Trong văn bản xin ý kiến, Uỷ ban Tư pháp nêu rõ, tại Kỳ họp thứ 2, Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, trong đó đề nghị bỏ điều 292 về tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông.

Tuy nhiên, trong quá trình chỉnh lý, tiếp thu và hoàn thiện dự thảo Luật, vẫn có ý kiến đề nghị giữ lại các quy định của điều 292, nhất là đối với hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán trái phép và đưa vào quy định tại điều 206.

Với lý do: quy định xử lý hình sự đối với hành vi cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán trái phép là cần thiết, nhằm đảm bảo hoàn thiện khung pháp lý cho các cơ quan chức năng thực hiện công tác phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn các loại tội phạm lợi dụng tiền ảo, tiền điện tử để phạm tội sử dụng công nghệ cao, trốn thuế, rửa tiền... đồng thời đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư và trật tự, an toàn xã hội.

Theo đó, một số ý kiến đề nghị chỉnh lý điều 206 theo hướng: người nào trong hoạt động ngân hàng mà cố ý thực hiện một trong các hành vi sau đây gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng, thì bị phạt từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Điều 206 còn quy định phạm tội gây thiệt hại về tài sản từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng hoặc thu lợi bất chính từ 200 triệu đồng đến 500 triệu đồng, thì bị phạt tù từ 3 đến 7 năm. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản từ 1 tỷ đồng đến dưới 3 tỷ đồng hoặc thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 12 năm. Phạm tội gây thiệt hại từ 3 tỷ đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính từ 1 tỷ đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hợc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.

Hành vi cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán trái phép được đưa vào dự thảo Bộ luật hình sự

Tuy nhiên, theo văn bản góp ý của VCCI, thì các doanh nghiệp được lấy ý kiến đều không đồng tình với việc bổ sung điểm I, khoản 1 điều 206 về việc xử lý hình sự đối với hành vi cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán trái phép với 6 lý do:

Thứ nhất, việc lợi dụng dịch vụ trung gian thanh toán để thực hiện các hành vi phạm tội khác đã được quy định tại các tội danh khác. Ví dụ hành vi lợi dụng dịch vụ trung gian thanh toán để chiếm đoạt tài sản đã được quy định tại điều 290 – Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản; hành vi lợi dụng dịch vụ trung gian thanh toán để trốn thuế đã được quy định tại điều 200 – Tội trốn thuế.... Như vậy, nếu hành vi cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán trái phép, nhằm để thực hiện một hành vi nguy hiểm cho xã hội như chiếm đoạt tài sản, trốn thuế, rửa tiền... thì đều đã có quy định khác của Bộ luật Hình sự xử lý.

Thứ hai, đối với hành vi cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán trái phép mà không nhằm thực hiện các hành vi nguy hiểm cho xã hội như chiếm đoạt tài sản, trốn thuế, rửa tiền..., thì chỉ đơn thuần là việc người cung cấp dịch vụ chưa làm thủ tục hành chính để xin phép hoặc điều chỉnh giấy phép. Việc chưa làm một thủ tục hành chính (mà không nhằm mục đích gây hại và cũng chưa gây thiệt hại thực tế), thì chỉ nên dừng lại ở mức xử lý hành chính. Biện pháp xử lý hành chính đối với hành vi này đã được quy định tại điều 27 của Nghị định 96/2014 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, với mức phạt từ 40-60 triệu đồng và buộc nộp vào ngân sách Nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Thứ ba, việc cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán luôn phải gắn liền với hệ thống ngân hàng. Các nghiệp vụ trung gian thanh toán luôn được chính các ngân hàng kiểm soát chặt chẽ. Khoản 1 điều 15 của Thông tư 39/2014 hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán có quy định: các ngân hàng chỉ hợp tác cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán với các tổ chức không phải là ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép”. Như vậy, việc ngăn cản hành vi cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán trái phép đã có biện pháp bảo đảm thực thi rất hiệu quả. Các vấn đề khác có thể phát sinh của hoạt động trung gian thanh toán cũng đã được hệ thống ngân hàng kiểm soát, lưu trữ thông tin tạo điều kiện cho công tác điều tra khi có sai phạm.

Thứ tư, việc cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán thường đòi hỏi sáng tạo và thử nghiệm. Các doanh nghiệp thường bắt đầu bằng việc sáng tạo ra một sản phẩm dịch vụ giúp tăng tiện ích của việc thanh toán không dùng tiền mặt. Sản phẩm này cần được thử nghiệm về tính năng, độ an toàn và tiện dụng cho người dùng trước khi triển khai rộng rãi trên thực tế. Trong quá trình sáng tạo và thử nghiệm ban đầu, bản thân doanh nghiệp cũng không biết được liệu sản phẩm của mình có bị vứt bỏ chỉ sau một thời gian ngắn. Do đó, việc quy định trách nhiệm hình sự đối với hành vi cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán trái phép sẽ làm gia tăng đáng kể rủi ro pháp lý đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực này, sẽ cản trở sáng tạo và ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của thị trường.

Thứ năm, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, hiện nay thủ tục cấp phép dịch vụ trung gian thanh toán còn nhiều phức tạp. Có doanh nghiệp cho biết họ mất đến 5 năm, 7 năm mới xin được giấy phép và nhiều doanh nghiệp khác vẫn đang trong quá trình xin phép dù đã bắt đầu nộp hồ sơ từ nhiều năm trước. Khi hệ thống cấp phép còn nhiều vướng mắc như vậy mà đã xử lý quá nặng hành vi cung cấp dịch vụ không có phép sẽ khiến các doanh nghiệp không dám đầu tư vào lĩnh vực tiềm năng này.

Thứ sáu, hiện nay dịch vụ trung gian thanh toán đang được khuyến khích do nó có tác dụng làm giảm tiền mặt trong lưu thông. Điều này giúp minh bạch và lành mạnh hóa nền tài chính quốc gia. Khi các giao dịch đều được thực hiện thông qua các phương tiện điện tử sẽ giúp kiểm soát được đoanh thu, thu nhập của tổ chức, cá nhân, từ đó chống thất thu thuế, chống tham nhũng, rửa tiền, đánh bạc, mua bán ma túy, vũ khí, tài trợ khủng bố.... Do đó, việc trừng phạt quá mức sẽ làm chậm sự phát triển của dịch vụ trung gian thanh toán, từ đó có thể ảnh hưởng đến các lợi ích trên./.