Đầu năm 2016, Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII đã một lần nữa nhấn mạnh việc xây dựng một số đặc khu kinh tế để “tạo cực tăng trưởng và thử nghiệm thể chế phát triển vùng có tính đột phá”.

Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2016, Chính phủ đã thống nhất nguyên tắc xây dựng mô hình 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) theo định hướng mỗi đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt lựa chọn phát triển thế mạnh riêng có, nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế so sánh của mỗi đơn vị, tạo động lực phát triển mới, bảo đảm phân bổ nguồn lực theo vùng, tạo hiệu ứng lan tỏa trên phạm vi cả nước.

Chính phủ đã giao UBND các tỉnh: Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện các Đề án đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; đề xuất cấp có thẩm quyền các cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng các dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt cho từng đơn vị.

Cuối tháng 1/2017, Ban cán sự Đảng Chính phủ đã trình Bộ Chính trị Đề án xây dựng mô hình 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc.

Mới đây, trong khi Dự thảo Luật Đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt vừa được đệ trình lên Chính phủ, thì ngày 28/2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc làm việc tại tỉnh Khánh Hòa. Tại đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh việc phải xây dựng một luật riêng cho đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong.

Phối cảnh thiết kế quy hoạch đặc khu kinh tế Vân Đồn, Quảng Ninh.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, câu chuyện còn lại là, thể chế, chính sách cho các đặc khu này như thế nào? Bởi thực tế, một trong những lý do khiến mô hình đặc khu kinh tế ở Việt Nam chưa thể sớm hình thành là bởi vẫn còn những lấn cấn liên quan đến việc thông qua các thể chế đặc biệt cho các đặc khu này.

Để khắc phục “lấn cấn” này, Văn phòng Chính phủ vừa phát đi văn bản truyền đạt chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu các Bộ, ngành, 3 địa phương (Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang) chuẩn bị báo cáo tiến độ xây dựng Đề án Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt của từng địa phương; đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù cho các đơn vị.

Phó Thủ tướng lưu ý các cơ chế, chính sách cần phân chia theo từng nhóm (sử dụng đất, xuất nhập cảnh, tài chính - ngân hàng, phát triển hạ tầng, lĩnh vực ngành nghề thu hút công nghệ cao, tổ chức lực lượng công an, quân đội...).

Trong đó, đề xuất về cơ chế, chính sách, đặc biệt lưu ý các cơ chế, chính sách phải làm nổi bật thế mạnh của từng khu, không cạnh tranh lẫn nhau đảm bảo tính vượt trội, đủ sức cạnh tranh, hấp dẫn đối với khu vực và quốc tế.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương gửi báo cáo về Văn phòng Chính phủ, đồng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 3/4/2017 tổng hợp chung, báo cáo Phó Thủ tướng để tổ chức họp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan và 3 địa phương nhằm thúc đẩy nhanh việc xây dựng dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt./.