Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long

Đề xuất bãi bỏ Điều 292

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự (BLHS) trước Quốc hội ngày 21/10/2016.

Bộ trưởng cho biết, phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2015 lần này liên quan đến 141 điều của Bộ luật, gồm 18 điều thuộc phần Những quy định chung và 123 điều thuộc phần Các tội phạm, trong đó có 38 điều sửa đổi về kỹ thuật, 102 điều sửa đổi về nội dung quy định trong điều luật và bãi bỏ 01 điều.

Đặc biệt, Bộ trưởng Lê Thành Long cho hay, trong dự án Luật sửa đổi lần này, Chính phủ đã bỏ tội danh cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 292 BLHS năm 2015).

Tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 292) là một trong 10 tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông được quy định tại mục 2 thuộc chương XXI của BLHS năm 2015 có khách thể xâm hại là an toàn công cộng, trật tự công cộng.

Tuy nhiên, nội dung quy định về cấu thành tội phạm này không phản ánh rõ mối nguy hại cho an toàn công cộng, trật tự công cộng mà thực chất đây là cấu thành tội “kinh doanh trái phép" trên môi trường mạng và xét về bản chất thì đây là một tội phạm về kinh tế nhưng lại được đặt ở chương "các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng".

Hơn nữa, trong danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện có đến 267 ngành nghề, nhưng Điều 292 chỉ đề cập đến một số ngành nghề.

Thêm vào đó, cũng các lĩnh vực kinh doanh được nêu tại Điều 292, nhưng nếu thực hiện qua mạng, thì bị xử lý hình sự còn nếu không thực hiện qua mạng, thì không bị xử lý hình sự.

“Như vậy là có sự bất bình đẳng và thiếu nhất quán. Xét trong bối cảnh tội kinh doanh trái phép đã được bãi bỏ, thì cũng cần bãi bỏ Điều 292 của BLHS năm 2015, đồng thời tăng cường các biện pháp quản lý của Nhà nước và nâng cao hiệu quả xử phạt hành chính đối với các vi phạm trong lĩnh vực này”, Bộ trưởng Long khẳng định.

Xin ý kiến Quốc hội về 5 nội dung lớn

Bộ trưởng Long cũng cho biết, trong quá trình xây dựng Luật, có hai cách tiếp cận khác nhau về quan điểm sửa đổi, bổ sung BLHS.

Cách tiếp cận thứ nhất xác định quan điểm sửa đổi, bổ sung BLHS lần này là:

(1) Sửa đổi, bổ sung ở mức tối đa những quy định của BLHS năm 2015 có lỗi kỹ thuật đã được phát hiện và những nội dung rõ ràng là chưa hợp lý, hoặc có thể khó áp dụng trên thực tế liên quan đến một số chính sách cụ thể được thể hiện trong một số điều luật của BLHS năm 2015 nhằm bảo đảm tính đồng bộ, nhất quán, logic trong các quy định của BLHS, góp phần bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật, cũng như bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân;

(2) Không làm thay đổi những chính sách lớn của BLHS đã được Quốc hội khóa XIII thông qua và không đặt ra vấn đề mới dẫn đến việc phải sửa đổi, bổ sung các luật khác đang được lùi hiệu lực thi hành cùng BLHS năm 2015;

(3) Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2015 cần phải tiếp tục góp phần đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Còn theo cách tiếp cận thứ hai, thì cần xác định quan điểm sửa đổi, bổ sung BLHS lần này là khắc phục triệt để những điểm chưa hợp lý của BLHS năm 2015, thậm chí là có thể sửa đổi căn bản, toàn diện Bộ luật, trong đó giải quyết một cách đồng bộ các vấn đề liên quan đến việc lượng hóa các tình tiết mang tính định tính trong BLHS, nhất là các mức định lượng về hậu quả (tính mạng, sức khỏe, tài sản) cũng như xử lý một cách cơ bản các vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại mà một trong những vấn đề cốt lõi là mối quan hệ giữa việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại với khái niệm tội phạm, phân loại tội phạm; mối quan hệ giữa trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại với trách nhiệm hình sự của cá nhân ....

