Tiến trình xây dựng Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

Trong bối cảnh các chính sách về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nhiều, nhưng lại chưa đem lại kết quả tích cực, Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 9 đã giao nhiệm vụ cho Chính phủ xây dựng dự thảo Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Nghị quyết số 89/2015/QH13, ngày 09/06/2015 về điều chỉnh Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, năm 2015 và Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016. Căn cứ nhiệm vụ được giao, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1273/QĐ-TTg, ngày 07/08/2015 phân công cơ quan chủ trì soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh năm 2016. Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa lần lượt là nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, sau đó là Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Phó Trưởng Ban soạn thảo là Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông và các thành viên là đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, tổ chức hiệp hội và chuyên gia.

Theo đó, sau 1 năm nghiên cứu soạn thảo, học hỏi các kinh nghiệm quốc tế, xin ý kiến người dân, doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước khác, tháng 10/2016, dự thảo Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được trình Quốc hội lần đầu tiên tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá 14, để các đại biểu Quốc hội xem xét, có ý kiến.

Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra (Uỷ ban Kinh tế Quốc hội), Cơ quan soạn thảo (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước về đổi mới mô hình tăng trưởng; không vi phạm nguyên tắc thị trường, không vi phạm các điều ước quốc tế; hỗ trợ có chọn lọc, trọng tâm, trọng điểm; bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tính khả thi trong cân đối nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Kể từ đó đến nay, Cơ quan soạn thảo đã phối hợp với Cơ quan chủ trì thẩm tra tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm xin ý kiến đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà khoa học, một số hiệp hội doanh nghiệp; gửi văn bản lấy ý kiến các bộ, ngành hữu quan. Dự thảo Luật đã được gửi xin ý kiến các đoàn đại biểu quốc hội (ngày 21/03/2017), được thảo luận tại Hội nghị đại biểu quốc hội chuyên trách (ngày 05/04/2017), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật tại hai phiên họp (ngày 09/01/2017 và ngày 17/04/2017).

Tại Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội, ngày 23/05/2017, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã thay mặt Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời các đại biểu quốc hội đã phát biểu ý kiến tiếp tục góp ý đối với dự thảo Luật; sau đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã phát biểu giải trình một số vấn đề được nêu trong các ý kiến góp ý của các đại biểu quốc hội. Trong thời gian này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban Kinh tế Quốc hội để hoàn chỉnh dự thảo theo các ý kiến góp ý trước khi trình Quốc hội ấn nút thông qua dự kiến vào ngày 12/06/2017.

Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng giải trình trước Quốc hội về Luật Hỗ trợ DNNVV

Quá trình tiếp thu các ý kiến trước Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội

Đối với các vấn đề chung, việc tiếp thu ý kiến và thể hiện trong dự thảo Luật được thể hiện như sau:

Về quan điểm xây dựng Luật

Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa được xây dựng theo quan điểm hỗ trợ theo quy mô mà đối tượng áp dụng là doanh nghiệp siêu nhỏ - nhỏ - vừa. Dự thảo Luật thiết kế theo hướng chỉ quy định nguyên tắc chung hoặc dẫn chiếu những nội dung hỗ trợ doanh nghiệp mà các luật khác đã quy định, để bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật. Ví dụ như: một số quy định trong Nghị định số 56/2009/NĐ-CP, ngày 30/06/2009 về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa đã ổn định và được đánh giá phù hợp sẽ được luật hóa tối đa trong Luật này. Do vậy, nội dung của Luật mang tính khung chính sách và để triển khai thực hiện sẽ cần tiếp tục quy định cụ thể hoá trong văn bản hướng dẫn thi hành. Tham khảo kinh nghiệm của một số nước, như: Hàn Quốc, Nhật Bản, pháp luật các nước này cũng quy định theo xu hướng như vậy[1]. Đối với Việt Nam, lần đầu tiên ban hành luật hỗ trợ cho sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa, không thể quy định cụ thể toàn bộ nội dung hỗ trợ, mà cần phải có các văn bản hướng dẫn dưới luật. Theo đó, Dự thảo Luật quy định các nội dung hỗ trợ gồm:

(i) Hỗ trợ chung đối với tất cả các DNNVV bằng những hỗ trợ thiết yếu, như: tiếp cận vốn từ các ngân hàng, thuế, thuê mặt bằng sản xuất trong các khu, cụm công nghiệp, đào tạo, thông tin, tư vấn, pháp lý…

(ii) Hỗ trợ cho một số đối tượng trọng tâm có tính chọn lọc, trọng điểm theo định hướng chuyển đổi mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và tự chủ của nền kinh tế, gồm: DNNVV được thành lập trên cơ sở chuyển đổi từ hộ kinh doanh, DNNVV khởi nghiệp sáng tạo và DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.

