Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Nhiều công việc quan trọng được thực hiện trong năm 2017

Báo cáo tại Hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, năm 2017, ngành Thống kê đã biên soạn và phổ biến kịp thời các Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội phục vụ các phiên họp thường kỳ của Chính phủ, của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các ấn phẩm thống kê phục vụ Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các ngành, các cấp trong quản lý, chỉ đạo, điều hành nền kinh tế - xã hội, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu của các đối tượng dùng tin trong và ngoài nước.

Tổng cục Thống kê đã xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế từng quý năm 2017 và đề xuất các giải pháp báo cáo Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ làm căn cứ để chỉ đạo, điều hành nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017.

Đặc biệt, Tổng cục Thống kê đã phối hợp tốt với các bộ để điều chỉnh giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý như xăng, dầu, điện, dịch vụ y tế, giáo dục phù hợp với thực tiễn tiệm cận dần với giá thị trường, đồng thời vẫn bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới mức Quốc hội đề ra (tăng dưới 4%).

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, trong năm 2017, toàn ngành đã thực hiện 1 cuộc tổng điều tra và 28 cuộc điều tra thống kê lớn, quan trọng trong kế hoạch, trong đó có cuộc tổng điều tra kinh tế.

Tổng điều tra kinh tế năm 2017 lần đầu tiên thu thập thông tin về hoạt động gia công hàng hóa cho nước ngoài của các doanh nghiệp, của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.

Cũng trong năm 2017, Tổng cục đã hoàn thành cuộc điều tra khảo sát mức sống dân cư. Đây là cuộc điều tra khó, phức tạp, do nội dung nhiều, thông tin lại hồi tưởng nên trong quá trình triển khai công tác kiểm tra, giám sát được đặc biệt chú trọng. Tổng cục Thống kê đã tổ chức nhiều đoàn đi kiểm tra, giám sát các Cục Thống kê. Từ kết quả điều tra của các kỳ, Tổng cục Thống kê đã ước tính kịp thời tỷ lệ nghèo và tỷ lệ nghèo đa chiều năm 2017.

Để phục vụ công tác dự báo, Tổng cục đã thành lập Tổ phân tích và dự báo thống kê.

Năm qua Tổ phân tích và dự báo thống kê đã có những hoạt động cụ thể như: xác định công cụ phần mềm sử dụng trong công tác phân tích dự báo; xây dựng kế hoạch phân tích và dự báo năm 2018; phối hợp với các đơn vị thực hiện các báo cáo chuyên sâu phục vụ báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2017; tổ chức đào tạo kiến thức kinh tế vĩ mô và phương pháp dự báo định lượng; phân công các thành viên trong tổ tham dự các khóa đào tạo, hội thảo ở nước ngoài về phân tích và dự báo thống kê...

Tổng cục Thống kê đã thành lập Tổ công tác thực hiện biên soạn GRDP; đã xây dựng, cài đặt và triển khai phần mềm biên soạn số liệu GDP toàn quốc và tính GRDP cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo đúng kế hoạch; đã ban hành biểu mẫu và hướng dẫn các đơn vị thực hiện rà soát số liệu GRDP chính thức 6 tháng đầu năm 2015, sơ bộ 6 tháng đầu năm 2016; rà soát số liệu GRDP chính thức năm 2015 và sơ bộ năm 2016; đã công bố kịp thời số liệu sơ bộ GRDP 6 tháng đầu năm 2017 và số liệu ước tính GRDP cả năm 2017 cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Các chương trình phần mềm tin học chuyên ngành về nhập tin, xử lý các cuộc điều tra được cập nhật thường xuyên và sử dụng tương đối hiệu quả. Năm 2017, Tổng cục Thống kê áp dụng công nghệ nhận dạng ký tự thông minh trong xử lý kết quả Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016 nên đã hạn chế được sai sót do người nhập tin và rút ngắn thời gian xử lý so với cách nhập tin truyền thống.

