Câu trả lời được làm rõ tại Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: "Luật Quy hoạch với quá trình tái cơ cấu nền kinh tế" do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức ngày 17/10/2016.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông (phải) phát biểu tại buổi tọa đàm/ Ảnh: daibieunhandan.vn

Luật Quy hoạch đáng lẽ phải được trình từ 1 năm trước

Trả lời câu hỏi trên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông khẳng định, chúng ta đã nhận thức được sự cần thiết của Luật này từ khá sớm. Lẽ ra, Luật này đã phải trình vào Kỳ họp thứ 10, QH Khóa XIII (tháng 10/2015) và thông qua và Kỳ họp cuối cùng QH Khóa XIII vào tháng 3.2016. Tuy nhiên, đây là một luật khó. Vì đây là lần đầu tiên có một luật chi phối xử lý chung cho các hoạt động quy hoạch trên toàn quốc một cách thống nhất.

“Vì mới và lần đầu, nên nó đòi hỏi chúng ta phải thay đổi thói quen, tập quán mà rất nhiều bộ, ngành hiện đang làm hàng mấy chục năm qua và họ đang thực hiện theo các văn bản khác nhau như thống kê của chúng tôi là 95 văn bản pháp luật, 85 nghị định…”, Thứ trưởng Đông lý giải thêm.

Luật Quy hoạch chi phối tất cả hệ thống văn bản pháp luật của cả một hệ thống thể chế của một bộ máy đang hoạt động, nên nó cũng có những phức tạp nhất định, để tạo ra sự đồng thuận là không phải dễ dàng.

Vì thế, “bằng rất nhiều nỗ lực trong suốt 5 năm qua, đến bây giờ chúng tôi rất mừng vì Chính phủ đã thông qua và trình lên Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đã họp và cho ý kiến, đồng ý đưa Luật Quy hoạch ra lấy ý kiến đại biểu quốc hội lần đầu tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XIV”, Thứ trưởng Đông phát biểu.

Ở góc độ của nhà nguyên cứu, TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam (Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng) bổ sung thêm 2 nguyên nhân làm cho việc ban hành Luật Quy hoạch chậm.

Một là, nguyên nhân về thể chế hành chính. Đó là trong Luật Tổ chức Chính phủ 2015 mà trước kia cũng thế cũng quy định, mọi bộ trưởng phải chịu trách nhiệm cá nhân chỉ đạo thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch chương trình dự án đã được phê duyệt quy hoạch. Do đó, bộ nào cũng phải làm quy hoạch ngành của mình, các cấp cũng tương tự như vậy. Nguyên nhân này thể hiện mô hình Chính phủ điều hành.

“Gần đây, Thủ tướng, Chính phủ nói đến “Nhà nước kiến tạo, phát triển”. “Nhà nước kiến tạo, phát triển” là nhà nước không điều hành vi mô như trước mà cần phải tạo điều kiện định hướng quan hệ kinh tế ở tầm vĩ mô. Với hướng ấy, với Chính phủ kiến tạo thì Luật Quy hoạch là công cụ rất quan trọng”, ông Liêm nhấn mạnh.

Nguyên nhân thứ hai theo TS. Liêm là do quan điểm của chúng ta giữa quan hệ nhà nước và thị trường dần dần mới rõ ra. Trước khi thời kỳ bao cấp, Nhà nước điều hành mọi việc. Mặc dù, chúng ta có nền kinh tế thị trường nhưng thói quen điều hành vi mô vẫn còn, gần đây, mới nhận rõ Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, không can thiệp vi mô.

“Do đó, các bộ ngành đã nhận thức rõ, nhất quán với chỉ đạo của Đại hội Đảng XI là chúng ta cần phải chấn chỉnh lại công tác lập quy hoạch bằng một Luật Quy hoạch’, vị chuyên gia này cho hay.

