Chiều 6/6, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về nhiều vấn đề “nóng” xung quanh việc thành lập các đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt (gọi tắt là đặc khu), liên kết vùng, phòng chống tham nhũng, CPI...

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã trả lời chất vấn

Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh vẫn là 2 đầu tàu và động lực của cả nước

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Anh Trí đoàn Hà Nội liên quan đến các đặc khu, Phó Thủ tướng cho biết, trên thế giới thì việc ra đời và thành lập các đặc khu để tạo ra các nơi để thử nghiệm các thể chế và tạo ra cực tăng trưởng.

“Đấy là nguyên tắc chung, dự luật này thì hiện Quốc hội đang thảo luận, chúng ta tính toán một cách tổng thể lợi ích cả về kinh tế, thu hút đầu tư, quan hệ giữa kinh tế với quốc phòng và an ninh... Quốc hội đang có thảo luận liên quan đến dự án luật này”, Phó Thủ tướng nói.

“Đại biểu có hỏi rằng khi có các đặc khu này thì các vùng khác sẽ như thế nào? Chúng tôi xin báo cáo là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thì vẫn là 2 đầu tàu và động lực của cả nước”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Một cách rõ ràng hơn, Lãnh đạo Chính phủ tái khẳng định, dù có hay không có đặc khu này thì Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vẫn là 2 đầu tàu động lực, cùng 7 vùng kinh tế trọng điểm.

“Chúng ta vẫn phải tiếp tục tập trung cơ chế, chính sách để phát huy thế mạnh của các vùng này để làm lan tỏa đến các địa phương và các vùng khác”, Phó Thủ tướng nói, “Tôi nghĩ việc ra đời các đặc khu này không ảnh hưởng, tác động gì đến quan điểm cũng như phát triển của chúng ta, các nguồn lực của trung ương cũng như địa phương để tập trung cho 2 đầu tàu và 7 khu kinh tế trọng điểm này”.

Trước chất vấn của đại biểu Nguyễn Văn Thân (tỉnh Thái Bình) về cơ chế lựa chọn Chủ tịch UBND Đặc khu có bảo đảm chọn được người tài không? Phó Thủ tướng cho biết, cán bộ quản lý đặc khu cũng phải đặc biệt. “Lựa chọn cán bộ có quy trình chặt chẽ: Chủ tịch UBND tỉnh giới thiệu, Bộ Nội vụ thẩm định, HĐND bầu còn Thủ tướng phê chuẩn. Hy vọng sẽ chọn được người tài”, Phó Thủ tướng cho biết.

Về vấn đề liên kết vùng, Phó Thủ tướng khẳng định, cần phải có quy hoạch phát triển vùng, việc này Nhà nước phải làm và cùng với đầu tư công, đầu tư toàn xã hội để hoàn thiện hạ tầng, ưu tiên đầu tư các lĩnh vực có tính lan toả.

“Nhà nước tạo cơ chế cho doanh nghiệp tham gia vào các chuỗi giá trị ở vùng này chứ Nhà nước không làm”, Phó Thủ tướng nói.

“Hiện nay Miền Trung có cơ chế điều phối tự nguyện theo mô hình Hội đồng vùng. Ở Đồng bằng sông Cửu Long, thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang giữ vai trò Tổ trưởng điều phối nhưng đúng là chưa đủ hiệu lực. Ngay ở Đông Nam Bộ, các tỉnh cũng đang đề nghị Thủ tướng hoặc một Phó Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch liên kết vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết.

Đấu tranh phòng, chống tham nhũng không ảnh hưởng gì đến môi trường đầu tư kinh doanh

Kể rằng, khi đi tham gia diễn đàn kinh tế tại Davos, nhiều quan chức các nước, lãnh đạo các nước và nhiều tập đoàn, họ có hỏi rằng nếu đấu tranh phòng, chống tham nhũng gay gắt như vậy có ảnh hưởng gì đến môi trường đầu tư kinh doanh hay không, Phó Thủ tướng cho biết, câu trả lời là hoàn toàn không!

Bằng chứng là năm 2017 chúng ta thắng lợi toàn diện, cả về mặt trận đấu tranh phòng chống lãng phí và cả về mặt kinh tế.

Chính phủ quan điểm rằng, trong giai đoạn hiện nay phải làm hai nhiệm vụ kép. Một mặt, phải tạo ra những năng lực sản xuất mới, đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế để có năng xuất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao hơn. Nhưng mặt khác, phải cũng nghiêm khắc với những vấn đề còn tồn tại rất nhiều trong nền kinh tế, nhất là các lĩnh vực liên quan đến đất đai, liên quan đến cổ phần hóa, liên quan đến tài chính, ngân hàng, hải quan. Lĩnh vực công tác cán bộ cũng có những vấn đề rất bức xúc.

