Theo VCCI, việc giảm các rào cản kinh doanh này sẽ mang lại nhiều lợi ích, không chỉ về mặt kinh tế, mà cả các vấn đề an sinh xã hội, như: giúp mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản; người nông dân có thêm nhiều sự lựa chọn khi bán gạo của mình cho các doanh nghiệp xuất khẩu…

Điều kiện kho và cơ sở xay xát thóc, gạo không phù hợp

Theo VCCI, Điều 4.1.a của Dự thảo yêu cầu thương nhân xuất khẩu gạo phải "có kho chuyên dùng để chứa thóc gạo và cơ sở xay xát thóc gạo phù hợp với quy chuẩn chung do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành; bảo đảm điều kiện về an toàn thực phẩm và đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định của Luật an toàn thực phẩm."

Quy định yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải có kho chuyện dùng được suy đoán là liên quan đến năng lực dự trữ gạo để đáp ứng an ninh lương thực. Khi điều hành an ninh lương thực, cơ quan nhà nước có nhu cầu cần nắm được thông tin về địa điểm, quy mô kho chứa của doanh nghiệp và bảo đảm kho đó đáp ứng điều kiện về an toàn thực phẩm để phụ vụ nhu cầu lưu trữ thóc gạo.

“Đây là yêu cầu phù hợp, tuy nhiên cần được thiết kế sao lại cho tiết giảm chi phí tuân thủ một cách tối đa mà vẫn bảo đảm mục tiêu chính sách”, VCCI đề nghị.

VCCI kiến nghị điều kiện về kho chứa gạo cần được thiết kế lại

Quy định doanh nghiêp phải có cơ sở xay xát gạo không thực sự liên quan đến điều hành an ninh lương thực. Giả sử trong trường hợp mất an ninh lương thực, việc huy động các máy xay xát (cả quy mô công nghiệp, quy mô hộ gia đình, loại cố định hay di động) để phục vụ xay xát thóc gạo là việc tương đối đơn giản.

Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định yêu cầu doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo phải có cơ sở xay xát thóc gạo.

Cũng theo VCCI, Dự thảo hiện đang sử dụng cùm từ "có kho chuyên dùng". Từ "có" ở đây có thể dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau, như: (1) có quyền sở hữu chủ duy nhất; (2) có quyền đồng sở hữu chủ; (3) có quyền sử dụng… Về vấn đề này, mục tiêu quan trọng nhất của chính sách là cơ quan nhà nước nắm được thông tin về năng lực kho chứa của doanh nghiệp và kho đó được sử dụng để dự trữ thóc gạo. Mấu chốt của vấn đề nằm ở quyền sử dụng kho của doanh nghiệp.

Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi theo hướng chỉ yêu cầu doanh nghiệp có quyền sử dụng kho chứa chuyên dùng, và quyền này được thể hiện qua hình thức sở hữu hoặc hợp đồng thuê, mượn kho.

Điều kiện vùng nguyên liệu hoặc liên kết sản xuất làm thu hẹp thị trường nông sản

Theo VCCI, việc yêu cầu vùng nguyên liệu hoặc liên kết sản xuất chỉ mang tính ưu đãi, hỗ trợ chứ không nên coi là điều kiện bắt buộc để trao quyền hoặc hạn chế quyền kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo đó, nếu quy định bắt buộc như Dự thảo sẽ khiến cho nhiều doanh nghiệp không thể xuất khẩu, mặc dù doanh nghiệp đó có cơ hội để mua gạo của nông dân và bán cho nước ngoài. Nói cách khác, quy định này sẽ làm giảm cơ hội, thu hẹp thị trường tiêu thụ nông sản cho nông dân Việt Nam. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ điều kiện vùng nguyên liệu hoặc liên kết sản xuất tại Điều 4 của Dự thảo.

VCCI cũng đưa ra một số biện pháp ưu đãi, hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu hoặc liên kết sản xuất, như: Doanh nghiệp có vùng nguyên liệu hoặc liên kết sản xuất sẽ được áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc thấp hơn các doanh nghiệp khác; Doanh nghiệp có vùng nguyên liệu hoặc liên kết sản xuất sẽ được ưu tiên thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung; Doanh nghiệp có vùng nguyên liệu hoặc liên kết sản xuất (mà giá thóc gạo đã quy định trong hợp đồng liên kết) sẽ không phải áp dụng các quy định về quản lý giá thóc gạo…

Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo quá phức tạp

Điều 4 của Dự thảo yêu cầu kho phải là chuyên dùng để chứa thóc gạo, phù hợp quy chuẩn chung do Bộ NNPTNT ban hành, bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm và đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Tương ứng với đó, Điều 6 của Dự thảo quy định hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo yêu cầu phải có (1) bản kê khai kho chứa theo mẫu và có xác nhận của Sở Công Thương và (2) bản sao giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm do cấp có thẩm quyền cấp cho kho chứa để đáp ứng điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Như vậy, để được cấp giấy phép xuất khẩu gạo, doanh nghiệp phải làm 3 thủ tục hành chính: (1) Sở Công Thương xác nhận kho chứa (Điều 5 của Dự thảo); (2) Sở Nông nghiệp cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (Điều 23.4.b Nghị định 38/2012/NĐ-CP); (3) Bộ Công Thương cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo (Điều 6 của Dự thảo).

VCCI nhận định, thủ tục hành chính như vậy là quá phức tạp và có nhiều giấy phép con.

Theo đó, đề nghị cơ quan soạn thảo đơn giản hóa thủ tục hành chính, như sau:

Sửa đổi Điều 4 theo hướng: doanh nghiệp chỉ cần có kho chứa đáp ứng điều kiện an toàn thực phẩm.

Sửa đổi Điều 6 theo hướng: hồ sơ nộp cho Bộ Công Thương chỉ bao gồm: (1) đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo (các nội dung kê khai kho chứa thể hiện luôn trong đơn đề nghị); và (2) giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Bỏ Điều 5 của Dự thảo: việc kiểm tra thực tế tại kho chứa tùy thuộc vào nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Công Thương (Bộ có thể tự kiểm tra hoặc phối hợp với Sở Công Thương để kiểm tra) theo đúng thời hạn quy định.

Ngoài ra, theo VCCI, việc quy định thời hạn của Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo là 5 năm cũng làm tăng gánh nặng thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

Trong khi đó, việc bảo đảm thực thi các quy định pháp luật về xuất khẩu gạo đã được thực hiện dựa trên cơ chế báo cáo (Điều 26.1, Điều 26.2), cơ chế thanh tra, kiểm tra (Điều 24.2.b, Điều 24.6.a) và thu hồi giấy chứng nhận (Điều 8). Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định tại Điều 6.5 về thời hạn của Giấy chứng nhận./.