Việc rút dầu khỏi dự trữ dầu thô toàn cầu, suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu từ số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và khả năng Mỹ miễn trừ trừng phạt ngành dầu lửa Iran là những nguyên nhân dẫn tới việc sụt giảm giá dầu phiên đầu tuần này. Giá dầu thô Brent đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 3 tháng qua.

Dầu thô Brent giảm xuống mức thấp nhất trong 3 tháng

Tại thị trường London, dầu thô Brent LCOU8 giao tháng 9 giảm 3,49 USD/thùng, tương đương giảm 4,6%, đóng cửa ở mức 71,84 USD/thùng. Đây là mức giá đóng cửa thấp nhất của dầu Brent kể từ ngày 17/4, theo dữ liệu của FactSet.

Tại thị trường New York, giá dầu WTI giao tháng 8 giảm 2,9 USD/thùng, tương đương giảm 4,2%, còn 68,06 USD/thùng - mức giá chốt thấp nhất kể từ ngày 21/6.

Phil Flynn, chuyên gia phân tích thị trường cao cấp của Price Futures Group cho biết: “Thị trường đang ở thế phòng thủ vì khả năng dầu được rút từ dự trữ toàn cầu”.

Tờ Wall Street Journal đưa tin hôm thứ 6 (13/7) đưa tin chính quyền Tổng thống Donald Trump đang cân nhắc việc rút dầu từ Cục Dự trữ Dầu khí Chiến lược của nước này để giải quyết tình trạng giá dầu tăng cao. Tuy nhiên, nguồn thạo tin nói rằng nếu diễn ra, việc rút dự trữ dầu lửa chiến lược này sẽ không được thực hiện ngay tức khắc.

Chính phủ Mỹ đang “chịu áp lực ngày càng lớn do giá xăng tăng. Giá xăng trung bình toàn quốc tăng gần 16% kể từ đầu năm”, các nhà phân tích thuộc Ngân hàng ING nhận định.

Fatih Birol, Giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế, cũng cho biết vào tháng trước rằng hành động rút dầu từ dự trữ dầu toàn cầu là một lựa chọn nếu nguồn cung dầu bị cạn kiệt.

Vào hôm thứ 6 (13/7), Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết Mỹ sẽ xem xét việc miễn trừ đối với các lệnh trừng phạt Iran đối với một số nước cần thêm thời gian để giảm nhập khẩu dầu từ Tehran.

Các nhà giao dịch dầu lửa cũng đang lo ngại về sự suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, bởi nó có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu tiêu thụ dầu.

Thứ 2 (16/7), IMF đã cho biết tăng trưởng đang chậm lại ở khu vực sử dụng đồng Euro, Nhật Bản và Vương quốc Anh, đồng thời cảnh báo một sự leo thang trong căng thẳng thương mại có thể trở thành mối đe dọa lớn nhất trong tương lai gần với tăng trưởng toàn cầu.

Trong khi đó, cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin dường như không đưa ra bất kỳ tin tức quan trọng nào về thị trường dầu mỏ, mặc dù kỳ vọng Trump sẽ kêu gọi Nga đẩy mạnh sản xuất dầu để giúp giảm giá dầu thô. Trong một cuộc họp báo, ông Putin chỉ nói rằng Nga và Mỹ, với tư cách là hai cường quốc dầu lửa, có thể hợp tác để điều tiết thị trường dầu lửa toàn cầu.

Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số nước đồng minh, gồm Nga đã hạn chế khai thác dầu từ đầu năm ngoái thì nay đã nhất trí nâng sản lượng dầu thêm nhiều nhất là 1 triệu thùng/ngày trong bối cảnh gián đoạn nguồn cung toàn cầu.

Fawad Razaqzada, nhà phân tích kỹ thuật tại Forex.com cho biết: “Việc bán tháo dầu là sự tiếp tục của động thái giảm điểm bắt đầu vào đầu tháng này khi thị trường nhận thấy rằng nguồn cung dầu thô sẽ tăng.”

Hoạt động sản xuất dầu của Libya được nối lại sau khi nước này mở cửa trở lại các cảng dầu. Theo ông Razaqzada, nguồn cung dầu của OPEC, nhất là Saudi Arabia, sẽ tăng trong nửa cuối năm nay. Bởi vậy, nhà phân tích này cho rằng giá dầu Brent có thể giảm về ngưỡng 70 USD/thùng, từ mức trên 80 USD/thùng vào tháng trước.

Báo cáo hàng tháng do Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố hôm thứ Hai dự báo sản lượng của 7 công ty khai thác dầu đá phiến lớn nhất tại nước này sẽ tăng thêm 143.000 thùng/ngày trong tháng 8 so với mức sản lượng của tháng 7.

Dịch từ nguồn:

https://www.marketwatch.com/story/oil-price-drops-ahead-of-trump-putin-summit-2018-07-16