TS. Nguyễn Đình Cung đã chua chát nêu thực trạng trên tại Hội thảo "Đánh giá tiến độ thực hiện và định hướng hợp tác trong giai đoạn tiếp theo của Chương trình Aus4Reform”, ngày 1-6, tại Hà Nội. Hội thảo do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương phối hợp với Sứ quán Australia tại Việt Nam tổ chức.

Toàn cảnh hội thảo

Hết quý I/2018, đã cắt bỏ 738 điều kiện kinh doanh

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), Giám đốc Chương trình Aus4Reform, cho biết, số lượng doanh nghiệp đăng ký kinh doanh tăng cao, đạt 127.000 doanh nghiệp đăng ký mới, công thêm số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, đạt 153.000 doanh nghiệp trong năm 2017 và tiếp tục tăng trong năm 2018.

Tính đến quý I/2018, các Bộ ngành đã cắt bỏ, đơn giản hóa được 738 điều kiện kinh doanh. Kết quả này cũng có sự tham gia của các tổ chức quốc tế, cùng đồng hành, giám sát và khuyến nghị Việt Nam thực hiện.

Mặc dù vậy, TS. Nguyễn Đình Cung vẫn khẳng đinh, thời gian tới mục tiêu của Nghị định 19/2018 đạt được không hề dễ dàng. Bởi, dự kiến Nghị quyết yêu cầu cắt bỏ và đơn giản hóa hơn 1.968 điều kiện kinh doanh; các bộ sẽ phải cắt giảm 500 điều kiện kinh doanh trong các thông tư và dự thảo nghị định.

Về khởi sự kinh doanh, ông Cung cho biết, Nghị quyết đặt ra mục tiêu phải cải thiện ít nhất 40 bậc từ vị trí 123 hiện nay, lên vị trí 83/190 nền kinh tế. Giấy phép xây dựng cũng phải giảm thêm 47 ngày xuống còn 119 ngày; thời gian nộp bảo hiểm xã hội cũng phải rút ngắn xuống còn 168 giờ thay vì mất 498 giờ/năm như hiện nay. Đặc biệt, buộc phải cắt giảm 50% danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành.

"Mặc dù Chính phủ và một số bộ thực hiện thủ tục trực tuyến của Chính phủ điện tử trong thông quan hải quan, nộp thuế và đăng ký kinh doanh qua mạng (online). Tuy nhiên, nhiều công chức, cơ quan công quyền vẫn muốn gặp trực tiếp doanh nghiệp chứ chưa muốn làm online hoàn toàn", ông Cung nói.

Về chỉ số công bố thông tin bằng hải quan điện tử, nộp thuế điện tử, ông Cung cho rằng, mới chỉ dừng lại ở các cơ quan tự giám sát, công bố.

"Họ nói bao nhiêu, chúng ta biết bấy nhiêu chứ chưa có cơ chế để giám sát, dư luận và người thụ hưởng phản biện", TS. Cung chia sẻ.

Đó cũng sẽ là áp lực rất lớn và cần quyết tâm lớn hơn năm 2017.

Còn nhiều vấn đề xung quanh câu chuyện thị trường

Dù vậy, người đứng đầu CIEM cũng thẳng thắn mà rằng, để tạo dựng thị trường cạnh tranh đúng nghĩa, Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm.

Trong khuôn khổ chương trình "Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam" (Chương trình Aus4Reform) do Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) tài trợ, Aus4Reform Australia dự kiến sẽ giúp Việt Nam có thêm 1 triệu doanh nghiệp tư nhân (chính thức) đăng ký mới vào năm 2020, tăng tỷ lệ các doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo và thúc đẩy tăng trưởng việc làm trong khu vực kinh tế tư nhân.

Tuy nhiên, thực tế thì mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp này đang có nguy cơ không thành.

Bởi, theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, thì để đạt mục tiêu đến năm 2020 đạt được 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả như Nghị quyết 35 của Chính phủ đề ra, trung bình mỗi năm cần khoảng gần 150.000 doanh nghiệp mới và phải là doanh nghiệp sống được cùng phát sinh thuế thu nhập doanh nghiệp. Nhưng, thực tế hiện nay, số doanh nghiệp phá sản ngừng hoạt động vẫn nhiều lên và số phá sản gần bằng số doanh nghiệp mới ra đời.

Vẫn giữ quan điểm xuyên suốt về thị trường cạnh tranh, TS. Cung nhấn mạnh, thị trường và cạnh tranh trong thị trường phải là trọng tâm của nền kinh tế. Bởi lẽ, nền kinh tế có cạnh tranh mới có những cải biến về kỹ thuật, động lực để phát triển và hoạt động hiệu quả. Thế nhưng, nền kinh tế lại đang tồn tại những thách thức và nghịch lý xung quanh câu chuyện thị trường.

Một là, Việt Nam vừa thích thị trường vừa sợ thị trường, tích cực cải cách nhưng cải cách không dứt khoát… Chính vì thế, tuy tăng trưởng cứ năm sau cao hơn năm trước nhưng cứ 10 năm tăng trưởng lại giảm 1 điểm % và nền kinh tế vẫn tồn tại nhiều nghịch lý phát triển.

