Bộ Công Thương tiếp nhận, rà soát đăng ký giá sữa

Nghị định số 149/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 177/2013/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành quy định Bộ Công Thương tiếp nhận, rà soát biểu mẫu đăng ký giá đối với mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi; Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương hướng dẫn chi tiết danh mục mặt hàng này.

Về hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá, Nghị định số 149/2016/NĐ-CP quy định các bộ, ngành có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận đăng ký giá ở trung ương để hướng dẫn chi tiết danh mục mặt hàng phù hợp với từng thời kỳ.

Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết mặt hàng: Thuốc bảo vệ thực vật (thuốc trừ sâu, thuốc trừ bệnh, thuốc trừ cỏ); Vacxin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm; muối ăn; đường ăn (đường trắng và đường tinh luyện); thóc, gạo tẻ thường.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết mặt hàng: Phân đạm urê; phân NPK.

Bộ Y tế chịu trách nhiệm hướng dẫn chi tiết mặt hàng thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người thuộc danh mục thuốc chữa bệnh thiết yếu sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương hướng dẫn chi tiết mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Bên cạnh đó, Nghị định số 149/2016/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung về thẩm quyền và trách nhiệm định giá. Theo quy định, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ định giá hàng hóa, dịch vụ theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 22 Luật giá và giá hàng hóa, dịch vụ khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành có liên quan.

Nghị định quy định rõ Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định: Giá cụ thể đối với dịch vụ kiểm định phương tiện vận tải (bao gồm dịch vụ đăng kiểm phương tiện thiết bị giao thông vận tải và các công trình khai thác, vận chuyển dầu khí biển). Khung giá đối với nước sạch sinh hoạt; dịch vụ kiểm nghiệm thuốc dùng cho động vật, thực vật; dịch vụ tiêm phòng, tiêu độc, khử trùng cho động vật, chẩn đoán thú y. Giá tối đa đối với sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi; dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng tại cơ sở y tế công lập. Giá mua tối đa, giá bán tối thiểu hàng dự trữ quốc gia (trừ hàng dự trữ quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh); định mức chi phí nhập, chi phí xuất tại cửa kho dự trữ quốc gia và chi phí xuất tối đa ngoài cửa kho, chi phí bảo quản hàng dự trữ quốc gia. Giá bán tối thiểu đối với sản phẩm thuốc lá điếu tiêu thụ trong nước...

Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định: Giá cụ thể đối với giá truyền tải điện, giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện; khung giá đối với giá phát điện, giá bán buôn điện; giá tối thiểu đối với dịch vụ kiểm định kỹ thuật máy móc, thiết bị, vật tư và các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn đặc thù chuyên ngành công nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Y tế quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh và bảo hiểm y tế...

Triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, ASEAN giai đoạn 2016 - 2020

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Kế hoạch tổng thể triển khai cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN giai đoạn 2016 - 2020.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2020, hoàn thành triển khai tất cả các thủ tục hành chính của các bộ, ngành tham gia quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; người và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh thông qua Cơ chế một cửa quốc gia.

Thời gian thông quan và giải phóng hàng hóa, người và phương tiện liên quan tới các thủ tục hành chính một cửa bằng với nhóm 4 nước dẫn đầu trong khu vực ASEAN.

Đồng thời, đảm bảo 100% các thủ tục hành chính thực hiện thông qua Cơ chế một cửa quốc gia được thu phí, lệ phí bằng phương thức điện tử.

Hoàn thiện cơ sở pháp lý

Một trong các giải pháp thực hiện Kế hoạch là hoàn thiện cơ sở pháp lý và cải cách thủ tục hành chính, trong đó xây dựng hành lang pháp lý đầy đủ cho việc sử dụng, trao đổi chứng từ điện tử, hồ sơ điện tử đối với thủ tục hành chính trong nước và các nước, khối - cộng đồng kinh tế.

Rà soát và tiến hành sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật theo định hướng: Cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết; đơn giản hóa quy trình thực hiện thủ tục hành chính; đơn giản hóa bộ hồ sơ, chứng từ cần phải nộp hoặc xuất trình theo hướng áp dụng tối đa chứng từ điện tử; sử dụng lại các thông tin, chứng từ điện tử, quyết định hành chính thuộc thành phần hồ sơ đã được lưu trữ trên Cổng thông tin một cửa quốc gia để thực hiện thủ tục hành chính thông qua Cơ chế một cửa quốc gia thay vì yêu cầu doanh nghiệp, tổ chức nộp hoặc xuất trình các thông tin, chứng từ, quyết định hành chính đó.

Đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý cho việc cung cấp dịch vụ công mức độ 4 thông qua Cơ chế một cửa quốc gia. Xây dựng bộ dữ liệu quốc gia về biểu mẫu và chứng từ điện tử trong lĩnh vực hành chính và thương mại để áp dụng chung cho tất cả các thủ tục hành chính thực hiện thông qua Cơ chế một cửa quốc gia.

Tạo cơ sở pháp lý cho việc sử dụng các dịch vụ do bên thứ ba cung cấp để đưa ra các tiện ích cho cả doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước trong thực hiện thủ tục hành chính thông qua Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN.

Xây dựng hệ thống CNTT theo hướng xử lý tập trung

Giải pháp tiếp theo là xây dựng, triển khai hệ thống công nghệ thông tin. Cụ thể, hệ thống công nghệ thông tin phục vụ triển khai Cơ chế một cửa quốc gia được xây dựng và phát triển theo định hướng xử lý tập trung trên nền tảng Cổng thông tin một cửa quốc gia nhằm đáp ứng tiến độ triển khai theo cam kết của chính phủ, tiết kiệm và đảm bảo hiệu quả đầu tư, tận dụng nguồn lực cũng như tăng cường khả năng bảo mật, an toàn thông tin.

Hoàn thiện Cổng thông tin một cửa quốc gia sẵn sàng về mặt kỹ thuật để thực hiện Cơ chế một cửa ASEAN theo lộ trình và đảm bảo trao đổi, xử lý chứng từ thương mại với các nước, khối - cộng đồng kinh tế; giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp nhằm tạo thuận lợi thương mại và tăng cường khả năng cạnh tranh quốc gia.

Đẩy mạnh thuê dịch vụ của bên thứ ba trong cung cấp các tiện ích cho cả doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước trong thực hiện thủ tục hành chính thông qua Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN.

Tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật để đảm bảo cung cấp các dịch vụ công quốc gia theo Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử.

Quy định việc thanh toán và hỗ trợ thuốc kháng virus HIV

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 2188/QĐ-TTg quy định việc thanh toán thuốc kháng virus HIV được mua sắm tập trung cấp quốc gia từ nguồn quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế và hỗ trợ người sử dụng thuốc kháng virus HIV.

Quyết định quy định thực hiện mua sắm tập trung cấp quốc gia đối với thuốc kháng virus HIV theo quy định của Luật đấu thầu ngày 26/11/2013, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đấu thầu về lựa chọn nhà thầu và các văn bản hướng dẫn.

Về thanh toán thuốc kháng virus HIV từ quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, Quyết định nêu rõ: Căn cứ vào văn bản thỏa thuận khung giữa Bộ Y tế và nhà cung ứng thuốc được lựa chọn, tổ chức bảo hiểm y tế ký hợp đồng trực tiếp với nhà thầu cung ứng thuốc.

Việc thanh toán chi phí thuốc kháng virus HIV thực hiện theo quy định về thanh toán, quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh với tổ chức bảo hiểm y tế hiện hành.

Quyết định quy định: Căn cứ vào khả năng ngân sách, các địa phương đảm bảo hỗ trợ chi phí cùng chi trả đối với thuốc kháng virus HIV cho người nhiễm HIV/AIDS có thẻ bảo hiểm y tế thông qua Quỹ khám chữa bệnh người nghèo, Quỹ hỗ trợ người nhiễm HIV theo quy định tại các Quyết định số 139/2002/QĐ-TTg ngày 15/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc khám, chữa bệnh cho người nghèo, Quyết định số 14/2012/QĐ-TTg ngày 1/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 139/2002/QĐ-TTg ngày 15/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ về khám, chữa bệnh cho người nghèo và Quyết định số 60/2007/QĐ-TTg ngày 7/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Quỹ hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS.

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế có điều trị thuốc kháng virus HIV cho người nhiễm HIV sử dụng các nguồn quỹ khác (nếu có) của đơn vị theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập để hỗ trợ phần cùng chi trả thuốc kháng virus HIV cho người nhiễm HIV.

