Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày Báo cáo giải trình và trả lời chất vấn trước Quốc hội, chiều 21/11. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Kinh tế vĩ mô tiếp tục được cải thiện

Trong tháng 10 và tháng 11, Thủ tướng cho biết, tình hình kinh tế xã hội chuyển biến tích cực. Kinh tế vĩ mô tiếp tục được cải thiện.

Cụ thể, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 tăng 0,49%, tháng 11 tăng 0,4%, 11 tháng tăng 5,54%, ước cả năm tăng 6,2-6,3%, đây là mức tăng thấp trong 10 năm qua.

Dư nợ tín dụng đến hết tháng 11 tăng khoảng 9%, có khả năng cả năm đạt 11-12%. Mặt bằng lãi suất tiếp tục ổn định.

Xuất khẩu 11 tháng đạt gần 120 tỷ USD, tăng 15,1%; nhập khẩu đạt khoảng 120,3 tỷ USD, tăng 15,9%. Nhập siêu gần 290 triệu USD, bằng 0,24% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Vốn FDI đăng ký 11 tháng đạt trên 20 tỷ USD, tăng 49%; vốn thực hiện đạt khoảng 10,55 tỷ USD, tăng 6%.

Vốn ODA ký kết đạt 4,6 tỷ USD, tăng 14,1%; giải ngân đạt 4,04 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ.

Thu ngân sách Nhà nước đến hết tháng 11 đạt khoảng 86% dự toán, tăng 10,6%; chi ngân sách đạt 87% dự toán, tăng 8,1% so với cùng kỳ; cố gắng phấn đấu đạt kế hoạch thu, chi ngân sách cả năm.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 11 tăng 6%; 11 tháng tăng 5,5%.

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục ổn định, ước cả năm giá trị sản xuất tăng 2,73%.

Tổng mức luân chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,57% (loại trừ yếu tố giá tăng khoảng 5,7%).

Khách quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 6,8 triệu lượt, tăng 12%. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới 11 tháng tăng 9,3%; có hơn 12.600 doanh nghiệp hoạt động trở lại.

An sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm. Tạo việc làm cho trên 1,4 triệu người, đạt gần 88% kế hoạch năm.

“Với những kết quả nêu trên, có cơ sở để chúng ta phấn đấu đạt được những mục tiêu, nhiệm vụ năm 2013, mà Chính phủ đã báo cáo Quốc hội tại phiên khai mạc kỳ họp”, Thủ tướng cho biết.

Nợ công 2014-2016 vẫn trong giới hạn an toàn

Chính phủ đã trình và được Quốc hội đồng ý mức bội chi ngân sách năm 2014 là 5,3% GDP (224 nghìn tỷ đồng) và phát hành thêm 170 nghìn tỷ đồng vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2014-2016.

Việc tăng bội chi ngân sách dành một phần để trả nợ, phần còn lại và trái phiếu Chính phủ bổ sung được tập trung vào đầu tư các dự án hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu, hoàn thành nhiều công trình đang đầu tư dở dang, bổ sung vốn đối ứng ODA, đầu tư cho nông nghiệp nông thôn. Qua đó, góp phần khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải kéo dài kém hiệu quả, xử lý nợ đọng trong xây dựng cơ bản, giải quyết nợ xấu; tăng giải ngân vốn ODA, thu hút mạnh hơn các nguồn vốn xã hội cho đầu tư phát triển, bảo đảm được tổng vốn đầu tư toàn xã hội bằng khoảng 30-31% GDP; đồng thời, góp phần tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh, tạo thêm nhiều việc làm mới, tăng thu nhập cho người lao động; và góp phần quan trọng vào việc tăng năng lực sản xuất, thực hiện đột phá trong xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ theo Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020.

Thủ tướng cũng cho biết, trái phiếu chính phủ sẽ được phát hành phù hợp theo tiến độ giải ngân các dự án và thực trạng tình hình kinh tế vĩ mô. Việc sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ được quản lý chặt chẽ, bảo đảm hiệu quả đồng thời với việc thực hiện phù hợp chính sách tiền tệ, nhất là kiểm soát tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán hợp lý, không làm tăng quá mức tổng cầu.

