Bãi bỏ 27 ngành, nghề không cần thiết

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục 4 Luật Đầu tư về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự thảo Luật sẽ bãi bỏ 27 ngành, nghề không cần thiết phải quy định là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện do không đáp ứng các tiêu chí và mục đích quy định tại Khoản 1 Điều 7 Luật Đầu tư hoặc thiếu tính khả thi, không còn phù hợp với thực tiễn hoạt động đầu tư kinh doanh cũng như yêu cầu quản lý nhà nước.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Chính phủ đề xuất bổ sung 15 ngành, nghề đã được quy định tại các luật hiện hành hoặc ngành, nghề mới phát sinh cần áp dụng điều kiện đầu tư kinh doanh phù hợp với các tiêu chí và mục đích quy định tại Khoản 1 Điều 7 Luật Đầu tư.

Hệ thống hóa một số ngành, nghề có cùng mục tiêu, tính chất và cơ quan quản lý để tránh trùng lặp, phân tán trong công tác quản lý nhà nước đối với các ngành, nghề này. Theo đó, 29 ngành, nghề có nội dung trùng lặp đã được hợp nhất vào 19 ngành, nghề.

Cập nhật, chuẩn xác hóa tên 18 ngành, nghề nhằm phản ánh chính xác, đầy đủ, minh bạch điều kiện đầu tư kinh doanh đối với các ngành, nghề này phù hợp với quy định tại các luật có liên quan cũng như thực tiễn quản lý nhà nước.

Như vậy, tổng số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện còn 226 ngành, nghề, giảm 41 ngành, nghề so với Danh mục hiện hành.

Ngoài ra, để đáp ứng mục tiêu xây dựng Dự án Luật là nhằm xóa bỏ ngay một số rào cản, vướng mắc trong hoạt động đầu tư, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, Chính phủ đề nghị Luật này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017.

Không bãi bỏ ngành, nghề đầu tư đầu tư kinh doanh có điều kiện ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng.

Đánh giá những tác động chủ yếu của việc sửa đổi, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong quá trình hoàn thiện những nội dung này, Cơ quan chủ trì soạn thảo đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức rà soát, đánh giá tác động của việc sửa đổi, bổ sung ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, đồng thời nghiên cứu, đề xuất giải pháp hoàn thiện pháp luật và cơ chế quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Cụ thể, đối với các ngành, nghề được đề xuất bãi bỏ, Bộ trưởng Dũng cho biết, kết quả rà soát, đánh giá cho thấy, việc bãi bỏ một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện sẽ làm thay đổi quy định tương ứng đối với các ngành, nghề này tại các luật có liên quan và các nghị định quy định chi tiết về điều kiện đầu tư kinh doanh đối với các ngành, nghề đó.

Căn cứ nguyên tắc quy định tại Khoản 3, Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau) và Khoản 2, Điều 4, Luật Đầu tư (Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật này và luật khác về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, trình tự, thủ tục đầu tư thì thực hiện theo quy định của Luật này), thì những ngành, nghề được đề xuất bãi bỏ cũng như điều kiện đầu tư kinh doanh đối với các ngành, nghề đó đang quy định tại các luật, nghị định có liên quan sẽ chấm dứt hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Để bảo đảm tính đồng bộ, khả thi và hiệu quả trong việc thực hiện quy định của Luật này cũng như công tác quản lý nhà nước, Chính phủ đang nghiên cứu sửa đổi một số điều kiện đầu tư kinh doanh theo hướng thay thế hình thức cấp phép, xác nhận, chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để chuyển sang áp dụng hình thức ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để nhà đầu tư tự đăng ký thực hiện và cơ quan quản lý tiến hành hậu kiểm.

Thứ hai, đối với những ngành, nghề được sửa đổi, bổ sung, theo Bộ trưởng Dũng, việc cập nhật, chuẩn xác hóa tên một số ngành, nghề theo quy định tại các luật có liên quan không làm thay đổi mục đích, nội dung điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành, nghề đó mà chỉ nhằm bảo đảm phù hợp với quy định tương ứng của các luật có liên quan cũng như tính thống nhất, đồng bộ, minh bạch của hệ thống pháp luật. Qua đó tạo thuận lợi để người dân và doanh nghiệp tuân thủ các điều kiện đầu tư kinh doanh.

“Do vậy, những nội dung sửa đổi, bổ sung Danh mục về vấn đề này không đòi hỏi phải sửa đổi quy định tương ứng tại các luật có liên quan”, Bộ trưởng Dũng nói.

Việc hệ thống hóa ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo hướng hợp nhất một số ngành, nghề không đơn giản chỉ để giảm số lượng ngành, nghề trong Danh mục mà mục đích chính là nhằm loại bỏ những ngành trùng lặp, bảo đảm tính thống nhất trong quản lý nhà nước đối với những ngành, nghề này.