Về tính khả thi, tính cụ thể và nguồn lực thực hiện

Nhằm bảo đảm linh hoạt phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế từng thời kỳ, dự thảo Luật chỉ đưa ra những quy định khung và nguyên tắc để làm cơ sở cho Chính phủ quy định chi tiết, như: 7 điều về tiêu chí xác định DNNVV thuộc diện được hưởng hỗ trợ, 3 nội dung quy định về mục tiêu, nguyên tắc hoạt động của 3 quỹ.... Để bảo đảm Luật có thể sớm đi vào cuộc sống, theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, toàn bộ những nội dung này đã được quy định cụ thể trong dự thảo 04 nghị định về hướng dẫn Luật, gồm: (i) Nghị định hướng dẫn một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV, (ii) Nghị định về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển DNNVV, (iii) Nghị định về tổ chức và hoạt động của Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, (iv) Nghị định về Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV.

Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trình Quốc hội trong kỳ họp kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá 14 (tháng 05/2017) đã được rà soát, chỉnh sử lại bao gồm 4 chương với 36 điều: Chương I. Những quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 7); Chương II. Nội dung hỗ trợ DNNVV (từ Điều 8 đến Điều 20); Chương III: trách nhiệm trong hoạt động hỗ trợ DNNVV (từ Điều 21 đến Điều 32); Chương IV: Điều khoản thi hành (từ Điều 33 đến Điều 36).

Đồng thời, Điều 34, dự thảo Luật quy định 02 nội dung sửa đổi, bổ sung trong Luật Đầu tư. Riêng các luật về thuế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ đề nghị Chính phủ trình Quốc hội bổ sung việc sửa đổi các nội dung liên quan đến hỗ trợ DNNVV theo quy định của Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018.

Mặt khác, để bảo đảm tính khả thi trong khả năng nguồn lực có hạn, dự thảo Luật đã tiếp thu, bổ sung quy định về tiêu chí xác định DNNVV theo hướng thu hẹp đối tượng được hỗ trợ. Đối với các hỗ trợ có trọng tâm cũng đã quy định rõ hơn về đối tượng, điều kiện, nội dung hỗ trợ; làm rõ chủ thể thực hiện hỗ trợ và quy định cụ thể trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương, cũng như một số tổ chức tham gia hỗ trợ.

Để bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật, Luật này chỉ nêu nguyên tắc, nội dung hỗ trợ DNNVV, việc hỗ trợ cụ thể sẽ do các luật khác quy định. So với dự thảo Luật đã trình Quốc hội, dự thảo Luật lần này đã tiếp thu bỏ các quy định liên quan có thể dẫn đến mâu thuẫn, chồng chéo hoặc phải sửa đổi, bổ sung các luật khác, như: Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Đấu thầu, các luật về khoa học công nghệ...

Đối với một số vấn đề cụ thể, việc tiếp thu ý kiến và thể hiện trong dự thảo Luật được thể hiện như sau:

Về đối tượng áp dụng

Với các hỗ trợ chung, tất cả các DNNVV đều được hỗ trợ nếu đáp ứng các điều kiện của Luật. Riêng với hỗ trợ mặt bằng sản xuất, vì phải sử dụng nguồn lực trực tiếp và phải dựa trên điều kiện cân đối ngân sách của từng địa phương, nên dự thảo Luật đã hạn chế đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ này. Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng đã quy định, DNNVV có vốn đầu tư nước ngoài, DNNVV có vốn nhà nước không được áp dụng hỗ trợ về mặt bằng sản xuất tại Điều 11. Quy định như vậy vừa không vi phạm việc hạn chế quyền của tổ chức, cá nhân theo quy định của Hiến pháp, các quy định của các cam kết quốc tế về phân biệt đối xử, vừa thu hẹp đối tượng áp dụng nhằm tập trung nguồn lực để chính quyền địa phương dành cho DNNVV tư nhân trên địa bàn.