“Với mức bội chi và phát hành trái phiếu bổ sung như đã nêu trên, nợ công trong các năm 2014, 2015 và 2016 vẫn trong giới hạn an toàn (không quá 65% GDP)”, Thủ tướng khẳn định.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ rõ, áp lực trả nợ rất lớn. Cùng với việc bố trí nguồn từ ngân sách nhà nước để trả nợ, cần phát hành mới để đảo nợ đối với một phần nợ gốc trái phiếu chính phủ đến hạn, bảo đảm duy trì thanh khoản, giảm thiểu rủi ro tái cấp vốn và không làm tăng dư nợ gốc trái phiếu chính phủ. Qua đó, sẽ bảo đảm duy trì các chỉ tiêu trả nợ trực tiếp của Chính phủ năm 2014 ở mức 15,2%, năm 2015 khoảng 20,4% và năm 2016 khoảng 22,9% tổng thu ngân sách, nằm trong giới hạn cho phép là không quá 25% tổng thu ngân sách nhà nước theo Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia đã được phê duyệt.

Do vậy, Thủ tướng cho biết, thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhất là quản lý sử dụng có hiệu quả vốn vay, quản lý tốt nợ trung hạn và quỹ tích lũy trả nợ, quản lý và xử lý kịp thời rủi ro... bảo đảm thực hiện đúng Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia.

Việc xử lý nợ xấu: Còn nhiều khó khăn

Thủ tướng khẳng định, đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để xử lý nợ xấu và đạt được kết quả, với trên 101 nghìn tỷ đồng nợ xấu bằng dự phòng rủi ro của các tổ chức tín dụng. Công ty Quản lý tài sản (VAMC) dự kiến đến hết năm 2013 mua khoảng 30-35 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Tốc độ tăng nợ xấu đã chậm lại. Tình hình tài chính, thanh khoản của các tổ chức tín dụng được cải thiện, lành mạnh hơn; tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (13,7%) cao hơn nhiều so với quy định (9%).

Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng thừa nhận, tỷ lệ nợ xấu còn cao, đến cuối tháng 9/2013 là 4,62%. Việc xử lý nợ xấu còn gặp nhiều khó khăn. Cơ chế chính sách xử lý tài sản bảo đảm tiền vay còn nhiều vướng mắc; thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán phục hồi chậm nên rất khó bán tài sản bảo đảm để thu hồi nợ. Chưa có cơ chế hiệu quả để các doanh nghiệp, khách hàng vay vốn có trách nhiệm tham gia xử lý nợ xấu.

Để giải quyết nợ xấu, Thủ tướng cho biết, thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp để xử lý nợ xấu, nhất là việc xử lý tài sản bảo đảm tiền vay; trích lập dự phòng rủi ro; cơ cấu lại nợ vay; nâng cao chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu gia tăng; tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra bảo đảm công khai minh bạch hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Đồng thời, phát huy vai trò của Công ty Quản lý tài sản (trong năm 2014 xử lý khoảng 100-150 nghìn tỷ đồng nợ xấu của các tổ chức tín dụng). Phấn đấu đến hết năm 2015 xử lý được số nợ xấu hiện nay, đưa hệ thống ngân hàng thương mại hoạt động lành mạnh, an toàn.

Thực hiện đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp nêu trên, người đứng đầu Chính phủ khẳng định: “mục tiêu tăng GDP khoảng 5,8% năm 2014, khoảng 6% năm 2015 và kiểm soát lạm phát khoảng 7% là khả thi”.

Tập trung khắc phục yếu kém của DNNN

Thủ tướng cũng cho biết, năm 2012-2013 các DNNN đã có nhiều cố gắng. DNNN đóng góp khoảng 30% thu ngân sách nhà nước và trên 33% GDP. Trên 80% DNNN có lãi và 11,7% doanh nghiệp lỗ. Năm 2012, vốn chủ sở hữu tăng 26% so với năm 2011; tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu là 16,37%, trong đó của các tập đoàn, tổng công ty là 16,94%. Tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu là 1,52 lần, trong đó của các tập đoàn, tổng công ty là 1,46 lần, nằm trong giới hạn cho phép (3 lần).

“Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo khắc phục những hạn chế, yếu kém, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước, đặc biệt là các tập đoàn và tổng công ty. Đẩy mạnh cổ phần hóa và thoái vốn đầu tư ngoài ngành theo nguyên tắc thị trường và lộ trình đã được phê duyệt. Giảm và bán toàn bộ vốn Nhà nước ở các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần chi phối. Kiện toàn cán bộ lãnh đạo và nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, nhất là các tập đoàn, tổng công ty. Tăng cường quản lý, giám sát, kiểm tra của chủ sở hữu Nhà nước. Tách bạch nhiệm vụ sản xuất kinh doanh với nhiệm vụ chính trị, công ích. Thực hiện công khai minh bạch kết quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước theo quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế”, Thủ tướng nói./.