Ngoài ra, một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được đề xuất bổ sung vào Danh mục này (như dịch vụ cảnh báo khí tượng thủy văn, khảo nghiệm giống cây trồng, vật nuôi, kinh doanh dịch vụ quản lý, vận hành nhà chung cư...) cũng đã được quy định tại một số luật, nghị định có liên quan.

“Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện, ban hành Nghị định quy định chi tiết điều kiện đầu tư kinh doanh đối với các ngành nêu trên phù hợp với quy định của Luật này và các luật có liên quan”, Bộ trưởng Dũng báo cáo Quốc hội.

Thứ ba, đối với hoạt động đăng ký doanh nghiệp và việc tuân thủ điều kiện đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp, Bộ trưởng cho hay, việc sửa đổi Danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện không có tác động đáng kể đến thủ tục đăng ký doanh nghiệp. Bởi vì, theo nguyên tắc doanh nghiệp được kinh doanh tất cả những ngành, nghề mà luật không cấm thì Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hiện nay không còn ghi ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp.

Đối với những doanh nghiệp đã thành lập trước ngày Luật Doanh nghiệp 2014 có hiệu lực và chưa thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp thì Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vẫn ghi toàn bộ ngành, nghề mà doanh nghiệp đã đăng ký, kể cả những ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Mặt khác, theo quy định của Luật Doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh trong suốt quá trình kinh doanh, chứ không phải là việc ngành, nghề đó đã được cơ quan đăng ký kinh doanh ghi nhận hay chưa.

Tuy nhiên, việc sửa đổi tên hoặc hợp nhất một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện có thể dẫn đến việc doanh nghiệp phải thay đổi giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh…

“Do vậy, để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, tránh gây xáo trộn hoạt động đầu tư kinh doanh và công tác quản lý nhà nước, Chính phủ sẽ hướng dẫn thực hiện Danh mục này theo hướng không bắt buộc doanh nghiệp phải đổi lại giấy phép kinh doanh, đồng thời quy định thời gian chuyển tiếp hợp lý để doanh nghiệp tuân thủ điều kiện kinh doanh mới”, Bộ trưởng Dũng cho biết.

Bổ sung “Sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô” vào danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện

Thay mặt Ủy ban Kinh tế trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Vũ Hồng Thanh cho biết, thực tế, quá trình soạn thảo dự luật này có nhiều vấn đề. Ngày 8/10/2016, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã họp phiên mở rộng để thẩm tra sơ bộ dự án Luật theo Tờ trình số 363/TTr-CP ngày 29/9/2016 của Chính phủ. Tại phiên họp thẩm tra sơ bộ, đa số ý cho rằng, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh có nội dung sửa đổi liên quan đến 12 luật hiện hành, nội dung sửa đổi của từng luật cũng khá lớn (tổng cộng liên quan đến 89 điều trong các luật hiện hành), trong đó có nhiều luật mới có hiệu lực thi hành.

Việc sửa đổi số lượng lớn các điều nhưng chưa làm rõ được: tính cấp thiết của các nội dung sửa đổi; tính thống nhất trong nội tại và sự đồng bộ giữa các luật hiện hành được sửa đổi với nhau và với toàn bộ hệ thống pháp luật về kinh tế.

Các luật được đưa vào sửa đổi có một số luật vừa có hiệu lực từ năm 2015 như Luật doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường... chưa có nhiều thời gian kiểm nghiệm thực tiễn và chưa có đánh giá tác động của các luật này đến môi trường đầu tư kinh doanh.

Một số nội dung dự kiến sửa đổi gây mâu thuẫn, không thống nhất, đồng bộ trong nội tại của luật hiện hành và trong cả hệ thống pháp luật.

Tiếp thu ý kiến của Thường trực Ủy ban Kinh tế, Cơ quan soạn thảo đã rà soát thống nhất phạm vi sửa đổi bao gồm các vấn đề cấp thiết gây cản trở hoạt động của doanh nghiệp trong 3 Luật là: Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và Luật Xây dựng. Ngày 11/10/2016, Chính phủ có Tờ trình số 391/TTr-CP về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh, trong đó, sửa đổi, bổ sung một số điều của 03 Luật hiện hành là: Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp và Luật xây dựng.

Ngày 18/10/2016, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh. Tại phiên họp, nhiều ý kiến cho rằng, các nội dung sửa đổi, bổ sung của 3 Luật mà Chính phủ trình chưa làm rõ được sự cần thiết, tính cấp thiết, nhiều nội dung chưa được cân nhắc kỹ lưỡng nếu sửa đổi, bổ sung sẽ không bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Do đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã đề nghị Chính phủ chỉ rà soát, sửa đổi Phụ lục 4 của Luật đầu tư về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định tại Điều 8 của Luật đầu tư. Việc sửa đổi, bổ sung các điều, khoản của Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp và Luật xây dựng sẽ được xem xét khi sửa đổi tổng thể các Luật này.

