Tham nhũng vẫn chưa có dấu hiệu giảm

Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013 trước Quốc hội, sáng ngày 22/10, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, hoạt động thanh tra phát hiện vi phạm hơn 12.600 tỷ đồng, 1.438 ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách Nhà nước hơn 5.000 tỷ đồng và 1.374 ha đất. Kết quả thu hồi cụ thể được 2.390 tỷ đồng, 18,2 ha đất, xử phạt vi phạm hành chính 324,7 tỷ đồng. Đồng thời, ngành cũng kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 550 tập thể, 1.051 cá nhân.

Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính trong năm 2012 đối với niên độ ngân sách 2011 là 14.710,8 tỷ đồng, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền tổ chức kiểm điểm, xem xét trách nhiệm để xử lý đối với 27 cá nhân; chuyển bảy hồ sơ vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra, cơ quan thanh tra.

Riêng về tham nhũng, trong năm 2013, ngành thanh tra phát hiện 80 vụ, 90 đối tượng có hành vi liên quan với số tiền 117,5 tỷ đồng; đã thu hồi 59 tỷ đồng, kiến nghị xử lý hành chính đối với bốn tập thể, 28 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra hình sự 11 vụ, 34 đối tượng.

Tuy nhiên, ông Tranh cũng thừa nhận, tình trạng sách nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà ở một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức đã và đang gây bức xúc trong dư luận xã hội. Tham nhũng, lãng phí trong quản lý vốn và tài sản tại một số doanh nghiệp nhà nước đã gây thiệt hại lớn về kinh tế và gây bất bình trong xã hội.

Vẫn còn tình trạng lợi dụng các quy định của pháp luật chưa chặt chẽ để xử lý hành vi tham nhũng bằng biện pháp kỷ luật hành chính, hoặc áp dụng nhiều tình tiết giảm nhẹ để xử dưới khung hình phạt hoặc hưởng án treo, phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ.

Lý giải về những tồn tại này, Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh cho rằng, một số cơ quan, đơn vị, người đứng đầu chưa quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình ở nhiều nơi bị buông lỏng. Việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ở một số nơi chưa tốt; kỷ cương, kỷ luật không nghiêm, có biểu hiện nói không đi đôi với làm, hoặc làm chiếu lệ.

Bên cạnh đó, một số quy định của pháp luật liên quan tới phát hiện, xử lý tham nhũng còn khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện. Các văn bản quy phạm pháp luật về PCTN có nhiều quy định mang tính hình thức, thiếu tính khả thi, thiếu những giải pháp có tính đột phá; mô hình, tổ chức các cơ quan chuyên trách chống tham nhũng chưa hợp lý và đủ mạnh.

“Công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng có tiến bộ, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu đã và đang làm giảm lòng tin của nhân dân đối với công tác này”, ông Tranh chỉ rõ.

Không có điểm mới, khó có giải pháp hữu hiệu

Đánh giá về Báo cáo Công tác phòng chống tham nhũng năm 2013 của Thanh tra Chính phủ, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cho là “quá nhẹ, chưa phản ánh hết thực trạng tham nhũng đang diễn ra nhức nhối”.

Còn Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng: “Năm nào cũng thấy đánh giá: “Tình hình tham nhũng ngày càng tinh vi phức tạp”. Nghe lắm “nhàm tai” vì nếu cứ đánh giá, nhận định gay gắt, trong khi tham nhũng phát hiện ít hơn thực tế rất nhiều, số vụ việc tham nhũng bị phát hiện xử lý hình sự quá ít khiến người dân mất lòng tin”.

Dẫn ra các trưởng hợp cụ thể vụ tố cáo tham nhũng tại Bệnh viện đa khoa huyện Hoài Đức và Trung tâm Y tế huyện Thăng Bình, ông Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội chua xót: tham nhũng nhiều lại phát hiện quá ít, còn chế độ đãi ngộ đối với người tố cáo tham nhũng… “như trò đùa”!

Nguyên nhân là do các biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn hình thức. Cụ thể:

Trong thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, chưa có cơ chế khả thi để kiểm soát tính chính xác của việc kê khai tài sản; chưa có biện pháp xử lý đối với tài sản có giá trị lớn tăng lên bất thường mà người kê khai không chứng minh được tính minh bạch, hợp pháp của tài sản tăng thêm. Việc kê khai tài sản, thu nhập mới chỉ dựa vào sự tự giác; việc công khai bản kê khai tài sản, thu nhập tại nơi cán bộ, công chức thường xuyên công tác chưa được thực hiện đồng bộ hoặc phát huy tác dụng. Cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan rất khó biết thực tế số lượng tài sản của người có chức vụ, quyền hạn.

“Điển hình như, một số lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công ích nhận lương tiền tỷ mỗi năm, có nơi đến 2,6 tỷ đồng/người/năm và kéo dài nhiều năm, nhưng công tác kê khai, minh bạch tài sản không phát hiện được - điều này cho thấy tính hình thức của biện pháp này”, ông Hiện khẳng định.

Xử lý trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị xảy ra tham nhũng còn lúng túng, có biểu hiện không nghiêm minh. Mặc dù số lượng các vụ án tham nhũng năm nay được phát hiện, xử lý tăng nhưng việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng lại giảm 14% so với cùng kỳ năm trước; mới chỉ xử lý trách nhiệm một số trường hợp người đứng đầu có liên đới hoặc đồng phạm với người có hành vi tham nhũng; một số nơi cấp ủy, chính quyền địa phương còn nể nang trong việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng.

Hơn nữa, phát hiện hành vi tham nhũng qua công tác thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn còn yếu và là hạn chế đã kéo dài nhiều năm, nhưng khắc phục rất chậm.

“Ở hầu hết các địa phương mà cơ quan này tiến hành giám sát, khảo sát, số vụ phát hiện và xử lý chưa tương xứng với tình hình tham nhũng đang diễn ra. Số tiền, tài sản sai phạm có liên quan đến tham nhũng phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm toán lớn, nhưng kiến nghị thu hồi khoảng hơn 40%. Số thu hồi được còn thấp hơn nữa, đạt dưới 50% khoản tiền, tài sản kiến nghị thu hồi. Có một số địa phương trong hơn hai năm thực hiện 804 cuộc thanh tra, nhưng chỉ phát hiện một, hai vụ tham nhũng nhỏ và kiến nghị xử lý kỷ luật, hành chính”, ông Hiện dẫn chứng.

Trước thực trạng trên, Ủy ban Tư pháp kiến nghị, cần tập trung lực lượng hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật, khắc phục những sơ hở trong quản lý kinh tế, xã hội, nhất là trong các lĩnh vực nhạy cảm dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực. Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế theo hướng tăng thẩm quyền, trách nhiệm và tính độc lập của cơ quan thanh tra, kiểm toán trong phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng.