Báo cáo Thủ tướng việc cấp biển số xe ô tô 80A, 80B cho DN

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có ý kiến chỉ đạo về việc cấp biển số xe ô tô trong thời gian qua.

Trước đó, một số cơ quan báo chí phản ánh tình trạng cấp biển số xe ô tô tại tỉnh Thừa Thiên Huế thiếu minh bạch. Theo phản ánh, nhiều tháng nay, tại Thừa Thiên-Huế xuất hiện hàng loạt xe ô tô mang biển số “khủng” vượt rất nhiều những đầu số thực tế đang được cấp khiến dư luận xôn xao.

Xét báo cáo của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an báo cáo việc cấp biển số xe ô tô 80A, 80B... cho các doanh nghiệp (các loại hình) thời điểm từ ngày 1/6/2014 đến nay.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan liên quan kiểm tra, rà soát các quy định về việc thực hiện đăng ký, cấp biển số xe ô tô, xe máy; nếu phát hiện vấn đề bất cập đề xuất sửa đổi, bổ sung bảo đảm chặt chẽ, khách quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý I/2017.

Tăng cường ứng dụng CNTT trong hoạt động dạy-học

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đẩy mạnh triển khai chính phủ điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo ở trung ương và các địa phương.

Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy - học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo đó, đến năm 2020, phấn đấu 100% các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục và đào tạo thực hiện quản lý hành chính xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng; 70% cuộc họp giữa các cơ quan quản lý nhà nước và cơ sở giáo dục và đào tạo được áp dụng hình thức trực tuyến.

70% lớp bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục được thực hiện qua mạng theo phương thức học tập kết hợp (blended learning); 50% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến tối thiểu mức độ 3, trong đó 30% được xử lý trực tuyến ở mức độ 4.

Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Đề án là triển khai hệ thống thông tin quản lý, cơ sở dữ liệu. Cụ thể, triển khai hệ thống thông tin quản lý toàn ngành giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu kết nối, liên thông tích hợp, chia sẻ thông tin đối với các hệ thống thông tin từ trung ương đến địa phương.

Bên cạnh đó, triển khai hệ thống quản lý hành chính điện tử và liên thông toàn ngành; hệ thống họp, hội thảo, tập huấn chuyên môn qua mạng; bổ sung, cập nhật các dịch vụ công trực tuyến tối thiểu mức độ 3, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin tuyển sinh đầu cấp học.

Đồng thời, quản lý học sinh, quản lý giáo viên, quản lý thi, xếp thời khóa biểu, sổ quản lý điện tử; tích hợp với trang tin điện tử của nhà trường trên môi trường mạng ở tất cả các cấp học mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên.

Đề án cũng sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đổi mới nội dung, phương pháp dạy - học, kiểm tra đánh giá và nghiên cứu khoa học. Cụ thể, tiếp tục xây dựng và thường xuyên cập nhật kho học liệu số dùng chung phục vụ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trong toàn ngành, gồm: Bài giảng điện tử, học liệu số đa phương tiện, sách giáo khoa điện tử, phần mềm mô phỏng và các học liệu khác.

Tiếp tục xây dựng và thường xuyên cập nhật hệ thống ngân hàng câu hỏi trực tuyến của các môn học và phần mềm kiểm tra, đánh giá tập trung qua mạng phục vụ học sinh, giáo viên giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; ứng dụng dạy - học thông minh ở các cơ sở giáo dục và đào tạo, địa phương có đủ điều kiện trên nguyên tắc thiết thực, hiệu quả.

Ngoài ra, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cổng thư viện số (giáo trình, bài giảng, học liệu số) liên thông, chia sẻ học liệu với các cơ sở đào tạo đại học nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu, đào tạo trong giáo dục đại học; triển khai hệ thống học tập trực tuyến tại các cơ sở đào tạo đại học; lựa chọn, sử dụng các bài giảng trực tuyến của nước ngoài phù hợp với điều kiện trong nước; hình thành một số cơ sở đào tạo đại học trực tuyến trên cơ sở các trường hiện có bằng nguồn vốn đầu tư của nước ngoài, doanh nghiệp.

