Đó là nhận định của ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại hội thảo Lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung Nghị định 15/2015/NĐ-CP, ngày 14/02/2015 về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) và Nghị định 30/2015/NĐ-CP, ngày 17/03/2015 về quy định chi tiết một số Điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 27/06/2017.

Cấp thiết sửa đổi Nghị định

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Đăng Trương cho biết, sau hai năm thực hiện Nghị định 15 và Nghị định 30, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổng kết đánh giá tình hình thực hiện 2 Nghị định này. Qua đó cho thấy, vẫn còn nhiều vướng mắc cần xem xét sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn nền kinh tế. Bởi thực tế đã có một số dự án có chủ trương mở thầu, nhưng tới nay mới chỉ dừng ở mức chuẩn bị và hầu như chưa có dự án nào được đấu thầu thành công.

Hiện, việc thu hút nhà đầu tư tiềm lực vào dự án xây dựng – kinh doanh – chuyển giao; xây dựng – chuyển giao đã huy động tiềm lực tối đa trong nước, nhưng lại vắng bóng nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, đối với hình thức hợp đồng xây dựng – chuyển giao cũng gặp khá nhiều khó khăn trong việc chấp thuận chủ trương đầu tư; lựa chọn nhà đầu tư; thanh toán quỹ đất.

Còn tại các địa phương, hiện vẫn tập trung vào doanh nghiệp xây dựng – kinh doanh – chuyển giao tính chất đổi đất lấy công trình, nhưng việc này cũng gặp nhiều khó khăn trong lựa chọn cơ chế đấu thầu, thanh toán quỹ đất, thời điểm giao đất…

Đáng chú ý, ông Trương dẫn chứng, tại Kỳ họp Quốc hội vừa qua, vấn đề hợp tác công - tư và lựa chọn nhà đầu tư được nhiều đại biểu quốc hội quan tâm. Đặc biệt, Phó Thủ tưởng Vương Đình Huệ đã chỉ đạo sửa quy định pháp lý theo tinh thần phân cấp mạnh, cải cách thủ tục hành chính để tạo cơ hội cho các nhà đầu tư và thu hút nhiều dự án đầu tư hơn nữa.

Cần gỡ “vướng mắc” để thúc đẩy dự án hợp tác công - tư

Mời gọi nhà đầu tư chứ không phải “xin-cho”

Theo ông Trương, một trong những vướng mắc lớn nhất hiện nay khiến triển khai hợp tác công - tư bị hạn chế đó là cách nhìn mang nặng tính đầu tư công trong việc quản lý đầu tư.

“Nói về chủ trương, theo Luật Đầu tư, phải làm rõ tiền ở đâu ra, cân đối nguồn tiền như thế nào… ngay trong chủ trương đầu tư. Nhưng ở dự án hợp tác công - tư thì phải khác, bởi hợp tác công - tư là mời gọi nhà đầu tư tư nhân tham gia vào dự án chứ không phải là cho hay không cho”.

Có lẽ, chính vì việc nhìn nhận dự án hợp tác công - tư từ góc độ đầu tư công nên dẫn tới thực tế là các thủ tục đầu tư rườm rà và đặc biệt là tâm lý e ngại trong việc thực hiện các giải pháp chưa có tiền lệ đối với hình thức đầu tư còn tương đối mới mẻ này ở Việt Nam.

Lấy dẫn chứng về câu chuyện đầu tư tuyến đường bộ ven biển qua 6 tỉnh, thành đang được thảo luận gần đây, ông Trương cho biết dự án đang có vướng mắc bởi chủ trương phải làm theo Luật Đầu tư công, nhưng lại quá phức tạp; trong khi tuyến đó lại được kết luận làm theo hợp tác công - tư. “Cho nên để tránh tình trạng xung đột pháp luật, phải làm rõ trình tự thủ tục và quyết định chủ trương đầu tư trong các quy định pháp luật trong Dự thảo Nghị định”, ông Trương đề nghị.

Đồng tình quan điểm, đại diện JICA nói về sự rườm rà không đáng có của các quy định pháp luật liên quan tới hợp tác công - tư rằng, cần làm rõ phần vốn của Nhà nước, tư nhân và tổng nguồn vốn của dự án để tránh đem lại những phiền toái không cần thiết trong quá trình thực hiện dự án.

“Thanh Hóa phê duyệt 43 dự án hợp tác công - tư nhưng nhà đầu tư không quan tâm, trong khi đó có 15 dự án hợp tác công - tư được triển khai đều do nhà đầu tư đề xuất. Nguyên nhân là 43 dự án kia không hấp dẫn nhà đầu tư, không đảm bảo tính khả thi” - Lương Tất Thắng - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa.

Bên cạnh đó, hợp tác công - tư sử dụng 1 đồng vốn của Nhà nước cũng là đầu tư công, sẽ phải theo quy trình đầu tư công.

“Tùy vào quy mô dự án sẽ có các cấp có thẩm quyền phê duyệt từ Quốc hội, Thủ tướng đến các bộ, ngành và UBND các tỉnh. Cái này áp dụng là cần thiết nhưng chỉ nên ở phần vốn của Nhà nước thôi vì dự án 100 đồng nhưng Nhà nước có 20 đồng thì chỉ làm cái này thôi chứ bắt làm cả 100 đồng thì phức tạp lắm. Nhà đầu tư họ ngại”, đại diện JICA nhận định.

Bổ sung hình thức thanh toán

Một trong những điểm sáng trong Dự thảo sửa đổi Nghị định 15 lần này, Ban soạn thảo đề xuất nhiều phương án sửa đổi trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư dự án hợp tác công - tư... Đáng chú ý, cơ chế thanh toán cho dự án xây dựng – chuyển giao (đổi đất lấy hạ tầng) sẽ được bổ sung một số hình thức mới. Cụ thể, ngoài phương thức thanh toán bằng quỹ đất như trước đây, Dự thảo bổ sung phương thức thanh toán bằng quyền khai thác, kinh doanh một phần dịch vụ phát sinh từ công trình dự án xây dựng – chuyển giao theo điều kiện thỏa thuận trong hợp đồng dự án hoặc các phương thức khác với điều kiện đảm bảo nguyên tắc: Dự án khác được thực hiện đảm bảo phù hợp với chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được phê duyệt; Thanh toán ngang giá, bù trừ chênh lệch giữa giá trị dự án xây dựng – chuyển giao và giá trị Dự án khác.

Ông Trần Việt Dũng, Chánh văn phòng hợp tác công - tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, tùy từng trường hợp cụ thể, hoàn cảnh phù hợp, các nhà đầu tư dự án xây dựng – chuyển giao có thể được thanh toán qua việc khai thác tài nguyên, treo biển quảng cáo, hoặc sử dụng một phần diện tích trong công trình dự án...",

Bên cạnh đó, về quy trình lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án đầu tư có sử dụng đất, Ban soạn thảo cũng đưa ra hai trường hợp: Trường hợp chỉ có một nhà đầu tư quan tâm và đáp ứng các tiêu chí sơ bộ, sẽ thực hiện theo quy trình chấp thuận chủ trương đầu tư của Luật Đầu tư. Trong trường hợp có 2 nhà đầu tư sẽ thực hiện quy trình đấu thầu với tiêu chuẩn đánh giá không nghiêng về hướng khai thác địa tô cao nhất từ đất mà hướng tới các ràng buộc về thực hiện dự án hiệu quả nhất./.