Triển vọng tích cực

Tại buổi công bố Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO) năm 2018 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vào sáng nay (11/4), ông Eric Sidgwick - Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam cho biết, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ tăng tốc lên tới 7,1% trong năm nay, trước khi giảm nhẹ còn 6,8% vào năm 2019.

Ông Eric Sidgwick nhận định, với sự tăng trưởng kinh tế bứt phá trong năm 2018 được hỗ trợ bởi năng lực quản lý kinh tế vĩ mô, Việt Nam sẽ trở thành một trong số những quốc gia tăng trưởng nhanh nhất của khu vực. Một số động lực to lớn đóng góp cho tăng trưởng kinh tế cao của Việt Nam có thể kể đến là sự mở rộng mạnh mẽ trong lĩnh vực chế biến, chế tạo và xuất khẩu, tăng cường tiêu dùng nội địa, cũng như dòng vốn đầu tư dồi dào của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, cùng với sự cải thiện và phục hồi của ngành nông nghiệp.

Tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ tăng tốc lên tới 7,1% trong năm nay

Cũng theo ADO 2018, lạm phát tại Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2018 ở mức trung bình 2,8% và sẽ đạt mức trung bình 3,7% trong năm nay, tăng 0,2% so với mức 3,5% của năm 2017, sau đó tăng lên 4,0% trong năm 2019, chủ yếu do sự gia tăng nhu cầu tiêu dùng nội địa và giả cả hàng hóa toàn cầu.

Trong khi đó, những nỗ lực trong việc tăng cường thu ngân sách và kiểm soát bội chi trên mọi lĩnh vực của Chính phủ đã giúp kéo giảm nợ công từ 63,6% đầu năm 2017 xuống còn 61,3% vào cuối năm.

2 rủi ro chính

Mặc dù vậy, phía sau tiềm năng tăng trưởng, ADB cho rằng Việt Nam còn phải đối mặt với những thách thức lớn không chỉ về trình độ lao động trong nước, mà còn cả yếu tố khách quan như sự gia tăng chủ nghĩa bảo hộ thương mại toàn cầu.

Ông Eric Sidgwick cảnh báo, kim ngạch thương mại hàng năm của Việt Nam hiện nay đã vượt mức 185% GDP, khiến sự phụ thuộc của nền kinh tế vào thương mại được đánh giá là đứng thứ 2 ở Đông Nam Á, chỉ sau Singapore. Mô hình tăng trưởng của Việt Nam hiện nay phụ thuộc nhiều vào mức tăng cao liên tục của hoạt động xuất khẩu. Đặc biệt, theo ADB, quan hệ thương mại chặt chẽ giữa Việt Nam - Trung Quốc và Việt Nam - Hoa Kỳ dẫn đến việc hoạt động kinh tế tại Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi các biến động thị trường và thay đổi chính sách tại hai thị trường này, cũng như nhiều thị trường lớn khác trên thế giới.

Giám đốc ADB tại Việt Nam cũng nhấn mạnh, việc thu hẹp khoảng cách giữa trình độ trung bình của lực lượng lao động và nhu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp là vô cùng quan trọng đối với yếu tố bền vững của tăng trưởng nền kinh tế.

Việt Nam hiện nay đang có sự chuyển đổi quan trọng về nhân khẩu học, dân số đã bắt đầu già đi, và theo ước tính, lực lượng lao động sẽ bắt đầu giảm kể từ năm 2035. Điều này cho thấy, nếu nguồn nhân lực không được đào tạo cơ bản về kỹ năng và năng lực ngay từ sớm, chất lượng lao động hoàn toàn có thể trở thành rào cản lớn đối với sự phát triển của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh khu vực kinh tế FDI đang đóng góp phần lớn trong tăng trưởng của nền kinh tế và cách mạng công nghiệp 4.0 ngày càng phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu.

Do đó, đại diện ADB cho rằng Việt Nam cần thu hẹp sự thiếu hụt kỹ năng lao động này bằng cách ưu tiên cho ba nhóm sáng kiến nhằm tăng cường hiệu quả các trường đại học và hệ thống trường dạy nghề bao gồm: mở rộng tiếp cận, cải thiện chất lượng và tinh giản quản trị.

"Một trong các cơ chế quan trọng là các cơ sở đào tạo cần hợp tác mạnh mẽ hơn với khu vực tư nhân trong các quá trình này để có thể đáp ứng được nhu cầu rất cao về nguồn nhân lực chất lượng cao ở thời điểm hiện tại cũng như trong tương lai", ông Aaron Batten, chuyên gia cao cấp kinh tế quốc gia của ADB cho biết./.