Hai là, phần nhiều những doanh nghiệp phát đạt là nhờ ở quan hệ và kiếm được một dư địa lợi thế nhất định, chứ không phải nhờ ở cạnh tranh bình đẳng.

Trong khi một trong những yếu tố quyết định khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và sự phát triển của đất nước là khoa học, công nghệ, nhưng lại đang bị "quan hệ" xua đuổi.

“Quan hệ tốt thì làm ăn khấm khá, nên doanh nghiệp đầu tư cho quan hệ thay cho công nghệ”, ông Cung nói.

Ba là, trong kinh tế thị trường thì cạnh tranh là hiệu quả, là động năng của sự phát triển. Có cạnh tranh các doanh nghiệp mới áp dụng khoa học, công nghệ và có động lực áp dụng khoa học công nghệ.

“Nhưng, với hiện nay, cơ chế xin - cho và thị trường méo mó đang xua đuổi khoa học, công nghệ. Mối quan hệ thân hữu “đuổi” khoa học công nghệ, “đuổi” sáng kiến”, ông Cung thẳng thắn.

Cần có cạnh tranh và phải là cạnh tranh lành mạnh

Theo đó, Chính phủ cần phải đảm bảo cạnh tranh công bằng cho các doanh nghiệp, thông qua việc xây dựng và thực thi Luật Cạnh tranh.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần phải dỡ bỏ các rào cản gia nhập thị trường, hàng rào bất hợp lý để tăng quy mô, mức độ cạnh tranh của thị trường.

Mặc dù đánh giá cao sự tích cực của Chính phủ thông qua Nghị quyết 19, nhưng, TS. Nguyễn Đình Cung vẫn cho rằng, cần mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa.

Vị chuyên gia này đề xuất, Chính phủ cần tiếp tục các hoạt động cải cách DNNN, khiến những doanh nghiệp này trở nên “trung tính”, tránh bất bình đẳng trong kinh doanh.

Đóng góp theo góc độ của luật, chuyên gia kinh tế Trương Đình Tuyển cho rằng, phải nâng cao năng lực thực thi. Trong đó, tập trung đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ điều tra viên, cán bộ, công chức của cơ quan cạnh tranh không chỉ về lĩnh vực pháp luật, mà cả về lĩnh vực kinh tế để đảm bảo áp dụng hiệu quả phân tích kinh tế trong xem xét, đánh giá vụ việc cạnh tranh.

Đặc biệt, cần “tăng cường công khai, minh bạch quy trình, cách thức, kết quả hoạt động điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh”, ông Tuyển nhấn mạnh.

Theo vị chuyên gia này, cơ quan cạnh tranh cần phải nỗ lực trong việc lượng hoá các tiêu chí đánh giá tác động cạnh tranh trong các nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Cạnh tranh (sửa đổi); xây dựng và ban hành Sổ tay hướng dẫn thực thi pháp luật cạnh tranh, công bố quy trình, thủ tục điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh, phương pháp đánh giá tác động cạnh tranh…; đồng thời phải hết sức coi trọng tính công khai, minh bạch trong quá trình điều tra và công bố kết quả điều tra, cung cấp đầy đủ thông tin để doanh nghiệp có cơ sở và ý thức tuân thủ

Bên cạnh đó, ông Tuyển cho rằng, cần nâng cao nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật cạnh tranh của các đối tượng chịu sự điều chỉnh của Luật Cạnh tranh.

Nhấn mạnh vai trò của Aus4Reform, ông Ray Mallon, Chuyên gia quốc tế về tư vấn chính sách cho rằng, Aus4Reform cần đẩy mạnh hoàn thiện các công việc còn lại của năm thứ nhất; nâng cao nhận thức về lợi ích của hội nhập kinh tế và mức độ quan trọng của cải cách kinh tế vĩ mô đối với thành công của hội nhập kinh tế trong khu vực.

Bên cạnh đó, nghiên cứu các giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn trong thị trường các yếu tố sản xuất, đặc biệt là thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp. Đặc biệt, chú trọng hỗ trợ nghiên cứu, đánh giá tác động của quá trình cải cách kinh tế đối với nữ giới giúp làm thay đổi suy nghĩ và nhận thức về các vấn đề về bình đẳng giới; có thêm những đề xuất thực tiễn lồng ghép vào các vấn đề về giới nhằm thúc đẩy tăng trưởng năng suất.

Tiếp nối những Chương trình hỗ trợ trước đây của Australia dành cho Việt Nam như “Chương trình Hỗ trợ kỹ thuật Hậu gia nhập WTO” và “Dự án Hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam”, Chương trình Aus4Reform là sáng kiến xây dựng mối liên kết giữa Australia và Việt Nam để chia sẻ kinh nghiệm và chuyên môn trong phát triển kinh tế.

Chương trình trị giá 6,5 triệu Đô la Australia sẽ hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh và đưa Việt Nam tiến gần hơn tới nền kinh tế thị trường.