Tại Hội thảo chính sách phát triển kinh tế - xã hội tại đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức sáng ngày 03/11, các chuyên gia kinh tế quốc tế nhận định, so với nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đưa ra quyết định thành lập các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt muộn hơn.

Đây vừa là bất lợi nhưng cũng vừa là lợi thế. Bởi với “lợi thế người đi sau”, Việt Nam có thể học hỏi những kinh nghiệm thành công và thất bại từ những quốc gia trên thế giới và đưa ra một cơ chế phù hợp với điều kiện của Việt Nam và xu thế phát triển chung của thế giới.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung (giữa) phát biểu khai mạc Hội thảo

Đến lúc này đã là "chậm lắm rồi"!

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung nhấn mạnh rằng, chủ trương xây dựng đặc khu kinh tế đã được bàn từ hơn 20 năm qua, đến lúc này đã là "chậm lắm rồi"!

Nếu tính từ thời thử nghiệm làm đặc khu Hòn Gai, Vũng Tàu - Côn Đảo trước đây thì tới nay cũng đã 30 năm.

“Chúng ta không thể chậm hơn được nữa, thế giới đã đi được một bước rất dài, nhiều nước đã làm đặc khu tới thế hệ thứ 2, thứ 3 rồi”, Thứ trưởng Trung lo lắng.

Thứ trưởng Trung cho biết, chính sách phát triển kinh tế - xã hội là một trong bốn nhóm vấn đề lớn tại dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, bên cạnh phạm vi điều chỉnh, mô hình chính quyền và các vấn đề về tư pháp.

“Yêu cầu thì thể chế phải vượt trội, có khả năng cạnh tranh và tính đột phá, dễ thống nhất về nguyên tắc như vậy nhưng khi đi vào cụ thể thì không đơn giản”, Thứ trưởng Trung chia sẻ quan điểm.

Nhiều năm gần đây Chính phủ rất quan tâm đến các mô hình phát triển, trong đó đơn vị hành chính kinh tế đặc như một thử nghiệm để tìm kiếm một cách tốt nhất để thúc đẩy kinh tế bắt đầu từ các vùng kinh tế ven biển.

Tại Nghị quyết số 11-NQ/TW đã xác định xây dựng một số đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt với thể chế vượt trội để tạo cực tăng trưởng và thử nghiệm đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy thuộc hệ thống chính trị.

Nhiều ưu đãi vượt trội tại 3 đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt

Làm rõ hơn những vượt trội và đột phá của các chính sách phát triển kinh tế - xã hội chung tại 03 đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt được quy định từ Điều 1-36 tại Dự thảo Luật, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: “Tất các các chính sách phát triển kinh tế - xã hội được quy định tại dự án Luật này đều “đặc biệt” khác với các luật hiện hành. Luật cũng quy định các “cơ chế đặc biệt” về hành chính khác các luật khác, trần để đưa ra các chính sách này chính là Hiến pháp”.

Trong đó, đặc biệt lưu ý tới chính sách và thủ tục đầu tư kinh doanh. Bởi sự quan trọng của các chính sách này, nên nhà làm luật đã đưa nội dung này lên đầu tiên. Cụ thể là thu hẹp ngành, nghề kinh doanh có điều kiện (từ 243 xuống còn 108 ngành nghề); gỡ bỏ những hạn chế, phân biệt đối xử đối với nhà đầu tư nước ngoài trong hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề ưu tiên phát triển của đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Thủ tục đầu tư kinh doanh, thủ tục có liên quan đến đất đai, xây dựng môi trường, xuất nhập khẩu, hải quan, lao động… được giải quyết đơn giản, nhanh gọn tại chỗ tại Trung tâm hành chính công, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư.

Dự thảo xây dựng 2 phương án quy định tổ chức và hoạt động của Chính quyền địa phương đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt:

Phương án 1: Chính quyền địa phương đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt là thiết chế Trường đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, các cơ quan chuyên môn trực thuộc và Trưởng khu hành chính;

Phương án 2: Tổ chức một cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND tại đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.

Để có thể thuận lợi cho nhà đầu tư, các nhà dự thảo Luật cũng đề xuất quy định Trưởng đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (đối với phương án 1), hoặc Chủ tịch UBND đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (đối với phương án 2) là người có thẩm quyền trong đấu thầu, lựa chọn nhà thầu đối với các dự án, dự toán mua sắm sử dụng ngân sách trên địa bàn, lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án theo hình thức hợp tác công tư và dự án có sử dụng đất.

Quy định về thuế thu nhập đặc biệt thấp hơn hiện hành xong chỉ có trong thời gian đầu.

Đặc biệt, dự thảo Luật cho phép thời hạn sử dụng đất tối đa là 99 năm đối với các dự án đầu tư khu hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, y tế, giáo dục, dự án đầu tư thuộc ngành, nghề ưu tiên phát triển của các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và dự án đầu tư của nhà đầu tư chiến lược.

Cho phép tổ chức kinh tế trong nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thế chấp tài sản gắn liền với đất tại tổ chức tín dụng nước ngoài có hiện diện thương mại .

Quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài có quyền chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng; mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu nhà ở thương mại trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở và dự án đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng từ các tổ chức, cá nhân trong nước.

Cề chính sách ưu đãi đầu tư về thuế, tiền thuê đất, Dự Luật cho phép áp dụng ưu đãi đầu tư (thuế TNDN, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế GTGT, miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước) với 02 mức: Ưu đãi cao nhất (hưởng thuế suất 10% trong thời gian 30 năm, miễn thuế 04 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 09 năm tiếp theo kể từ khi có thu nhập chịu thuế), áp dụng đối với các dự án đầu tư khu hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, nghiên cứu và phát triển (R&D), y tế, giáo dục, dự án đầu tư thuộc các ngành nghề ưu tiên phát triển của từng đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt và dự án của nhà đầu tư chiến lược; Đối với ngành, nghề còn lại: ưu đãi như với khu kinh tê hiện nay.

