Nhân dịp đầu Xuân mới, phóng viên Tạp chí Kinh tế và Dự báo đã có buổi trao đổi ngắn với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng về những thành quả đạt được năm 2017 và một vài dự báo tình hình kinh tế Việt Nam 2018.


Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Vì sao lại là một năm đầy xúc cảm?

PV: Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2017 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2018 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng đã có những phút “trải lòng” về những cung bậc cảm xúc của mình khi theo dõi diễn biến kinh tế năm 2017. Đó là lo lắng, căng thẳng, hồi hộp và cuối cùng là vỡ oà trong cảm xúc vui mừng khi 13 chỉ tiêu đều đạt và nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra. Vì sao lại có những cảm xúc đan xen mãnh liệt như vậy, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Năm 2017 có thể coi là một trong những năm đặc biệt nhất trong chặng đường đổi mới và phát triển của đất nước, khi mà nhiều kỷ lục đã được xác lập, như tăng trưởng GDP đạt 6,81% - cao nhất từ năm 2011 trở lại đây, xuất nhập khẩu vượt ngưỡng 400 tỷ USD, vốn đầu tư nước ngoài đạt gần 36 tỷ USD, thành lập mới doanh nghiệp cũng đạt kỷ lục, gần 127.000 doanh nghiệp…

Có thể nói, năm 2017 là một năm thành công của cả nền kinh tế. Thành tựu năm 2017 sẽ tạo đà để đất nước bước vào chặng đường phát triển mới. Bởi, chúng ta đã đạt được những kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại…

Còn nói về thành tựu, thành tựu nổi bật nhất là cả 13/13 chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch, tạo đà thuận lợi để hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu của Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, Kế hoạch 5 năm 2016-2020 và Chiến lược 10 năm 2011-2020.

Thành tựu có ý nghĩa thiết thực nhất là tầm vóc, vị thế và uy tín của đất nước được nâng lên một tầm cao mới; cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao sự phát triển vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam, cũng như vai trò, trách nhiệm của Việt Nam trong hội nhập và trong thực hiện các cam kết quốc tế. Việt Nam đã thực sự lớn mạnh, không còn là một nước nhỏ, kém phát triển, có thể tham gia những sân chơi mới của thế giới, vừa làm cho đất nước phát triển, vừa đóng góp vào sự ổn định và thịnh vượng chung của thế giới và khu vực.

Và, thành tựu quan trọng nhất trong năm qua, theo tôi, đó là niềm tin trong nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp vào đường lối của Đảng, Nhà nước và tương lai phát triển của đất nước được củng cố mạnh mẽ; kỷ luật, kỷ cương ngày càng được tăng cường.

Những thành tựu này đạt được trong năm 2017 mang lại một cảm xúc rất khó tả, có thể nói là vỡ òa trong cảm xúc vui mừng. Vì, chắc bạn còn nhớ, chỉ mấy tháng trước đó, rất nhiều chuyên gia, rất nhiều ý kiến cho rằng, năm 2017 không thể đạt được mức tăng trưởng 6,7% như kế hoạch đặt ra.

Còn nhớ, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 03/2017, trong khi có nhiều ý kiến về việc Chính phủ nên điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vẫn kiên định mục tiêu ấy, cho dù vẫn không khỏi lo lắng về những sức ép đang đè nặng lên nền kinh tế. Không chỉ là sức ép về tăng trưởng, mà còn cả nỗi lo lạm phát khó giữ ở mức 4%, nhập siêu lớn, giải ngân vốn đầu tư công chậm…

Cuối tháng 05/2017, trong bối cảnh khó khăn vẫn bủa vây nền kinh tế, ngay sau khi Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XIV bắt đầu có những thảo luận đầu tiên về tình hình kinh tế - xã hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì một cuộc họp với các bộ, ngành về các kịch bản tăng trưởng năm 2017. Khi ấy, tôi, với tư cách là người đứng đầu cơ quan tham mưu của Chính phủ trong điều hành kinh tế vĩ mô, đã thẳng thắn chia sẻ với báo giới vì sao Chính phủ kiên định mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7%. Đó là nếu không tăng trưởng được như thế, Việt Nam khó có thể thu hẹp được khoảng cách với các nước trong khu vực. Hơn nữa, với Việt Nam - một nước đang phát triển, tăng trưởng còn có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo nguồn lực để đầu tư phát triển phục vụ tăng trưởng của giai đoạn sau, duy trì ổn định các cân đối lớn, nhất là cân đối nợ công, tạo việc làm cho xã hội, có nguồn lực để thực hiện các chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo…

Sau đó, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nỗ lực xây dựng các kịch bản tăng trưởng kinh tế cho từng ngành, lĩnh vực và cho cả nền kinh tế. Để từ đó, đầu tháng 06/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017.