“Như các đồng chí biết, thanh tra Chính phủ đã vào cuộc và kết quả thanh tra cũng đã có báo cáo với Quốc hội về số vụ và số phát hiện ra cùng với kết quả của công tác kiểm toán. Cơ quan cảnh sát điều tra của Bộ Công an cũng đã tiến hành điều tra khởi tố một cách rất kịp thời những đối tượng và đã xử rất nhiều các vụ án, nhất là liên quan đến vấn đề tham nhũng về kinh tế”, Phó Thủ tướng báo cáo.

Có thể kiểm soát được lạm phát trong khoảng 3,72-3,94%

Đại biểu Lê Thu Hà - Lào Cai lo ngại về nguy cơ lạm phát tăng cao trong những tháng cuối năm 2018.

Theo vị đại biểu này, năm 2017 chỉ số CPI có xu hướng thấp dần về cuối năm nhưng 2018 thì bình quân 5 tháng CPI đã tăng 3,01% so với cùng kỳ năm trước. Trước sức ép giá dầu thô thế giới diễn biến phức tạp với chiều hướng dự báo có thể vượt 70USD/thùng. Cộng với việc tăng giá các dịch vụ y tế, giá thực phẩm, xăng dầu, giá điện rồi tăng thêm 6,5% lương tối thiểu vùng từ 1/1/2018, cử tri rất lo lắng khả năng nguy cơ lạm phát tăng cao trong những tháng cuối năm 2018. Tuy nhiên, Chính phủ cũng đã khẳng định quyết tâm của mình, đó là sẽ duy trì chỉ số CPI trong ngưỡng 4%.

“Vậy, theo Phó Thủ tướng, điều này có khả thi hay không? Và ngoài giải pháp sử dụng quỹ bình ổn giá thì Chính phủ sẽ có những giải pháp hữu hiệu gì để kiểm soát chỉ số giá trong bối cảnh hiện nay để cử tri thực sự yên tâm”, đại biểu Hà đặt câu hỏi.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Hà, Phó Thủ tướng cho biết, trong tháng 5 CPI tăng 0,55% đây là mức tăng cao nhất của tháng 5 trong 6 năm liên tiếp.

Lý giải về hiện tượng tăng cao của CPI tháng 5, lãnh đạo Chính phủ chỉ rõ, có 2 nguyên nhân chính, 2 cái này tích hợp cùng thời điểm với nhau đó là giá dầu thế giới thành phẩm thị trường Singapore có lúc lên đến 88 đô la Mỹ/1 thùng tức là tăng 25 đến 30%.

Trong khi đó, giá thịt lợn hơi từ trước khoảng 40.000 đến 50.000 xuống đến 20.000, giờ tăng trở lại theo mức như cũ.

“Riêng nhóm thịt lợn hơi và thực phẩm đã làm cho CPI tăng lên khoảng 0,25% và chúng ta phải điều chỉnh giá xăng dầu theo giá thế giới 2 lần thì tác động tổng số là 0,16%. Riêng 2 nhóm này bằng 0,45% rồi”, Phó Thủ tướng dẫn giải.

Hiện nay Chính phủ đang chỉ đạo sử dụng quỹ bình ổn giá để điều tiết bớt phần xăng dầu này. Giá xăng dầu thế giới tăng bình quân khoảng 25%, nhưng giá xăng trong nước mới điều chỉnh khoảng 9,3%.

“Chúng ta sử dụng triệt để công cụ bình ổn”, Phó Thủ tướng cho biết.

Về lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ công, Phó Thủ tướng cho biết, Thủ tướng Chính phủ kết luận một cách rõ ràng là năm nay đảm bảo Quốc hội với cử tri là không tăng giá điện mặc dù áp lực tăng giá điện khoảng 4.600 tỷ đồng.

Thủ tướng và Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực phải tiết giảm chi phí để không tăng giá điện trong năm nay.

“Còn giá dịch vụ y tế chúng ta sẽ chờ đến cuối năm để đưa bước ba là chi phí quản lý vào nếu thuận lợi, còn trong trường hợp không thuận lợi thì chúng ta để sang năm”, Phó Thủ tướng cung cấp thêm thông tin.

Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng cho biết, Chính phủ cũng đang chỉ đạo sửa đổi Thông tư 37 để giảm được khoảng 80 loại dịch vụ y tế. Tăng cường đấu thầu, đấu giá về thuốc chúng ta cũng kéo giảm được giá thuốc xuống.

“Với nhiều giải pháp như vậy, chúng tôi tin có thể kiểm soát được lạm phát trong phạm vi cơ quan điều hành giá đang tính toán khoảng 3,72 đến 3,94, tức là trong mức giới hạn an toàn mà Quốc hội đã cho phép, nếu không có gì đột xuất xảy ra”, Phó Thủ tướng khẳng định./.