Có liên quan đến lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ

Phát biểu tại buổi Tọa đàm, Thứ trưởng Đặng Huy Đông khẳng định, quy hoạch là gạch nối cần thiết không thể thiếu giữa chiến lược phát triển KT-XH và các quy hoạch phát triển KT-XH 5 năm và hàng năm, để thực hiện các chiến lược phát triển KT-XH, đưa nguồn lực vào chiến lược đó.

“Nguồn lực quan trọng nhất là nguồn lực tài nguyên đất đai, nguồn nước, tài nguyên khoáng sản... chúng ta phải phân bổ, đưa vào sử dụng một cách hiệu quả nhất, tính toán sử dụng các nguồn lực này một cách tối ưu nhất. Đấy là yêu cầu của công tác quy hoạch”, Thứ trưởng thể hiện quan điểm.

Trước đây, chúng ta có quy hoạch ngành xuất phát từ chiến lược phát triển ngành nhưng một bản quy hoạch tổng thể quốc gia để đưa các nguồn lực vào thực hiện các chiến lược phát triển kinh tế thì chưa có.

Vì thế, thực tế triển khai, chạm vào các bản quy hoạch mới thấy sự mâu thuẫn, chồng chéo, thậm chí ngược hẳn nhau.

“Mà tất cả các bản quy hoạch đều có tính pháp lý ngang nhau. Dẫn tới nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp, kể cả nhà đầu tư doanh nghiệp nhà nước gặp phải tình trạng vừa được phê duyệt, thỏa mãn được quy hoạch của ngành A, thì cuối cùng ngành B tuýt còi, vi phạm quy hoạch của ngành B. Đây là chuyện xảy ra thường xuyên”, Thứ trưởng Đông chỉ rõ.

Do đó, chúng ta phải làm một quy hoạch tổng thể quốc gia, bằng phương pháp tích hợp để hài hòa các quy hoạch ngành trong một chỉnh thể, tránh được mâu thuẫn và chồng chéo. Như vậy, dù muộn, nhưng chúng ta phải làm, phải xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia.

Đồng quan điểm với Thứ trưởng Đặng Huy Đông, GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định: “Không phải chúng ta chưa gạch được mà chúng ta đã gạch được chỉ là chưa hợp lý, chúng ta vẫn đang gạch đấy chỉ có là cái gạch đó không phù hợp với cấu trúc của kinh tế thị trường, mà là cấu trúc của bao cấp”.

Thẳng thắn chỉ rõ mâu thuẫn giữa các bộ, ngành với nhau về quy hoạch, ông Võ cho hay, khoảng 12 năm trước đây, thời kỳ đó là Thủ tướng Phan Văn Khải đã từng bắt ba bộ chủ đạo về quy hoạch là: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng và Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngồi với nhau để bàn về ba loại quy hoạch là quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội, quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất, hồi đó còn chưa có quy hoạch đô thị.

“Ba bộ ngồi với nhau, tôi nhớ ít nhất là phải ba lần, nhưng cuối cùng không kết luận được bởi vì không bộ nào chịu bộ nào”, ông Võ chia sẻ, “Thế thì nếu không có tổng đạo diễn về chuyện này chắc chắn chúng ta sẽ thấy cái gạch nối đó vẫn sẽ bị vẹo, hoặc là thiên về đây hoặc là thiên về kia hoặc là vì lợi ích của bộ này hoặc vì lợi ích của bộ kia, có thể là của chung, có thể là của địa phương, có thể là của ngành...”.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Quốc hội cũng rất tích cực ủng hộ chủ trương này và cũng có ít nhất là 4 nghị quyết về Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh. Quốc hội đã đưa dự án Luật này vào chương trình các năm là 2012, 2015, 2016, 2017. Nhưng vì lý do này, lý do kia, dự án luật lại rút ra khỏi chương trình và điều chỉnh thời gian trình Quốc hội.

Nói rõ hơn về nguyên nhân, ông Tùng cho biết, thứ nhất là do vấn đề nhận thức của một bộ phận cán bộ làm công tác quản lý trong các bộ, ngành vẫn chịu ảnh hưởng bởi tư duy quản lý theo cơ chế tập trung trước đây.

