Cụ thể, để tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan khi xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiểm toán phải chủ động phối hợp, cùng thống nhất để đảm bảo việc tổ chức thanh tra, kiểm tra, kiểm toán về tài chính, thuế đối với doanh nghiệp 1 năm/1 lần, không trùng lắp, chồng chéo và phải công khai trước cho doanh nghiệp biết (trừ trường hợp đặc biệt phát hiện doanh nghiệp vi phạm phải thực hiện theo quy định của pháp luật).

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu không thanh tra, kiểm tra khi không có căn cứ theo quy định của pháp luật. Khi thanh tra, kiểm tra, kiểm toán không được thanh tra, kiểm tra, kiểm toán lại những vấn đề, nội dung mà các cơ quan có thẩm quyền đã kết luận, xử lý trước đó và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán của mình.

Thanh tra Chính phủ sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và cơ quan liên quan theo dõi, giám sát việc thực hiện.

Theo công bố của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hoạt động thanh - kiểm tra đối với DN có xu hướng gia tăng. Cụ thể, có đến 74% DN từng đón tiếp các đoàn thanh - kiểm tra thuộc tất cả các lĩnh vực trong năm vừa qua. Trung bình, các DN nhỏ và vừa phải tiếp 1-2 đoàn thanh - kiểm tra/năm; các DN lớn phải tiếp 3 đoàn. Có 18% DN siêu nhỏ, 24% DN nhỏ, 43% DN quy mô vừa và 50% DN quy mô lớn đón tiếp ít nhất 3 đoàn kiểm tra trong năm gần nhất. Tình trạng trùng lặp về nội dung thanh - kiểm tra cũng đáng báo động.

Nghị quyết 35 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh của doanh nghiệp (DN) có điểm đột phá là các cơ quan chức năng không được thanh tra, kiểm tra DN quá 1 lần/năm. Rất nhiều DN hoan nghênh, ủng hộ quyết định đột phá này. Nếu thực thi đúng, DN sẽ “dễ thở” và bớt bị phiền hà hơn, dành thời gian và công sức cho hoạt động sản xuất - kinh doanh./.