Kể từ đầu năm, Chính phủ đã kiên định điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa với mục tiêu kiểm soát lạm phát, tỷ giá và dần hạ mặt bằng lãi suất, với nhiều chính sách đã được ban hành như: Nghị quyết 02/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu; Nghị định 53/2013/NĐ-CP về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam; Thông tư số 11/2013/TT-NHNN hướng dẫn cho vay mua nhà ở xã hội theo Nghị quyết 02/NQ-CP... Kỳ vọng giai đoạn cuối năm, các chính sách đã được ban hành sẽ được đẩy nhanh thực hiện, là cơ sở để những tồn tại trong hệ thống ngân hàng dần được gỡ bỏ, một phần phân khúc thị trường bất động sản được tháo gỡ.

Trong quý IV, công tác xây dựng cơ chế, chính sách cho TTCK sẽ tiếp tục được xây dựng và hoàn thiện. Trong đó, có những chính sách quan trọng được nhiều nhà đầu tư chờ đợi, như: Quyết định thay thế Quyết định 55/2009/QĐ-TTg về tỷ lệ sở hữu của nhà ĐTNN; Hệ thống giao dịch các loại hình quỹ mới như quỹ mở, quỹ ETF; Tiếp tục nghiên cứu đề xuất về việc cho phép phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong việc huy động vốn; Hoàn thiện đề án, nghị định về TTCK phái sinh cũng như đề án hợp nhất 2 Sở Giao dịch chứng khoán…

Trong những chính sách này, chính sách liên quan tới tỷ lệ sở hữu của khối ngoại hiện được nhiều nhà đầu tư quan tâm hơn cả. Đặc biệt trong điều kiện doanh nghiệp và thị trường đang thiếu vốn, việc mở cơ hội cho nhà đầu tư nước đầu tư nước ngoài tăng tỷ lệ sở hữu sẽ giúp doanh nghiệp, thị trường cải thiện được thanh khoản. Bên cạnh đó, sức hấp dẫn của đợt điều chỉnh “room” này còn mạnh hơn nhờ tỷ lệ sở hữu tối đa của khối ngoại được nâng trên 49% ở một số ngành, lĩnh vực. Nó không chỉ tạo thêm khoảng trống cho những nhà đầu tư tài chính, mà còn tạo ra nhu cầu đầu tư với mục tiêu quản lý, sở hữu doanh nghiệp.

Cùng với khả năng nới trần tỷ lệ sở hữu, dòng vốn ngoại còn có thể chảy mạnh vào Việt Nam thông qua kênh FDI. Do tham gia TPP, đây là cơ hội để Việt Nam thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Các quan hệ thương mại, đầu tư và hợp tác giáo dục, khoa học - công nghệ giữa Việt Nam với các thành viên TPP có thể cải thiện nhanh chóng, vừa mở rộng, vừa đi vào chiều sâu, tạo thêm nguồn lực cho Việt Nam phát triển trong giai đoạn mới. Bên cạnh đó, TPP sẽ thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang các nước này cũng như các thành viên khác của TPP nhờ những cam kết mở cửa thị trường mạnh hơn, cao hơn so với những cam kết hiện có. Đây là những nhân tố thu hút dòng vồn FDI mới đầu tư vào Việt Nam. Ngoài việc đầu tư vào Việt Nam, các doanh nghiệp này sẽ được hưởng các lợi ích của TPP, nhưng mặt khác việc tham gia TPP còn tạo ra lộ trình cho việc cải thiện môi trường đầu tư.

Chưa thể khẳng định dòng vốn ngoại sẽ chảy mạnh vào thị trường Việt Nam, tuy nhiên việc nới tỷ lệ sở hữu sẽ thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà ĐTNN./.

Theo Báo cáo Kinh tế vĩ mô & Thị trường quý III/2013 của CTCK Bảo Việt

Trọng Đức