Điểm qua năm 2013

Kinh tế thế giới bước qua năm 2013 ghi nhận những chuyển biến đáng kể, tuy nhiên, khó khăn không phải đã hoàn toàn ở lại phía sau. Châu Âu đã giảm gánh nặng nợ công nhưng phục hồi và phát triển sẽ cần thêm nhiều nỗ lực chung của các nền kinh tế EU. Châu Á cũng gặp phải bất ổn từ hai quốc gia lớn nhất là Trung Quốc và Nhật Bản. Hoa Kỳ, nền kinh tế lớn nhất thế giới vướng vào các tranh chấp chính trị xung quanh vấn đề trần nợ công, chương trình Obamacare và mặc dù đã tạm thời được giải quyết nhưng dung hòa mọi vướng mắc chắc chắn sẽ cần thêm nhiều thời gian.

Việt Nam năm 2013 tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là tăng trưởng kinh tế, ổn định hệ thống tài chính - ngân hàng và thu chi ngân sách. Thực tế những nỗ lực của Chính phủ nhằm mục đích ổn định kinh tế vĩ mô đã phần nào phát huy tác dụng khi lạm phát được kiềm chế, sự ra đời của VAMC để xử lý nợ xấu, mặt bằng lãi suất hạ, thu hút vốn FDI tăng mạnh. Tuy nhiên, để có một nền kinh tế khỏe mạnh, ổn định, Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm ngay trong năm 2014.

Ba kịch bản cho 2014

Kịch bản cơ bản: Kinh tế có sự phục hồi nhưng diễn biến chậm (60%)

Ổn định kinh tế vĩ mô, hệ thống tài chính – ngân hàng là nhiệm vụ trọng tâm thay vì chạy theo mục tiêu tăng trường nhanh ngắn hạn. Tăng trưởng GDP đạt dưới 6% nhưng cao hơn kết quả của năm 2013. Chính sách tiền tệ thận trọng, chặt chẽ tiếp tục được Ngân hàng nhà nước duy trì nhằm hướng tới mục tiêu lạm phát khoảng 7% trong 2-3 năm tới, thậm chí thấp hơn trong các năm tiếp theo. Tín dụng tăng trưởng thấp, VAMC chỉ giúp giải quyết một phần nhỏ nợ xấu.

Thâm hụt thương mại sẽ không quá lớn và đảm bảo tỷ lệ nhập siêu/kim ngạch xuất khẩu theo chỉ tiêu của Chính phủ. Tuy nhiên, là một nước đang phát triển, công nghiệp chế biến chế tạo phát triển mạnh, nhập siêu (nhập nguyên liệu đầu vào nhiều) chưa chắc là một vấn đề không tốt. Nhập siêu thậm chí có thể cho thấy sản xuất kinh doanh đang có dấu hiệu phục hồi.

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước diễn ra chậm và ít sự quan tâm, ngoại trừ một số doanh nghiệp tiêu biểu (Vietnam Airlines). Doanh nghiệp lớn tiếp tục duy trì hoạt động ổn định nhưng nhiều doanh nghiệp nhỏ phải “vật lộn” để tồn tại, bao gồm phần lớn doanh nghiệp bất động sản. Thị trường chứng khoán không tăng mạnh, đặc biệt là trong nửa đầu năm 2014.

Phần lớn doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi tình trạng khó khăn. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp bất động sản, xây lắp chưa cải thiện được tình hình khi vẫn phải đấu tranh với việc doanh thu, lợi nhuận sụt giảm và lỗ. Hàng tồn kho cao và nhiều doanh nghiệp bán phá giá thị trường để thu hồi nguồn tiền giảm gánh nặng tài chính từ các khoản vay nợ trước đó.

Kịch bản lạc quan: Kinh tế vĩ mô diễn biến tốt hơn hẳn năm 2013 (30%)

Thu hút dòng vốn nước ngoài tốt giúp tăng trưởng GDP đạt mức 6%. Tín dụng vẫn tăng trưởng chậm, chính sách tiền tệ thận trọng nhằm kiềm chế lạm phát ở mức 7%. Tỷ giá và thị trường vàng ổn định. Chính phủ tăng cường phát hành trái phiếu kỳ hạn dài nhưng áp lực phát hành thành công giảm do thâm hụt ngân sách được cải thiện.

Cán cân thương mại không có sự chênh lệch lớn giữa xuất khẩu và nhập khẩu. Nhập siệu vẫn tiếp diễn trên cơ sở sản xuất và chế biến phục hồi tương đối tốt.

Trong thu hút đầu tư nước ngoài, cả vốn đăng kỳ và giải ngân đều tăng mạnh sau những cam kết tái cấu trúc nền kinh tế, doanh nghiệp nhà nước của Chính phủ. Dòng vốn sẽ chảy vào những lĩnh vực được hưởng lợi từ Hiệp định thương mại TPP.

Doanh nghiệp Việt Nam được hưởng lợi từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), thị trường bất động sản chạm đáy khiến hoạt động mua bán tài sản giá thấp diễn ra sôi động. Thị trường chứng khoán tăng trưởng khá tốt, tiệm cận ngưỡng 600 điểm.

Kịch bản lạc quan nhất: Tăng trưởng kinh tế vượt dự báo, nhanh chóng đưa Việt Nam trở lại thời kỳ “tăng trưởng vàng” những năm 2005-2007 (10%)

GDP tăng vượt dự báo và tiệm cận mức tăng trưởng thời kỳ 2005 - 2007 (7 - 8%) nhờ dòng vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh, tái cơ cấu nền kinh tế diễn ra thuận lợi, nhiều thương vụ mua bán sáp nhập diễn ra với quy mô lớn. Tín dụng tăng trưởng nhanh với chính sách tiền tệ nới lỏng dẫn tới lạm phát tăng vượt ngoài tầm kiểm soát và xu hướng nâng lãi suất huy động xảy ra.

Cán cân thương mại duy trì sự cân bằng mặc dù nhập khẩu tăng mạnh do nhu cầu mua nguyên liệu phục vụ sản xuất. Tỷ giá điều chỉnh cùng tác động của Hiệp định thương mại TPP giúp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa tốt hơn, thu hẹp thâm hụt thương mại.

Thị trường chứng khoán tăng nóng theo nền kinh tế với chỉ số VN-Index có thể chạm vùng giá 600–650 điểm, thanh khoản tăng vọt, dòng tiền dồn vào các mã cổ phiếu vốn hóa lớn và đầu cơ./.