Tổng cục Thống kê đã thành lập Tổ công tác thực hiện biên soạn GRDP; đã xây dựng, cài đặt và triển khai phần mềm biên soạn số liệu GDP toàn quốc và GRDP cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo đúng kế hoạch.

Năm 2018, ông Nguyễn Bích Lâm khẳng định, Tổng cục Thống kê sẽ tiếp tục nghiên cứu và cải tiến các phương án điều tra phù hợp với tình hình thực tế, tập trung vào nghiên cứu cải tiến phương án điều tra doanh nghiệp theo hướng tăng cường sử dụng dữ liệu thuế. Nghiên cứu phương pháp luận và chuẩn bị cho việc chuyển đổi năm gốc so sánh từ năm 2010 sang năm 2020.

Để số liệu thống kê thực sự là con số biết nói

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng đánh giá cao kết quả đạt được và nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống thống kê. Nhìn lại năm 2017, lần đầu tiên chúng ta có kịch bản tăng trưởng hàng quý. Thủ tướng cho biết, khi quý I/2017 tăng trưởng chỉ đạt thấp, 5,15%, nhiều người khuyến nghị nên điều chỉnh chỉ tiêu. Khi đó, Thủ tướng đã yêu cầu Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cùng với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra các kịch bản tăng trưởng của quý II, III và IV, làm rõ các sản phẩm chủ lực, các lĩnh vực cần tăng trưởng để chỉ đạo, quy trách nhiệm cá nhân của các bộ trưởng, trưởng các đơn vị, các địa phương.

Thủ tướng cho rằng, đây là bài học kinh nghiệm quý của ngành thống kê. Hằng tháng, Tổng cục Thống kê có báo cáo cụ thể số liệu, tình hình kinh tế xã hội chính xác từng lĩnh vực, sản phẩm chủ đạo, qua đó, giúp Thủ tướng đánh giá được thực chất hoạt động của từng ngành, có chỉ đạo cụ thể với từng bộ trưởng, trưởng ngành tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ. Với số liệu đầu vào như thế, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo sát sao, chính xác đối với từng thành viên Chính phủ.

Thủ tướng khẳng định, Chính phủ luôn tôn trọng tính trung thực, khách quan của số liệu thống kê và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh vững vàng về chuyên môn nghiệp vụ và ý thức chấp hành pháp luật của đội ngũ làm công tác thống kê, bảo đảm tốt nguyên tắc cơ bản đầu tiên trong hoạt động thống kê Nhà nước: Trung thực, khách quan, chính xác, đầy đủ, kịp thời, thực hiện đúng Luật Thống kê.

“Chúng ta không chạy theo thành tích để đưa ra số liệu không cơ bản, mà chúng ta biết hệ thống số liệu chằng chịt, bổ sung lẫn nhau chứ không phải anh muốn tăng là được”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh yêu cầu về tính trung thực trong thống kê. Chính phủ không chạy theo thành tích và yêu cầu thống kê làm đúng quy định của pháp luật.

“Không có ông Thủ tướng, Bộ trưởng, Chủ tịch nào yêu cầu đưa số liệu lên mà không có cơ sở khoa học”, Thủ tướng khẳng định và đánh giá cao Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê thẳng thắn, ngay thẳng, không sợ sệt bất cứ điều gì trong thể hiện số liệu thống kê.

