Chi phí tăng, nhưng chất lượng dịch vụ công ích còn kém

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho biết, tái cơ cấu dịch vụ công lần đầu tiên được Hội nghị Trung ương IV ban hành đề cập trong Nghị quyết số 5, sau đó Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 24 nhấn mạnh tái cơ cấu dịch vụ công ích theo hướng mở rộng lĩnh vực này cho khu vực tư nhân. Đồng thời, tái cơ cấu khu vực dịch vụ công là một trong 4 trọng tâm tái cơ cấu nền kinh tế bên cạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công và thị trường tài chính.

Chất lượng dịch vụ công vẫn chưa tốt

Thực tế cho thấy, chi phí cho dịch vụ công hiện nay đang có xu hướng gia tăng. Theo TS. Nguyễn Mạnh Hải, Trưởng ban Chính sách Dịch vụ công (CIEM), tổng chi phí dịch vụ công ích của một số tỉnh, thành phố là khá lớn và có xu hướng tăng. Chẳng hạn, tại Hà Nội, chi phí này (tương ứng cho các năm 2014, năm 2015 và năm 2016) là 2.950 tỷ đồng, 3.314 tỷ đồng và 4.529 tỷ đồng.

Nguồn chi này được phân bổ cho duy tu, sửa chữa, duy trì lĩnh vực vệ sinh môi trường (45%); duy tu, sửa chữa, duy trì thoát nước và xử lý nước thải (19%); duy tu, sửa chữa, duy trì vườn hoa thảm cỏ, công viên cây xanh (16%); duy tu, sửa chữa, duy trì hạ tầng giao thông (12%); duy tu, sửa chữa, duy trì chiếu sáng công cộng (8%).

Tuy nhiên, dựa trên những con số của ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra tại Hội thảo, thì chất lượng dịch vụ công ích hiện nay đang tỷ lệ nghịch với chi phí bỏ ra.

Cụ thể, theo khảo sát của VCCI về chất lượng dịch vụ công tại 05 đô thị lớn nhất Việt Nam là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ được VCCI khảo sát, thì dịch vụ công vẫn còn thấp, chưa quan tâm nhiều đến mức độ hài lòng của người sử dụng.

Đơn cử như về chất lượng cung cấp điện năng tại 05 thành phố này thì Đà Năng là thành phố có tỷ lệ % cao nhất khi có 80% doanh nghiệp được hỏi được thông báo trước khi cắt điện, Hà Nội là 50%, Hải Phòng và Cần Thơ là 30% còn ở TP. Hồ Chí Minh chỉ có 10%. Trong khi đó, các dịch vụ khác, như: nước sạch, dịch vụ internet, nước sạch cao nhất cũng chỉ đạt 68,2% và thấp nhất là trên 20%; hay về đánh giá "ở tỉnh này các cơ quan thực thi pháp luật ít gây khó khăn hơn cho doanh nghiệp" thì với Đà Nẵng, tỷ lệ doanh nghiệp đồng ý là 68,93%, Hà Nội 61,41%%, Hải Phòng 60,63%, TP. Hồ Chí Minh là 56,60% và Cần Thơ là 59,30%. Tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng ít gặp rủi ro bị thu hồi đất hơn, với Đà Nẵng vẫn là cao nhất (69,51%). Con số tương tự của Hà Nội là 58,86%, Hải Phòng 59,50%, TP. Hồ Chí Minh 56,69% và Cần Thơ là 65,52%.

Chưa khuyến khích doanh nghiệp tư nhân

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện CIEM cho biết, hiện nay, gần 100% các dịch vụ công vẫn đang được đặt hàng theo kế hoạch cho các doanh nghiệp nhà nước hoặc các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa, chứ chưa “mở cửa” thực sự cho các doanh nghiệp ngoài nhà nước thông qua phương thức đấu thầu.

“Hiện nay, dịch vụ công ích được quy định, bao gồm một số hoạt động phục vụ đời sống dân sinh, cộng đồng, như: thu gom - chế biến rác, nước thải, chiếu sáng công cộng, vườn hoa - công viên - cây xanh, bảo vệ môi trường, vận tải công cộng, cấp - thoát nước… Hiện các doanh nghiệp thuộc Nhà nước thực hiện vai trò quản lý, đảm nhận cung ứng các dịch vụ nói trên”, ông Cung nói.

Các dịch vụ công ích vẫn do doanh nghiệp nhà nước đảm nhiệm

Thực tế cũng cho thấy, các chính sách đang được thực thi cũng có lợi cho các doanh nghiệp nhà nước. Theo ông Lê Thanh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại Phú Điền, một doanh nghiệp tư nhân có tiếng trong lĩnh vực dịch vụ công ích, Nghị định 130/NĐ-CP, ngày 16/10/2013 về sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích còn có những bất cập sau 03 năm triển khai.

