Thứ trưởng Bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Lê Tiên

Năm 2025, quy mô nền kinh tế chia sẻ toàn cầu có thể đạt 335 tỷ USD

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng nhấn mạnh, kinh tế chia sẻ đã trở thành hiện tượng mang tính toàn cầu, với sự mở rộng mạnh mẽ các nền tảng công nghệ sang nhiều quốc gia, với ý tưởng về sự chia sẻ và văn hóa cộng tác được lan tỏa nhanh chóng trên khắp thế giới.

Quy mô nền kinh tế chia sẻ toàn cầu được ước tính có thể tăng hơn 20 lần từ 14 tỷ USD năm 2014 lên 335 tỷ USD vào năm 2025.

Trong bối cảnh mô hình tăng trưởng truyền thống của Việt Nam không còn nhiều dư địa, theo Thứ trưởng Thắng, kinh tế chia sẻ - với ý nghĩa tích cực và tiềm năng rất lớn của nó, được kỳ vọng sẽ là một trong những chìa khóa để tận dụng, phát huy những thành tựu cách mạng khoa học, công nghệ, trở thành nhân tố động lực mới góp phần thúc đẩy tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững của Việt Nam.

Làm rõ hơn về kinh tế chia sẻ, TS. Nguyễn Tuệ Anh (Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết, kinh tế chia sẻ cũng đã trở nên phố biến và tăng trưởng nhanh tại châu Âu và nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam.

Bà Tuệ Anh đánh giá, kinh tế chia sẻ là mô hình kinh doanh mà các nước đang phát triển cần khuyến khích.

Bởi, mô hình này tạo ra 1 phương thức kinh doanh mới, mở ra cơ hội kinh doanh mới dựa trên nền tảng số, ứng dụng công nghệ 4.0. Thị trường cạnh tranh hơn và loại hình dịch vụ đa dạng hơn, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng. Mở ra cơ hội đầu tư, tạo việc làm cho người lao động, tăng thêm thu nhập. Tiết kiệm tài nguyên, tận dụng tối đa công suất tài sản dư thừa, bảo vệ môi trường. Giảm các chi phí giao dịch trong hoạt động kinh doanh

Đặc biệt, theo bà Tuệ Anh, mô hình này đang thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp ở Việt Nam.

Hoạt động kinh tế chia sẻ vận hành theo phương thức kinh doanh mới, đang tái cấu trúc nhiều ngành nghề kinh tế, nhất là khu vực dịch vụ với nhiều ưu điểm: tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực, linh hoạt cao, tạo nhiều cơ hội hơn cho người sử dụng, tính minh bạch cao, tăng cạnh tranh trên các thị trường có kinh tế chia sẻ tham gia.

“Kinh tế chia sẻ cũng là cơ hội cải cách bộ máy hành chính theo hướng chính phủ số và thúc đẩy cải cách thể chế nhằm phát triển nền kinh tế số và tham gia Cách mạng Công nghệ 4.0”, bà Tuệ Anh nhấn mạnh.

Kinh tế chia sẻ cũng đặt ra nhiều thách thức

Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cũng thẳng thắn chỉ rõ, kinh tế chia sẻ tại Việt Nam chủ yếu mang tính tự phát, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến quyền lợi và nghĩa vụ của các bên tham gia trong cung cấp dịch vụ. Cơ quan nhà nước còn lúng túng trong xác định bản chất, cũng như cách thức quản lý mô hình mang tính chất kinh tế chia sẻ.

Hệ thống pháp luật hiện hành về doanh nghiệp, đầu tư, thuế hiện khó hoặc không thể can thiệp và thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước của mình đối với sản phẩm của kinh tế chia sẻ.

Có thể nói những lợi ích và rủi ro cho nền kinh tế, cũng như người tiêu dùng cũng đã xuất hiện.

Tuy nhiên, mô hình này cũng làm nảy sinh các mối quan hệ mới trên thị trường, quan hệ 3 bên (thay vì 2 bên) trong hợp đồng kinh tế; tạo xung đột lợi ích với mô hình kinh doanh truyền thống; chưa có đủ căn cứ để người dùng quen và được bảo vệ qua nền tảng và cạnh tranh không công bằng, tập trung kinh tế.

