Ngày 13/7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 - Industry 4.0 Summit 2018 - với chủ đề “Tầm nhìn và chiến lược phát triển đột phá trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư”.

Thủ tướng tham dự phiên đối thoại chính sách tại Diễn đàn cấp cao Tầm nhìn và chiến lược phát triển đột phá trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư

Cùng tham dự có gần 2.000 đại biểu, gồm 11 đại sứ và đại diện các tổ chức quốc tế, hơn 50 chuyên gia hàng đầu khu vực và thế giới, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Sự kiện do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì tổ chức.

Cách mạng Công nghiệp 4.0 đã vào Việt Nam

Phát biểu mở đầu phiên đối thoại chính sách tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đã vào Việt Nam, đã rất gần chúng ta.

Thủ tướng khẳng định, Đảng, Chính phủ Việt Nam luôn sẵn sàng lắng nghe các ý kiến và đây là cơ hội tốt để Việt Nam thu hút về đầu tư, thương mại, dịch vụ, giáo dục đào tạo khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 áp dụng tại Việt Nam.

Theo Thủ tướng, không phải bây giờ mà ngay trong quá trình áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới và chuyển giao khoa học công nghiệp, Việt Nam đã chủ động triển khai, chuyển giao, ứng dụng và nghiên cứu phát triển công nghệ. Các công nghệ mới của công nghiệp 4.0 đã phát huy tác dụng ở Việt Nam và mang lại những đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội.

“Tuy nhiên, những kết quả mới chỉ là bước đầu, cơ hội và tiềm năng phát triển còn rất lớn”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng khẳng định, Chính phủ Việt Nam quyết tâm xây dựng các định hướng lâu dài và chính sách cụ thể. Đồng thời, Việt Nam mong muốn hợp tác với các đối tác phát triển, các doanh nghiệp, chuyên gia quốc tế.

“Chúng tôi rất đồng tình với cách đặt vấn đề của chuyên gia, diễn giả nêu ra hôm nay”. Đó là liệu Việt Nam có thể nằm ngoài của cách mạng công nghiệp 4.0? Câu trả lời ngắn gọn là không - Công nghiệp 4.0 là một cuộc chơi mà mỗi quốc gia sẽ phải mặc định là một phần trong đó”, Thủ tướng khẳng định, “Vấn đề đặt ra cho Việt Nam là lựa chọn nắm bắt cơ hội, sớm lên đoàn tàu 4.0 hay để trôi qua? Câu trả lời cũng hết sức rõ ràng, với quyết tâm của cả hệ thống chính trị và ý chí của người Việt Nam, chúng ta sẵn sàng vượt qua thách thức để nắm bắt lấy cơ hội, nhanh chóng bước lên con tàu 4.0”.

"Mặc dù phải chú ý đến những yếu tố tác động tiêu cực, nhưng Cách mạng Công nghệ 4.0 thực sự là cơ cơ hội để dân tộc Việt Nam thực hiện khát vọng phồn vinh. Chúng ta hãy cùng nỗ lực, biến khát vọng thịnh vượng của quốc gia, dân tộc thành việc làm, hành động và kết quả cụ thể trên từng lĩnh vực", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng: Cách mạng Công nghệ 4.0 thực sự là cơ cơ hội để dân tộc Việt Nam thực hiện khát vọng phồn vinh

Nhiều chính sách liên quan sẽ được xây dựng thời gian tới

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Chính phủ Việt Nam, các bộ, ngành sẽ phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương xây dựng Nghị quyết của Bộ Chính trị về Cách mạng Công nghiệp 4.0; xây dựng Chiến lược Quốc gia về Cách mạng Công nghiệp 4.0 với sự tham gia của các bộ, ngành, chuyên gia, tổ chức quốc tế với tốc độ cao và dự kiến cuối năm nay sẽ xây dựng Chiến lược quốc gia để thực hiện Nghị quyết này.

Xây dựng Đề án thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo của quốc gia, trong đó, chú trọng hơn nữa việc xây dựng thành công Chính phủ điện tử, thành phố thông minh ở Việt Nam. Xây dựng mạng lưới nhân tài, kể cả người Việt và những người quan tâm đến Việt Nam, các chuyên gia giỏi của quốc tế về Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp tập trung vào một số nội dung. Đó là, tiếp tục bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng, phát triển nền kinh tế số và công nghiệp thông minh. Tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật, chú trọng các quy định nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhanh chóng hấp thụ và phát triển được công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới; tiếp tục chủ động rà soát, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không còn phù hợp.

Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là công nghệ thông tin-truyền thông, phát triển hạ tầng kết nối số, bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Hoàn thiện mạng di động 4G, nghiên cứu triển khai 5G, đáp ứng yêu cầu Internet kết nối vạn vật trong thời gian sớm nhất. Phát triển nhanh nguồn nhân lực, thúc đẩy triển khai giáo dục về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) trong chương trình giáo dục phổ thông. Nâng cao năng lực nghiên cứu, giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học; tăng cường giáo dục kỹ năng, kiến thức cơ bản, tư duy sáng tạo, khả năng thích nghi, chuyển đổi nghề nghiệp với những yêu cầu của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Phát triển khoa học công nghệ, hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Triển khai các hướng nghiên cứu khoa học công nghệ mũi nhọn về công nghệ thông tin, vật lý, sinh học, trí tuệ nhân tạo... Lựa chọn phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm cạnh tranh chiến lược của quốc gia bám sát và tích hợp những công nghệ mới. Tập trung phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, có chính sách để phát triển mạnh doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm hoàn thành việc xây dựng Chiến lược quốc gia về cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0; Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng Báo cáo khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam 2035; từng bộ, ngành, địa phương xây dựng chương trình hành động trong đó xác định rõ mục tiêu ưu tiên, các giải pháp thực hiện cụ thể, phù hợp.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Diễn đàn

Phải làm sao “xoá mù” công nghệ

Cũng tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, dù còn có tranh luận nhưng cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đang thực sự diễn ra với cả thời cơ lẫn thách thức.

Cơ hội bao giờ cũng bình đẳng với mọi người, mọi quốc gia nhưng với những quốc gia, nền kinh tế có thu nhập thấp như Việt Nam thì dù là bình đẳng về cơ hội nhưng thực tế rất dễ bị bỏ lại phía sau nếu không hành động quyết liệt và thật nhanh.

Và hành động không chỉ từ Chính phủ mà phải là từ mọi người, đặc biệt là các doanh nghiệp, từng người dân.

Trong Chính phủ thì tất cả các ngành, các cấp phải hành động chứ không chỉ riêng Bộ Khoa học và Công nghệ hay ngành khoa học, công nghệ.

Phó Thủ tướng cho biết, yêu cầu đặt ra là phải đổi mới bằng được hệ thống sáng tạo quốc gia. Hệ thống này trước đây có các chủ thể chính là Chính phủ, viện nghiên cứu, trường đại học còn các doanh nghiệp thì không rõ vai trò. Còn bây giờ hệ thống sáng tạo mới phải lấy doanh nghiệp làm chủ thể trung tâm, Chính phủ, các viện nghiên cứu và các trường đại học đóng vai trò hỗ trợ và phải tăng yêu cầu nghiên cứu trong các trường đại học.

Hệ thống sáng tạo quốc gia còn phải thực hiện khơi dậy sự sáng tạo, tôn vinh giá trị sáng tạo của mọi cá nhân.

“Đặc biệt trong thời đại công nghệ số phải làm sao ‘xoá mù’ công nghệ, mọi người đều được trang bị kiến thức về công nghệ”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đao tạo theo Nghị quyết 29. Đó là xây dựng con người Việt Nam nhân văn, có tinh thần yêu nước, ý thức công dân toàn cầu, khai mở trí tuệ, mạnh dạn sáng tạo…

Cùng với đó, Việt Nam cần phát triển mạnh mẽ công nghệ thông tin ở cả bốn trụ cột là hạ tầng, ứng dụng, công nghiệp, nhân lực. Cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước theo xu hướng mới như Internet kết nối vạn vật (IoT), cá nhân hóa thông tin.

“Chúng ta phải tăng cường kết nối không chỉ là giữa thiết bị với thiết bị mà kết nối thiết bị với con người, đặc biệt là con người với con người. Đây là yếu tố rất quan trọng. Khi chúng ta kết nối một cách thông minh thì sẽ huy động được sự đồng thuận của toàn xã hội cũng như nỗ lực của tất cả mọi người, mọi thành phần tham gia để không ai bị bỏ lại phía sau và Việt Nam không bị bỏ lại phía sau cuộc cách mạng này. Đây là điều quan trọng nhất để phát triển bền vững”, Phó Thủ tướng chỉ rõ./.