Về tiêu chí xác định DNNVV

Dự thảo Luật bỏ bảng xác định, phân loại DNNVV, bổ sung tiêu chí doanh thu và áp dụng đồng thời tiêu chí về lao động và tài chính (doanh thu hoặc tổng nguồn vốn); chỉnh sửa theo hướng quy định tiêu chí trần để xác định DNNVV. Việc quy định số lao động 200 người cũng được tham khảo theo tiêu chí hướng dẫn của Chương trình phát triển Liên hiệp quốc UNDP[2]. Việc bổ sung tiêu chí lao động tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) không chỉ thu hẹp đối tượng, mà còn thể hiện đúng nguyên tắc “Nhà nước chỉ hỗ trợ DNNVV tuân thủ các quy định pháp luật”.

Dự thảo Luật cũng giao Chính phủ quy định chi tiết việc xác định doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và doanh nghiệp vừa trong từng ngành, lĩnh vực phù hợp trong từng thời kỳ để tạo sự ổn định của Luật. Trong các nghị định dưới luật sẽ hướng dẫn chi tiết việc xác định tiêu chí đóng BHXH của doanh nghiệp, khắc phục được trường hợp lợi dụng nêu trên.

Về hỗ trợ tiếp cận tín dụng

Dự thảo Luật đã tiếp thu bỏ các quy định mang tính áp đặt, can thiệp trực tiếp đến hoạt động của hệ thống ngân hàng, không phù hợp nguyên tắc thị trường. Cụ thể là bỏ quy định về cung cấp khoản vay với lãi suất và thời hạn vay vốn phù hợp với khả năng thanh toán của DNNVV và tình hình tài chính của ngân hàng; điều chỉnh quy định trong từng thời kỳ, Chính phủ sử dụng ngân sách nhà nước thực hiện cấp bù lãi suất để hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.

Dự thảo Luật quy định: Trong từng thời kỳ, Chính phủ quyết định chính sách hỗ trợ các tổ chức tín dụng tăng cho vay đối với DNNVV; bổ sung quy định các tổ chức tín dụng cho vay đối với DNNVV dựa trên xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp và biện pháp phù hợp khác. Bên cạnh đó, dự thảo Luật bổ sung quy định khuyến khích thành lập các tổ chức tư vấn độc lập để xếp hạng tín nhiệm DNNVV.

Bên cạnh đó, để từng bước hoàn thiện hệ thống xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp, dự thảo Luật đã bổ sung giao trách nhiệm cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và bộ, cơ quan ngang bộ xây dựng hệ thống thông tin phục vụ xếp hạng tín nhiệm DNNVV.

Đồng thời, dự thảo Luật cũng bổ sung quy định DNNVV được hỗ trợ nâng cao năng lực tiếp cận tín dụng thông qua các cơ quan, tổ chức và cá nhân hỗ trợ DNNVV để xây dựng phương án sản xuất kinh doanh khả thi, tăng cường năng lực quản trị, minh bạch hoạt động của doanh nghiệp, nhằm nâng cao năng lực tiếp cận tín dụng.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận tín dụng nếu Luật được thông qua

Về các quỹ

Dự thảo Luật bỏ quy định về Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tại địa phương. Hiện nay, dự thảo Luật chỉ quy định về ba quỹ, trong đó có hai quỹ đã được thành lập và hoạt động[3]. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của hai quỹ này còn hạn chế, vì vậy cần kiện toàn tổ chức và mô hình hoạt động để hỗ trợ DNNVV hiệu quả hơn. Cụ thể:

- Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV: Dự thảo Luật đã tiếp thu, quy định một số nguyên tắc về tổ chức, hoạt động của Quỹ, bảo đảm Quỹ có thể huy động được các nguồn lực ngoài ngân sách, đồng thời hoạt động kinh doanh có hiệu quả trong việc hỗ trợ các DNNVV tiếp cận được các nguồn vốn chính thức của các tổ chức tín dụng. Chính phủ đã giao Bộ Tài chính xây dựng dự thảo Nghị định hướng dẫn kèm theo dự thảo Luật.

- Quỹ phát triển DNNVV: Quỹ này được thành lập năm 2013 và thực hiện cho vay đối với DNNVV. Tuy nhiên, mô hình hoạt động của Quỹ còn mới, chưa có khung pháp lý cụ thể, rõ ràng, nên Quỹ mới thực hiện cho vay được rất ít. Với nguồn lực nhà nước có hạn và hướng tới sẽ hỗ trợ cho một số DNNVV trọng tâm, trọng điểm, dự thảo Luật đã điều chỉnh hoạt động của Quỹ theo hướng tập trung hỗ trợ các DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị (đối với các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước cấp cho Quỹ hoạt động); Còn đối với các nguồn vốn tiếp nhận, tài trợ, viện trợ, đóng góp, ủy thác của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, thì sẽ hỗ trợ các DNNVV đáp ứng các điều kiện của Quỹ phù hợp pháp luật Việt Nam.

- Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo: Để đạt được mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích đầu tư vào các ngành nghề lĩnh vực mới, dựa trên tri thức và đổi mới sáng tạo. Do đó, cần tạo ra khung pháp lý để khuyến khích các nguồn vốn chủ yếu của xã hội và tư nhân đầu tư cho các lĩnh vực này. Dự thảo Luật quy định về Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo. Đây là quỹ mới, thực chất là quỹ rủi ro mạo hiểm đã hoạt động thành công ở nhiều quốc gia trên thế giới. Việc thành lập quỹ này có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Dự thảo Luật quy định mang tính nguyên tắc, tạo hành lang pháp lý để thực hiện chủ trương xã hội hóa nguồn lực hỗ trợ DNNVV, Quỹ này tập trung hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo. Quy định của dự thảo Luật nhằm công nhận và khuyến khích khu vực tư nhân góp vốn hợp pháp thành lập Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo của tư nhân để đầu tư, tài trợ cho các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân khởi nghiệp sáng tạo. Căn cứ khả năng ngân sách, vốn đầu tư từ nguồn ngân sách địa phương không quá 30% tổng vốn đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Về hỗ trợ thuế, kế toán

Tại khoản 1 Điều 10, dự thảo Luật quy định DNNVV được áp dụng có thời hạn mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường áp dụng cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cũng bổ sung quy định doanh nghiệp siêu nhỏ được thực hiện chế độ kế toán và các thủ tục hành chính thuế đơn giản tại khoản 2 Điều 10. Tuy nhiên, dự thảo Luật không quy định cụ thể về mức thuế, đối tượng và thời hạn cụ thể hỗ trợ thuế, thủ tục thuế và chế độ kế toán (giãn tần xuất kê khai thuế, mẫu kê khai đơn giản, liên thông tư vấn thuế và đại lý thuế…), mà chỉ tạo cơ sở pháp lý với những nguyên tắc chung để tiếp tục sửa đổi, bổ sung trong các luật liên quan, nhằm bảo đảm nguyên tắc thống nhất, đồng bộ trong pháp luật chuyên ngành về thuế, kế toán.

Dự thảo Luật quy định DNNVV được hỗ trợ thuế thu nhập doanh nghiệp, như vậy chỉ các doanh nghiệp có lợi nhuận mới được hưởng lợi trực tiếp từ quy định này. Như vậy, theo thống kê thực tế, thì chỉ có khoảng 50% DNNVV được hưởng chính sách này[4]. Từ góc độ phát triển và nuôi dưỡng nguồn thu, việc giảm mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đối với DNNVV là biện pháp hợp lý để nâng cao năng lực tài chính, khả năng sinh lời của các DNNVV và qua đó nâng cao tính bền vững và mức thu của nguồn thu thuế thu nhập doanh nghiệp trong dài hạn[5].

Về hỗ trợ mặt bằng sản xuất

Do doanh nghiệp, nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng khu, cụm công nghiệp là doanh nghiệp lớn, đã được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư, nên đã bỏ quy định về hỗ trợ thuế thu nhập doanh nghiệp đối với nhóm doanh nghiệp này để tránh hỗ trợ trùng.

Dự thảo Luật đã tiếp thu, bổ sung quy định UBND tỉnh trình HĐND cùng cấp quyết định hỗ trợ giá thuê mặt bằng cho các DNNVV tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp trên địa bàn. Việc hỗ trợ được thực hiện thông qua việc nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp giảm giá cho thuê mặt bằng đối với DNNVV và số tiền giảm giá được trừ vào số tiền thuê đất hoặc từ nguồn hỗ trợ của ngân sách địa phương. Quy định như dự thảo Luật là nguyên tắc để tạo cơ chế cho cơ quan có thẩm quyền cấp tỉnh căn cứ điều kiện của địa phương quyết định hỗ trợ các DNNVV trên địa bàn, nhưng hỗ trợ này cũng có thời hạn tối đa 05 năm, thời hạn cụ thể do địa phương quyết định trong khả năng cân đối ngân sách của tỉnh.