Dự luật cũng quy định mức ưu đãi tối đa đối với thời gian miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước. Mức ưu đãi đối với từng dự án dựa trên chế độ miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước theo từng khu vực, ngành, nghề do Trưởng đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (đối với phương án 1) hoặc UBND đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (đối với phương án 2) ban hành để đảm bảo sự linh hoạt, không cào bằng đối với các dự án đầu tư

Về chính sách phát triển các ngành dịch vụ, du lịch, dự thảo luật quy định cho phép giá trị bán hàng miễn thuế cho khách du lịch Việt Nam và người nước ngoài tại khu phi thuế quan bằng với định mức miễn thuế nhập khẩu đối với hành lý của người nhập cảnh cho từng lần nhập cảnh theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Thực hiện miễn thị thực với thời gian tạm trú không quá 60 ngày trong thời gian 180 ngày và cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài.

Cho phép các hãng hàng không quốc tế được phép vận chuyển hàng không quốc tế kết hợp nhiều điểm, trong đó có ít nhất một điểm đến hoặc một điểm đi tại đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt; Áp dụng mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dịch vụ kinh doanh casino, kinh doanh đặt cược thấp hơn mức thuế suất hiện hành trong 10 năm đầu kể từ khi có doanh thu để cạnh tranh với Singapore, Malaysia, Campuchia, Macao trong việc thu hút người nước ngoài chơi casino.

Về thu hút và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, dự thảo Luật quy định, hỗ trợ chi phí đào tạo nghề ngắn hạn cho người lao động Việt Nam làm việc cho dự án đầu tư tại đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt theo phương thức chia sẻ giữa Nhà nước và nhà đầu tư; hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người lao động; miễn, giảm thuế TNCN; Gắn kết chính sách tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức và người lao động với chính sách tiền lương tự chủ, khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính; được ký hợp đồng làm việc với chuyên gia trong nước và nước ngoài; thực hiện chính sách hỗ trợ giải quyết lao động dôi dư theo quy định của chính quyền địa phương đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.

Gắn kết chính sách tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức và người lao động với chính sách tiền lương tự chủ, khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính; được ký hợp đồng làm việc với chuyên gia trong nước và nước ngoài; thực hiện chính sách hỗ trợ giải quyết lao động dôi dư theo quy định của chính quyền địa phương đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.

Thành công của các đặc khu chỉ thực sự có khi toàn dân được hưởng lợi

Chuyên gia Marcin Milosz, Nhóm tư vấn công ty TNHH Tư vấn Boston (BCG) cho rằng, Việt Nam có cơ hội rất lớn để xây dựng được đặc khu mới có lợi thế hơn nhiều những nước láng giềng trong khu vực lân cận.

Bởi với “lợi thế người đi sau”, Việt Nam có thể học hỏi những kinh nghiệm thành công và thất bại từ những quốc gia trên thế giới và đưa ra một cơ chế phù hợp với điều kiện của Việt Nam và xu thế phát triển chung của thế giới.

Ông cũng nhấn mạnh rằng, Luật này thực sự là quan trọng đối với các nhà đầu tư quốc tế đang cân nhắc đầu tư vào khu vực Đông Nam Á.

Theo vị chuyên gia này, thì để phát triển bền vững các đặc khu, thì phải xác định được những nguyên tắc cụ thể khi xây dựng Luật cho đặc khu. Thứ nhất, phải có chính sách linh hoạt, theo dõi quá trình thực thi để điều chỉnh cho phù hợp, xem xét độ vênh giữa chính sách với thực tế để điều chỉnh linh hoạt. Thứ hai là tính minh bạch, luật này dễ hiểu, minh bạch

Thứ ba là thúc đẩy tinh thần doanh nhân. Tinh thần doanh nhân giúp họ có giải pháp cho hoạt động kinh doanh của minh; họ đến với tinh thần doanh nhân, với tinh thần thúc đẩy sự phát triển.

“Chúng tôi tin tưởng rằng Luật là bước tiến lớn đóng góp vào quá trình thu hút nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư tư nhân”, chuyên gia Marcin Milosz phát biểu.

Chuyên gia Patrick Tay, Phó Tổng giám đốc phụ trách mảng tư vấn chính sách kinh tế PWC lưu ý 3 vấn đề: “Thứ nhất khung khổ pháp lý, chất lượng thể chế chính là nền tảng của đặc khu siêu hạng này; Thứ hai, các bạn luôn phải chạy marathon, phải thật nỗ lực để giữ được sức hút; Điều cuối cùng các bạn phải luôn nhớ: Thành công của đặc khu là tất cả người dân đều hưởng lợi chứ không phải chỉ là nhà đầu tư”.

Trong bối cảnh hiện nay ở khu vực, ông Patrick Tay cho rằng, dự thảo Luật vẫn thiếu điều khoản để thúc đẩy sự sáng tạo, chủ động, kiềm chế tính quan liêu, tránh những điều khoản khiến nhà đầu tư ngần ngại.

“Làm sao cân bằng được 2 vấn đề, vừa đảm bảo sự quản lý, mà lại giảm thiểu hình sự hóa, giảm tính quan liêu, tăng tính minh bạch là điều khó khăn? Trong bối cảnh hiện nay, phi hình sự hóa cũng là một từ khóa rất quan trọng”, vị chuyên gia này chia sẻ thêm.

Ông Patrick Tay nhắc đi nhắc lại thông điệp, thành công của các đặc khu chỉ thực sự có khi tất cả mọi người đều được hưởng lợi, từ đó có tác động lan tỏa đến toàn dân./.