Ngày 10/5/2017, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo “Lấy ý kiến dự thảo hoàn thiện Luật Cạnh tranh (sửa đổi)”.

Bộc lộ nhiều hạn chế

Phát biểu tại hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế, VCCI cho biết, năm 2004, Luật Cạnh tranh đã chính thức được ban hành, thiết lập nền tảng pháp lý đầu tiên cho môi trường cạnh tranh ở Việt Nam, với các chế định nhằm đảm bảo cạnh tranh công bằng cũng như ngăn chặn, hạn chế, xử lý các hành vi gây thiệt hại cho cạnh tranh. Tuy nhiên, sau 10 năm ban hành Luật Cạnh tranh hiện hành đang bộc lộ rõ những điểm không còn phù hợp, như: việc xác định thế nào là một doanh nghiệp có vi phạm quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh.

Trong đó, gồm cả hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền, tập trung kinh tế phụ thuộc nhiều vào yếu tố thị phần của doanh nghiệp trên thị trường liên quan... Trong khi đó, các yếu tố để xác định thị trường liên quan là không phù hợp với thực tế và gây nhiều khó khăn trong quá trình thực thi.

Toàn cảnh hội thảo

Đồng tình với quan điểm này, ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng, Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công Thương bổ sung thêm, các quy định của Luật Cạnh tranh thực sự chưa đi vào cuộc sống, chưa phát huy được sứ mệnh bảo vệ môi trường cạnh tranh công bằng, lành mạnh làm tiền đề cho sự phát triển kinh tế đất nước.

Ông Tuấn nhấn mạnh, quá trình điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh gặp nhiều khó khăn do các quy định của Luật còn cứng nhắc dẫn tới bỏ sót, bỏ lọt hành vi vi phạm.

Bên cạnh đó, khó chứng minh hành vi vi phạm của doanh nghiệp; chưa có cơ chế và tiêu chí cụ thể để cơ quan cạnh tranh đánh giá tác động hạn chế cạnh tranh của hành vi; trong các hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh và tập trung kinh tế để từ đó ngăn ngừa và xử lý các hành vi vi phạm, bảo đảm và thúc đẩy cạnh tranh hiệu quả.

Đồng tình với quan điểm về Luật cạnh tranh vẫn chưa đi vào cuộc sống, bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, Ban Pháp chế VCCI cho biết: "Ở Việt Nam nhiều doanh nghiệp nghĩ về cạnh tranh như một cái gì đó xa vời, không hình dung ra được, cũng như không hiểu Luật Cạnh tranh sẽ được áp dụng như thế nào".

Bà Hồng cũng đưa ra những ví dụ thực tế, khi giá xăng dầu thế giới vài năm trước giảm, nhưng giá cước vận tải thì lại không giảm đã bộc lộ hiện tượng méo mó trong cạnh tranh gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Cụ thể, theo thống kê của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam, từ tháng 07/2014 đến 01/2015, xăng dầu có 14 đợt điều chỉnh, tổng mức giảm 39%, nhưng giá cước vận tải chỉ giảm từ 3%–10%.

Trong khi đó, theo tính toán, giá xăng dầu chiếm từ 35%–40% chi phí vận tải, như vậy, nếu giá xăng giảm 10%, thì giá cước vận tải sẽ phải giảm 3,5%–4%. Tuy nhiên, từ 04/07/2015 đến 04/09/2015, giá xăng dầu tiếp tục giảm 16%–17% tương ứng với đó lẽ ra giá vận tải phải giảm 4%–8%, nhưng thực tế giá cước taxi vẫn giữ nguyên. Tại thời điểm đó, báo chí hầu như chỉ nói về việc thanh kiểm tra giá của hãng taxi chứ không ai nghĩ đến vấn đề “neo giá” , “làm giá” giữa các doanh nghiệp vận tải.

Tương tự, lấy ví dụ về giá sữa, bà Hồng cho biết, năm 2015 khi xuất hiện thông tin nhiều bài báo nói tại sao giá sữa không giảm trong khi giá sữa thế giới đã giảm mạnh? Tháng 08/2015, Trung tâm Công nghiệp Thương mại của Bộ Công Thương cho biết giá sữa ở thế giới giảm 30%–35%, trong khi 80% nguyên liệu sữa bột ở Việt Nam là nhập khẩu.

“Tại sao ở đây không được xem xét về Luật Cạnh tranh là liệu có sự thỏa thuận ngầm của các doanh nghiệp sữa hay không? Cuối cùng lại sử dụng biện pháp hành chính là bình ổn giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi”, bà Hồng trăn trở.

“Đây chỉ là 2 trong rất nhiều câu chuyện về các vụ việc có dấu hiệu vi phạm cạnh tranh, nhưng lại không được xử lý theo Luật Cạnh tranh. Điều này chứng minh Luật Cạnh tranh ở nước ta vẫn chưa phát huy tác dụng trong việc đảm bảo cạnh tranh công bằng, cũng như ngăn chặn, hạn chế, xử lý các hành vi gây thiệt hại cho cạnh tranh”, bà Hồng nhấn mạnh.

Đưa ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, bà Đinh Thị Mỹ Loan, đại diện Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, có 2 nguyên nhân khiến Luật Cạnh tranh vẫn còn mờ nhạt, chưa đi vào cuộc sống, đó là: (1) Luật còn nhiều bất cập, hạn chế; (2) là do yếu kém, thiếu sót của bộ máy thực thị, hạn chế về cơ chế, cách hành xử, cách thực thi Luật Cạnh tranh.

