm đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đáp ứng yêu cầu tiến độ, chất lượng và an toàn; tiếp tục đầu tư các giai đoạn tiếp theo, kết nối các đoạn cao tốc đã và đang được xây dựng, với mục tiêu xây dựng được 2.000 km đường cao tốc vào năm 2020.

Các tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi tập trung hoàn thành phần còn lại công tác giải phóng mặt bằng; thực hiện chính sách đền bù hợp lý cho người dân, bảo đảm người dân tái định cư có cuộc sống tốt hơn, tạo điều kiện cho các hộ gia đình tái định cư, có nhà ở và việc làm để ổn định đời sống, đồng thời thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội.

Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có tổng chiều dài gần 140km được thiết kế theo tiêu chuẩn đường ô tô cao tốc loại A với 4 làn xe, vận tốc thiết kế 120km/h, mặt cắt ngang đường rộng 26m, xây dựng 9 nút giao liên thông, 126 cầu các loại, 1 hầm đường bộ dài 540m và nhiều hạng mục khác.

Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là một phần của tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, kết nối vận chuyển quốc tế qua hành lang Đông Tây, có vai trò hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội miền Trung nói riêng và đất nước nói chung, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành cuối năm 2017./.