Tổng cục Thống kê đã tiếp tục đổi mới phương pháp, cách thức tiếp cận, tính toán và công bố số liệu GDP cấp tỉnh, đáp ứng yêu cầu kịp thời, quản lý, chỉ đạo điều hành của các cấp, các ngành, đã loại bớt sự chồng lấn, góp phần giảm chênh lệch số liệu giữa địa phương và cả nước, khắc phục bệnh thành tích ở địa phương.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra một số tồn tại của hoạt động thống kê. Trong đó, công tác kiểm tra giám sát tuyên truyền phổ biến số liệu thống kê còn nhiều vấn đề; Sản phẩm thống kê còn đơn điệu; Hợp tác quốc tế, đào tạo cán bộ chuyên gia thống kê còn hạn chế; Hiện thống kê số lượng tăng trưởng đã tốt, nhưng cần chú ý hơn về các chỉ tiêu về chất lượng tăng trưởng như vấn đề môi trường, năng suất lao động…

“Chúng ta còn bỏ sót lớn giá trị GDP. Kinh tế không chính thức của Việt Nam còn rất lớn. Đây là khâu mà các đồng chí cần khắc phục. Tôi cũng nhấn mạnh với các đồng chí nhiều lần, tại hội nghị này chúng tôi cũng muốn nói, đó là người ta nói chúng ta bỏ ít nhất 20% trên tổng GDP về kinh tế không chính thức. Vì chúng ta không có chế độ quản lý chặt chẽ từ dưới lên trên, không ai thống kê chính xác từ dưới cơ sở. Cho nên GDP cũng mất mà thuế cũng mất rất lớn” – Thủ tướng cho biết.

Thủ tướng trao Cờ thi đua của Chính phủ cho các đơn vị của ngành thống kê. Ảnh VGP/Quang Hiếu

Nhấn mạnh Chính phủ đã ban hành Nghị định 01 với phương châm hành động “10 chữ” (Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả), Thủ tướng đặt vấn đề: Ngành thống kê cần làm gì để thực hiện phương châm “10 chữ” này và nêu rõ: Thủ tướng, Chính phủ cần một kịch bản tăng trưởng rõ nét để điều hành như kinh nghiệm năm 2017.

Với vai trò sứ mệnh quan trọng, ngành thống kê cần nâng cao chất lượng công tác thống kê, phục vụ tốt hơn sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong năm 2018. Nâng cao chất lượng số liệu thống kê để tiến tới phân tích, đánh giá, hoạch địch chính sách, số liệu nào chính sách đó, có đánh giá, dự báo.

Số liệu thống kê của ngành là chính thống, tin cậy và không để sai sót xảy ra. Toàn ngành thống kê thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo: Thông tin phải trung thực, khách quan, chính xác, kịp thời và minh bạch. Nghiên cứu áp dụng chuẩn mực quốc tế, chuẩn hóa quy trình, ứng dụng công nghệ hiện đại. Quan tâm hơn nữa đến phân tích, đánh giá số liệu thống kê để số liệu thống kê thực sự là con số biết nói.

Ngành thống kê phải có báo cáo, đánh giá sâu về tình hình thế giới. Do đó, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê có thể đề xuất gặp Thủ tướng khi cần thiết, thông tin về những vấn đề quốc tế và trong nước đặt ra để kịp thời chỉ đạo, điều hành, không để lâm vào bị động, bất ngờ. Cần tập trung nghiên cứu, áp dụng phương pháp thống kê mới, tiên tiến, phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Tiếp tục thực hiện tốt các đề án của ngành, trong đó có nhiệm vụ thống kê GDP của các địa phương, tránh trùng lắp, sai số quá lớn giữa địa phương và số liệu chung của cả nước. Cần lưu ý thực hiện nhiệm vụ rà soát phạm vi, phương pháp tính toán GDP, trong đó có các khu vực kinh tế phi chính thức, chưa quan sát được để sớm có số liệu GDP phản ánh sát hơn với thực tế đất nước.

Nhấn mạnh tinh thần phát triển nhanh, bền vững, chắc chắn, có cơ sở khoa học, “một con hổ kinh tế” chứ đừng là con hổ giấy, Thủ tướng nêu rõ, những con số biết nói để làm kịch bản và chiến lược cho phát triển cho từng địa phương, cho cả quốc gia là rất quan trọng.

Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng đã trao Huân chương Lao động các hạng cho các tập thể, cá nhân ngành thống kê./.