Ngoài ra, để các DNNVV vào được khu công nghiệp, khu công nghệ cao, thì cần điều chỉnh chia nhỏ diện tích cho thuê, đầu tư thêm chi phí xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng phù hợp. Tuy nhiên, tỷ lệ lấp đầy trong các khu công nghiệp, khu công nghệ cao mới chiếm khoảng 50%. Việc tạo cơ chế linh hoạt cho DNNVV vào khu công nghiệp, khu công nghệ cao không phải là quy định bắt buộc, nhưng nếu được thực hiện sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên.

Về hỗ trợ mở rộng thị trường

DNNVV rất cần được hỗ trợ để cạnh tranh, tồn tại và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm. Với năng lực và quy mô hạn chế, các DNNVV trong nước gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm và tiêu thụ sản phẩm ngay tại thị trường nội địa do nhiều doanh nghiệp lớn nước ngoài đang cạnh tranh quyết liệt mở rộng kênh phân phối bán buôn, bán lẻ theo chuỗi. Do đó, quy định như dự thảo Luật nhằm tạo cơ sở pháp lý hỗ trợ một số doanh nghiệp trong nước có tiềm lực, kinh nghiệm kinh doanh chuỗi bán buôn, bán lẻ hình thành, mở rộng và phát triển chuỗi phân phối sản phẩm để thúc đẩy sản xuất trong nước và khuyến khích tiêu thụ hàng hoá của DNNVV tại thị trường nội địa.

Dự thảo Luật cũng tiếp thu, bổ sung quy định điều kiện có ít nhất 80% DNNVV tham gia cung ứng cho chuỗi và nội dung các hỗ trợ; đồng thời quy định các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh thành lập hoặc tham gia thành lập chuỗi phân phối sản phẩm theo hình thức đối tác công tư theo quy định của pháp luật và giao Bộ Công Thương có trách nhiệm hướng dẫn hỗ trợ DNNVV tham gia chuỗi phân phối sản phẩm. Tạo điều kiện cho DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách.

Về hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo

Thực tế nước ta cũng như kinh nghiệm một số nước đã có những doanh nghiệp, cá nhân có ý tưởng độc đáo, đang trong quá trình thử nghiệm sản phẩm, dịch vụ mới, có khả năng tạo ra giá trị cao khi thành công, như: phần mềm công nghệ, rô bốt thông minh, xe ô tô tự lái, tàu ngầm mini, lò đốt rác nhiệt độ cao…Dự thảo Luật đã tiếp thu, bổ sung quy định về hướng dẫn các DNNVV khởi nghiệp sáng tạo thử nghiệm, hoàn thiện sản phẩm mới, dịch vụ và mô hình kinh doanh mới tại khoản 2 Điều 17./.



[1]Hàn Quốc ngoài luật chung về hỗ trợ DNN&V còn có 18 luật liên quan. Ngoài luật cơ bản, Nhật Bản có gần 20 luật khác có liên quan và có khoảng 70-80 chính sách để hỗ trợDNN&V.

[2] Tiêu chí lao động xác định DNNVV: theo UNDP, Nam Phi, Úc là không quá 200 lao động, theo World Bank là không quá 300, thành viên Liên minh châu Âu và Mexico, Nhật Bản là 250, Mỹ và Canada là không quá 500 người.

[3]Quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV và Quỹ phát triển DNNVV.

[4]Theo thống kê, số lượng doanh nghiệp đang hoạt động và làm ăn có lãi chiếm khoảng 49,4% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, như vậy ước tính có khoảng 301.300 doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi trực tiếp ngay từ các quy định này. Trong số các doanh nghiệp này có khoảng 4.160 doanh nghiệp vừa, 116.920 doanh nghiệp nhỏ và 173.271 doanh nghiệp siêu nhỏ.

[5]Tuy dự thảo Luật không quy định cụ thể mức giảm so với mức thuế suất thuế TNDN hiện hành, nhưng trên cơ sở tính toán giả định về mức giảm đối với với doanh nghiệp vừa là 1%, doanh nghiệp nhỏ là 2% và doanh nghiệp siêu nhỏ là 3% so với mức thuế suất TNDN hiện hành, dự kiến ngân sách nhà nước sẽ giảm thu khoảng 1.920,5 tỷ đồng (giảm thu từ khối các doanh nghiệp vừa khoảng 103 tỷ đồng, doanh nghiệp nhỏ khoảng 1.314 tỷ đồng và doanh nghiệp siêu nhỏ khoảng 502 tỷ đồng).