Tại phiên thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa DNNN (DNNN) ngày 28/5/2018, các đại biểu quốc hội đã chỉ ra những lỗ hổng trong quản lý vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa DNNN.

DNNN: Bỏ ra gần 10 đồng vốn mới thu được 1 đồng tăng trưởng

Đại biểu Vũ Tiến Lộc - Thái Bình không giấu diếm sự quan ngại của mình khi nhận định: “Lẽ ra DNNN phải đóng vai trò dẫn dắt trong nền kinh tế, nhưng các chỉ tiêu hiệu quả hoạt động khu vực này đang ở vị trí khóa đuôi”.

Kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước, cổ phần hóa DNNN trong giai đoạn 2011 - 2016 đã cho thấy một thực trạng đáng buồn.

Hệ số ICOR của khu vực DNNN luôn cao hơn nhiều so với các thành phần kinh tế khác. Ví dụ, năm 2016 các DNNN đã phải bỏ ra gần 10 đồng vốn đầu tư mới để thu được 1 đồng tăng trưởng, cao gấp 2 lần so với chỉ tiêu 5 đồng của khu vực kinh tế đầu tư nước ngoài và cao gấp 1,5 lần so với mức trên 6 đồng của khu vực kinh tế ngoài nhà nước.

“Hơn nữa mức sinh lời trên vốn chủ sở hữu và tài sản của DNNN không chỉ ở mức thấp mà còn có xu hướng giảm liên tục theo thời gian. Từ 16,4% và 6,5% năm 2012 xuống còn 10 đến 4,6% năm 2016”, đại biểu Lộc dẫn số liệu.

Ngân sách nhà nước cũng nhiều năm thất thu với thành phần kinh tế nhà nước. Tốc độ tăng thu chỉ đạt mức trung bình 3% trong giai đoạn 2011 - 2016.

“Điểm rất cần lưu ý là đó là xu hướng sụt giảm hiệu quả sử dụng vốn tại các DNNN nêu trên được diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế đang trên đà phục hồi và chất lượng tăng trưởng đang trên đà được cải thiện. Tức là nó diễn ra ngược với xu thế chung. Điều này cho thấy những yếu kém của khu vực DNNN chủ yếu là vấn đề nội tại của khu vực này chứ không phải do những tác động từ môi trường bên ngoài”, vị đại biểu này thẳng thắn chỉ rõ nguyên nhân.

Cho rằng những kết quả yếu kém ở khu vực DNNN so với khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước và khu vực FDI tồn tại trong một thời gian dài và phổ biến không chỉ ở nước ta mà ở tất cả các nền kinh tế trên thế giới, đại biểu Vũ Tiến Lộc thẳng thắn chỉ rõ: “Nếu tỷ trọng sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp vẫn được duy trì ở mức cao và áp đảo thì những nỗ lực cải cách khác nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của DNNN như hoàn thiện hệ thống pháp lý cho bớt chồng chéo, tăng tính chủ động của doanh nghiệp, xác lập tiêu chí đánh giá hoạt động hiệu quả của doanh nghiệp hay tăng cường công tác thanh tra kiểm tra cũng không có nhiều ý nghĩa và không thể đem lại kết quả như mong muốn”.

Thất thoát một lượng lớn tài sản nhà nước

Tổng tài sản các DNNN trong 583 doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn và 273 doanh nghiệp có cổ phần nhà nước là hơn 350.000 tỷ đồng, là khá lớn, cần đẩy mạnh lộ trình thoái hóa vốn.

“Điều đáng tiếc là tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước trong thời gian qua lại diễn ra rất chậm chạp và rất hình thức”, đại biểu Vũ Tiến Lộc quan ngại.

Trong giai đoạn 2011 - 2016, cả nước đã cổ phần hóa được 571 doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp nhưng chỉ thu về cho nhà nước 43.000 tỷ đồng là quá ít ỏi.

“Nhiều tổng công ty chỉ bán 1 - 2% vốn điều lệ ra bên ngoài nên khó có thể nói là cổ phần hóa theo đúng nghĩa, thậm chí là vô nghĩa. Lượng vốn nhà nước sở hữu tại các doanh nghiệp đã bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng vẫn còn rất lớn, theo báo cáo giám sát chiếm tới trên 80% vốn điều lệ, vì vậy một lượng lớn các nguồn lực tài chính cho đến nay vẫn chưa tìm được chủ sở hữu có đủ động lực để sử dụng chúng một cách có hiệu quả”, ông Lộc chỉ rõ.