Cụ thể theo ông Thanh, khoản 1, Điều 5 quy định: Lựa chọn phương thức cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích, thì hình thức đấu thầu được xếp hàng đầu tính theo thứ tự ưu tiên. Tuy nhiên, đến Điều 10 “Điều kiện tổ chức đấu thầu thực hiện sản xuất và cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích” lại ràng buộc việc tổ chức đấu thầu “chỉ” được thực hiện khi đáp ứng một số điều kiện cụ thể.

Điều này dẫn đến một số cơ quan quản lý nhà nước và một số doanh nghiệp đang thực hiện dịch vụ công ích “cố tình” cho rằng, chưa đủ điều kiện để áp dụng phương thức đấu thầu. Tuy nhiên, các điều kiện không đủ chủ yếu thuộc các doanh nghiệp tư nhân.

“Công ty Phú Điền hiện nay tham gia cung ứng dịch vụ công tại khá nhiều địa phương, như: Nghệ An, Bình Định, Nha Trang, Hà Nội, Đà Nẵng... Trong quá trình triển khai, việc tiếp cận các dịch vụ công ích rất khó khăn, bởi các cơ quan quản lý nhà nước, hoặc các đơn vị đang thực hiện luôn có lý do để doanh nghiệp không có đủ điều kiện tham gia đấu thầu. Các địa phương hầu như duy trì nguyên tắc là thích các doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp vốn dĩ là doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa”, ông Thanh cho biết.

Bên cạnh đó, việc chưa quy định cụ thể về chất lượng, quy cách, định mức, giá và đơn giá để thực hiện theo phương thức đấu thầu hoặc đặt hàng. Tuy nhiên, về cơ bản vẫn thực hiện theo phương thức cũ mà chưa có thay đổi căn bản về phương thức, nghiệm thu va thanh toán hợp đồng (các hợp đồng đặt hàng chỉ quan tâm tới từng thành phần chi phí cấu thành nên giá trị hợp đồng mà chưa quan tâm đến đơn giá của sản phẩm dịch vụ cung ứng cuối cùng). Do đó, không khuyến khích các doanh nghiệp trong việc cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ và tiết kiệm chi phí cho ngân sách.

Ngoài ra, các điều khoản trong Nghị định 130 còn khá chung chung, mặc dù Chính phủ giao cho các cơ quan liên quan ban hành các quy định hướng dẫn cụ thể nhưng chỉ có vài cơ quan ban hành hướng dẫn, nhưng vẫn rất sơ sài và chủ yếu lặp lại nội dung của Nghị định.

Sửa đổi Nghị định 130 trên tinh thần đấu thầu công khai, minh bạch và rộng rãi

Theo TS. Nguyễn Mạnh Hải, cần chủ động trao cơ hội, kêu gọi các doanh nghiệp tham gia vào quá trình cung ứng dịch vụ công ích để đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng của xã hội, nhất là trong bối cảnh đô thị hóa diễn ra trên diện rộng và nhanh chóng. Ngoài ra, cơ quan quản lý cần duy trì, bảo đảm môi trường kinh doanh minh bạch, tập trung tạo cơ hội để các đơn vị cạnh tranh với nhau trên tinh thần công bằng, từ đó cạnh tranh tự do bằng giá cả và chất lượng phục vụ.

Bên cạnh đó, cần phát huy thế mạnh và điều kiện tốt cho doanh nghiệp thông qua hoạt động đấu thầu, từ đó thu về những lợi ích toàn diện cho xã hội, doanh nghiệp và các đối tượng thụ hưởng một cách hài hòa.

“Huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) đã xác nhận tiết kiệm được tới 60% chi phí nhờ thực hiện đấu thầu dịch vụ công ích trên địa bàn. Trong khi đó, một số địa phương khác, như: Bình Tân, tổng giá trị hợp đồng so với giá trị gói thầu giảm 48%; tại Tân Phú, tổng giá trị hợp đồng so với giá trị gói thầu giảm 11%”, ông Hải dẫn chứng.

Liên quan đến việc tạo cơ chế chính sách thuận lợi cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân tham gia vào hoạt động cung ứng dịch vụ công, ông Lê Thanh cho rằng, trong thời gian tới, Nghị định 130 cần làm rõ thế nào là “sản phẩm dịch vụ công ích”. Bên cạnh đó, Nghị định chỉ nên quy định cụ thể những trường hợp nào được áp dụng phương thức đặt hàng hoặc giao kế hoạch, tất cả các trường hợp còn lại đương nhiên phải thực hiện đấu thầu.

“Quan điểm chủ đạo xuyên suốt khi sửa đổi hoặc thay thế Nghị định cần dựa trên nền tảng của sự minh bạch, công khai, rộng rãi là những tiêu chí của phương thức đầu thầu rộng rãi”, ông Thanh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông Thanh cho rằng, cần khuyến khích áp dụng các hình thức hợp đồng với giá hợp đồng và phương thức nghiệm thu theo nguyên tắc Nhà nước quản lý đơn giá, chất lượng sản phẩm cuối cùng./.