Toàn cảnh hội thảo

Năm 2017: Dấu ấn rõ nét của điều hành và cải cách thể chế

Điểm lại tình hình kinh tế Việt Nam năm 2017, ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Ban Chính sách Kinh tế vĩ mô (CIEM) cho rằng, năm 2017 được đánh giá là năm tương đối thành công của kinh tế Việt Nam, tăng trưởng kinh tế năm 2017 đạt 6,81%, cao hơn mức mục tiêu được đặt ra từ đầu năm.

“Đó là kết quả của sự nỗ lực cao của Chính phủ”, ông Dương nhận định.

Chính phủ nhất quán với ưu tiên tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm huy động tối đa nguồn lực cho phát triển, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh thông qua các giải pháp có chiều sâu, quyết liệt hơn. Đồng thời, Chính phủ vẫn kiên định với ưu tiên ổnđịnh kinh tế vĩ mô, nhằm tạo môi trường ổn định cho cải cách thể chế kinh tế ở vi mô.

GDP tăng 6,81% trong năm 2017, vượt nhiều dự báo và vượt mục tiêu đặt ra. GDP quý IV tăng ở mức cao (7,65%). Đà phục hồi tăng trưởng trong quý III-IV có một phần quan trọng từ những nỗ lực thực chất nhằm cải cách thể chế kinh tế nói chung và môi trường kinh doanh nói riêng.

Chất lượng tăng trưởng ít nhiều được cải thiện nhìn từ hiệu quả sử dụng vốn, xuất khẩu và chất lượng tín dụng. Tăng trưởng GDP đã vượt mức tiềm năng trong các quý II-IV. Tăng chi tiêu dùng và đầu tư là những nhân tố đóng góp chính vào mức tăng trưởng chung.

Trong bức tranh chung của nền kinh tế, khu vực công nghiệp - xây dựng đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, tăng 7,85%. Chỉ số phát triển công nghiệp toàn ngành tăng 9,4%. IIP của ngành chế biến chế tạo, tăng trưởng đến 20% trong những tháng cuối năm. Niềm tin của khu vực sản xuất của Việt Nam tiếp tục được cải thiện.

Khu vực nông-lâm nghiệp và thủy sản thể hiện sức bật tốt hơn, tăng 2,9%, chủ yếu nhờ: (i) chuyển biến trong tái cơ cấu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và tăng cơ giới hóa; (ii) khai thác tốt hơn những ngành hàng chủ lực và tìm cách thích ứng với thị trường, và (iii) nỗ lực cắt giảm chi phí chính sách liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm.

Khu vực dịch vụ tiếp tục tăng trưởng ổn định, đạt 7,4%. Ngành kinh doanh bất động sản và du lịch có nhiều tiến bộ và tăng trưởng ở mức khá. Cơ cấu các ngành kinh tế biến động nhẹ. Tín dụng tăng trưởng đạt 18,17% và có sự ổn định. Thu hút FDI đạt gần 36 tỷ USD...

Năm 2017 chứng kiến kỷ lục về số doanh nghiệp thành lập mới, tăng 15,2%, với vốn đăng ký bình quân đạt 10,2 tỷ đồng, tăng 26,2%.

Tuy nhiên, không phải mọi sự đều lạc quan. Mặc dù các doanh nghiệp ngành chế biến chế tạo đánh giá lạc quan hơn vào tình hình sản xuất kinh doanh, nhưng sức khỏe của các doanh nghiệp vẫn chưa được cải thiện đáng kể do số doanh nghiệp đã giải thể hoặc ngừng hoạt động vẫn vượt so với số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.

Năng suất lao động xã hội của toàn nền kinh tế năm 2017 đạt 93,2 triệu đồng/lao động, tuy nhiên vẫn thấp so với nhiều nước trong khu vực.Chênh lệch về năng suất lao động giữa Việt Nam với các nước tiếp tục gia tăng.

Lạm phát tiếp tục là điểm sáng khi CPI bình quân năm 2017 tăng 3,53%. Lạm phát cơ bản bình quân có xu hướng giảm và ở mức thấp, đạt 1,41%, chủ yếu do: (i) giá thế giới không tăng mạnh; (ii) giá của nhiều mặt hàng quan trọng do Nhà nước quản lý giá được điều hành chặt chẽ, hợp lý; và (iii) xử lý hiệu quả dòng vốn đầu tư vào Việt Nam để đồng thời ổn định tỷ giá và kiềm chế tổng phương tiện thanh toán.

