Đây là một trong những thông tin được công bố tại Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2018 do Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội (UEB – VNU) và viện Friedrich Naumann Foundation (FNF) Việt Nam phối hợp tổ chức vào sáng 08/05/2018 tại Hà Nội.

NSLĐ tăng, nhưng Việt Nam nằm trong tốp thấp

Theo Báo báo cáo, NSLĐ bình quân của Việt Nam tăng từ 38,64 triệu đồng/lao động năm 2006 lên mức 60,73 triệu đồng/lao động năm 2017 cùng với sự biến thiên đáng kể của tốc độ tăng trưởng qua các năm. Trong giai đoạn 2006-2012, tốc độ tăng trưởng NSLĐ của Việt Nam giảm từ 4,05% (2006) xuống còn 3,06% (2012), tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 3,29%/năm.

Giai đoạn 2012-2017, NSLĐ bình quân của toàn nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ bình quân 5,3%/năm và tăng trưởng cao nhất vào năm 2015 với tốc độ 6,49%. Nhìn chung, giá trị NSLĐ tổng hợp có xu hướng tăng với tốc độ khá nhanh qua các năm.

Năng suất lao động Việt Nam tăng đều nhưng nằm trong Top thấp

Tính trung bình trong giai đoạn 2008-2016, các ngành kinh tế có NSLĐ ở mức cao là các ngành khai khoáng, sản xuất và phân phối điện, khí; hoạt động tài chính ngân hàng và bảo hiểm, hoạt động chuyên môn khoa học và công nghệ, hoạt động kinh doanh bất động sản, cung cấp nước.

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra, trên phương diện so sánh quốc tế, NSLĐ của Việt Nam được đặt trong mối tương quan với các nước Đông Bắc Á (gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc) và ASEAN (Singapore, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia, Campuchia). Kết quả cho thấy, tới 2015, NSLĐ của 09 nhóm ngành của Việt Nam đều ở mức gần hoặc thấp nhất trong các nước kể trên. Thậm chí, khi so sánh với Campuchia, NLSĐ nước ta vẫn thấp hơn ở 3 ngành, như: công nghiệp chế biến chế tạo; xây dựng; Vận tải, kho bãi, truyền thông.

Mặc dù vậy, song NSLĐ của Việt Nam tại ba nhóm ngành, là: khai mỏ - khai khoáng; tài chính - bất động sản - dịch vụ văn phòng; dịch vụ cộng đồng - xã hội - cá nhân lại lọt vào tốp cao.

Cùng với đó, Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2018 chỉ ra nhiều bất cập làm cản trở khả năng lan tỏa NSLĐ; trong đó, vấn đề tồn tại cốt yếu hiện nay vẫn đang là sự thiếu minh bạch và thiếu chia sẻ thông tin trên thị trường đồng thời cấu trúc thị trường cũng chưa được hoàn thiện.

Ngoài ra, báo cáo cũng nhìn nhận, việc điều chỉnh liên tục lương tối thiểu đã làm giảm mức tăng trưởng việc và tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp; dẫn đến các doanh nghiệp tư nhân có khuynh hướng cắt giảm lao động chính thức để đối phó khi lương tối thiểu tăng.

Đặc biệt, Báo cáo cũng cảnh báo nguy cơ năng suất không được cải thiện trong tương lai đi kèm nhiều rủi ro khi một tỷ lệ lớn lao động trẻ làm việc trong khu vực hộ gia đình hoặc phi chính thức và không đúng với chuyên môn được đào tạo, đồng nghĩa với việc họ ít có điều kiện tích lũy kỹ năng và ít được hưởng bảo hiểm xã hội.

Việt Nam cần có những cải cách mạnh mẽ hơn để cải thiện NSLĐ của các ngành kinh tế

“Chìa khóa” để cải thiện NSLĐ

Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2018 đã đề xuất 4 khuyến nghị chính sách nhằm cải thiện khả năng tham gia thị trường lao động của lao động trẻ Việt Nam, như sau:

Thứ nhất, cần có những biện pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho lao động trẻ thông qua các chính sách đầu tư cho công tác dạy nghề, đi kèm với những cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào đào tạo nghề, hỗ trợ giáo dục nghề nghiệp theo hướng khuyến khích người học, đổi mới chính sách tiền lương, chế độ bảo hiểm nâng cao cho các ngành lao động nặng nhọc, những công nhân có tay nghề cao.