Đối với quản lý nhà nước, bà Tuệ Anh cho rằng, kinh tế chia sẻ tạo sự khó kiểm soát, đặc biệt các nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước (điều kiện kinh doanh, hóa đơn điện tử, thanh toán xuyên biên giới, thanh kiểm tra...), an toàn lao động, bảo hiểm tài sản, bảo hiểm xã hội…

Để có thể tạo môi trường cho kinh tế chia sẻ phát triển, bà Tuệ Anh cho rằng, cần xem xét điều chỉnh các luật và quy định không phù hợp với kinh tế chia sẻ.

Bên cạnh đó, cần xác định các chính sách, quy tắc và quy định mới trong các lĩnh vực hoạt động của kinh tế chia sẻ.

Vậy, cần phải làm gì?

Bà Tuệ Anh cũng cho rằng, Nhà nước cần thay đổi tư duy, cách tiếp cận trong xây dựng và thực thi chính sách (hợp tác, phối hợp liên ngành, liên cấp, kết nối dữ liệu) cho phù hợp với xu hướng phát triển nền kinh tế số, ứng dụng công nghệ 4.0. Trong đó, kinh tế chia sẻ là một ứng dụng.

TS. Lucy Cameron, chuyên gia tư vấn nghiên cứu cao cấp tại Tổ chức nghiên cứu khoa học và Công nghiệp Liên bang Úc (CSIRO) cho rằng, trong bối cảnh Cách mạng Công nghệ 4.0, nếu dựa vào nguồn lao động thông minh, Việt Nam có thể vượt qua bẫy thu nhập trung bình để trở thành nước có thu nhập trung bình cao.

Song, bà cũng lưu ý rằng, các chính sách cũng phải đổi mới sáng tạo không thể sử dụng chính sách truyền thông.

Còn TS. Sarah Pearson, Giám đốc Phòng sáng tạo, Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc, Canberra nhận định, đổi mới sáng tạo là động từ đang diễn ra.

Trong bối cảnh hiện nay, theo vị chuyên gia này, vai trò của Chính phủ chủ yếu là khuyến khích cho nhiều người hơn tham gia vào kinh tế chia sẻ.

“Chính phủ cần tạo điều kiện cho đổi mới sáng tạo thay vì đứng chặn đường trong phát triển”, bà Sarah Pearson đề xuất, cần có những khuyến khích để có start up nhiều hơn.

Bà Sarah Pearson cũng cho rằng, giáo dục cũng là mảng nội dung quan trọng mà Chính phủ phải tham gia, đặc biệt, cần khuyến khích quá trình tự học, tự nghiên cứu nhiều hơn.

“Nhiều công ty cũng đang đào tạo cho nhân viên mình nhiều kỹ năng. Chính phủ cũng nên có những chính sách khuyến khích doanh nghiệp làm điều này”, bà Sarah Pearson nhấn mạnh.

Bà đề xuất, Chính phủ nên mua các sản phẩm, ý tưởng ban đầu của startup trong kinh tế chia sẻ ngay từ giai đoạn đầu.

Dẫn kinh nghiệm triển khai kinh tế chia sẻ tại Australia, TS. Stefan Hajkowicz, Trưởng nhóm Data61, Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Liên bang Úc (CSIRO) chỉ rõ, cả thế giới sáng tạo đổi mới, nhưng nếu chúng ta không làm gì cả, thì chúng ta bị bỏ lại đằng sau.

“Vai trò của Chính phủ rất lớn, không chỉ về kỹ năng, mà còn là quan điểm, thái độ và tư duy của mình về vấn đề sáng tạo, đổi mới”, TS. Stefan Hajkowicz nói và nêu quan điểm: “Phải xây dựng năng lực phát triển ID, để chúng ta là tiên phong trong lĩnh vực này. Nếu không đứng thứ nhất, chúng ta chẳng là gì cả”./.