Theo đúng Chương trình phiên họp của Thường vụ Quốc hội, chiều ngày 06/10/2016, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về Dự án Luật Quy hoạch.

Về bố cục, phạm vi điều chỉnh, hệ thống quy hoạch và mối quan hệ giữa các loại quy hoạch, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ đã chỉnh lý dự thảo Luật theo phương án 2.

Theo đó, về bố cục của Luật Quy hoạch, sẽ gộp Chương II với Chương III thành Chương II về lập quy hoạch; gộp Chương VII về kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm vào Chương V về quản lý thực hiện quy hoạch.

Điều 20, Điều 21 và Điều 22 của dự thảo Luật đã chỉnh lý theo hướng quy định nội dung quy hoạch tổng thể quốc gia chỉ bao gồm các vấn đề: chiến lược về phân bố, tổ chức không gian các hoạt động kinh tế-xã hội, quản lý, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường, ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu, hạ tầng trọng yếu… có vai trò quan trọng quốc gia, liên kết vùng và quốc tế; cụ thể hóa Chiến lược Phát triển kinh tế-xã hội trên toàn bộ không gian lãnh thổ; quy định rõ Chính phủ quy định chi tiết việc lập quy hoạch tổng thể quốc gia.

Về ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị xem xét thẩm quyền của Quốc hội trong việc quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể quốc gia, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ xin được bảo lưu với lý do như sau: Quy hoạch tổng thể quốc gia là công cụ giúp Chính phủ trong việc chỉ đạo, điều hành về điều phối, phân bổ nguồn lực của quốc gia một cách hiệu quả trên cơ sở tôn trọng quy luật kinh tế thị trường.

"Việc lập quy hoạch tổng thể quốc gia với sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương và sự tham gia ý kiến, phản biện của xã hội nhằm nâng cao chất lượng quy hoạch và tạo ra lợi ích cao nhất cho đất nước trong phát triển kinh tế - xã hội, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường. Vì vậy, Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ vừa đảm bảo tính linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, đồng thời phù hợp với thẩm quyền của Chính phủ khi quyết định các vấn đề về kinh tế-xã hội được quy định trong Luật tổ chức Chính phủ năm 2015", Bộ trưởng lý giải.

Về lộ trình thực hiện và xử lý ranh giới giữa các luật, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay, hầu hết các quy hoạch hiện nay được lập cho thời kỳ quy hoạch là 10 năm (2011-2020), nên đến năm 2020 nếu không tiếp tục lập thì sẽ hết hiệu lực.

Do đó, việc ban hành Luật quy hoạch với hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018 sẽ có lộ trình khoảng thời gian 2 năm để chuẩn bị lập các quy hoạch mới cho thời kỳ 2021 - 2030 là phù hợp.

Ngoài ra, dự thảo Luật tạo ra khung pháp lý để tiến hành tổ chức lập quy hoạch theo phương pháp mới, cùng với việc quy định rõ nguyên tắc chuyển tiếp các quy hoạch tại Điều 66 sẽ đảm bảo tính chủ động, sự thống nhất và xóa bỏ khoảng trống trong chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội của các cấp, các ngành.

Về việc xử lý ranh giới giữa Luật Quy hoạch với 95 luật, pháp lệnh quy định về quy hoạch hiện nay, Bộ trưởng đề xuất: Đối với 51 luật, pháp lệnh chỉ quy định chung về quản lý quy hoạch, không quy định cụ thể về lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch và Luật Quy hoạch đô thị 2009 đang quy định về quy hoạch đô thị sẽ không phải sửa đổi.

"Còn đối với 43 luật, pháp lệnh quy định về loại quy hoạch, trách nhiệm lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đang xung đột, chồng chéo với nhau và xung đột với Luật Quy hoạch, đặc biệt là các luật, pháp lệnh quy định về các quy hoạch sản phẩm cần phải sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ một số điều, khoản quy định về quy hoạch để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật về quy hoạch. Việc sửa đổi, bãi bỏ các điều, khoản dựa trên nguyên tắc hạn chế tối đa các xung đột, chồng chéo; đồng thời đảm bảo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật của Việt Nam và không tạo khoảng trống pháp lý cho đến khi Luật Quy hoạch có hiệu lực", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

Giải trình thêm ý kiến của các đại biểu, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, quá trình xây dựng Dự án Luật Quy hoạch, Ban soạn thảo đã làm việc đi với từng bộ, ngành. Nhưng, không phải ý kiến nào cũng được tiếp thu. Chính phủ cũng đã ủy quyền cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, soạn thảo Luật Quy hoạch, trình lên Quốc hội xem xét.

Theo Thứ trưởng, chỉ cần nhìn vào số lượng quy hoạch lên tới hàng ngàn, văn bản pháp luật có quy định về quy hoạch lên tới cả trăm lại được ban hành ở nhiều thời điểm khác nhau.

Điều đó cho thấy, công tác quy hoạch đã bộc lộ nhiều bất cập, vừa thừa, vừa thiếu, chồng chéo, mâu thuẫn, chất lượng thấp, không gắn với nhu cầu sử dụng cũng như nguồn lực thực hiện và thiếu tính khả thi.

"Quan điểm của Chính phủ là không chấp nhận việc quy hoạch chồng chéo, lãng phí như thế này được. Nếu vẫn giữ nguyên trạng thế này đất nước sẽ khó phát triển. Nếu anh có quy hoạch 100ha để nuôi tôm, nhưng thị trường không bán được thì 10ha cũng không làm được, hãy để thị trường tự quyết định. Câu chuyện xin-cho tồn tại ở hầu hết các quy hoạch sản phẩm. Chính phủ nhiệm kỳ trước và nhiệm kỳ này đều nhất trí cao việc bỏ các quy hoạch lãng phí như vậy”, Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho biết.

Cảm thông với sự khó khăn của ban soạn thảo, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nói: "Chưa có luật nào 1 điều luật sửa 43 Luật khác, rất khó khăn, tôi chia sẻ với Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng!”.

Về thời gian trình Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị, trình dự án Luật Quy hoạch vào Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV vào cuối tháng 10/2016 để Quốc hội xem xét, thảo luận, cho ý kiến.

Phó Chủ tịch yêu cầu, Chính phủ phải chuẩn bị văn bản giải trình các vấn đề nêu trên, trả lời các câu hỏi, băn khoăn, vướng mắc của các Bộ ngành có liên quan.

Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, thay đổi tư duy là rất khó, đồng thời thay đổi phải có tính kế thừa.

Vì thế, vị Phó Chủ tịch này dự báo vui: “Dự kiến khi trình dự án Luật Quy hoạch, kỳ họp tới sẽ rất sôi động!”./.