Về dự án “Mở rộng nâng cấp đô thị Việt Nam” tại 7 tỉnh

Thủ tướng Chính phủ đồng ý đề xuất Dự án "Mở rộng nâng cấp đô thị Việt Nam" tại 7 tỉnh: Vĩnh Long, Bến Tre, Long An, Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Bạc Liêu và Bộ Xây dựng.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng và UBND các tỉnh nêu trên là cơ quan chủ quản của các dự án thành phần; tiếp thu ý kiến các cơ quan liên quan, chịu trách nhiệm lập và hoàn thiện Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư.

Bộ Xây dựng tham gia dự án với vai trò phối hợp, hỗ trợ nâng cao năng lực tổng thể cho các đô thị tham gia dự án. Kinh phí dự án thành phần do Bộ Xây dựng quản lý từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư; trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư theo đúng quy định hiện hành.

Tiếp tục hỗ trợ gạo cho tỉnh Ninh Thuận

Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ Tài chính xuất cấp (không thu tiền) 2.929,65 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh Ninh Thuận để hỗ trợ cứu đói do hạn hán gây ra (đợt 3 năm 2016).

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Ninh Thuận tiếp nhận và sử dụng số gạo được xuất cấp nêu trên để hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng theo quy định.

Xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, lợi ích nhóm

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo ý kiến kết luận của đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tại buổi làm việc với Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Phó Thủ tướng yêu cầu Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đề cao trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, tính tiên phong, gương mẫu của tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Các cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu phải gương mẫu, có quyết tâm chính trị cao, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên; chủ động phòng ngừa, chủ động tự phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, lợi ích nhóm, vi phạm pháp luật đặc quyền đặc lợi, tham ô trong các công trình, dự án, các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng cơ bản, quản lý và sử dụng đất đai; tạo được sự phối hợp chặt chẽ, huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn xã hội trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Cần xác định phòng, chống tham nhũng là một công tác trọng tâm, thường xuyên, lâu dài, là một trong các tiêu chí để đánh giá cán bộ, đảng viên.

Đối với các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, cấp uỷ, người đứng đầu cấp uỷ cần chủ động yêu cầu các cơ quan liên quan báo cáo để cho chủ trương xử lý kiên quyết, khẩn trương, bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; phổ biến và nhân rộng những kinh nghiệm hay trong phòng, chống tham nhũng; vinh danh và khen thưởng thích đáng, kịp thời những điển hình tốt, người tốt trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí, lên án mạnh mẽ những hành vi tiêu cực, tham nhũng. Xây dựng văn hóa phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong cán bộ, đảng viên, công chức của Thành phố.

Các cơ quan báo chí của Thành phố cần đưa tin, bài định hướng đúng đắn dư luận xã hội để thấy rõ những kết quả tích cực của công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí cũng như những hạn chế, khó khăn, phức tạp; khẳng định rõ quyết tâm của Ðảng, Nhà nước trong việc ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về phòng, chống tham nhũng, nhất là các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng. Ủy ban Kiểm tra các cấp cần chú trọng kiểm tra, xử lý kịp thời đảng viên có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí; có hình thức xử lý các tổ chức đảng và đảng viên không chấp hành nghiêm túc các quy định của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng. Các cơ quan kiểm tra, nội chính của Đảng cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan chức năng phòng, chống tham nhũng của Nhà nước để kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời các tổ chức, cán bộ, đảng viên vi phạm.

Tăng cường công tác thanh tra phát hiện, xử lý các vụ việc tham nhũng; chỉ đạo khắc phục tình trạng qua thanh tra phát hiện sai phạm nhiều, nhưng kiến nghị xử lý hình sự ít; tăng cường thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan hành chính các cấp, thanh tra các lĩnh vực dễ xẩy ra tham nhũng.

Thành phố Hồ Chí Minh cũng cần làm tốt công tác xử lý tin báo tố giác tội phạm; nếu phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng thì phải xử lý theo quy định của pháp luật; tránh tình trạng không chuyển xử lý hình sự mà chuyển xử lý hành chính các vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng.

Triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng. Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, kiên quyết theo đúng quy định của pháp luật. Cần tiến hành có trọng tâm, trọng điểm, tập trung xử lý những vụ tham nhũng mang tính tập thể, có tổ chức; bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm; trong quá trình xét xử, nếu phát hiện tội phạm mới thì Tòa án phải khởi tố, chuyển cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân để làm rõ và xử lý theo pháp luật. Quá trình điều tra, truy tố, xét xử cần tập trung phát hiện, kê biên tài sản tham nhũng để thu hồi.

Tăng cường phòng, chống buôn lậu thuốc lá tại địa bàn trọng điểm

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu lực lượng Công an, Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Quản lý thị trường mở đợt cao điểm từ nay đến Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 về chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, trong đó có buôn lậu thuốc lá.

Quyết liệt triệt phá các đường dây, ổ nhóm, các đầu nậu lớn trên các tuyến biên giới, đường biển, đường hàng không, các cửa khẩu, khu vực biên giới địa bàn trọng điểm và tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh thuốc lá ngoại nhập lậu trên thị trường nội địa (nhất là tại thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh).

Đây là nội dung Thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình tại Hội nghị chuyên đề về tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu thuốc lá tại những địa bàn trọng điểm.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Công an, Quốc phòng, Công Thương và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải quán triệt và trực tiếp chỉ đạo việc thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới và Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 30 tháng 9 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá; không được để tình trạng buôn lậu phức tạp, diễn ra công khai.

Cấp ủy, chính quyền, Ban chỉ đạo 389 địa phương các cấp phải xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, chủ động, tích cực, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo để phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, chống buôn lậu thuốc lá nói riêng.

Cụ thể, thường xuyên giao ban, xây dựng quy chế phối hợp công tác, tăng cường trao đổi thông tin giữa các lực lượng chức năng nhằm kịp thời phát hiện cho đúng, cho trúng đầu sỏ, triệt phá các đường dây, ổ nhóm, tụ điểm buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn; xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức vi phạm. Địa phương nào để xảy ra tình trạng buôn lậu phức tạp, kéo dài, nhức nhối, xảy ra sự việc nghiêm trọng thì người đứng đầu chính quyền địa phương và người đứng đầu các lực lượng chức năng trên địa bàn phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ.

Cấp ủy, chính quyền địa phương địa bàn trọng điểm khu vực biên giới phải chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng của Trung ương xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế, chuyển đổi nghề, xây dựng nông thôn mới, tạo công ăn việc làm cải thiện đời sống của người dân khu vực biên giới. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền với nội dung, hình thức phong phú, thiết thực, có sức lan tỏa sâu rộng để cư dân khu vực biên giới không tiếp tay vận chuyển, mua bán thuốc lá nhập lậu, thấy rõ quyền lợi, nghĩa vụ tham gia công tác này, kết hợp với xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, góp phần tăng cường đấu tranh ngăn chặn buôn lậu, đảm bảo ổn định tình hình an ninh trật tự khu vực biên giới, xây dựng khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị.

Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các địa phương, địa bàn trọng điểm khu vực biên giới. Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là 2 địa bàn tiêu thụ thuốc lá nhập lậu lớn và Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương các địa bàn trọng điểm về buôn lậu thuốc lá khu vực biên giới có hình thức hỗ trợ cụ thể, thiết thực để người dân ổn định và cải thiện đời sống, không tham gia buôn lậu.

Tăng cường tuần tra, kiểm soát

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Quốc phòng chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng tăng cường tuần tra, kiểm soát ở khu vực biên giới, các đường mòn, lối mở để kịp thời phát hiện và xử lý các đối tượng buôn lậu, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá nhập lậu; có biện pháp quản lý các đối tượng thường xuyên qua lại khu vực biên giới tham gia vận chuyển thuốc lá nhập lậu. Đồng thời chỉ đạo lực lượng Cảnh sát biển tăng cường tuần tra để phát hiện, bắt giữ các cá nhân, triệt phá các đường dây, ổ nhóm vận chuyển thuốc lá nhập lậu trên biển, đặc biệt là những vùng biển trọng điểm.