Kỳ vọng vào những bước tiến mới của Luật Cạnh tranh sửa đổi

Nhằm khắc phục những bất cập của Luật Cạnh tranh năm 2004, Bộ Công Thương đã tiến hành sửa đổi và hiện đang lấy ý kiến góp ý rộng rãi của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và các hiệp hội doanh nghiệp trong cả nước.

Dự thảo Luật Cạnh tranh sửa đổi bao gồm 10 chương, 90 điều: Những quy định chung (từ điều 1-8); Xác đinh thị trường liên quan và sức mạnh thị trường (từ điều 9-11); Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh (điều 12-17); Lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền (gồm 18-21); Tập trung kinh tế (điều 22-34); Hành vi cạnh tranh không lành mạnh (điều 35-40); Ủy ban cạnh tranh quốc gia (điều 41-48); Tố tụng cạnh tranh (Điều 29-92); Xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh (điều 93-96); Điều khoản thị hành (điều 97-99).

Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ thể chế hóa, hiện thực hóa và cụ thể hóa một cách nhanh chóng, kịp thời chủ trương xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, hợp tác, văn minh, cạnh tranh vì mục đích phát triển đất nước và bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, kiểm soát độc quyền trong kinh doanh, chống cạnh tranh không lành mạnh mà Nhà nước đề ra.

Môt số nội dung sửa đổi, bổ sung quan trọng so với Luật Cạnh tranh 2004, đó là:

(1) Dự thảo điều chỉnh cách tiếp cận trong việc kiểm soát các hành vi hạn chế cạnh tranh, gồm: thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền theo hướng phù hợp với thực tiễn cạnh tranh trên thị trường và thông lệ quốc tế, nâng cao.

(2) So với Luật Cạnh tranh 2004, Dự thảo đã thay đổi cách thức tiếp cận kiểm soát tập trung kinh tế theo hướng trao quyền cho cơ quan cạnh tranh trong việc đánh giá tác động cạnh tranh của việc tập trung kinh tế và tăng cường sự chủ động của doanh nghiệp trong việc thực hiện thủ tục thông báo với cơ quan cạnh tranh và mở rộng các yếu tố đánh giá một vụ việc tập trung kinh tế.

(3) Để đảm bảo không tạo lỗ hổng pháp lý điều chỉnh đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh sau khi Luật cạnh tranh (sửa đổi) được ban hành, Dự thảo vẫn quy định điều chỉnh đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Tuy nhiên, Dự thảo đã loại bỏ các hành vi đã được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật khác, đồng thời cập nhật, bổ sung thêm các hành vi mới phát sinh trong giai đoạn hiện nay. Trình tự, thủ tục điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh không lành mạnh cũng được quy định theo hướng đơn giản, nhanh gọn hơn.

(4) Dự thảo tiếp cận theo hướng nâng cao tính độc lập và địa vị, thẩm quyền của cơ quan cạnh tranh để đảm bảo khả năng thực thi hiệu quả Luật Cạnh tranh (sửa đổi).

Đánh giá cao sự đổi mới của dự thảo Luật sửa đổi, ông Đặng Văn Nghĩa, đại diện Trường Đại học Ngoại thương cho biết, việc tiến hành sửa đổi Luật Cạnh tranh vào thời điểm này là rất cần thiết bởi Luật Cạnh tranh 2005 đang bộc lộ nhiều bất cập. Tuy nhiên, Ban soạn thảo cần xem xét thêm các điều kiện miễn trừ, vì trong những trường hợp có lý do chính đáng, thì cần cho phép doanh nghiệp tự quyết định giá bán sản phẩm, nói đúng hơn là hạ giá sản phẩm. Doanh nghiệp có quyền quyết định sản lượng và giá bán của mình thì mới đáp ứng đúng tính chất của nền kinh tế thị trường./.

Góp ý về dự thảo Luật, bà Lê Phan Thùy Anh, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, cơ quan soạn thảo cần sửa luật theo hướng dễ đọc, dễ hiểu, dễ thực thi và phải tăng cường tuyên truyền để mọi người cùng hiểu và thực hiện.

Còn theo ông Đoàn Tử Tích Phước, Giám đốc Pháp lý và Chính sách - Văn phòng đại diện Công ty BowerGroupAsia tại Việt Nam cho biết, Việt Nam có pháp luật cạnh tranh, nhưng chưa có chính sách cạnh tranh, như: các điều kiện gia nhập thị trường, các trường hợp nhà nước hỗ trợ và can thiệp vào thị trường, chính sách cạnh tranh ngành, chính sách đối với doanh nghiệp nhà nước… Vì vậy, dự thảo Luật cần có một chương riêng đối với vấn đề này.

Đồng tình với những ý kiến trên, ông Nguyễn Phương Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh,cho biết dự luật đang được định hướng sửa đổi để gần gũi với thực tiễn, tuy nhiên vì đây là một Luật khó và có nhiều vấn đề mới, nên cơ quan soạn thảo sẽ cần thêm nhiều ý kiến đóng góp từ cộng đồng doanh nghiệp, người dân và các chuyên gia để hoàn thiện trước khi trình Quốc hội xem xét./.