Với số tiền đầu tư dàn trải vào nhiều doanh nghiệp, nhiều lĩnh vực, do nhiều cơ quan thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu khiến công tác kiểm soát, quản lý tài chính gặp nhiều khó khăn, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng lãng phí, thất thoát trong đầu tư và quản lý vốn đầu tư của nhà nước cũng như tình trạng hoạt động kém hiệu quả của các DNNN. Vốn nhà nước nằm tại các tập đoàn, tổng công ty, DNNN không tính trong các doanh nghiệp cổ phần gần 1,4 triệu tỷ đồng.

Vấn đề xác định giá doanh nghiệp trong cổ phần theo phương pháp định giá bằng tài sản có nhiều nguyên nhân phản ánh giá trị doanh nghiệp không đúng, ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà nước, kết quả kiểm toán 2016 của kiểm toán nhà nước về định giá doanh nghiệp và xử lý các vấn đề tài chính trước khi cổ phần hóa của 7 doanh nghiệp đã xác định vốn nhà nước tăng thêm 20.818 tỷ đồng đã minh chứng cho kẽ hở trong định giá doanh nghiệp thời gian vừa qua.

Đại biểu Hoàng Văn Cường – TP. Hà Nội đã chỉ ra ba dạng làm thất thoát tài sản nhà nước. Đó là kinh doanh kém hiệu quả dẫn đến lỗ, làm mất vốn. Mua bán tài sản làm thất thoát tài sản và tiền vốn. Định giá doanh nghiệp thấp khi cổ phần hóa.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn - Tiền Giang chỉ rõ, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này xuất phát từ công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với DNNN.

Cách thức thực hiện giám sát, đánh giá hiện chủ yếu căn cứ vào các báo cáo của DNNN mang tính thống kê hơn là báo cáo tình hình thực hiện mục tiêu của chủ sở hữu.

Việc giám sát đánh giá của chủ sở hữu cũng căn cứ vào kết quả thực hiện so với kế hoạch do các DNNN tự xây dựng và đăng ký nên chưa phản ánh rõ được yêu cầu và đòi hỏi của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN.

Việc hình thành và quản lý hệ thống cơ cở dữ liệu, thông tin về DNNN nói chung để phục vụ công tác giám sát, đánh giá còn rất hạn chế.

Cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam là điển hình xấu

Nhưng, chưa có ai phải chịu trách nhiệm

Đại biểu Nguyễn Tiến Lộc thì cho rằng, sự chậm trễ trong tiến trình cổ phần hóa không chỉ là nguyên nhân mang tính khách quan, mà còn do những yếu tố mang tính chất chủ quan.

“Điều quan trọng hơn phải kể đến là sự thiếu quyết liệt trong điều hành của các bộ, ngành dẫn đến nhiều chính sách, giải pháp đúng đắn chưa được thực thi với hiệu lực cao”, vị đại biểu này chỉ rõ.

Ví dụ, trong các quy định về niêm yết trên thị trường chứng khoán đối với doanh nghiệp cổ phần hóa là một yêu cầu được coi là sơ đẳng cho một doanh nghiệp lớn và minh bạch trong nền kinh tế thị trường, dù đã được ban hành rộng rãi nhưng lại không được các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc.

Việc thiếu công khai minh bạch thông tin doanh nghiệp trong công bố 9 báo cáo định kỳ của DNNN cũng là lực cản trong cổ phần hóa, việc công khai minh bạch thông tin về doanh nghiệp là rất quan trọng nhằm hỗ trợ việc giám sát việc thực hiện chức năng chủ sở hữu nhà nước, thu hút các nhà đầu tư trong cổ phần hóa. Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đầu năm 2017 có 241 doanh nghiệp đã công bố thông tin theo Nghị định 81 năm 2015 chiếm 38,8% DNNN phải công khai, minh bạch thông tin.

Điều đáng quan ngại là, bình quân cũng chỉ công bố 4 nội dung phải báo cáo của mỗi doanh nghiệp, việc thiếu công khai, minh bạch là môi trường thuận lợi nảy sinh các hiện tượng tiêu cực như đầu cơ, thao túng giá giao dịch chứng khoán và thôn tính doanh nghiệp bất hợp pháp.

Theo báo cáo của đoàn giám sát của Quốc hội, tính đến tháng 8/2017, có tới 747 doanh nghiệp cổ phần hóa nhưng chưa thực hiện nội dung công bố thông tin.

“…nhưng vẫn chưa có ai phải chịu trách nhiệm về sự chậm trễ, thậm chí là trì hoãn trong nỗ lực cải cách như vậy sẽ làm ảnh h

ưởng đến niềm tin của người dân, niềm tin của các nhà đầu tư và triển vọng cải cách DNNN nói riêng và cải cách nền kinh tế nói chung”, ông Lộc quan ngại.

Đã vậy, dù doanh nghiệp lỗ nhưng không ai phải chịu trách nhiệm, chưa có ai bị mất chức hay xử lý đi tù vì chuyện quản lý yếu kém để doanh nghiệp lỗ. Có chăng chỉ là vì sai phạm, cũng không có doanh nghiệp nào để báo cáo đầy đủ lúc nào là lỗ, lúc nào lãi.

“Thậm chí có doanh nghiệp khi cần báo cáo để tăng chức, tăng quỹ lương hoặc để xin vốn thì ngay lập tức sẽ có báo cáo lãi, khi báo cáo cho cơ quan tài chính để nộp thuế thì lại có một báo cáo lỗ. Người ta nói rằng, báo cáo tài chính của các doanh nghiệp như có phép thần thông biến hóa giữa lỗ và lãi”, đại biểu Hoàng Văn Cường ví von.

Cần luật hóa nguồn thu từ cổ phần hóa chưa theo quy trình

Lo lắng về việc sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, thu cổ tức của DNNN, đại biểu Nguyễn Hữu Toàn - Lai Châu đề nghị Quốc hội cần luật hóa các khoản thu chi của quỹ để đảm bảo đồng bộ với Luật Ngân sách nhà nước.

Hiện nay, các khoản thu trên được đưa vào Quỹ hỗ trợ sắp xếp, phát triển doanh nghiệp, nhiều khoản chi sử dụng quỹ chưa theo quy trình quản lý ngân sách nhà nước.

Trong giai đoạn 2016-2020 Quốc hội đã quyết định sử dụng 250.000 tỷ từ nguồn thu này hòa chung vào thu ngân sách nhà nước bố trí cho các dự án đầu tư công trung hạn.

Trong thời gian tới, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước được đẩy mạnh thì nguồn thu của quỹ còn lớn hơn rất nhiều.

“Nếu tiếp tục sử dụng theo phương thức trên thì số thu từ cổ phần hóa, bán vốn nhà nước phần lớn sẽ được sử dụng để chi đầu tư cho các dự án đầu tư công, nhiều dự án không có khả năng tái tạo nguồn vốn”, vị đại biểu này quan ngại.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc đề nghị Quốc hội nghiên cứu và giao Chính phủ chuẩn bị trình Quốc hội thông qua Luật Cổ phần hóa; đề nghị Quốc hội giao Chính phủ xây dựng chủ trương, chính sách để thúc đẩy và hỗ trợ cho khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước.

“Suy cho cùng sự phát triển của khu vực tư nhân trong nước vững mạnh chính là yếu tố quan trọng nhất để đảm bảo cho sự phát triển ổn định, bền vững và tự chủ của đất nước trong thời gian tới”, đại biểu đến từ Thái Bình nhấn mạnh.

Còn đại biểu Nguyễn Hữu Toàn, đề nghị Quốc hội cần luật hóa các khoản thu chi của quỹ để đảm bảo đồng bộ với Luật Ngân sách nhà nước, đồng thời định hướng sử dụng nguồn vốn của quỹ để tập trung đầu tư vào một số dự án, cơ sở hạ tầng quan trọng của quốc gia, có khả năng thu hồi một phần hoặc toàn bộ vốn, tạo nguồn để tái đầu tư, đồng thời tạo lan tỏa, dẫn dắt các nguồn vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế khác, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bên cạnh đó, vị đại biểu này kiến nghị Chính phủ xem xét lại quy định liên quan đến xác định giá trị lợi thế quyền thuê đất và giá trị DNNN khi cổ phần hóa./.