Bộ Công an chỉ đạo lực lượng công an trong cả nước đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, chống buôn lậu thuốc lá; đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, đặc biệt là buôn lậu thuốc lá để kịp thời truy tố, xét xử.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan soạn thảo, trình Chính phủ Đề án kiểm soát thị trường bán lẻ thuốc lá nhằm thiết lập trật tự kỷ cương trong lĩnh vực này, góp phần chống buôn lậu thuốc lá và phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các lực lượng chức năng trong việc cung cấp thông tin về buôn lậu thuốc lá, nâng cao hiệu quả đấu tranh chống buôn lậu, bảo vệ sản xuất trong nước; tiếp tục nghiên cứu sản xuất các loại thuốc lá phù hợp với gu của người tiêu dùng trong nước với giá thành hợp lý.

Báo Nhân dân, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông Tấn xã Việt Nam và các cơ quan thông tin báo chí cần tăng cường tuyên truyền về chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, chống buôn lậu thuốc lá và tác hại của thuốc lá, nhất là thuốc lá nhập lậu đối với sức khỏe cộng đồng, lên án những vi phạm, biểu dương các tập thể, cá nhân làm tốt công tác chống buôn lậu.

Về xử lý thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Văn phòng Chính phủ nghiên cứu đánh giá đầy đủ căn cứ pháp lý của việc tái xuất thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu còn chất lượng, đảm bảo phù hợp với Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế thế giới; báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong tháng 11/2016.

Các địa phương tiếp tục thực hiện chủ trương tiêu hủy thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu; trường hợp địa phương nào có đủ điều kiện và đề xuất tái xuất thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu còn chất lượng cần chủ động xây dựng Đề án về việc này, báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định; trong đó nêu rõ các biện pháp tổ chức thực hiện, đảm bảo chặt chẽ, không để xảy ra tình trạng thẩm lậu quay trở lại thị trường nội địa, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 11/2016.

Chống gian lận vé tại các trạm thu phí đường bộ

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp chống thất thoát doanh thu, chống tiêu cực tại trạm thu phí đường bộ.

Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các đơn vị thu phí thực hiện việc công khai số liệu thu phí tại các trạm thu phí trên toàn quốc để cơ quan quản lý, tổ chức, người dân thực hiện giám sát việc thu phí tại các trạm thu phí BOT.

Đồng thời khẩn trương triển khai việc thu phí không dừng tại các trạm thu phí trên toàn quốc.

Sớm hoàn thành mục tiêu 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa có ý kiến chỉ đạo về việc đầu tư đường ô tô đến trung tâm xã.

Cụ thể, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương còn có xã chưa có đường ô tô đến trung tâm xã chủ động lồng ghép các chương trình, đề án trên địa bàn; đồng thời, ưu tiên bố trí vốn từ ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư xây dựng đường ô tô đến trung tâm xã.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn các địa phương thực hiện việc lồng ghép các nguồn vốn của các chương trình, đề án trên địa bàn, sớm hoàn thành mục tiêu 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã.

Bán bớt vốn nhà nước tại 3 doanh nghiệp nhà nước tỉnh Phú Thọ

Xét đề nghị của UBND tỉnh Phú Thọ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã đồng ý bán bớt phần vốn nhà nước tại 3 công ty cổ phần cung ứng sản phẩn dịch vụ công ích: Xử lý chất thải Phú Thọ, Môi trường và Dịch vụ đô thị Việt Trì và Môi trường đô thị Phú Thọ.

Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Phú Thọ thực hiện việc bán bớt phần vốn nhà nước tại 3 công ty trên sau khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định thay thế Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg ngày 18/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước; bảo đảm nhà đầu tư có năng lực, cam kết cung ứng tốt sản phẩm, dịch vụ công ích cho nhân dân; giám sát việc thực hiện các cam kết đó.

Hoàn thiện dự thảo cơ chế đặc thù xây dựng các dự án điện

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu hoàn thiện dự thảo Cơ chế đặc thù để đảm bảo tiến độ đầu tư xây dựng các dự án điện trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh đầy đủ, chặt chẽ, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong tháng 10/2016.