Điều chỉnh dự án Phát triển giao thông đô thị TP Hải Phòng

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án "Phát triển giao thông đô thị thành phố Hải Phòng".

Dự án ”Phát triển giao thông đô thị thành phố Hải Phòng” có tổng mức đầu tư là 276,61 triệu USD, trong đó vốn IDA tài trợ là 112,100 triệu SDR (tương đương 175 triệu USD). Dự án được gia hạn thực hiện đến ngày 31/8/2018 theo Hiệp định Tài trợ.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; các Bộ: Ngoại giao,Tư pháp và các cơ quan liên quan hoàn tất các thủ tục pháp lý để gia hạn thời hạn thực hiện Dự án theo Hiệp định trên.

Đồng thời, UBND thành phố Hải Phòng triển khai các biện pháp phù hợp để hoàn thành Dự án theo đúng thời gian được gia hạn, không để phải tiếp tục gia hạn; có trách nhiệm bố trí nguồn chi trả toàn bộ các chi phí phát sinh liên quan đến việc gia hạn thời gian thực hiện Dự án và Hiệp định kể cả phí cam kết.

Yêu cầu báo cáo về dự án xử lý nước thải Cần Thơ

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh yêu cầu UBND thành phố Cần Thơ báo cáo, làm rõ về Dự án “Thoát nước và xử lý nước thải Cần Thơ” và về những phản ánh trên Báo Thanh niên.

Trước đó, Báo Thanh niên ngày 12/11/2016 có bài viết tựa đề “Nhà máy nước thải 500 tỉ chưa xây xong đã lạc hậu” phản ánh: Nhà máy xử lý nước thải Cần Thơ thuộc Dự án “Thoát nước và xử lý nước thải Cần Thơ” vay vốn ODA của Ngân hàng tái thiết Đức (KfW) có tổng mức đầu tư hơn 19 triệu euro (hơn 494 tỉ đồng) được khởi công năm 2007 và dự kiến hoàn thành vào năm 2010. Nhưng đến nay, nhà máy mới cơ bản hoàn thành song không thể hoạt động vì công nghệ xử lý đã lạc hậu.

Về phản ánh trên, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND thành phố Cần Thơ báo cáo, làm rõ về Dự án “Thoát nước và xử lý nước thải Cần Thơ” và về những phản ánh trên Báo Thanh niên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong thời gian sớm nhất.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Văn phòng Chính phủ rà soát các dự án/chương trình sử dụng nguồn vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi, không để tình trạng tương tự như trên, kịp thời báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ biện pháp xử lý.

Hỗ trợ Bến Tre phòng chống dịch bệnh thủy sản

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xuất cấp (không thu tiền) 50 tấn hóa chất Chlorine 65% min từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh Bến Tre để phòng chống dịch bệnh thủy sản.

UBND tỉnh Bến Tre tiếp nhận, quản lý và báo cáo sử dụng số hóa chất nêu trên theo đúng quy định hiện hành.

Kịp thời giải quyết các kiến nghị, phản ánh của doanh nghiệp

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương kịp thời giải quyết các kiến nghị, phản ánh của doanh nghiệp được Văn phòng Chính phủ tổng hợp, chuyển tới các cơ quan xử lý theo thẩm quyền, trả lời cho doanh nghiệp, đồng thời gửi Văn phòng Chính phủ để công khai trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp.

Văn bản nêu rõ, để kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, theo tinh thần Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2016 về việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương kịp thời giải quyết các kiến nghị, phản ánh của doanh nghiệp được Văn phòng Chính phủ tổng hợp, chuyển tới các cơ quan xử lý theo thẩm quyền, trả lời cho doanh nghiệp, đồng thời gửi Văn phòng Chính phủ để công khai trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.

Việc trả lời các kiến nghị của doanh nghiệp, người dân là nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ giao cho các Bộ, ngành, địa phương.

Thủ tướng Chính phủ giao Văn phòng Chính phủ xác định cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp trong trường hợp các kiến nghị này liên quan đến thẩm quyền và nhiệm vụ của nhiều cơ quan; đôn đốc các cơ quan liên quan trả lời kiến nghị của doanh nghiệp đúng thời hạn.

Văn phòng Chính phủ tổ chức kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ này cùng các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, gắn với việc thực hiện trách nhiệm quản lý, điều hành, xử lý công việc của các Bộ, cơ quan, địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.