Trên cơ sở cách tiếp cận thứ nhất, Chính phủ cho biết, có 5 vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau cần xin ý kiến của Quốc hội bao gồm:

1. Sửa đổi, bổ sung mức định lượng trong các khung của một số điều luật nhằm bảo đảm sự nối tiếp giữa các mức định lượng trong các khung, tránh chồng chéo, trùng lặp, gây khó khăn cho việc xử lý tội phạm.

Cụ thể, đã điều chỉnh mức định lượng tại các khoản của 70 điều luật của BLHS năm 2015; trong đó có 52 điều liên quan đến mức định lượng về tỷ lệ thương tích, tổn hại cho sức khỏe và 18 điều luật liên quan đến các mức định lượng khác thuộc cấu thành một số tội phạm về kinh tế, môi trường, ma túy, xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng và một số tội khác.

2. Sửa đổi, bổ sung mức hình phạt trong các khung của một số điều luật để bảo đảm sự phân hóa rõ, hợp lý mức độ trách nhiệm giữa các trường hợp phạm tội khác nhau.

Cụ thể, Dự thảo Luật đã điều chỉnh mức hình phạt trong các khung hình phạt của 10 điều luật liên quan đến tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, một số tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, xâm phạm an toàn giao thông và trật tự công cộng nhằm bảo đảm phân hóa chính sách xử lý đối với từng trường hợp phạm tội, nhất là giữa trường hợp phạm tội đã gây ra hậu quả với trường hợp phạm tội có khả năng gây ra hậu quả

3. Dự thảo Luật đã có những sửa đổi, bổ sung liên quan đến cấu thành của một số tội phạm quy định tại 46 điều luật của BLHS năm 2015 như Điều 112 về tội bạo loạn, Điều 190 (tội sản xuất, buôn bán hàng cấm) và Điều 191 (tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm). các tội phạm về ma túy (các Điều 248, 249, 250, 251, 252)....

4. Sửa đổi, bổ sung một số điều khoản thuộc Phần Những quy định chung của BLHS năm 2015 để bảo đảm sự nhất quán trong chính sách xử lý; bảo đảm tính bao quát, toàn diện và phù hợp hơn với thực tiễn. Trong đó, sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến người chưa thành niên phạm tội; pháp nhân thương mại phạm tội.

5. Dự thảo cũng đã bỏ tội danh cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 292 BLHS năm 2015).

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng trình xin ý kiến Quốc hội về mội số nội dung như về phạm vi, sửa đổi, bổ sung BLHS; Về việc sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 12 của BLHS năm 2015 liên quan đến phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi; Về việc bổ sung chất ma túy, cây có chứa chất ma túy mới xuất hiện vào BLHS năm 2015; Về việc bổ sung quy định liên quan đến vấn đề xác định hàm lượng để quy ra khối lượng hoặc thể tích chất ma túy làm cơ sở cho việc xử lý hình sự (các Điều 248, 249, 250, 251 và 252 của BLHS năm 2015); Về việc cụ thể hóa các tình tiết định tính, định lượng trong BLHS làm căn cứ để định tội hoặc định khung hình phạt trong BLHS.

Sửa đổi, bổ sung tối đa các sai sót đã được phát hiện

Trình bày Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về dự án Luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành với quan điểm của Chính phủ sửa đổi, bổ sung tối đa các sai sót đã được phát hiện; không làm thay đổi các chính sách lớn của BLHS đã được Quốc hội khóa XIII thông qua; bảo đảm góp phần đáp ứng yêu cầu thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm.

“Trong một chừng mực nhất định, đề nghị Quốc hội cho phép có một vài quy định chưa thể cụ thể hóa hết được, mà vẫn phải có văn bản quy định chi tiết của Chính phủ hoặc nghị quyết hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật và án lệ của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao”, bà Nga cho hay.

Đồng thời, Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh, việc sửa đổi phải trên cơ sở rà soát, phát hiện hết các sai sót trong BLHS năm 2015./.