Cụ thể, theo ông Vũ Quang Các, Vụ trưởng Vụ Quản lý Quy hoạch, Tổ trưởng Tổ soạn thảo Dự thảo Luật Quy hoạch, khi Luật Quy hoạch được ban hành thì sẽ có rất nhiều lợi ích có thể đo đếm được.

Rất nhiều lợi ích có thể đo đếm được khi Luật Quy hoạch được ban hành

Thứ nhất, Luật giúp tinh giản hệ thống văn bản pháp luật, rút lại chỉ còn 2 văn bản luật từ 95 luật và pháp lệnh về quy hoạch hiện có.

Thứ hai, đây cũng là một tác động nổi bật của Luật Quy hoạch. Đó là Luật này sẽ làm giảm số lượng phải lập từ tổng số 19.285 quy hoạch cho giai đoạn 2011-2020 ở tất cả các cấp và vùng lãnh thổ xuống còn 11.413. Trong đó, giảm 97% từ 4.362 quy hoạch được lập cho cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh xuống còn 110 quy hoạch, bao gồm 01 quy hoạch tổng thể quốc gia, 01 quy hoạch không gian biển quốc gia, 01 quy hoạch sử dụng đất quốc gia, 38 quy hoạch ngành cấp quốc gia, 06 quy hoạch vùng và 63 quy hoạch tỉnh.

Đặc biệt, với sự ra đời của Luật, sẽ giảm số lượng từ 3.372 quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu (thống kê cho giai đoạn 2011-2020) xuống chỉ còn 38 quy hoạch ngành ở cấp quốc gia. Luật sẽ xóa bỏ hoàn toàn các quy hoạch sản phẩm, thay đổi tư duy quản lý từ tập trung bao cấp sang phù hợp với kinh tế thị trường.

Tác động tiếp theo của Luật đó là giải quyết được tình trạng quản lý chia cắt, cục bộ ngành và tính cát cứ địa phương. Mọi vấn đề về xung đột, như: xung đột lợi ích, xung đột mang tính liên ngành, xung đột giữa các địa phương, xung đột giữa trung ương và địa phương, giữa ngành và địa phương, xung đột giữa doanh nghiệp và người dân cũng sẽ được giải quyết. Luật Quy hoạch xử lý việc trên bằng cách chỉ có một bản quy hoạch chung thống nhất trên dưới, được tích hợp đa ngành lại, các bên sẽ cùng nhau tìm tiếng nói chung trên cơ sở lợi ích chung của quốc gia.

Một nội dung nổi bật trong Luật Quy hoạch là không tạo cơ hội cho cơ chế "xin – cho" liên quan đến quy hoạch và chạy dự án vào quy hoạch.

Hiện nay, các ngành đều được giao làm quy hoạch ngành và sau đó ở một số ngành xuất hiện việc ngành phối hợp với doanh nghiệp lớn trong ngành đó lập quy hoạch. Đây chính là điểm hở để ngành đó và doanh nghiệp đó cài cắm các điều khoản quy định có lợi cho mình vào quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, dẫn đến tình trạng dự án "vào - ra" quy hoạch một cách thiếu căn cứ hay tình trạng "xin - cho" dự án đầu tư tùy tiện, hạn chế được sự lãng phí các nguồn lực quốc gia.

Với những lợi ích như trên, các chuyên gia đánh giá Luật Quy hoạch là bước tiến trong công cuộc cải cách quy hoạch của Việt Nam.

Ông Lawrie Wilson-Chuyên gia quốc tế về quy hoạch:

Luật Quy hoạch là sáng kiến quan trọng nhất trong công cuộc cải cách quy hoạch

Điều chúng ta cần ngay bây giờ chính là một con đường thể chế rõ ràng dẫn tới một hệ thống quy hoạch và quản lý phát triển có hiệu quả và hữu hiệu cùng với cam kết liên tục duy trì quá trình cải cách tại tất cả các cấp quản lý quy hoạch. Theo tôi, chúng ta phải thừa nhận dự thảo Luật Quy hoạch chính là bước đi đầu tiên trên con đường thể chế này.

Quy hoạch và quản lý phát triển không bao giờ là một quá trình tĩnh. Quá trình này phải luôn luôn được đánh giá và phân tích để có những sửa đổi và cải tổ nhằm đảm bảo rằng sự phát triển đô thị góp phần vào sự hình thành những thành phố hiện đại và hữu ích về nhiều mặt như tính năng sống, tính bền vững, khả năng tiếp cận các dịch vụ đô thị, an ninh đầu tư, và xúc tiến các cơ hội đầu tư trong môi trường cạnh tranh quốc tế. Với những ai không ủng hộ đề xuất về Dự thảo Luật Quy hoạch, theo tôi nghĩ thì họ vẫn đang muốn níu kéo cơ chế xin cho thay vì nghĩ cho toàn cục phát triển của một đất nước.

Có thể nói dự thảo Luật Quy hoạch là sáng kiến quan trọng nhất trong công cuộc cải cách quy hoạch mà tôi từng biết trong suốt hơn 20 năm là nhà tư vấn quy hoạch đô thị tại Việt Nam, đặc biệt nếu như dự thảo Luật này được công nhận là nhân tố thúc đẩy cuộc cải cách không ngừng của toàn bộ hệ thống quy hoạch và quản lý phát triển của Việt Nam.