Do phải thay đổi liên tục như vậy, nên đến ngày 29/10/2016, Chính phủ có Tờ trình số 508/TTr-CP về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục 4 Luật đầu tư về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Chiều cùng ngày, Ủy ban Kinh tế đã tiến hành thẩm tra.

Theo ông Vũ Hồng Thanh, thực hiện quy định tại Điều 8 của Luật đầu tư, Chính phủ rà soát Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung theo trình tự, thủ tục rút gọn. Vì vậy, hồ sơ của dự án Luật được chuẩn bị đã đáp ứng yêu cầu của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật đối với dự án luật được trình theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Tuy nhiên, ông Thanh cho biết, nhiều ý kiến cho rằng, việc sửa đổi Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện rất gấp, hồ sơ dự án Luật trình Quốc hội muộn (09 ngày trước khai mạc kỳ họp), việc sửa đổi có tác động lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp trong khi Chính phủ lại không có báo cáo đánh giá tác động khi sửa đổi các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện này. Có ý kiến cho rằng Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện liên quan đến hoạt động kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp, do đó, cần được rà soát tổng thể, thận trọng và có nguyên tắc thống nhất trong việc bãi bỏ, hợp nhất nên kiến nghị làm theo quy trình 2 kỳ họp để đảm bảo chất lượng và tính khả thi của dự án Luật; có ý kiến đề nghị không xem xét tại kỳ họp này.

Về một số nội dung cụ thể, đối với ngành, nghề Kinh doanh dịch vụ tư vấn điều tra, đánh giá đất đai, Kinh doanh dịch vụ về lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Kinh doanh dịch vụ xây dựng hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, xây dựng phần mềm của hệ thống thông tin đất đai, Ủy ban đề nghị không bãi bỏ vì tư vấn, điều tra, đánh giá đất đai cần phải có chuyên môn sâu về quản lý đất đai và việc điều tra thu thập các dữ liệu, thông tin về địa hình, thổ nhưỡng, quản lý sử dụng đất có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.

Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị không bãi bỏ một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện như: Kinh doanh dịch vụ tư vấn đánh giá dự án đầu tư, Kinh doanh dịch vụ tư vấn lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết trong khi đó vẫn giữ nguyên Tư vấn chuyên ngành điện lực, Kinh doanh dịch vụ tư vấn quản lý dự án và bổ sung Hoạt động dịch vụ tư vấn du học, Tư vấn lập quy hoạch, đề án báo cáo tài nguyên nước, Kinh doanh dịch vụ ngân hàng mô, kinh doanh dịch vụ thực hiện kỹ thuật mang thai hộ; Hoạt động liên kết đào tạo nghề trình độ trung cấp, cao đẳng với cơ sở dạy nghề của nước ngoài, cơ sở dạy nghề có vốn đầu tư nước ngoài.

Ủy ban Kinh tế cho rằng, các ngành, nghề này phải đáp ứng yêu cầu về trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, do đó, để nâng cao chất lượng của dịch vụ tư vấn thì không nên bãi bỏ điều kiện của các ngành, nghề này.

Về việc hợp nhất các ngành, nghề: Kinh doanh dịch vụ xét nghiệm HIV; Kinh doanh dịch vụ hỗ trợ sinh sản, lưu giữ tinh trùng, lưu giữ phôi; Kinh doanh dịch vụ xét nghiệm vi sinh vật gây bệnh truyền nhiễm; Kinh doanh dịch vụ tiêm chủng; Kinh doanh dịch vụ điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; Kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ vào ngành, nghề Kinh doanh dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, Ủy ban Kinh tế đề nghị không hợp nhất các ngành, nghề này. Đối với Kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ, đề nghị vẫn giữ điều kiện kinh doanh đối với ngành này.

Ngoài ra, Ủy ban đề nghị không hợp nhất một số ngành nghề như: Kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp với thiết bị áp lực, thiết bị nâng đặc thù chuyên ngành công nghiệp, hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp, trang thiết bị khai thác mỏ, dầu khí, trừ các thiết bị, phương tiện thăm dò, khai thác trên biển; Kinh doanh dịch vụ chứng nhận và công bố hợp quy với Kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp theo lĩnh vực khoa học công nghệ…

Về việc bổ sung một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, đối với việc bổ sung ngành, nghề Sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô, Ủy ban Kinh tế tán thành với việc bổ sung ngành, nghề Sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; đề nghị không bổ sung ngành, nghề Kinh doanh kho bảo thuế vào Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; đề nghị bổ sung ngành, nghề Kinh doanh dịch vụ rà, phá bom mìn, vật liệu nổ vào Danh mục ngành, nghề, đầu tư kinh doanh có điều kiện.../.