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về cơ chế đặc thù để đảm bảo tiến độ đầu tư xây dựng các dự án điện trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh (Cơ chế đặc thù).

Thông báo nêu rõ, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, trước nhân dân trong việc bảo đảm cung ứng đủ điện, ổn định, an toàn cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là đối với khu vực phía Nam trong thời gian tới, phải coi đây là nhiệm vụ chính trị của Ban cán sự đảng và lãnh đạo Bộ Công Thương; giao các Bộ, ngành liên quan phối hợp với Bộ Công Thương tích cực, hỗ trợ thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm cung ứng điện; đồng thời, xác định tiếp tục xem xét, ban hành một số cơ chế đặc thù để bảo đảm tiến độ đầu tư xây dựng các dự án điện trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh nhất là đối với các dự án cấp bách.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương cần nghiên cứu tiếp thu ý kiến góp ý của các Bộ, ngành liên quan, đề xuất của EVN để bổ sung, sửa đổi hoàn chỉnh dự thảo Cơ chế đặc thù một cách đầy đủ, chặt chẽ. Trong đó, về phạm vi áp dụng của Cơ chế đặc thù, thống nhất xem xét, ban hành một số cơ chế đặc thù áp dụng cho các dự án điện cấp bách nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư xây dựng, bảo đảm cung ứng điện cho hệ thống điện quốc gia và hệ thống điện khu vực; rà soát thêm về thẩm quyền quyết định, sự phù hợp với các Luật và Nghị định hiện hành có liên quan đối với các cơ chế, chính sách đặc thù đề xuất áp dụng chung cho các dự án điện.

Về các dự án điện cấp bách, xem xét, tách riêng (thành một Điều riêng) quy định tiêu chí xác định các dự án điện cấp bách kèm theo danh mục cụ thể, đồng thời bổ sung quy định về thủ tục và các trường hợp xem xét bổ sung danh mục.

Sửa đổi cơ chế lựa chọn nhà thầu các dự án điện cấp bách

Về các đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng cho các dự án điện cấp bách, Phó Thủ tướng thống nhất cơ bản với các cơ chế đặc thù trong công tác chuẩn bị đầu tư các dự án điện cấp bách. Tuy nhiên, cần xem xét, bổ sung thêm quy định cho phép chủ đầu tư triển khai ngay công tác lập báo cáo nghiên cứu khả thi, không phải lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, không phải lập hồ sơ chủ trương đầu tư đối với các dự án điện cấp bách đã có trong kế hoạch đầu tư xây dựng.

Về lựa chọn nhà thầu, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu, sửa đổi cơ chế về lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu của các dự án điện cấp bách theo hướng: Cho phép áp dụng lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt để thực hiện một số gói thầu của các dự án điện cấp bách. Bộ Công Thương và chủ đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện về phương án lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt đối với các gói thầu, bảo đảm thực hiện các gói thầu đạt tiến độ, chất lượng và hiệu quả; xem xét, bổ sung thêm quy định cho phép áp dụng lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt không chỉ giới hạn đối với đơn vị tư vấn trong nước.

Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam rà soát, sửa đổi cơ chế đặc thù vay nước ngoài và vay thương mại trong nước đối với các dự án điện cấp bách trên tinh thần tháo gỡ tối đa thu xếp vốn cho các dự án, đồng thời phù hợp với các quy định quyền tự chủ trong hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu hoàn thiện dự thảo Cơ chế đặc thù đầy đủ, chặt chẽ, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong tháng 10 năm 2016; khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ (đồng thời với Cơ chế đặc thù) việc sửa đổi quy định một số nội dung chủ yếu trong Hợp đồng BOT và Bảo lãnh Chính phủ đối với các dự án nhà máy nhiệt điện đầu tư theo hình thức Hợp đồng BOT tại Công văn số 1604/TTg-KTN ngày 12/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ để áp dụng thống nhất, đẩy nhanh tiến độ đàm phán Hợp đồng BOT và Bảo lãnh Chính phủ các dự án./.