Tăng trưởng GDP năm 2018 ước đạt 6,58%

Kết quả dự báo cho thấy, tăng trưởng kinh tế năm 2018 ước đạt 6,58%. Tăng trưởng xuất khẩu dự báo ở mức 9,4%. Thặng dư thương mại ở mức 1,1 tỷ USD. Mức tăng giá tiêu dùng (bình quân năm 2018 so với bình quân năm 2017) là khoảng 3,74%.

Ông Dương chỉ rõ, Việt Nam bước vào năm 2018 với ít nhiều hứng khởi. Kết quả kinh tế - xã hội tương đối ấn tượng trong năm 2017 đã giúp củng cố niềm tin vào cải cách thể chế kinh tế nói chung và môi trường kinh doanh nói riêng.

Thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế vẫn là một yêu cầu quan trọng đối với Việt Nam. Tuy nhiên, lợi ích từ hội nhập khó có thể được hiện thực hóa nếu Việt Nam không được công nhận quy chế kinh tế thị trường đầy đủ.

“Vận động các đối tác công nhận có vai trò quan trọng, song sẽ có ý nghĩa hơn nếu nền tảng kinh tế thị trường thực sự được tôn trọng và củng cố”, ông Dương nhấn mạnh.

Bất định của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, ngược lại, là cơ hội tốt để minh chứng quyết tâm cải cách ở Việt Nam.

Song, vẫn còn nhiều điểm đáng lo

Giải thích vì sao tăng trưởng 2018 thấp hơn 2017, ông Nguyễn Anh Dương cho biết, diễn biến kinh tế vĩ mô trong năm 2018 có thể chịu ảnh hưởng của một số yếu tố, như:

(i) Quá trình phục hồi tăng trưởng của kinh tế thế giới ít nhiều còn bất định; (ii) Tự do hóa thương mại đa phương gặp nhiều thách thức, do xu hướng bảo hộ và cách tiếp cận thương mại song phương dần phổ biến hơn; trả đũa thương mại giữa các nền kinh tế lớn có thể diễn biến phức tạp;

(iii) Việt Nam có thể phải phòng ngừa rủi ro dòng vốn nước ngoài đảo chiều, gây áp lực đối với tỷ giá và cán cân thanh toán;

(iv) Rủi ro tụt hậu về công nghệ sẽ lớn hơn nếu Việt Nam không có các hành động cụ thể nhằm đón đầu cơ hội và xử lý thách thức từ cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ tư;

(v) Khả năng chống chịu trước các cú sốc bất lợi ổn định kinh tế vĩ mô phụ thuộc chủ yếu vào dư địa chính sách tiền tệ, độ quyết liệt trong ứng phó của Việt Nam, gắn với năng lực dự báo và biện pháp ứng xử trong các kịch bản cụ thể.

Yếu tố thứ 5 nhận được sự đồng tình của nhiều chuyên gia. TS. Lê Đình Ân - Nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia cũng chỉ rõ, "mức tăng trưởng kinh tế năm 2017 chưa tạo được yếu tố bền vững cho năm 2018".

Còn chuyên gia Phạm Chi Lan thì lưu ý tới quy luật chu kỳ 10 năm của nền kinh tế liệu được lặp lại? Các cú sốc nền kinh tế năm 2018-2019 có trở lại như chu kỳ 2008 - 2009 hay không?

"Năm 2017 tôi vẫn lo ngại về thành tích xuất khẩu. Tôi rất sợ nói Việt Nam đã xuất siêu, Hàn Quốc bao nhiêu năm người ta mới nói họ là nước xuất khẩu. Tuy nhiên, Việt Nam xuất khẩu xuất phát từ làm gia công, công nghiệp phụ trợ chưa đóng góp được ngành công nghiệp trong nước. Nhất là thành tích đó nằm trong tay nhà đầu tư nước ngoài", vị chuyên gia này quan ngại..

Bà Lan chỉ rõ, ở một số nước, tính xuất khẩu 50% giá trị gia tăng là của nước nào thì mới tính cho đất nước đó.

Vì thế, “Việt Nam làm gia công 70% cho bên ngoài nên chúng ta được xem là xuất khẩu hộ. Chúng ta cần hiểu rõ vấn đề này để không bị chạy theo thành tích ảo, không thực chất của nền kinh tế”, chuyên gia Phạm Chi Lan nhấn mạnh.

Để có thể đảm bảo nhịp tăng trưởng năm 2018, thay mặt nhóm nghiên cứu của CIEM, ông Nguyễn Anh Dương nhấn mạnh lại thông điệp về việc ưu tiên chính sách cần tiếp tục tập trung vào cải thiện nền tảng kinh tế vi mô và đổi mới hệ thống thể chế kinh tế cho một nền kinh tế thị trường hiện đại./.