Đầu tháng 08/2017, sốt ruột trước tình hình giải ngân chậm, lo ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế, với sự tham mưu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 70/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công…

Hàng loạt giải pháp đã được thực hiện đồng bộ và nhất quán, từ Trung ương tới địa phương, từ mọi cấp, ngành, để rồi từ đó, nền kinh tế từng bước vượt qua khó khăn, không những đạt mà còn vượt mục tiêu tăng trưởng một cách ngoạn mục. Đó là một kỳ tích mà chắc chắn, nếu không có quyết tâm và chỉ đạo quyết liệt của một Chính phủ kiến tạo, liêm chính và hành động, thì không thể đạt được.

Những dự báo về nền kinh tế 2018

PV: Với nền tảng tăng trưởng đạt được trong năm 2017, những cơ hội và thách thức nào sẽ chờ đón kinh tế Việt Nam trong năm 2018, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Trong năm 2018, Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức. Đó là, quá trình phục hồi tăng trưởng của kinh tế thế giới ít nhiều còn bất định; tự do hóa thương mại đa phương gặp nhiều thách thức, do xu hướng bảo hộ và cách tiếp cận thương mại song phương dần phổ biến hơn; trả đũa thương mại giữa các nền kinh tế lớn có thể diễn biến phức tạp. Cùng với đó là những khó khăn nội tại của nền kinh tế đang cần nhiều thời gian và công sức để giải quyết. Trong khi những áp lực mới luôn đặt ra với chúng ta. Đó là tụt hậu, nguy cơ khó vượt qua bẫy thu nhập trung bình, làm chậm lại việc phấn đấu trở thành nước công nghiệp; khả năng chống chịu trước các cú sốc bất lợi ổn định kinh tế vĩ mô…

Ngoài ra, chúng ta vẫn phải đối mặt với biến đổi khí hậu, đói nghèo, thu nhập bình quân đầu người… Việc thực hiện 3 đột phá chiến lược còn chậm, kết quả chưa đạt được nhiều. Đặc biệt, rủi ro tụt hậu về công nghệ sẽ lớn hơn nếu Việt Nam không có các hành động cụ thể nhằm đón đầu cơ hội và xử lý thách thức đặc biệt là trước cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4…

Bên cạnh thách thức thì cơ hội lớn nhất chính là đà thuận lợi của kinh tế năm 2017 sẽ tiếp diễn sang 2018 và những năm tiếp theo. Đây là kết quả của quá trình cải cách, của các chủ trương chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước đã thực hiện nhiều năm hiện đã đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả.

PV: Vậy, đâu sẽ là động lực phát triển của nền kinh tế 2018, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Tôi cũng đồng tình với quan điểm của nhiều chuyên gia, động lực phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2018 tiếp tục là Thể chế.

Kinh nghiệm thành công của năm 2017 cho thấy, những tiến triển vượt bậc trong môi trường kinh doanh năm 2017 là kết quả từ những nỗ lực, quyết tâm bền bỉ của Chính phủ trong thời gian qua. Chẳng hạn như, sự quyết tâm chính trị cao, song hành với nỗ lực nâng cao năng lực quản trị nhà nước của Chính phủ theo hướng xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó là sự đồng loạt hưởng ứng tinh thần cải cách của Chính phủ của các bộ, ngành bằng các chính sách và hành động cụ thể, như: cải cách các quy định và thủ tục về thuế, hải quan; nâng cao chất lượng hệ thống thông tin tín dụng; bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người vay và người cho vay…

Với năm 2018 này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP, thống nhất chủ đề của năm 2018 là: “Kỷ cương, Liêm chính, Hành động, Sáng tạo, Hiệu quả”. Trong đó, một nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng Chính phủ đề ra và yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt, hiệu quả ngay từ đầu năm là “Tập trung cải thiện mạnh mẽ các chỉ số môi trường kinh doanh vẫn còn dư địa cải thiện cũng như các chỉ số còn thấp điểm, thấp hạng”.

Thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa bàn thuộc phạm vi quản lý, quyết tâm phấn đấu để đưa Việt Nam vào nhóm nước ASEAN 4 về năng lực cạnh tranh và mức độ thuận lợi về môi trường kinh doanh. Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về đầu tư kinh doanh.

Vấn đề quan trọng hơn trong thời gian sắp tới là thiết kế các chính sách, giải pháp và hành động để giải quyết các vấn đề, thách thức của nền kinh tế. Trong đó, các chính sách tạo dựng được niềm tin, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh đóng vai trò xương sống.

Theo tôi, phải luôn nhấn mạnh việc tiếp tục phải cải cách và xóa bỏ rào cản gia nhập thị trường để thuận lợi hơn cho sản xuất, kinh doanh. Phải thị trường, thị trường và thị trường hơn, cạnh tranh, cạnh tranh và cạnh tranh hơn, cạnh tranh bảo đảm công bằng. Làm được như vậy, kinh tế Việt Nam sẽ có động lực để phát triển nhanh và bền vững.

Phải làm tốt vai trò của “kiến trúc sư” cải cách và phát triển của đất nước

PV: Năm qua đã có chủ trương sáp nhập một số bộ ngành có chức năng, nhiệm vụ tương đồng. Thông tin sáp nhập Bộ Kế hoạch và đầu tư với Bộ Tài chính đã được báo giới đề cập. Xin Bộ trưởng cho biết quan điểm của mình về vấn đề này?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Sau hơn 30 năm đổi mới, chúng ta vẫn đang trong quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập và định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó, vẫn còn không ít vấn đề chưa đủ rõ, còn ý kiến khác nhau; tạo ra những nút thắt về thể chế đối với phát triển đất nước.

