Toàn cảnh buổi họp báo

Khởi sắc ở hầu hết các ngành kinh tế

Theo lý giải của TS. Nguyễn Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, thì tăng trưởng kinh tế năm nay khởi sắc ở hầu hết các ngành kinh tế, trong đó quý sau cao hơn quý trước.

Trong mức tăng 6,81% của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đã có sự phục hồi đáng kể với mức tăng 2,90% (cao hơn mức tăng 1,36% của năm 2016), đóng góp 0,44 điểm phần trăm vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,00%, đóng góp 2,77 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 7,44%, đóng góp 2,87 điểm phần trăm.

Làm rõ hơn về động lực tăng trưởng của năm 2017, ông Dương Mạnh Hùng, Vụ Thống kê tài khoản quốc gia đánh giá, điểm đáng chú ý trong tăng trưởng năm này là nhờ hàng loạt dự án lớn có quy mô “tỷ đô” đi vào sản xuất.

“Đà tăng trưởng cao năm 2017 được kích thích nhờ hàng loạt dự án “khủng” của Samsung, Formosa hay Lọc hoá dầu Nghi Sơn đã đi vào sản xuất sau giai đoạn đầu tư”, ông Hùng phát biểu.

Đối với nông nghiệp, điểm sáng của lĩnh vực này là có sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi theo hướng tích cực. Đồng thời, hiệu quả sử dụng từng hecta đất nông nghiệp đã được tăng lên. Việc xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp, thuỷ sản cũng thu được những kết quả khả quan.

Khu vực công nghiệp và xây dựng ghi nhận kết quả phát triển mạnh mẽ mà ngoạn mục nhất phải kể đến ngành chế biến chế tạo. Giá trị của ngành này tăng cao với mức 14,5% giúp cho khu vực công nghiệp tăng khá cao, lên 9,4% so với năm 2016.

Điểm sáng trong ngành chế biến chế tạo là các sản phẩm điện tử, máy tính, quang học với mức tăng 32,7%; sản phẩm kim loại tăng 17,6%; sản phẩm từ cao su, plastic tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu của các sản phẩm này cũng đạt ngưỡng cao.

Ngành sản xuất công nghiệp đã có sự bứt tốc vào cuối năm nếu nhìn vào những gì đã diễn ra trong nửa đầu 2017. Cụ thể, nếu chỉ số công nghiệp 2 quý đầu năm chỉ tăng 6,1% thì trong quý III đã tăng 9,7% và quý IV tăng đột biến 14,4%.

Khu vực dịch vụ vẫn duy trì được mức tăng trưởng cao trong năm 2017. Theo đó, các thành phần của ngành đều có mức phát triển cao hoặc bằng so với năm 2016.

Lượng khách quốc tế cũng đóng góp một phần trong mức tăng GDP của năm với con số kỷ lục gần 13 triệu khách. Mặc dù đóng góp trực tiếp của ngành này tuy nhỏ, nhưng phần lan toả của nó đến các ngành khác như thương mại, vận tải, ngân hàng, khách sạn, vui chơi giải trí là rất lớn.

Bên cạnh đó, hoạt động của ngành ngân hàng, bảo hiểm cũng đạt kết quả rất tốt và ấn tượng. Cụ thể, tổng phương tiện thanh toán tăng 14,19%, huy động vốn từ các tổ chức tín dụng là 14,5% và tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 16,96%.

Đối với bảo hiểm, năm 2017 tiếp tục ghi nhận đà tăng trưởng hai con số của thị trường này với tổng phí bảo hiểm ước đạt 105,6 tỷ đồng tăng 21,2% so vs 2016.

Điều quan trọng, theo ông Hùng là việc sử dụng các yếu tố đầu vào một cách hiệu quả đã giúp cho tăng trưởng kinh tế được cải thiện.

“Động lực của tăng trưởng năm nay nếu đứng về sản xuất thì là xuất khẩu còn về phương pháp sử dụng là tiêu dùng”, ông Hùng đánh giá.

Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,35% so với năm 2016, đóng góp 5,52 điểm phần trăm (trong đó tiêu dùng cuối cùng của hộ dân cư đóng góp 5,04 điểm phần trăm); tích lũy tài sản tăng 9,8%, đóng góp 3,3 điểm phần trăm; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ ở tình trạng nhập siêu làm giảm 2,01 điểm phần trăm của mức tăng trưởng chung.

Vẫn còn nhiều thách thức

Mặc dù tăng trưởng GDP năm 2017 khá ngoạn mục, song theo các chuyên gia của Tổng cục Thống kê, nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với 3 nhóm thách thức trong năm 2018 có thể khiến Việt Nam rơi vào “vòng xoáy” tụt hậu nếu không có giải pháp điều chỉnh căn cơ, kịp thời.

Nhóm thứ nhất xuất phát từ những diên biến bên ngoài như xung đột quốc tế, thời tiết cực đoạn, thất bại của quản trị quốc gia, thất nghiệp, thất bại trong ứng phó với biến đổi khí hậu…

Nhóm thứ hai là mức năng suất lao động của Việt Nam rất thấp và chênh lệch năng suất lao động giữa Việt Nam và các nước tiếp tục gia tăng.

“Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 với sự ra đời và áp dụng công nghệ mới, kết hợp kiến thức trong các lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số, sinh học... tạo ra xu hướng tự động hóa và trao đổi dữ liệu trong công nghệ sản xuất là thách thức vô cùng lớn, với nguy cơ tụt hậu mãi đối với những nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình như Việt Nam”, ông Lâm nhấn mạnh. Đây là nhóm thách thức thứ 3 đối với kinh tế Việt Nam.

7 giải pháp cần thực hiện năm 2018

Trên cơ sở đánh giá các thách thức trên, cơ quan thống kê trung ương cho rằng, Việt Nam cần tập trung vào 7 giải pháp kịp thời ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2018 để hướng tới mục tiêu tăng trưởng 6,5-6,7%.

Một là, cùng với tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, nâng cao hiệu quả quản trị nhà nước, cần xác định việc tạo lập và thực thi chính sách nhằm nâng cao năng suất lao động là giải pháp quan trọng hàng đầu trong nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng trưởng bền vững của nền kinh tế.

Hai là, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt góp phần ổn định thị trường tiền tệ, hỗ trợ tăng trưởng và kiểm soát lạm phát.

Ba là, tăng cường kỷ luật tài chính, thực hiện nghiêm các luật thuế, phí và lệ phí; cải cách thủ tục hành chính về thuế; đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời.

Bốn là, triển khai nhanh công tác phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư công. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn này ngay từ những tháng đầu năm, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm đảm bảo việc sử dụng nguồn vốn đầu tư công cũng như có giải pháp khuyến khích đầu tư của khu vực tư nhân trở thành động lực tăng trưởng của nền kinh tế trong những năm tới.

Năm là, tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Sáu là, đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; công nghiệp chế biến sâu, phục vụ nông nghiệp; công nghiệp sản xuất nguyên liệu đầu vào cung cấp cho các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài và gắn với liên kết chuỗi giá trị của các tập đoàn đa quốc gia.

Bảy là, khuyến khích nhu cầu tiêu dùng trong nước, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa trong nước đối với hàng nhập khẩu, góp phần duy trì tăng trưởng công nghiệp chế biến, chế tạo; đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tăng cường xuất khẩu./.