Trước đó, dù Bộ Công Thương đã bãi bỏ Quy hoạch thương nhân kinh doanh và xuất khẩu gạo, nhưng điều đó không có nghĩa các rào cản với doanh nghiệp đã được bỏ hoàn toàn. Bởi, theo nhiều chuyên gia, Nghị định 109 đã và đang tạo nhiều rào cản trên con đường xuất khẩu của gạo Việt Nam.

Nghị định 109 đã và đang tạo nhiều rào cản trên con đường xuất khẩu của gạo Việt Nam

Trên thực tế, ngay sau tuyên bố bãi bỏ Quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, chiều 6/1, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh ký Quyết định số 43/QĐ-BCT về việc thành lập Tổ Biên tập và Ban soạn thảo sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 109/2010/NĐ/CP.

Đây được xem là bước tiếp theo trong việc “cởi trói” cho hạt gạo suốt thời gian dài bị ràng buộc bởi quá nhiều thủ tục và điều kiện.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng trong bối cảnh xuất khẩu gạo của Việt Nam gặp khó khăn, sức cạnh tranh yếu, sản lượng sụt giảm, việc xóa bỏ những thủ tục gây khó cho doanh nghiệp là việc không thể không làm. Đồng thời còn nhằm tạo cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp giúp họ tiếp cận thị trường tốt hơn.

Việc sửa đổi nghị định sẽ được tiến hành khẩn trương quyết liệt để báo cáo Chính phủ trong quý II/2017.

Để đáp ứng lịch trình đã định, mới đây Bộ Công Thương đã công bố dự thảo Nghị định mới thay thế Nghị định 109.

Theo dự thảo nghị định mới, nhiều quy định xuất khẩu gạo bị xem là rào cản trước đây có khả năng được tháo gỡ để tạo điều kiện cho ngành gạo phát triển.

Dự thảo Nghị định gồm có 31 điều, bao gồm các nội dung cơ bản sau đây:

Một là, quy định về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo theo hướng không quy định điều kiện về quy mô kho chứa, cơ sở xay, xát thóc gạo, không khống chế địa bàn đầu tư xây dựng các cơ sở này; chỉ quy định yêu cầu các cơ sở này phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành; đảm điều kiện về an toàn thực phẩm và đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định của Luật An toàn thực phẩm.

Bổ sung quy định đối với thương nhân đã xây dựng vùng nguyên liệu hoặc liên kết sản xuất, tiêu thụ thóc, gạo theo lộ trình do Bộ Công Thương ban hành, thì không cần điều kiện về kho chứa, cơ sở xay xát thóc, gạo. Bổ sung quy định đối với mặt hàng gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng, gạo dược liệu, thương nhân được xuất khẩu không hạn chế về số lượng, không cần đáp ứng điều kiện kinh doanh, không cần cấp giấy chứng nhận; khi xuất khẩu chỉ cần thực hiện thông báo hợp đồng xuất khẩu, thủ tục xuất khẩu thực hiện tại cơ quan Hải quan.

Hai là, sửa đổi, bổ sung một số các quy định để tạo thuận lợi, thông thoáng hơn cho hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo. Cụ thể, bãi bỏ Điều 18 quy định tiêu chí đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo và Điều 19 quy định giá sàn gạo xuất khẩu của Nghị định số 109/2010/NĐ-CP.

Giảm quy định lượng gạo dự trữ lưu thông của thương nhân từ 10% xuống còn 5% lượng gạo mà thương nhân đã xuất khẩu trong 6 tháng trước đó; bãi bỏ quy định về đăng ký hợp đồng tại VFA, theo đó, bỏ quy định thương nhân phải có lượng gạo tồn kho tối thiểu tương đương 50% lượng gạo trong hợp đồng đăng ký xuất khẩu.

Thay vào đó là quy định áp dụng phương thức thông báo hợp đồng xuất khẩu gạo trực tuyến trên cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương.