Cải cách chuyển đổi thành công sang kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập và định hướng hướng xã hội chủ nghĩa cùng với chuyển đổi cơ cấu kinh tế, liên tục nâng cấp trình độ phát triển của nền kinh tế nói chung, của từng ngành và địa phương phương nói riêng là hai yếu tố quyết định làm cho nền kinh tế nước ta tăng trưởng cao liên tục trong thời gian dài để trở thành con hổ mới của châu Á.

Trong bối cảnh nói trên, rõ ràng một cơ quan chủ trì tham mưu cho Đảng và Chính phủ về cải cách hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và giải quyết các vấn đề phát triển trung và dài hạn của đất nước vẫn còn hết sức cần thiết, không thể thiếu.

Bài học kinh nghiệm thành công của các con hổ châu Á cũng cho thấy, tầm quan trọng không thể thiếu của cơ quan chủ trì tham mưu về các vấn đề cải cách, phát triển trung và dài hạn (như: MITI của Nhật Bản vào những năm 50-70 của thế kỷ trước; Ủy ban Kế hoạch Kinh tế của Hàn Quốc thời kỳ 1961-1994, hay EDB ở Singapore và gần đây nhất là Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc). Những cơ quan đó đã và đang đóng góp rất lớn vào thành công vượt trội của các nền kinh tế nói trên.

Nhìn lại hơn 30 năm qua, những thời điểm phát triển vượt bậc của đất nước đều gắn liền với những đổi mới có tính quyết định về chính sách và thể chế; mà ở đó đều có ghi dấu ấn đậm nét về sự đóng góp của ngành Kế hoạch và Đầu tư.

Tuy vậy, những gì chúng ta làm được chắc chắn còn cách xa so với yêu cầu cải cách thể chế và phát triển kinh tế của đất nước; chúng ta chưa làm tốt vai trò của “kiến trúc sư” cải cách và phát triển của đất nước. Còn thiếu một số chức năng, nhiệm vụ; một số khác chưa hoàn thành tốt; một số chức năng nhiệm vụ có thể không còn cần thiết, hoặc trùng lắp, chồng chéo với các bộ, cơ quan khác…

Hơn nữa, theo lý thuyết chung về quản lý, cũng như nguyên lý chung về tổ chức nhà nước, chức năng quản lý theo ngành và quản lý theo lãnh thổ là không thể lẫn lộn. Trong quản lý theo ngành mà hiện nay các bộ đang thực hiện, cũng có những ngành, những lĩnh vực ghép lại được với nhau trong một bộ, nhưng cũng có những lịch vực phải để riêng, độc lập với nhau, đặt dưới dự điều hành thống nhất của Chính phủ sẽ khoa học hơn. Chẳng hạn, việc lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, chính là để tránh mô hình bộ chủ quản đã duy trì từ nhiều năm nay, có nhiều bất hợp lý, nhất là tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.

Trong bối cảnh đó, kết hợp với yêu cầu giảm đầu mối, giảm biên chế của bộ máy hành chính, đã có một số đề xuất hợp nhất Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói riêng; và ngành Kế hoạch và Đầu tư với ngành Tài chính nói chung. Tuy nhiên, tôi cho rằng đề xuất đó là chưa phù hợp với trình độ phát triển hiện nay, cũng như yêu cầu cải cách và phát triển đất nước trong 10-15 năm tiếp theo.

Bởi, không nên vì giải quyết một số bất hợp lý trước mắt, mà bỏ qua sự cần thiết và vai trò cốt lõi cần có của một cơ quan tham mưu chiến lược về cải cách và phát triển đất nước. Kinh nghiệm của các nền kinh tế Đông Á cho thấy, cơ quan tham mưu chiến lược về cải cách và phát triển có vai trò dẫn dắt và điều phối của Chính phủ kiến tạo, hành động vì phát triển lâu dài và bền vững, phục vụ lợi ích của người dân và doanh nghiệp.

PV: Một mùa xuân mới lại đang về, mỗi người đều có những ước mong, niềm hy vọng về một năm mới nhiều niềm vui, hạnh phúc và thành công hơn. Xin Bộ trưởng chia sẻ một vài cảm nghĩ trước thềm Xuân mới Mậu Tuất 2018?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Năm 2018 là năm bản lề, có ý nghĩa quyết định việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; chúng ta còn rất nhiều việc phải làm ở phía trước. Nhân dịp Xuân mới, tôi xin chúc toàn thể các đồng chí cán bộ trong ngành ta, đông đảo bạn đọc của Tạp chí Kinh tế và Dự báo một năm mới dồi dào sức khỏe, an khang, hạnh phúc. Chúc các đồng chí tiếp tục phát huy những thành tựu, kinh nghiệm đã đạt được, đồng sức đồng lòng, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam cập bến những thành công mới!

PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!