Theo Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, thì chương trình giáo dục phổ thông bao gồm chương trình tổng thể (khung chương trình), các chương trình môn học và hoạt động giáo dục. Chương trình được dự kiến áp dụng từ năm học 2018-2019;

Theo dự thảo, nội dung chính của chương trình tổng thể nêu lên 6 phẩm chất chủ yếu cần hình thành, phát triển ở học sinh là: yêu đất nước, yêu con người, chăm học, chăm làm, trung thực, trách nhiệm.

Về năng lực, dự thảo hướng đến 10 năng lực cốt lõi (những năng lực mà ai cũng cần có để sống và làm việc trong xã hội hiện đại) gồm:

Những năng lực chung được tất cả các môn học và hoạt động giáo dục góp phần hình thành, phát triển: năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo.

Chương trình mới hướng tới thực hiện giáo dục toàn diện, tích hợp ở các cấp tiểu học và THCS, thực hiện giáo dục phân hóa và tự chọn ở cấp THPT.

Điểm thay đổi rõ rệt so với từ trước nay, giáo dục phổ thông 12 năm sẽ chia làm hai giai đoạn là giáo dục cơ bản (gồm cấp tiểu học 5 năm và cấp THCS 4 năm) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp THPT 3 năm).

Giáo dục cơ bản bảo đảm trang bị cho học sinh trí thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau THCS. Ở 2 cấp học này sẽ thực hiện lồng ghép những nội dung liên quan của một số lĩnh vực giáo dục, một số môn học trong chương trình hiện hành để tạo thành môn học tích hợp; qua đó tinh giản, tránh chồng chéo nội dung giáo dục, giảm hợp lý số môn học.

Giáo dục định hướng nghề nghiệp bảo đảm học sinh tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng. Cấp THPT yêu cầu học sinh học một số môn học bắt buộc, đồng thời được tự chọn các môn học và chuyên đề học tập theo hình thức tích lũy tín chỉ.

Hệ thống các môn học của chương trình giáo dục phổ thông được chia thành các môn học bắt buộc, môn học bắt buộc có phân hóa, môn học tự chọn và môn học tự chọn bắt buộc.

Cụ thể, ở cấp Tiểu học, các môn học bắt buộc gồm: Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục lối sống, Cuộc sống quanh ta, Tìm hiểu xã hội, Tìm hiểu tự nhiên, Tìm hiểu công nghệ. Các môn học bắt buộc có phân hóa: Thế giới công nghệ, Tìm hiểu tin học, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Môn học tự chọn là tiếng dân tộc thiểu số.

Ngoài ra, ở cấp tiểu học còn có hoạt động Tự học có hướng dẫn (tự học trên lớp của học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày, có sự hướng dẫn, giúp đỡ của giáo viên).

Ở cấp THCS, các môn học bắt buộc: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý. Các môn học bắt buộc có phân hóa: Tin học, Công nghệ và Hướng nghiệp, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.

Ở cấp THPT, dự thảo chương trình mới xác định lớp 10 là lớp dự hướng nghề nghiệp. Gồm các môn học bắt buộc: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Thiết kế và Công nghệ, Giáo dục quốc phòng và an ninh.

Các môn học bắt buộc có phân hóa: Tin học, Giáo dục thể chất, Hoạt động nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Các môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.

Ở lớp 11 và lớp 12, các môn học bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo.

Các môn học tự chọn bắt buộc: Học sinh chọn 3 môn và 1 chuyên đề học tập trong số các môn Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Khoa học máy tính, Tin học ứng dụng, Thiết kế và Công nghệ, Mỹ thuật, Âm nhạc, Chuyên đề học tập.

Các môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.

Dự thảo chương trình tổng thể đã nêu ra ba hình thức đánh giá học sinh là đánh giá thường xuyên, đánh giá định kỳ và đánh giá trên diện rộng.

Đặc biệt trong dự thảo chương trình có điểm mới là việc xét tốt nghiệp sẽ giao cho cấp trường.

Để được cấp bằng tốt nghiệp THPT, học sinh không phải trải qua kỳ thi THPT quốc gia như hiện nay mà việc xét tốt nghiệp sẽ phụ thuộc vào việc đánh giá định kỳ do chính trường THPT tổ chức thực hiện.

Học sinh hoàn thành các môn học, tích lũy đủ kết quả đánh giá theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo được cấp bằng tốt nghiệp THPT.

Đánh giá về những nội dung trên, nhiều chuyên gia lo ngại chương trình phổ thông mới khó khả thi vì ôm đồm, quá tải.

Bởi theo dự kiến tháng 9, chương trình tổng thể giáo dục phổ thông được ký chính thức, chương trình từng môn học cũng được ký ban hành. Nếu trong quá trình tập huấn triển khai có vướng mắc sẽ tiếp tục chỉnh sửa.

Khác với chương trình hiện hành - những người xây dựng đảm nhận đồng thời việc soạn thảo sách giáo khoa (SGK) - ở chương trình phổ thông mới, ban soạn thảo chỉ có trách nhiệm xây dựng chương trình.

Tuy nhiên, vì quy định một chương trình có nhiều bộ SGK nên Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ biên soạn một bộ SGK.

Dự kiến, tháng 4, SGK lớp 1 và lớp 6 sẽ có để giáo viên tập huấn và triển khai vào năm học 2018-2019.

Trong khi Ban Soạn thảo chương trình giáo dục phổ thông mới đã đưa ra một lộ trình chi tiết, thì các chuyên gia giáo dục vẫn cho rằng cần có nhiều sự thay đổi ở bản dự thảo chương trình phổ thông tổng thể.

Đã vậy, theo nhận xét của một số giáo viên - những người trực tiếp tham gia giảng dạy, dự thảo chương trình mới vẫn ôm đồm và quá tải đối với học sinh cả 3 cấp, đặc biệt là tiểu học.

Cụ thể, với tổng thời lượng lớp 1-3 là 1.147 tiết, lớp 4-5 là 1.184 tiết, chương trình mới nặng về kiến thức, quá tải hơn nhiều so với chương trình hiện hành.

Trước tình trạng trên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo kéo dài thời gian lấy ý kiến dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đến hết ngày 20/5/2017.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể lấy ý kiến lần thứ 2 (từ ngày 12/4 - 29/4/2017).

Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông là vấn đề lớn. Hiện đã có rất nhiều ý kiến đóng góp, tâm huyết.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo kéo dài thời gian lấy ý kiến đến hết ngày 20/5/2017 để các nhà khoa học, nhà giáo, nhà quản lý và nhân dân tiếp tục góp ý; cùng với việc nghiêm túc, cầu thị tiếp thu những ý kiến đóng góp xác đáng, cần trao đổi, làm rõ những vấn đề còn tranh luận. /.