291 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Danh sách các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2016 - 2020.

Theo đó, có 291 xã thuộc 23 tỉnh được hỗ trợ đầu tư theo quy định tại Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 2/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020.

Cụ thể, Quảng Ninh có 6 xã; Ninh Bình có 5 xã; Thanh Hóa có 30 xã; Nghệ An có 12 xã; Hà Tĩnh có 29 xã; Quảng Bình có 12 xã; Quảng Trị có 13 xã; Thừa Thiên Huế có 27 xã; Quảng Nam có 8 xã; Quảng Ngãi có 19 xã; Bình Định có 18 xã; Phú Yên có 11 xã; Khánh Hòa có 4 xã; Ninh Thuận có 3 xã; Bình Thuận có 1 xã; Long An có 1 xã; Tiền Giang có 11 xã; Trà Vinh 7 xã; Bến Tre có 30 xã; Kiên Giang 12 xã; Sóc Trăng có 14 xã; Bạc Liêu có 7 xã; Cà Mau có 11 xã.

Cơ chế quản lý, nội dung đầu tư cho các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thực hiện theo quy định tại Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 2/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020.

Xây dựng nhà máy kính siêu trắng tại KCN Mỹ Xuân B1

Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư xây dựng Dự án Nhà máy kính siêu trắng, công suất 600 tấn/ngày tại Khu công nghiệp Mỹ Xuân B1 - Conac, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp với Bộ Xây dựng chỉ đạo, giám sát quá trình thực hiện dự án của chủ đầu tư theo đúng quy định hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng; bảo đảm đúng chủng loại và đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường.

Quy chế hoạt động của BCĐ quốc gia về phát triển điện lực

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng - Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phát triển điện lực vừa ký Quyết định ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo này.

Theo đó, Ban Chỉ đạo quốc gia có nhiệm vụ chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc công tác đầu tư xây dựng các công trình, dự án nguồn và lưới điện trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đặc biệt là các dự án trọng điểm, các dự án cấp bách; đồng thời chỉ đạo việc đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở nhập khẩu than, khí thiên nhiên hóa lỏng - LNG (năng lượng sơ cấp), công tác đàm phán hợp đồng nhập khẩu năng lượng sơ cấp cho phát điện và chỉ đạo kiểm tra việc thực hiện các chủ trương chính sách về mua bán điện với nước ngoài và phát triển năng lượng tái tạo.

Về nguyên tắc làm việc, Trưởng Ban, các Phó Trưởng Ban, các Ủy viên Ban Chỉ đạo quốc gia làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.

Ban Chỉ đạo quốc gia làm việc theo nguyên tắc tập trung thống nhất, các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia chịu trách nhiệm về phần việc được phân công; Trưởng Ban hoặc người được Trưởng Ban ủy quyền quyết định các vấn đề của Ban Chỉ đạo quốc gia.

Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia là bộ phận tham mưu, giúp việc Ban Chỉ đạo quốc gia; làm đầu mối tổng hợp, phối hợp công việc giữa các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia và các bộ, ngành, địa phương liên quan; giúp Ban Chỉ đạo quốc gia kiểm tra, đôn đốc theo dõi việc thực hiện các dự án; tổng hợp các báo cáo và đề xuất giải pháp giải quyết các vấn đề vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án nguồn và lưới điện trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, đặc biệt các dự án trọng điểm về điện lực, các dự án cấp bách, các dự án hạ tầng cơ sở nhập khẩu năng lượng sơ cấp và công tác đàm phán ký kết hợp đồng nhập khẩu năng lượng sơ cấp, các dự án phát triển năng lượng tái tạo; tổng hợp và đề xuất các giải pháp giải quyết các vấn đề vướng mắc liên quan đến mua bán điện với nước ngoài, phát triển năng lượng tái tạo./.