Nhiều kết quả đáng khích lệ

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, so với đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2013 chỉ tăng 4,63% trong khi trong 4 năm gần đây, mức tăng CPI trong 9 tháng đầu năm tăng dao động từ 6,02% đến 16,63%.

Trong 3 tháng còn lại của năm 2013, theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tốc độ tăng CPI có thể tăng cao hơn những tháng đầu năm do tác động bởi một số yếu tố như tăng giá điện, than, xăng dầu; giá dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục… đặc biệt là chịu ảnh hưởng nặng nề của 2 trận bão vừa qua, nhưng CPI chỉ tăng khoảng 7%, thấp hơn 1 điểm phần trăm so với mục tiêu đã được Quốc hội đặt ra.

Bên cạnh việc kiểm soát được lạm phát, báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội trước Quốc hội tại Kỳ họp lần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho biết, tổng phương tiện thanh toán và dư nợ tín dụng được kiểm soát phù hợp với mục tiêu kìm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm tăng trưởng ở mức hợp lý. Lãi suất trong 9 tháng đầu năm nhìn chung đã được điều hành theo diễn biến kinh tế vĩ mô và biến động của lạm phát.

Theo Báo cáo của Chính phủ, đến nay, mặt bằng lãi suất huy động đã giảm 2-3 điểm phần trăm và lãi suất cho vay giảm 3-5 điểm phần trăm so với đầu năm. Dư nợ tín dụng trong 9 tháng đầu năm ước tăng 6,64%, cao hơn nhiều so với mức tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2012.

Trong 3 tháng cuối năm, dự báo dư nợ tín dụng có thể tăng nhanh hơn do tác động của các giải pháp tăng tổng cầu và các biện pháp khơi thông tín dụng được triển khai, như: tăng phát hành trái phiếu chính phủ cho các công trình giao thông, thủy lợi; Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng đi vào hoạt động sẽ giúp giải quyết nợ xấu, đẩy nhanh vốn ra nền kinh tế; chương trình cho vay tín dụng hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn, nhà ở xã hội được đẩy mạnh...

Hoạt động xuất-nhập khẩu là một trong những điểm sáng của nền kinh tế trong 9 tháng đầu năm với kim ngạch xuất khẩu đạt 96,5 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2012, trong bối cảnh xuất khẩu tài nguyên giảm cả về lượng lẫn kim ngạch như dầu thô giảm gần 9% về lượng và 11,8% về kim ngạch; than đá giảm hơn 12% về lượng và 25,3% về kim ngạch… Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu cũng đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng với 96,6 tỷ USD trong, tăng 15,5% so với cùng kỳ.

Dự báo, kim ngạch xuất khẩu cả năm sẽ đạt 131 tỷ USD, tăng 14,4% so với năm 2012; nhập khẩu đạt 131,5 tỷ USD, tăng 15,6%.

Môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới và thực hiện năm sau cao hơn năm trước, chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và đã tập trung hơn vào công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao. 9 tháng, vốn FDI đăng ký tăng 36,1%, vốn thực hiện tăng 6,4%; Vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) ký kết tăng 8,83%, giải ngân tăng 8,68%. Cùng với các nguồn vốn khác đang được huy động, tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2013 ước đạt 29,1% GDP. Chất lượng tăng trưởng có bước được nâng lên. Vốn đầu tư được sử dụng hiệu quả hơn. Hệ số ICOR giảm từ 6,7 giai đoạn 2008 - 2010 xuống còn 5,53 giai đoạn 2011 - 2013.

Nhiều chỉ tiêu khó đạt

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ rõ, bên cạnh những thành quả đạt được, đất nước cũng đang đứng trước nhiều thách thức.

Cụ thể, kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc. Hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Nợ xấu chưa được giải quyết cơ bản. Việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn. Thị tường và sức mua tuy đã được cải thiện nhưng còn yếu…

Với những khó khăn chồng chất, năm 2013 có 4 chỉ tiêu khó có khả năng đạt kế hoạch và cũng đều là chỉ tiêu quan trọng là tăng trưởng GDP, vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, tạo việc làm và tăng trưởng dư nợ tín dụng.

Bội chi ngân sách khó giữ được ở mức 4,8% GDP và thu ngân sách cũng rất khó cán đích cùng lượng doanh nghiệp giải thể, phá sản, ngừng hoạt động trong 8 tháng đầu năm đã lên đến con số 41.840.

Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế cũng cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 3 năm 2011 - 2013 dự kiến sẽ chỉ đạt 5,6%/năm, là mức thấp nhất trong 13 năm trở lại đây, thấp xa so với chỉ tiêu tăng trưởng bình quân theo kế hoạch (6,5 - 7%).

“Trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta chậm lại thì một số nước trong khu vực ASEAN đã có sự cải thiện rõ rệt”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu thẳng thắn.

Bội chi ngân sách giảm từ mức 4,9% GDP năm 2011 xuống 4,8% GDP năm 2012 và dự kiến năm 2013 tăng lên 5,3% GDP; ước thực hiện cả năm hụt thu cân đối ngân sách 59.430 tỷ đồng, dự báo 2014 có khả năng sẽ hụt thu ở mức cao hơn nên khó đạt chỉ tiêu đến năm 2015 bội chi ngân sách kể cả trái phiếu Chính phủ dưới 4,5% GDP theo Nghị quyết Quốc hội.

“Kinh tế vĩ mô chưa có các yếu tố bền vững. Nền kinh tế đứng trước thách thức một mặt phải sớm chấm dứt sự can thiệp của Nhà nước bằng công cụ hành chính để tránh méo mó các chính sách (điều hành giá điện, xăng dầu, học phí, viện phí…) và phân bổ nguồn lực; mặt khác những khó khăn kinh tế vĩ mô khiến áp lực lạm phát tăng cao luôn tiềm ẩn và mỗi lần điều chỉnh về lộ trình và liều lượng giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá sẽ gây nên những tác động đến kinh tế vĩ mô, ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý thị trường, tác động xấu đến an sinh xã hội”, thay mặt Ủy ban Kinh tế, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu chỉ rõ.

Kế hoạch và dự kiến đạt một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2013

Chỉ tiêu kinh tế - xã hội

Kế hoạch

Dự kiến đạt

Tốc độ tăng GDP

5,5%

5,4%

Kim ngạch xuất khẩu

10%

14,4%

Nhập siêu/kim ngạch xuất khẩu

8%

0,4%

Bội chi ngân sách

4,8% GDP

5,3% GDP

CPI

8%

7%

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội

30% GDP

29,1% GDP

Tỷ lệ hộ nghèo giảm

1,8 - 2%

2%

Tạo việc làm mới

1,6 triệu người

1,54 triệu người

Thất nghiệp ở thành thị

4%

3,48%

Lao động qua đào tạo

49%

49%