Bên cạnh đó là chưa nhận thức được đầy đủ việc cần phải có đổi mới chuyển sang quản lý phù hợp với quy luật của kinh tế thị trường.

Vì thế, giai đoạn 2011-2020, những quy hoạch đã lập hay cần phải được lập lên tới số lượng rất lớn- gần 20.000 quy hoạch và nó gây chồng chéo, lãng phí nguồn lực, kém hiệu quả.

Thứ hai, theo ông Tùng, có vấn đề về lợi ích cục bộ.

“Bởi vì anh có thẩm quyền quy hoạch đồng nghĩa với việc anh có quyền áp đặt ý chí chủ quan của ngành mình trong quá trình phát triển và tạo ra vị thế, tạo ra quyền lực, tạo ra sự thuận lợi cho công tác quản lý của ngành mình mà không chú trọng thỏa đáng đến cái lợi ích chung cũng như là yêu cầu lợi ích tổng thể trong phát triển”, ông Tùng chỉ đạo.

Thứ ba, do một phần nguyên nhân từ chính cách làm trong quá trình xây dựng luật này.

Mặc dù đánh giá rất cao sự cố gắng, nỗ lực của cơ quan chủ trì soạn thảo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong vấn đề xây dựng dự án Luật Quy hoạch, song vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ rõ, theo tinh thần đổi mới mang tính cách mạng của dự thảo Luật Quy hoạch này thì có nhiều bộ, ngành, nhiều quy hoạch lại không còn tồn tại nữa.

“Vấn đề đặt ra công tác quản lý của các bộ, ngành vốn mà được thực hiện thông qua các quy hoạch này thì nay sẽ được thay thế bằng công cụ gì?”, ông Tùng nói, “Ở đây tôi thấy, cán bộ quản lý trong các ngành thì đa phần họ làm công tác thực tiễn chứ họ không phải là nhà khoa học cho nên họ băn khoăn không hình dung ra được với cuộc cách mạng lập lại trật tự về công tác quy hoạch như hiện nay thì nó sẽ tác động đến ngành mình, sẽ ảnh hưởng đến công tác quản lý trong lĩnh vực mình phụ trách như thế nào?”.

Đi sâu hơn về quá trình làm luật, Thứ trưởng Đặng Huy Đôngcho biết, trong quá trình làm luật, thì Ban soạn thảo đều mời thành viên các bộ, các ngành, đều là cấp hàm thứ trưởng. Trưởng Ban soạn thảo là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ở cấp tổ biên tập có chuyên viên, có cấp vụ của tất cả các ngành. Đây không phải là sản phẩm riêng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Tuy nhiên, sự tham gia sâu đến mức nào thì lại tùy từng bộ. “Biết được như vậy, chúng tôi đã dành thời gian xuống từng bộ để thuyết phục, các bộ đều phải công nhận là chưa có luật nào, Bộ chủ quản xây dựng luật, cơ quan chủ trì soạn thảo lại đích thân xuống tận nơi làm việc về nội dung ảnh hưởng đến quy hoạch ngành của bộ”, Thứ trưởng cho biết.

Vì thế, lúc đầu sự phản đối là rất lớn, quan điểm khác biệt là rất lớn, nhưng sau đó, với cách làm kiên trì, đã dần dần tìm được tiếng nói chung và tạo được sự đồng thuận cơ bản của các bộ, ngành.

Đến tháng 7/2015, đã đạt được 24/26 phiếu của thành viên Chính phủ, trong đó có phiếu ủng hộ của Thủ tướng Chính phủ.

“Đến bây giờ vẫn còn những băn khoăn của một số bộ, ngành. Điều đó là không tránh khỏi. Chúng tôi đã làm hết sức mình. Nếu chúng tôi thỏa hiệp, chúng tôi đồng thuận với những đòi hỏi cá biệt của một vài bộ sẽ mất đi cái chỉnh thể, tư tưởng lớn của luật này”, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định./.