Bộ Tài chính dẫn chiếu quy định thế giới, lập luận cho việc tăng VAT

Mới đây, Bộ Tài chính đưa ra dự án Luật tập trung sửa đổi 7 nội dung liên quan đến thuế VAT. Trong đó, 4 nội dung sửa đổi nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, 3 nội dung sửa đổi nhằm bảo đảm tỷ trọng hợp lý giữa thuế gián thu và thuế trực thu theo Nghị quyết số 07-NQ/TƯ.

Cụ thể, Bộ Tài chính muốn xem xét chuyển phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng cho nông nghiệp, tàu đánh bắt xa bờ từ đối tượng không chịu thuế VAT sang đối tượng chịu thuế VAT; bổ sung quy định doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế suất thuế VAT 5% nếu có số thuế VAT đầu vào chưa được khấu trừ hết sau 12 tháng hoặc 4 quý thì được hoàn thuế VAT.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề nghị bỏ quy định “sản phẩm xuất khẩu là hàng hóa được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản có tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên” không chịu thuế VAT và bỏ quy định “Dự án đầu tư khai thác tài nguyên, khoáng sản được cấp phép từ ngày 1/7/2016 hoặc dự án đầu tư sản xuất sản phẩm hàng hóa mà tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên theo dự án đầu tư” không được hoàn thuế VAT.

Điều kiện khấu trừ thuế VAT đầu vào cũng được quy định lại là có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào, trừ hàng hóa, dịch vụ mua từng lần từ mức dưới 20 triệu đồng xuống mức dưới 10 triệu đồng.

Đặc biệt, nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế VAT và nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế VAT 5% theo Chiến lược cải cách hệ thống thuế sẽ được giảm bớt bên cạnh việc nâng mức thuế suất thuế VAT từ mức 10% lên mức 12%.

Để lý giải việc phải tăng thuế, Bộ Tài chính cho biết, từ năm 2009-2016, các nước đều tăng thuế suất phổ thông. Thuế suất trung bình tại các nước EU năm 2000 là 19%, đến năm 2014 mức thuế suất trung bình xấp xỉ 21,5%. Các nước OECD cũng có xu hướng tăng thuế suất thuế VAT từ mức trung bình 18% năm 2000 lên khoảng 19% năm 2014 và hơn 19% vào năm 2016.

Các nước châu Á cũng có xu hướng cơ cấu lại thu ngân sách theo hướng tăng tỷ trọng thuế tiêu dùng trong tổng thu ngân sách từ việc tăng thuế suất thuế VAT như Philippines, Ấn Độ, Nhật Bản….

Bộ Tài chính cũng dẫn số liệu từ Ngân hàng Thế giới cho biết, qua thống kê mức thuế suất của 112 nước, có 88 nước có mức thuế suất từ 12-25%, trong đó có 56 nước có mức thuế suất từ 17-25%, còn lại 24 nước phổ biến ở mức hơn 10%. Các nước xung quanh như Lào, Indonesia, Campuchia cũng có mức thuế phổ thông là 17% và mức ưu đãi là 13%, Philippines có mức thuế suất 15%.

Bộ Tài chính cũng dẫn số liệu từ Ngân hàng Thế giới cho biết, qua thống kê mức thuế suất của 112 nước, có 88 nước có mức thuế suất từ 12-25%, trong đó có 56 nước có mức thuế suất từ 17-25%, còn lại 24 nước phổ biến ở mức hơn 10%. Các nước xung quanh như Lào, Indonesia, Campuchia cũng có mức thuế phổ thông là 17% và mức ưu đãi là 13%, Philippines có mức thuế suất 15%.

Bộ Tài chính đã đề nghị nâng mức thuế suất thuế VAT theo 2 phương án. Theo phương án 1, Bộ Tài chính đề xuất tăng từ 10% lên 12% kể từ ngày 1/1/2019. Phương án 2, đề nghị tăng theo lộ trình lên 12% từ ngày 1/1/2019 và 14% từ ngày 1/1/2021. Trong đó, Bộ Tài chính đề nghị cân nhắc phương án 1.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đề nghị chuyển phân bón, máy móc thiết bị chuyên dùng cho nông nghiệp, tàu đánh bắt xa bờ từ đối tượng không chịu thuế VAT sang đối tượng chịu thuế VAT.

Và, ý kiến của lãnh đạo Chính phủ

Trong Thông báo kết luận tại cuộc họp về nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế VAT, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật Thuế tài nguyên (dự án Luật), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Tài chính rà soát, bổ sung về mục đích, quan điểm xây dựng dự án Luật, trong đó lưu ý phải đáp ứng, tương thích với các Luật mới được Quốc hội ban hành như Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Đầu tư...; định hướng sản xuất và tiêu dùng, qua đó thực hiện mục tiêu cơ cấu lại tổng thể nền kinh tế; đúng bản chất của sắc thuế, nhất quán, rõ ràng, công khai, minh bạch, dễ thực hiện, giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế và tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh; phù hợp mục tiêu hội nhập kinh tế quốc tế và xu hướng phát triển; đảm bảo nguồn thu, nuôi dưỡng nguồn thu, đặc biệt trong bối cảnh các khoản thu từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm do thực hiện các cam kết quốc tế; đảm bảo động viên ngân sách, chống xói mòn cơ sở thuế.

Cụ thể, về thuế VAT, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính xem lại quy định không phải kê khai nộp thuế đối với mặt hàng nông sản ở khâu thương mại; rà soát kỹ thêm nhóm hàng hóa dịch vụ cần nâng lên 11-12% hoặc chuyển từ không chịu thuế VAT sang chịu thuế VAT.

Đối với thuế tiêu thụ đặc biệt, về giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính cần cân nhắc nghiên cứu ý kiến của Bộ Công Thương.

Về thuế thu nhập doanh nghiệp, Bộ Tài chính cần rà soát, nghiên cứu các quy định hiện hành gắn với quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa mới được Quốc hội ban hành; quy định bù trừ thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản với trường hợp lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh, khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp, cần nghiên cứu để đảm bảo minh bạch, không ảnh hưởng tới thu ngân sách của địa phương. Đối với trường hợp doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước, đa số bất động sản thuộc sở hữu nhà nước, Bộ Tài chính nghiên cứu kỹ xem việc bù trừ có làm mất tài sản của nhà nước không? Phân bổ thuế thu nhập doanh nghiệp phù hợp với bản chất theo hướng tập trung; ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp gắn với thực tiễn và lĩnh vực ưu tiên.

Phó Thủ tướng cũng đồng ý với các nội dụng đề xuất của Bộ Tài chính về thuế thu nhập cá nhân.

Về thuế tài nguyên, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính cần nghiên cứu tiếp thu ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương./.