TS Phạm Sỹ Liêm - PCT Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng:

Dự thảo Luật đã thể hiện đầy đủ vai trò của một luật khung đang rất cần cho quy hoạch công

Quy hoạch công bao gồm nhiều loại hình và nhiều thứ bậc, hình thành hệ thống quy hoạch quốc gia. Việc quản lý nhà nước đối với một hệ thống quy hoạch rộng lớn và đa dạng như vậy khó có thể điều tiết băng luật thông thường, gọi là “luật thực chất” (substantive law), còn gọi là luật độc lập, có chức năng quy định quyền và trách nhiệm của các thành viên trong xã hội đối với hành vi của họ.

Khi đó, Nhà nước cần ban hành “luật khung”(framework law) có chức năng quy định các nghĩa vụ và nguyên tắc quản lý các hoạt động quy hoạch của các cấp chính quyền, tạo khuôn khổ cho việc đưa ra các quy định về quy hoạch trong các luật thực chất và các văn bản pháp quy dưới luật có liên quan của chính quyền. Với vai trò như vậy, Hiến pháp thực ra cũng là một loại luật khung nhưng ở bậc cao nhất, bao quát toàn bộ chế độ chính trị và kinh tế quốc gia.

Tôi nghĩ cả về nội dung cũng như hình thức, Dự thảo đã thể hiện đầy đủ vai trò của một luật khung đang rất cần cho việc phát triển lĩnh vực quy hoạch công của nước ta, mà việc ban hành sẽ giúp khắc phục tình trạng rối rắm, chồng chéo, chi phí tốn kém nhưng ít hiệu quả trong các hoạt động quy hoạch hiện nay. Thế nhưng do tính chất mới mẻ của Luật nên trong quá trình thi hành còn có thể phát hiện ra điểm nào đó chưa phù hợp và cần điều chỉnh. Đó là điều không mong muốn nhưng nếu xẩy ra thì cũng có thể hiểu được.

GS. TSKH. Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường:

Câu chuyện thay đổi tư duy về quy hoạch, kế hoạch bao giờ cũng rất khó khăn

Ở tất cả các nước có nền kinh tế chuyển đổi (từ bao cấp sang thị trường), câu chuyện thay đổi tư duy về quy hoạch, kế hoạch bao giờ cũng rất khó khăn. Tư duy kế hoạch hóa tập trung vẫn luôn tồn tại dưới dạng này hay dạng khác mà tự thân con người khó nhận biết tư duy đó là biến dạng của tư duy bao cấp.

Thực chất, bài toán quy hoạch trong cơ chế thị trường về thực chất chỉ là chia sẻ việc sử dụng không gian lãnh thổ, trong đó có tài nguyên thiên nhiên và phát triển hạ tầng chung nhằm mang lại hiệu suất và hiệu quả cao trong quá trình phát triển bền vững. Những vấn đề khác do thị trường quyết định dựa trên các quy luật của thị trường.

Việc sử dụng hợp lý không gian lãnh thổ có bản chất là tìm phương án sử dụng đất hợp lý nhất dựa trên hiện trạng và tiềm năng. Để phát triển bền vững, cần có những thay đổi về sử dụng các khu vực đất khác nhau. Vấn đề chủ yếu là chấp nhận sự thay đổi như thế nào để mang lại các tác động tích cực cả về kinh tế, xã hội, môi trường, nhưng tổn thất phải xẩy ra cần có phương án bù đắp thỏa đáng. Sự thay đổi phương án sử dụng đất phải dựa trên yêu cầu phát triển bền vững, có lưu ý tới lợi ích chung, lợi ích cộng đồng tại địa phương và lợi ích của những người đang sử dụng đất, không thể căn cứ vào lợi ích của các ngành, các lĩnh vực mang tính cục bộ.

PGS.TS.KTS Trần Trọng Hanh, Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học kiến trúc Hà Nội:

Xu hướng quy hoạch tích hợp (Rational Comprehensive) là tất yếu

Cái mất là những bất cập, tồn tại, yếu kém của hệ thống quy hoạch lỗi thời hiện nay đang vận hành, đang tạo ra những đồ án quy hoạch “cọc cạch”, “đầu Ngô, mình Sở”.

Cái được và cũng là cơ hội để chúng ta cải cách công tác quy hoạch cũ còn vương vấn bởi nền kinh tế quan liêu, bao cấp để chuyển sang thể chế quy hoạch tiên tiến phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Xu hướng quy hoạch tích hợp (Rational Comprehensive) là tất yếu. Vùng là một tổ chức lãnh thổ thống nhất, có thể ví như “một chiếc máy bay Boeing” hay “một cỗ máy lớn”, muốn nó hoạt động hiệu quả không thể thiết kế chắp vá kiểu “đầu Ngô, mình Sở” được. Cách làm quy hoạch ở nước ta hiện nay là lỗi thời, quá cũ, chia bánh, dành phần. Các cấp lãnh thổ chỉ nên có một bản quy hoạch tổng thể làm cơ sở, các tổ chức cá nhân tham gia chế tạo ra nó phải tuân thủ một bản thiết kế có đủ 6 tố chất như đã nêu ở phần trên.

Vậy ai có đủ điều kiện năng lực lập một bản thiết kế tổng hợp này? Trong nền kinh tế thị trường, công việc này sẽ được giao cho một đơn vị tư vấn đủ điều kiện năng lực thông qua đấu thầu, chọn thầu, có khả năng tập hợp các tổ chức, đơn vị chuyên sâu thực hiện từng công việc chuyên môn. Thực tế không có kiến trúc sư dở mà chỉ sợ các ông chủ “không tâm, thấp tầm và kém tài”./.