Ba là, bổ sung thêm một số điều quy định các vấn đề quan trọng liên quan trực tiếp đến xuất khẩu gạo, như: việc liên kết xây dựng vùng nguyên liệu, bảo đảm chất lượng gạo xuất khẩu, công tác phát triển thị trường xuất khẩu, việc ký kết các thỏa thuận về thương mại gạo với các nước.

Bổ sung một số quy định trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương liên quan trong điều hành xuất khẩu gạo. Bổ sung quy định trường hợp nhiều thương nhân được chỉ định làm đầu mối tại một thị trường tập trung và thực hiện cơ chế đầu mối luân phiên; giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan ban hành quy định cụ thể hướng dẫn thực hiện.

Bốn là, sửa đổi, bổ sung các quy định về hành vi vi phạm và biện pháp chế tài thu hồi giấy chứng nhận áp dụng đối với các trường hợp vi phạm. Bổ sung quy định chế dộ thông tin, báo cáo của thương nhân, các bộ, ngành và cơ quan hải quan để kịp thời có thông tin, số liệu phục vụ công tác điều hành chung.

Dự thảo Nghị định gồm có 31 Điều, bãi bỏ 2 Điều, bổ sung thêm 3 Điều mới, sửa đổi, bổ sung 16/30 Điều của Nghị định số 109/2010/NĐ-CP, chỉnh sửa lại 6/6 phụ lục kèm, cụ thể như sau:

1. Các điều của Nghị định số 109/2010/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung

1.1. Sửa đổi quy định về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo tại khoản 1 Điều 4 theo hướng không quy định quy mô kho chứa, cơ sở xay xát thóc, gạo, chỉ quy định các cơ sở này phải đáp ứng quy chuẩn chung do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, đồng thời phải đáp ứng đủ các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của Luật an toàn thực phẩm. Bổ sung quy định đối với thương nhân đã xây dựng vùng nguyên liệu hoặc liên kết sản xuất, tiêu thụ thóc, gạo theo Lộ trình do Bộ Công Thương ban hành thì không cần điều kiện về kho chứa, cơ sở xay xát thóc, gạo.

1.2. Bổ sung quy định đối với các mặt hàng gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng, gạo dược liệu, thương nhân được xuất khẩu không hạn chế về số lượng, chỉ phải thực hiện thông báo hợp đồng xuất khẩu theo quy định chung; thủ tục xuất khẩu thực hiện tại cơ quan Hải quan.

1.3. Sửa đổi, bổ sung quy định về kiểm tra, xác nhận điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo tại Điều 5; quy định về hồ sơ cấp giấy chứng nhận tại Điều 6.

1.4. Sửa đổi, bổ sung quy định về hợp đồng tập trung tại Điều 16; sửa đổi quy định tại Điều 17 về đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo.

1.5. Sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 20 về thống kê, khai thác thông tin, số liệu và chế độ báo cáo về đăng ký hợp đồng và thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo; quy định tại Điều 22 về bảo đảm các mục tiêu, nguyên tắc điều hành xuất khẩu gạo.

1.6. Sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 23 về trách nhiệm của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

1.7. Sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 25 về trách nhiệm của thương nhân xuất khẩu gạo; quy định tại khoản 1, khoản 6, khoản 7 Điều 26 về hành vi vi phạm về kinh doanh xuất khẩu gạo

2. Các điều của Nghị định số 109/2010/NĐ-CP được bãi bỏ

2.1. Bãi bỏ Điều 18 Nghị định số 109/2010/NĐ-CP quy định tiêu chí đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo.

2.2. Điều 19 Nghị định số 109/2010/NĐ-CP quy định giá sàn gạo xuất khẩu.

3. Các điều mới được bổ sung trong dự thảo Nghị định

3.1. Điều 16 “Liên kết sản xuất, tiêu thụ và xây dựng vùng nguyên liệu”.

3.2. Điều 17 “Đảm bảo chất lượng thóc, gạo hàng hóa xuất khẩu”.

3.3. Điều 18 “Phát triển thị trường xuất khẩu gạo”.