Trong bối cảnh tốc độ tăng cung lao động trẻ của Việt Nam đã giảm trong giai đoạn gần đây, vấn đề không tích lũy đủ kiến thức và kỹ năng của lao động trẻ có thể dẫn đến việc thiểu hụt về cung lao động trong tương lai.

Thứ hai, cần nâng cao hiệu quả dự báo cung - cầu lao động để nâng cao khả năng tham gia thị trường lao động và lựa chọn nghề của lao động trẻ Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Theo kết quả nghiên cứu, sự không ăn khớp giữa cung và cầu về trình độ chuyên môn trên thị trường lao động dẫn tới sự kém hiệu quả và làm tăng chi phí cơ hội về thời gian cũng như nguồn lực của các gia đình khi đầu tư vào giáo dục.

Thứ ba, cần phát triển các khu công nghiệp tập trung, các khu chế xuất trong địa bàn hoặc gần địa bàn sinh sống của các lực lượng lao động trẻ tiềm năng. Sự tập trung các doanh nghiệp cùng ngành ở cùng một khu vực sẽ đem lại nhiều lợi ích cho bản thân các doanh nghiệp cũng như thu hút thêm các doanh nghiệp khác tới khu vực đó.

Khi số lượng các doanh nghiệp tăng đồng nghĩa với việc cầu về lao động cũng sẽ tăng lên, từ đó tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho lao động trẻ trong khu vực đó cũng như các khu vực lân cận.

Thứ tư, cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh cấp tỉnh, cụ thể là các chỉ số gia nhập thị trường, chỉ số chi phí phi chính thức và chỉ số năng động cấp tỉnh, nhằm thúc đẩy sự phát triển cộng đồng doanh nghiệp tại địa phương. Sự phát triển này cũng sẽ góp phần tạo thêm nhiều việc làm tại địa phương, từ đó nâng cao khả năng tham gia thị trường và lựa chọn nghề nghiệp cho lao động trẻ.

Bản báo cáo cũng khuyến nghị, cần cải thiện môi trường kinh doanh, tăng tiếp thu khoa học công nghệ ở các ngành và phát triển thị trường lao động nhằm thúc đẩy NSLĐ. Đồng thời, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích đổi mới, sáng tạo về cải tiến kỹ thuật trong sản xuất, áp dụng công nghệ để nâng cao năng suất lao động trong các ngành.

Đồng tình với các giải pháp báo cáo đưa ra, song PGS, TS. Vũ Minh Khương, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu nhấn mạnh, Việt Nam muốn cải thiện NSLĐ, thì cần tiếp tục tạo điều kiện tích cực để thúc đẩy tăng trưởng năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) và có chính sách đào tạo, nâng cao tri thức, kỹ năng cho người lao động.

"Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần có chính sách khuyến khích đổi mới, sáng tạo và cải tiến kỹ thuật trong sản xuất, áp dụng công nghệ để nâng cao NSLĐ trong các ngành và đầu tư thêm vào việc nghiên cứu cải tiến công nghệ, cũng như mua công nghệ từ nước ngoài trong trường hợp cần thiết", ông Khương chia sẻ.

Cũng có quan điểm tương đồng, PGS, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, nếu Việt Nam không muốn bị vượt qua bởi các quốc gia láng giềng như Campuchia về NSLĐ nói riêng và tăng trưởng kinh tế nói chung, Việt Nam cần có những cải cách mạnh mẽ hơn để cải thiện NSLĐ của các ngành kinh tế. Đồng thời, Việt Nam cần phát triển thị trường lao động cùng các chính sách liên quan nhằm thúc đẩy quá trình dịch chuyển lao động theo đúng nhu cầu dịch chuyển cơ cấu./.